Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chronic inflammation là gì? Kiến thức cần có để phòng ngừa các bệnh liên quan

Ngày 19/09/2024
Kích thước chữ

Chronic inflammation là gì? Chronic inflammation (viêm mãn tính) là phản ứng kéo dài của hệ miễn dịch trước sự tổn thương hoặc nhiễm trùng trong cơ thể. Thay vì bảo vệ, tình trạng này có thể gây hại cho mô và các cơ quan, dẫn đến nhiều bệnh lý như tiểu đường, tim mạch và ung thư. Để ngăn chặn những tác động tiêu cực về sức khỏe trong tương lai, việc kiểm soát các yếu tố gây viêm mãn tính là rất cần thiết.

Chronic inflammation là một tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nhiều nguy cơ mà không phải ai cũng nhận ra. Tình trạng này không dễ phát hiện và nếu không được kiểm soát kịp thời, nó có thể dẫn đến tổn thương mô và gây hại lâu dài cho cơ thể. Bài viết này sẽ mang đến cho bạn cái nhìn sâu sắc hơn về chronic inflammation là gì và những biện pháp ngăn ngừa để duy trì sức khỏe toàn diện.

Chronic inflammation là gì?

Định nghĩa về chronic inflammation 

Chronic inflammation, hay viêm mãn tính, là tình trạng viêm kéo dài có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Mức độ ảnh hưởng của viêm khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra và khả năng tự hồi phục của cơ thể. Tình trạng này nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến những tổn thương lâu dài và gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

chronic-inflammation-la-gi-kien-thuc-can-co-de-phong-ngua-cac-benh-lien-quan 1
Mức độ và tác động của viêm mãn tính có sự khác biệt ở từng người

Các loại viêm mãn tính

Viêm tăng sinh không đặc hiệu: Được nhận biết bởi sự tạo thành mô hạt không đặc hiệu, với sự xâm nhập của các tế bào đơn nhân và sự tăng sinh của mô liên kết, nguyên bào sợi, mạch máu và tế bào biểu mô.

Viêm u hạt: Là một dạng viêm mãn tính đặc biệt, được đặc trưng bởi sự xuất hiện của các tổn thương dưới dạng nốt hoặc u hạt. Trong các u hạt, các đại thực bào hoặc tế bào biểu mô có thể kết hợp để tạo thành các tế bào khổng lồ, chẳng hạn như tế bào khổng lồ Langhans hoặc các loại tế bào khổng lồ khác. Có hai loại u hạt:

  • U hạt do tác nhân bên ngoài: Được hình thành do phản ứng miễn dịch qua trung gian tế bào T với các vật thể ngoại lai, ví dụ như bệnh bụi silic.
  • U hạt nhiễm trùng: Thường gặp ở người bệnh lao và phong.

Chronic inflammation: Nguyên nhân, triệu chứng và tác động lâu dài

Nguyên nhân gây viêm mãn tính

Tình trạng viêm mãn tính có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm:

  • Các yếu tố dẫn đến viêm cấp tính thường là những tình trạng như nhiễm trùng hoặc chấn thương mà chưa được can thiệp kịp thời.
  • Rối loạn tự miễn, trong đó hệ miễn dịch có thể nhầm lẫn và tấn công các tế bào và mô bình thường.
  • Sự tiếp xúc lâu dài với các chất kích thích, như hóa chất công nghiệp hoặc không khí ô nhiễm.
chronic-inflammation-la-gi-kien-thuc-can-co-de-phong-ngua-cac-benh-lien-quan 2
Hít thở không khí ô nhiễm trong một thời gian dài có khả năng dẫn đến viêm mãn tính

Điều quan trọng cần nhớ là không phải ai cũng mắc viêm mãn tính vì những nguyên nhân kể trên, trong một số trường hợp có thể không có nguyên nhân rõ ràng.

Theo nhận định của các nhà chuyên môn, còn nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến viêm mãn tính, chẳng hạn như:

  • Hút thuốc.
  • Sử dụng rượu bia kéo dài.
  • Căng thẳng mãn tính.
  • Tuổi tác.

Các triệu chứng của viêm mãn tính

So với viêm cấp tính, các dấu hiệu của viêm mãn tính thường khó phát hiện hơn. Bạn có thể gặp phải:

  • Đau bụng.
  • Đau ngực.
  • Mệt mỏi và/hoặc mất ngủ.
  • Sốt.
  • Đau khớp hoặc cứng khớp.
  • Vết loét miệng.
  • Phát ban da.
  • Rối loạn tâm lý.
  • Vấn đề tiêu hóa, như tiêu chảy, táo bón và trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Tăng hoặc giảm cân.
  • Nhiễm trùng tái phát.
chronic-inflammation-la-gi-kien-thuc-can-co-de-phong-ngua-cac-benh-lien-quan 3
Khi bị viêm mãn tính, bạn có thể bị sốt

Viêm mãn tính gây ra những tác động nào lên cơ thể?

Viêm mãn tính có thể gây ra phản ứng viêm làm hư hại các tế bào, mô và cơ quan bình thường, dẫn đến tổn thương mô theo thời gian.

Các vấn đề này liên quan đến sự phát triển của nhiều bệnh lý, bao gồm:

  • Ung thư;
  • Bệnh tim;
  • Tiểu đường loại 2;
  • Ở người cao tuổi, viêm mãn tính gây suy giảm trí nhớ và khả năng nhận thức.

Biến chứng của viêm mãn tính

Dù diễn ra một cách âm thầm, viêm mãn tính lại là nguyên nhân tiềm ẩn cho nhiều bệnh lý nghiêm trọng:

  • Bệnh tim mạch: Viêm góp phần gây xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ.
  • Ung thư: Một số loại ung thư (ung thư tuyến tiền liệt, thận, phổi và gan).
  • Tiểu đường: Viêm nhiễm trong bệnh tiểu đường không chỉ gây ra các biến chứng mạch máu lớn như đột quỵ và nhồi máu cơ tim, mà còn ảnh hưởng đến mạch máu nhỏ.
  • Viêm khớp dạng thấp: Do di truyền và các yếu tố môi trường như hút thuốc, tình trạng viêm mãn tính này gây ra phản ứng tự miễn, tổn thương khớp và có thể có tiên lượng xấu nếu không điều trị kịp thời.
  • Hen suyễn, viêm mũi dị ứng: Phản ứng viêm ở đường thở làm suy giảm chức năng hô hấp và thay đổi cấu trúc mô.
  • COPD: Viêm mãn tính do kích thích hít phải gây tắc nghẽn phổi và khó thở kéo dài.
  • Alzheimer: Viêm mãn tính mức độ thấp góp phần vào suy giảm nhận thức và trí nhớ.
  • Bệnh thận mãn tính (CKD): Tình trạng viêm có thể làm gia tăng nguy cơ tiến triển của bệnh thận và nguy cơ tử vong.
  • Bệnh viêm ruột (IBD): Viêm mãn tính ở đường tiêu hóa dẫn đến viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
chronic-inflammation-la-gi-kien-thuc-can-co-de-phong-ngua-cac-benh-lien-quan 4
Viêm nhiễm trong tiểu đường dẫn đến những biến chứng trên mạch máu lớn và mạch máu nhỏ

Phương pháp chẩn đoán và biện pháp phòng ngừa cần thiết

Viêm mãn tính được xác định qua những phương pháp nào?

Hiện nay, chưa có bất kỳ xét nghiệm đặc hiệu nào được sử dụng riêng để chẩn đoán viêm mãn tính. Xét nghiệm protein C-reactive (CRP) trong máu có khả năng phát hiện viêm hoặc nhiễm trùng, trong khi đó protein C-reactive nhạy cảm cao (hsCRP) có thể phản ánh tình trạng viêm tại tim.

Rất nhiều người không hay biết về tình trạng viêm mãn tính của mình cho đến khi được chẩn đoán với một căn bệnh khác. Khi bạn có những dấu hiệu điển hình của viêm mãn tính, việc thăm khám bác sĩ là vô cùng cần thiết. Họ sẽ biết các bước đầu tiên cần thực hiện khi chẩn đoán.

Biện pháp phòng ngừa chronic inflammation là gì?

Việc hiểu rõ tác động tiêu cực của viêm mãn tính đối với sức khỏe là rất quan trọng. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là bạn có khả năng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để bảo vệ sức khỏe của mình. Dưới đây là tám cách gợi ý để bạn thực hiện:

  • Giảm stress: Có thể tập yoga, thiền định và viết nhật ký.
  • Uống trà: Polyphenol trong trà xanh và trà đen đã được nghiên cứu và cho thấy có tác dụng chống viêm hiệu quả.
  • Đặt lịch massage hoặc châm cứu: Nghiên cứu cho thấy cả massage và châm cứu đều có thể giúp giảm viêm, giảm đau.
  • Hạn chế thuốc lá và tiêu thụ rượu bia một cách hợp lý.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục đều đặn (ít nhất 3 - 5 lần mỗi tuần) không chỉ giúp duy trì sức khỏe và thể lực mà còn hỗ trợ giảm viêm.
  • Chọn thực phẩm chống viêm: Nhiều loại thực phẩm có khả năng chống viêm, chẳng hạn như cá béo (như cá hồi, cá mòi), rau củ quả nhiều màu sắc, ngũ cốc nguyên hạt và chất béo lành mạnh.
  • Xem xét việc nhịn ăn gián đoạn: Nhịn ăn gián đoạn là một lựa chọn đáng cân nhắc, tất nhiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước. Các nghiên cứu cho thấy nó có thể giảm viêm, dù bạn không giảm cân.
  • Giảm cân: Viện Y tế Quốc gia cho rằng giảm cân là biện pháp tối ưu để làm giảm tình trạng viêm mãn tính.
chronic-inflammation-la-gi-kien-thuc-can-co-de-phong-ngua-cac-benh-lien-quan 5
Việc duy trì thói quen tập thể dục 3 - 5 lần mỗi tuần có thể giúp giảm tình trạng viêm

Tóm lại, chronic inflammation (viêm mãn tính) là một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nhiều nguy cơ, có thể gây hại lớn cho cơ thể nếu không được nhận diện và xử lý kịp thời. Khi hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng và cơ chế của chronic inflammation là gì, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc phòng ngừa và kiểm soát tình trạng này.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin