Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Mang thai

Chửa ngực là gì và các lưu ý khi vừa có thai

Ngày 31/05/2024
Kích thước chữ

Khi mới mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều biến đổi. Kích thước ngực tăng lên, đi kèm với đó là cảm giác đau, căng tức, nổi gân xanh ở ngực, do vậy nhiều người gọi đây là chửa ngực. Bài viết cung cấp thông tin giải đáp thắc mắc “chửa ngực là gì” và các lưu ý khi vừa có thai.

Sự thay đổi về kích thước ngực ở phụ nữ có thể là dấu hiệu sớm của việc có thai. Ở một số người, có thể nhận thấy được kích thước vòng 1 còn tăng nhanh hơn so với vòng bụng. Do vậy dân gian gọi vui với nhau là chửa ngực. Cùng tìm hiểu chửa ngực là gì qua bài viết dưới đây.

Chửa ngực là gì?

Nhiều người thắc mắc không biết chửa ngực là gì? Thì theo quan niệm dân gian, chửa ngực là khi kích thước vòng 1 to bất thường khi đang mang thai. Để hiểu rõ sâu sắc nguyên do chửa ngực là gì, bạn cần biết được sự thay đổi hormone khi mang thai như thế nào và làm cơ thể biến đổi ra sao.

Khi người phụ nữ có thai, hai thành phần nội tiết tố là estrogen và progesterone trong cơ thể sẽ thay đổi. Việc này giúp cơ thể mẹ thích ứng với chuyện có thai nhi đang phát triển và chuẩn bị sữa cho bé chào đời.

Cụ thể hơn, hormone estrogen giúp kích thích sự phát triển của tế bào tuyến vú và điều tiết hormone prolactin. Prolactin chính bản thân nó lại kích thích tăng trưởng kích thước ngực và điều hòa cơ thể tổng hợp sữa. Bên cạnh đó, progesterone cũng hỗ trợ tuyến vú phát triển các tế bào sản xuất sữa.

Sau khi em bé chào đời, hàm lượng hai hormone estrogen và progesterone sẽ giảm mạnh, trong khi prolactin lại tăng lên, kích thích việc sản xuất và tiết sữa mẹ.

Chửa ngực là gì 01
Chửa ngực là gì?

Thay đổi kích thước vòng 1 trong thai kỳ

3 tháng đầu thai kỳ

Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, cơ thể xuất hiện nhiều biến đổi làm phụ nữ thắc mắc chửa ngực là gì. Kích thước vòng 1 ở phụ nữ có thể thay đổi trước khi kết quả que thử thai cho ra 2 vạch. Lúc này vòng 1 sẽ có cảm giác sưng lên, cứng và đau, đôi khi bạn sẽ cảm thấy nặng nề, tức ngực và đau ở dưới nách.

Trong tam cá nguyệt đầu tiên, thể tích máu trong cơ thể người mẹ cũng sẽ tăng lên để đáp ứng với việc phát triển thêm một sinh mạng trong cơ thể. Điều này khiến các tĩnh mạch ở ngực phát triển, to hơn, có màu xanh đậm và rõ hơn.

Đầu nhũ hoa cũng quan sát được sự thay đổi: to lên và trở nên nhạy cảm ơn. Quầng vú sẽ sẫm màu đi, có thể thấy các nốt sần nhỏ nhưng không đau. Các nốt sần này giúp bôi trơn và sát trùng, hỗ trợ việc cho con bú sau này.

Chửa ngực là gì 02
 Cơ thể người phụ nữ có nhiều biến đổi trong 3 tháng đầu thai kỳ

3 tháng giữa thai kỳ

Ở giai đoạn này, vòng 1 của mẹ bầu sẽ tiếp tục thay đổi và phát triển hơn do tác động của nội tiết tố estrogen. Mẹ bầu có thể phải mặc áo ngực lớn hơn để cảm thấy thoải mái và phù hợp với kích thước vòng 1.

Lúc này, ngực của thai phụ đã bắt đầu sản xuất những dòng sữa non đầu tiên. Bạn có thể không nhận ra hoặc cảm thấy sữa non bắt đầu chảy ra. Đặc biệt, mẹ bầu không nên cố gắng xoa bóp hay kích thích núm vú, vì điều này có thể dẫn đến biến chứng sinh non.

Cho dù không thấy chảy sữa non ở giai đoạn này, cũng không đồng nghĩa với việc là mẹ bầu sẽ có ít sữa để nuôi con sau này. Người mẹ vẫn sẽ tiếp tục sản xuất và tiết ra sữa non sau khi sinh con. Sữa non sau khi sinh con sẽ đặc hơn, có màu đậm hơn, giàu kháng thể và dinh dưỡng hơn sữa mẹ thông thường.

3 tháng cuối thai kỳ

Cơ thể người mẹ lúc này bắt đầu chuẩn bị với việc đón em bé chào đời. Khi đó, ngực mẹ bầu sẽ cảm thấy nặng nề, căng, núm vú to và cứng hơn, quầng vú cũng sẫm màu hơn.

Có thể nhận thấy vùng da ở ngực bị giãn do kích thước vòng 1 tăng, da khô và ngứa. Lúc này, mẹ bầu có thể sử dụng kem dưỡng ẩm phù hợp để xoa dịu làn da và phòng ngừa rạn da.

Bà bầu chửa ngực sẽ có nhiều sữa mẹ?

Trên thực tế, y học không có khái niệm “chửa ngực là gì”, đây chỉ là một thuật ngữ được sử dụng trong dân gian, để nói về những phụ nữ khi mang thai vòng 1 có sự tăng kích thước quá lớn.

Cũng có quan điểm cho rằng, các mẹ bầu khi bị “chửa ngực” thì sẽ có nhiều sữa mẹ hơn những người bình thường khác. Điều này là không đúng. Kích thước ngực không phản ánh việc một thai phụ sẽ sản xuất được nhiều sữa mẹ hơn hay không.

Việc sữa mẹ nhiều hay ít phụ thuộc vào khả năng hoạt động của tuyến vú. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc tuyến vú tiết ra nhiều hay ít sữa mẹ bao gồm sức khỏe tổng thể, trạng thái tâm lý và có chế độ dinh dưỡng cân đối cho mẹ bầu.

Chế độ dinh dưỡng khi mang thai 3 tháng đầu

Tam cá nguyệt thứ nhất rất quan trọng, do đây là thời điểm thai nhi lớn nhanh, có sự hình thành và phát triển các cơ quan quan trọng như não bộ và hệ thần kinh. Do đó, mẹ bầu cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nhằm đảm bảo mẹ và bé luôn có sức khỏe tốt.

Tháp dinh dưỡng cho bà bầu 3 tháng đầu tiên cần lưu ý một số điều sau:

  • Protein: Mỗi ngày mẹ bầu cần nạp vào khoảng 10 - 18g chất đạm, qua các thực phẩm như thịt, trứng, sữa, cá,...
  • Sắt: Đảm bảo bổ sung khoảng 15g sắt mỗi ngày, qua các thực phẩm như tim, gan động vật, các loại hạt, rau xanh,...
  • Canxi: Gợi ý một số thực phẩm như tôm, cua, ghẹ, các loại cá, sữa,... giúp cung cấp lượng canxi cần thiết khi mang thai. Nếu cơ thể thiếu canxi, mẹ bầu có thể sẽ thường xuyên bị chuột rút, đau nhức xương.
  • Acid folic: Là chất giúp ngăn chặn nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Acid folic có nhiều trong súp lơ, ngũ cốc, cải bó xôi và các loại hạt.
  • Vitamin và các khoáng chất thiết yếu.
Chửa ngực là gì 03
Mẹ bầu cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ dưỡng chất khi mang thai

Ngoài ra, mẹ bầu cần lưu ý:

  • Chia nhỏ các bữa ăn giúp cơ thể dễ hấp thu.
  • Lựa chọn các món ăn dễ tiêu hóa. Hạn chế sử dụng các thực phẩm cay nóng, giàu chất béo, khó tiêu.
  • Uống đủ nước.

Nhận biết các dấu hiệu bất thường khi mang thai

Mang thai là một hành trình đầy khó khăn, gian nan và đòi hỏi nhiều hi sinh của người phụ nữ. Do đó, để em chào đời khỏe mạnh gia đình cần đưa mẹ bầu đi khám thai định kỳ đúng hẹn, thực hiện các xét nghiệm dị tật bẩm sinh cần thiết và xây dựng chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt khoa học.

Mẹ bầu và gia đình cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chăm sóc, nếu có các dấu hiệu nguy hiểm sau:

  • Sốt, đau và có cảm giác ớn lạnh.
  • Nhức đầu, chóng mặt hoặc ngất xỉu.
  • Thường xuyên đi tiểu rắt, tiểu buốt.
  • Xuất hiện các cơn đau ở vùng chậu dữ dội.
  • Dịch tiết âm đạo bất thường.
  • Đột ngột bị sưng ở mặt, bàn chân hoặc bàn tay.
Chửa ngực là gì 04
Các dấu hiệu động thai cần lưu ý

Bài viết đã giải đáp cho bạn đọc thắc mắc “chửa ngực là gì” và cung cấp các thông tin liên quan. Chửa ngực là tình trạng mẹ bầu có vòng 1 phát triển quá nhanh so với bình thường, hoàn toàn tự nhiên nên mẹ bầu không cần phải lo lắng. Khi mang thai mẹ bầu cần duy trì tâm trạng thoải mái, ăn uống khoa học và vận động phù hợp, tránh việc tăng cân quá nhanh làm ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ nhé! 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin