Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Chủ động tầm soát đột quỵ: Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm

Ngày 30/04/2023
Kích thước chữ

Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh nguy hiểm để lại nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Tầm soát đột quỵ được xem là phương pháp hiệu quả giúp giảm thiểu các rủi ro cũng như bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của mọi người.

Đột quỵ là một trong những bệnh lý thần kinh phổ biến, có thể xuất hiện ở mọi giới tính, mọi độ tuổi và trong bất kỳ thời gian nào. Tình trạng này xảy ra khi máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gián đoạn hoặc suy giảm đột ngột khiến não bị thiếu oxy và dinh dưỡng dẫn tới tổn thương, các tế bào não chết hàng loạt trong thời gian ngắn.

Đột quỵ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như trầm cảm, lú lẫn, mất trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, nhiễm trùng tiết niệu,... Nếu không được can thiệp kịp thời, người bệnh đột quỵ có thể liệt nửa người hoặc liệt toàn cơ thể, thậm chí tử vong.

Mặc dù nguy hiểm nhưng đột quỵ hoàn toàn có thể được phòng ngừa thông qua tầm soát các yếu tố nguy cơ hoặc nguyên nhân gây tắc mạch máu não, chảy máu não.

Thế nào là tầm soát đột quỵ?

Tầm soát đột quỵ là phương pháp được sử dụng để đánh giá các yếu tố nguy cơ gây ra đột quỵ như tiểu đường, rối loạn lipid máu, cao huyết áp, rối loạn nhịp tim, dị dạng mạch máu hay bệnh van tim bẩm sinh,...cũng như sớm phát hiện các bất thường về sức khoẻ thông qua các xét nghiệm chẩn đoán như chụp MRI, siêu âm tim mạch, xét nghiệm công thức máu,...

Sau tầm soát, nếu phát hiện người bệnh gặp phải các yếu tố nguy cơ hoặc vấn đề sức khoẻ liên quan, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp, tư vấn chế độ ăn uống - sinh hoạt hợp lý để giảm thiểu nguy cơ đột quỵ.

Chủ động tầm soát đột quỵ: Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 01
Tầm soát đột quỵ giúp giảm thiểu các yếu tố nguy cơ từ sớm

Ai nên tiến hành tầm soát đột quỵ?

Tất cả mọi người đều nên làm tầm soát đột quỵ từ 1 - 2 năm/lần. Trong đó một số người thuộc nhóm nguy cơ cao cần thực hiện tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt, bao gồm:

  • Người trên 55 tuổi và có ít nhất 1 yếu tố nguy cơ hoặc người trên 45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ gây đột quỵ. 
  • Người có người thân bị đột quỵ hoặc từng bị đột quỵ.
  • Người mắc các bệnh lý về tim mạch, tiểu đường, đau nửa đầu Migraine, thiếu máu cục bộ thoáng qua, chứng ngưng thở khi ngủ,...
  • Người bị cao huyết áp.
  • Người thừa cân - béo phì, có hàm lượng cholesterol cao.
  • Người từng và đang sử dụng thuốc tránh thai.
  • Người lười vận động, ít luyện tập thể dục thể thao.
  • Người có lối sống thiếu khoa học, thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu - bia.
Chủ động tầm soát đột quỵ: Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 02
Người bị béo phì là một trong những đối tượng cần tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt

Quy trình tầm soát đột quỵ

Bước đầu tiên trong quá trình tầm soát đột quỵ là thăm khám lâm sàng. Ở giai đoạn này, các bác sĩ sẽ hỏi về tiền sử bệnh của bản thân và gia đình, chế độ ăn uống - sinh hoạt hằng ngày của bạn,... Tiếp đó, nghe nhịp tim, đo huyết áp, tính chỉ số BMI của cơ thể và đưa ra những đánh giá sơ bộ về thể trạng hiện tại của bạn.

Sau đó, bác sĩ sẽ chỉ định bạn thực hiện ECG để đo số nhịp tom và ghi lại nhịp đập của tim. Phương pháp này giúp xác định bạn có mắc bệnh lý tim mạch có thể dẫn tới đột quỵ không như nhồi máu cơ tim, rung tâm nhĩ, rối loạn nhịp tim,...

Sau khi kết thúc ECG, bạn sẽ được chỉ định lấy máu để làm xét nghiệm công thức máu và sinh hoá máu nhằm đánh giá các bất thường trong tế bào máu, chẩn đoán tình trạng men gan, đánh giá hàm lượng cholesterol trong máu cũng như phát hiện rối loạn điện giải,...

Chủ động tầm soát đột quỵ: Ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm 03
Bạn sẽ được chỉ định làm xét nghiệm công thức máu khi tầm soát đột quỵ

Tiếp đó, bạn sẽ thực hiện một số các chẩn đoán hình ảnh như:

  • Chụp MRI não và mạch máu não để đánh giá chi tiết não và mạch máu. Qua đó phát hiện các bất thường ở não và xương sọ.
  • Soi đáy mắt trực tiếp để kiểm tra các vấn đề về tầm nhìn, đánh giá được mức độ tổn thương ở đáy mắt. Phương pháp này đặc biệt cần thiết với người bệnh bị cao huyết áp và tiểu đường.
  • Chụp X-quang ngực để bác sĩ đánh giá vùng lồng ngực và tim mạch. Qua đó phát hiện ra các bất thường.
  • Siêu âm bụng tổng quát các bộ phận trong ổ bụng như gan, mật, tuỵ, lá lách, thận, tử cung, buồng trứng (với nữ giới), tuyến tiền liệt với nam giới),... để có thể phát hiện sớm các bất thường tại những cơ quan này.
  • Siêu âm Doppler tim sẽ giúp các bác sĩ phát hiện sớm các bất thường ở buồng tim, máu đông trong tim hoặc các bệnh lý tim mạch như bệnh mạch vành, bệnh van tim bẩm sinh.
  • Siêu âm Doppler động mạch cảnh để thấy mức độ hẹp của động mạch, tình trạng các mảng xơ vữa bám trên thành mạch máu, cũng như đánh giá đoạn ngoài sọ của động mạch cảnh và động mạch đốt sống.

Một số lưu ý khi thực hiện tầm soát đột quỵ

Để quá trình tầm soát đột quỵ đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn cần lưu ý một số điều sau đây:

  • Người có các yếu tố nguy cơ nên thực hiện tầm soát đột quỵ càng sớm càng tốt với tần suất 1 - 2 năm/lần.
  • Những người dưới 50 tuổi, thể trạng khoẻ mạnh, nếu đã từng tầm soát đột quỵ và có kết quả bình thường có thể thực hiện tầm soát 3 - 5 năm/lần.
  • Trước khi thực hiện tầm soát đột quỵ, bạn cần nhịn ăn từ 4 - 6 tiếng và không sử dụng đồ uống có cồn trong vòng 24 tiếng.

Tính riêng tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có tới hơn 200.000 trường hợp bị đột quỵ từ mức độ nhẹ đến nặng. Trong đó, chỉ có khoảng 14% người bệnh được đưa tới bệnh viện trong “thời gian vàng”. Chính bởi vậy, việc tầm soát đột quỵ sớm và định kỳ sẽ giúp giảm thiểu các nguy cơ rủi ro dẫn tới tình trạng này. Qua đó giúp chúng ta bảo vệ sức khoẻ và có một cuộc sống khoẻ mạnh.

Hy vọng rằng những thông tin được Nhà thuốc Long Châu trình bày ở trên sẽ giúp ích cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ bị đột quỵ.

Tú Anh

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin