Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Huyết áp là gì? Tầm quan trọng của chỉ số huyết áp đối với sức khỏe

Ngày 24/04/2023
Kích thước chữ

Huyết áp là gì? Huyết áp là một trong những chỉ số quan trọng đánh giá tình trạng sức khỏe của con người. Nếu huyết áp cao hoặc thấp hơn mức bình thường, có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe và dẫn đến các bệnh lý liên quan đến tim mạch, não và thận.

Bài viết này sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan về huyết áp là gì. Bạn sẽ được tìm hiểu về cách đo và đánh giá huyết áp, cũng như những yếu tố ảnh hưởng đến mức huyết áp của con người. Việc hiểu rõ về huyết áp sẽ giúp bạn có thể tự đánh giá sức khỏe của mình và đưa ra những biện pháp phòng ngừa bệnh tốt hơn.

Tìm hiểu về chủ đề huyết áp 

Huyết áp là gì?

Huyết áp là áp lực mà dòng máu tạo ra khi lưu thông qua thành mạch máu đến các cơ quan trong cơ thể. 

Hai yếu tố quan trọng tạo nên chỉ số huyết áp là sức cản của động mạch và lực co bóp của tim. Trong người bình thường, chỉ số huyết áp thường có sự biến động theo giờ đồng hồ, cao hơn vào ban ngày và thấp hơn vào ban đêm. Thời điểm từ 1 - 3 giờ sáng khi cơ thể đang ngủ là lúc huyết áp ở mức thấp nhất, còn từ 8 - 10 giờ sáng là lúc huyết áp cao nhất. 

Huyết áp của con người được đo bằng hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu (hay còn gọi là huyết áp tối đa): Ở mức bình thường trong khoảng từ 90 - 139 mm Hg.
  • Huyết áp tâm trương (hay còn gọi là huyết áp tối thiểu): Ở mức bình thường trong khoảng từ 60 - 89 mm Hg.

Nếu chỉ số huyết áp vượt quá mức bình thường thì được xem là huyết áp cao, ngược lại là huyết áp thấp. Khi tim hoạt động, huyết áp sẽ thay đổi từ cực đại (hay áp lực tâm thu) đến cực tiểu (hay áp lực tâm trương). Khi máu di chuyển ra từ tim và đi đến các động mạch, huyết áp sẽ dần giảm.

Huyết áp là gì? Tầm quan trọng của chỉ số huyết áp đối với sức khỏe 1
Huyết áp là áp lực máu tác động lên thành mạch

Chỉ số huyết áp ảnh hưởng bởi những yếu tố nào?

Huyết áp tăng lên khi vận động, bị co mạch (do bị lạnh hoặc dùng thuốc co mạch), ăn quá mặn hay trải qua trạng thái xúc động mạnh, căng thẳng thần kinh.

Trái lại, khi ta thư giãn, nghỉ ngơi, dùng thuốc giãn mạch, ra nhiều mồ hôi, ở môi trường nóng hoặc bị tiêu chảy thì huyết áp sẽ giảm xuống. 

Hiểu rõ về huyết áp giúp chúng ta đánh giá tình trạng sức khỏe và áp dụng các biện pháp phòng ngừa và điều trị khi cần thiết.

Huyết áp ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?

Cả huyết áp cao và huyết áp thấp đều gây nguy hiểm đến sức khỏe người bệnh và có thể khiến bệnh nhân phải đối mặt với nhiều nguy cơ. 

Ảnh hưởng của huyết áp cao

Huyết áp cao là một bệnh lý phổ biến và ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. 

  • Biến chứng tức thời: Tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, suy thận cấp, phù phổi cấp, bóc tách động mạch chủ và có thể gây nguy hiểm tới tính mạng người bệnh. 
  • Biến chứng lâu dài: Suy tim, rối loạn tiền đình, bệnh lý về mắt, suy thận mạn, thiếu máu cục bộ cơ tim gây đau thắt ngực, đau cách hồi, phình động mạch hay tăng áp lực máu động mạch.
Huyết áp là gì? Tầm quan trọng của chỉ số huyết áp đối với sức khỏe 2
Tai biến mạch máu não có thể là biến chứng của huyết áp cao

Ảnh hưởng của huyết áp thấp

Huyết áp thấp tuy không gây ra những biến chứng tức thời nguy hiểm như huyết áp cao nhưng huyết áp thấp cũng tiềm ẩn rất nhiều biến chứng nguy hiểm như:

  • Suy giảm chức năng thần kinh, thiếu máu và oxy cung cấp, gây tổn thương cho tim, thận, não gây ra các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đau thắt ngực hay suy thận.
  • Bệnh nhân bị tụt huyết áp có thể dẫn đến tình trạng bị sốc, đặc biệt nguy hiểm đối với người đang vận hành máy móc hay làm việc trên cao.
Huyết áp là gì? Tầm quan trọng của chỉ số huyết áp đối với sức khỏe 3
Đau thắt ngực có thể là biến chứng của giảm huyết áp

Đo huyết áp đúng cách như thế nào?

Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số huyết áp là gì

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả khi thực hiện phương pháp này, bao gồm:

  • Sự lo lắng khi đo;
  • Việc ăn uống trước đo như uống cà phê, bia hoặc rượu;
  • Hoạt động như hút thuốc, tập thể dục hoặc vận động mạnh trước đo;
  • Tư thế ngồi không đúng khi đo;
  • Vị trí đặt thiết bị đo không chính xác;
  • Ngoài ra, việc bệnh nhân nói chuyện trong quá trình đo và thời gian đo trong ngày cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả đo.

Khi đo huyết áp cần lưu ý gì?

Có một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp bao gồm tư thế ngồi, vị trí đo và cách sử dụng máy đo huyết áp. Tư thế ngồi tốt nhất là tựa vào ghế, duỗi thẳng tay để trên mặt bàn phẳng và khủy tay đặt ngang mức với tim. Sau đó, theo hướng dẫn của từng loại máy, đeo bao quấn tay và bấm các nút điều khiển trên thân máy để đo.

Khi đang thực hiện đo, cần giữ nguyên tư thế đúng theo hướng dẫn cho đến khi có kết quả hiển thị trên dụng cụ đo. Sau khi đo xong, ghi nhận kết quả và tắt máy.

Để đảm bảo độ chính xác khi đo huyết áp tại nhà, cần thực hiện:

  • Đo 2 lần/ngày, nên đo vào buổi sáng và tối.
  • Mỗi lần đo 2 lần liên tiếp ở tư thế ngồi, cách nhau khoảng 1 phút.
  • Tiến hành đo liên tục trong 4 ngày, nên đo trong vòng 7 ngày. Kết quả nên lấy giá trị trung bình của các lần đo (trừ ngày đầu tiên và lấy kết quả từ lần thứ 2) để đưa ra chẩn đoán.
Huyết áp là gì? Tầm quan trọng của chỉ số huyết áp đối với sức khỏe 4
Đảm bảo ngồi đúng tư thế khi đo huyết áp

Tự theo dõi huyết áp tại nhà có ý nghĩa như thế nào?

Việc tự theo dõi huyết áp tại nhà là rất quan trọng để xác định tình trạng huyết áp và phát hiện bệnh cao huyết áp một cách chính xác. Điều này đặc biệt quan trọng cho những người mắc bệnh mạn tính như béo phì, tiểu đường, bệnh lý tim mạch, những người đang điều trị theo tư vấn của bác sĩ chuyên khoa, người lớn tuổi, phụ nữ có thai trong giai đoạn 3 tháng cuối và những người có tiền sử bị huyết áp cao hoặc huyết áp thấp.

Việc này cũng giúp phát hiện các dấu hiệu của huyết áp thấp và giúp bạn kiểm soát tình trạng sức khỏe của mình.

Thông qua những thông tin trên, hy vọng bạn đã có thể hiểu rõ hơn về huyết áp là gì cũng như cách đánh giá và ảnh hưởng của huyết áp đến sức khỏe. Việc theo dõi chỉ số huyết áp là vô cùng quan trọng để kiểm soát tốt các bệnh liên quan.

Xem thêm: Những thông tin bạn cần biết về huyết áp động mạch

Ánh Tuyết

Nguồn tham khảo: vinmec.com, medlatec.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể.Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Thị Dương

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại Học Dược Hà Nội và có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Nhiều năm công tác giảng dạy tại các trường trung cấp và cao đẳng dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin