Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Cách điều trị thế nào?

Ngày 03/07/2024
Kích thước chữ

Chửa ngoài dạ con là một tình trạng thai kỳ nguy hiểm và cần lưu ý đặc biệt. Vậy chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không và điều trị thế nào? Mời bạn tìm hiểu qua bài viết bên dưới.

Chửa ngoài dạ con là một tình trạng thai kỳ nguy hiểm xảy ra khi trứng được thụ tinh không làm tổ trong tử cung mà phát triển ở vị trí khác. Thai ngoài dạ con không thể phát triển bình thường và có thể dẫn đến những biến chứng vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe thai phụ. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu dấu hiệu chửa ngoài dạ con cũng như giải đáp thắc mắc chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không?

Chửa ngoài dạ con là gì? Nguyên nhân chửa ngoài dạ con

Chửa ngoài dạ con hay thai ngoài tử cung là tình trạng phôi thai sau khi được thụ tinh phát triển ở bên ngoài tử cung. Vị trí chửa ngoài dạ con thường gặp nhất là ở ống dẫn trứng nhưng cũng có khi là buồng trứng, cổ tử cung hay khoang bụng. Các cơ quan không phải dạ con này không có chức năng chứa và nuôi dưỡng thai nhi nên chửa ngoài dạ con là một tình trạng y tế thực sự nguy hiểm.

Có thể kể đến những nguyên nhân chính dẫn đến chửa ngoài dạ con như:

  • Viêm ống dẫn trứng hay tổn thương ống dẫn trứng được cho là nguyên nhân phổ biến nhất. Ống dẫn trứng bị viêm hoặc tổn thương gây hẹp ống dẫn trứng và phôi thai không thể di chuyển vào trong tử cung một cách bình thường.
  • Rối loạn nội tiết tố nữ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng của ống dẫn trứng, ảnh hưởng đến đường đi của phôi thai cũng gây chửa ngoài dạ con.
  • Phụ nữ sau khi thực hiện phẫu thuật bụng, phẫu thuật vùng chậu, bị viêm nhiễm vùng chậu cũng có thể là nguyên nhân.
  • Phụ nữ đã từng chửa ngoài dạ con trước đó, đã từng thụ tinh trong ống nghiệm, phụ nữ hút thuốc lá (cả chủ động lẫn bị động), dùng các biện pháp tránh thai… cũng có nguy cơ chửa ngoài dạ con cao hơn những phụ nữ khác.
Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Điều trị thế nào 1
Hình ảnh mô phỏng thai nhi làm tổ ở ống dẫn trứng

Dấu hiệu nhận biết chửa ngoài dạ con cần lưu ý

Trước khi giải đáp thắc mắc chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những dấu hiệu mang thai ngoài tử cung cần lưu ý. Việc nhận biết sớm dấu hiệu chửa ngoài dạ con sẽ hạn chế được ảnh hưởng đến sức khỏe phụ nữ. Nhưng ở giai đoạn đầu, các triệu chứng mang thai ngoài tử cung thường khá mờ nhạt. Thai phụ có thể gặp các tình trạng như:

  • Đau bụng, nhất là đau một bên với các mức độ từ nhẹ đến nặng nhưng không giảm đi theo thời gian mà đau tăng lên.
  • Âm đạo thai phụ bị chảy máu bất thường, có thể chảy ít hoặc nhiều, máu thường màu nâu sẫm.
  • Bà bầu vẫn gặp các triệu chứng trong thai kỳ thông thường như: Người mệt mỏi, buồn nôn, đau tức ngực.

Khi chửa ngoài dạ con tiến triển, phụ nữ có những triệu chứng nghiêm trọng hơn như: Đau dữ dội ở vùng chậu và vai, chóng mặt, hạ huyết áp, ngất xỉu, đổ mồ hôi lạnh, da tái nhợt, tim đập nhanh, nhịp thở gấp. Nếu khi xuất hiện triệu chứng nặng, bệnh nhân không được điều trị kịp thời có thể bị đe dọa tính mạng.

Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Điều trị thế nào 2
Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không là thắc mắc của nhiều người

Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không?

Thai ngoài tử cung có sinh được không? Thai đã phát triển ở vị trí khác bên ngoài tử cung sẽ không thể di chuyển xuống lại tử cung để phát triển tiếp. Trong trường hợp này, thai thường phát triển ở ống dẫn trứng, ổ bụng hoặc cổ tử cung. Vì vậy, chửa ngoài dạ con là một tình trạng y tế nguy hiểm tiềm ẩn nhiều mối nguy cơ với sức khỏe người bệnh như:

  • Thai ngoài dạ con bị vỡ: Dấu hiệu thai ngoài tử cung tự tiêu hay bị vỡ là chảy máu âm đạo bất thường, đau dữ dội vùng chậu, vã mồ hôi, da xanh xao tái nhợt, khát nước, chân tay bủn rủn, hụt hơi, tụt huyết áp, ngất xỉu do kiệt sức. Thai ngoài tử cung mấy tuần thì vỡ? Thông thường, thai ngoài tử cung thường sẽ vỡ khi thai đủ 8 tuần, lúc này kích thước túi thai phát triển lớn hơn.
  • Vỡ ống dẫn trứng được coi là biến chứng nguy hiểm nhất của chửa ngoài dạ con. Ống dẫn trứng bị vỡ gây chảy máu vào khoang bụng. Thai phụ sẽ bị đau đớn dữ dội và tính mạng bị đe dọa nếu không được can thiệp kịp thời.
  • Các tổn thương ở ống dẫn trứng do chửa ngoài dạ con có thể làm giảm khả năng thụ thai ở nữ giới trong những lần mang thai sau. Thậm chí những tổn thương vĩnh viễn có thể gây vô sinh.
  • Những phụ nữ từng chửa ngoài dạ con có nguy cơ tái phát cao trong những lần mang thai sau đó.
Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Điều trị thế nào 3
Qua siêu âm bác sĩ có thể phát hiện chửa ngoài dạ con

Chửa ngoài dạ con điều trị thế nào?

Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không đến đây có lẽ bạn đã rõ. Vậy điều trị thai ngoài tử cung như thế nào? Tùy thời điểm phát hiện chửa ngoài dạ con, tình trạng sức khỏe của thai phụ, độ lớn của bào thai, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.

Phương pháp điều trị nội khoa bằng thuốc Methotrexate cũng thường được chỉ định khi thai phụ chửa ngoài dạ con không biến chứng. Thuốc này có tác dụng ngăn chặn sự phát triển của phôi thai ngoài tử cung, từ đó, giảm nguy cơ vỡ ống dẫn trứng.

Điều trị chửa ngoài tử cung bằng phẫu thuật được chỉ định khi bệnh nhân không đáp ứng với thuốc hoặc đã xuất hiện biến chứng. Phẫu thuật có thể bao gồm bỏ phôi thai qua nội soi hoặc phẫu thuật mở ở bụng, cắt ống dẫn trứng… Tùy thuộc kích thước của túi thai, bác sĩ sẽ quyết định mổ nội soi hay mổ mở.

Sau điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi sát sao để đảm bảo phôi thai được loại bỏ hoàn toàn và không xảy ra thêm bất kỳ biến chứng nào khác. Bệnh nhân được chỉ định nghỉ ngơi, theo dõi tại bệnh viện. Vết mổ cần được vệ sinh, chăm sóc đúng cách để tránh nhiễm trùng. Bệnh nhân sẽ dùng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Điều trị thế nào 4
Chửa ngoài dạ con cần được xử lý kịp thời để tránh biến chứng nguy hiểm

Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như chảy máu nhiều, đau bụng dữ dội, sưng vết mổ, sốt cao, người bệnh cần thông báo ngay đến bác sĩ. Chế độ dinh dưỡng đầy đủ sẽ giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sau phẫu thuật. Người bệnh cũng sẽ được tư vấn về kế hoạch mang thai cho lần tiếp theo cũng như cách phòng ngừa chửa ngoài dạ con tái phát.

Bất cứ phụ nữ nào cũng có thể bị chửa ngoài dạ con nhưng nguy cơ sẽ cao hơn ở những người có tiền sử. Vì vậy, nếu trước đây từng chửa ngoài dạ con, phụ nữ nên có tư vấn của bác sĩ ngay từ khi lên kế hoạch mang thai. Chửa ngoài dạ con có nguy hiểm không? Đây thực sự là một tình trạng y tế nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nữ giới về lâu dài thậm chí đe dọa đến tính mạng của họ. Việc phát hiện sớm các dấu hiệu, can thiệp y tế kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng.

Xem thêm: Tìm hiểu chi tiết về kỹ thuật đặt bóng gây chuyển dạ trong sản khoa

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin