Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Sức khỏe gia đình

Chườm nóng hay chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào?

Ngày 03/11/2023
Kích thước chữ

Theo như lời khuyên của các chuyên gia y tế việc áp dụng chườm nóng hay chườm lạnh đúng cách mang lại rất nhiều lợi ích cho bản thân, kèm theo đó sẽ không có một tác dụng có hại nào gây ảnh hưởng người bệnh, từ đó giúp vị trí chấn thương hay đau nhức giảm rõ rệt và mang lại sự hài lòng cao cho chúng ta. Nhưng khi nào chúng ta cần chườm lạnh, khi nào chúng ta cần chườm nóng? Thao tác như thế nào để đạt được tối đa hiệu quả khi chườm?

Hiện nay, xã hội chúng ta đang ngày càng hướng tới một cuộc sống lành mạnh, và điều đó không thể nào thiếu được quá trình tập luyện thể dục, thể thao, vậy nên rất hay thường gặp phải những chấn thương hoặc đau nhức từ mức độ nhẹ đến nặng. Khi gặp các cơn đau, phương pháp thông dụng thường là uống thuốc giảm đau, dùng dầu xoa bóp. Nhưng có lẽ việc mà chúng ta hay làm sớm và thường nhất chính là chườm nóng hay chườm lạnh vào vị trí đó.

Chườm nóng

Chườm nóng là một phương pháp rất dễ áp dụng, có thể tự làm tại gia mà không cần đến các cơ sở y tế. Tuy nhiên, cần phải áp dụng đúng lúc và đúng kỹ thuật để đạt hiệu quả tốt nhất, tránh trầm trong hơn vết thương.

Khi nào cần áp dụng chườm nóng?

Khi chườm nóng lên một trí trí trên người thì hiện tượng xảy ra sẽ là làm giãn mạch máu nơi đó và làm tăng lưu lượng máu trong mạch, việc tăng bơm máu tới vùng chấn thương giúp tăng tuần hoàn trao đổi chất làm giảm đau nhức, sưng tấy.

Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào 1
Chườm nóng phù hợp với các vết thương cũ lâu ngày, mãn tính

Với cơ chế như giãn mạch như trên, bằng cách tăng nhiệt độ áp dụng phù hợp cho các vết thương cũ, hoặc những cơn đau mãn tính. Việc giãn mạch máu, tăng dưỡng chất và kháng thể giúp giảm áp lực tuần hoàn và giúp giảm lượng acid lactic (loại acid amin tích tụ làm tăng nhức mỏi) ở vùng cơ bị đau.

Thao tác chườm nóng như thế nào?

Chuẩn bị: Sử dụng miếng sưởi điện, túi chườm nóng hoặc chai nước nóng với nhiệt độ từ 37 độ C đến 50 độ C. Sử dụng một lớp vải hoặc khăn mỏng để bọc quanh dụng cụ nhiệt nếu cần thiết.

Nếu bạn có bồn nước nóng, hãy kiểm tra và đảm bảo rằng nhiệt độ nước trong bồn là từ 33 độ C đến 37 độ C. Đừng sử dụng nước quá nóng để tránh gây bỏng.

Cách thao tác:

  • Đắp trực tiếp lên vị trí cơ hoặc vùng đau. Tránh để nhiệt độ quá nóng làm bỏng da. Không nên áp dụng trực tiếp lên da không bọc vải hoặc khăn.
  • Nếu sử dụng bồn nước nóng, ngâm vùng bị đau vào nước trong khoảng thời gian khoảng 20 phút/lần. Hãy chắc chắn rằng nhiệt độ nước vẫn ở mức an toàn và không tạo cảm thấy khó chịu.
  • Lặp lại quá trình này mỗi ngày 3 lần, nếu cần. Tùy thuộc vào tình trạng của bạn, bạn có thể điều chỉnh thời gian và tần suất sử dụng nhiệt sao cho phù hợp với bản thân.

Luôn lắng nghe cơ thể của chính mình. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của tổn thương da hoặc nặng hơn cơn đau, hãy dừng ngay lập tức và tham khảo ý kiến bác sĩ.

Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào 2
Chuẩn bị túi chườm nóng có nhiệt độ phù hợp để áp lên chỗ đau

Lúc nào thì không được chườm nóng?

Tuyệt đối không chườm nóng ở những vết thương mới còn bị hở, chảy mủ, nhiễm trùng, viêm, sưng đỏ. Đối với trường hợp có bệnh lý về mạch máu và nhạy cảm với nhiệt độ: Những người có các vấn đề về mạch máu hoặc hệ thần kinh giao cảm cần thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng phương pháp chườm nóng và cả chườm lạnh. Ngoài ra, với các cơn đau từ khối u ác tính, lao, các vùng vết thương có nguy cơ chảy máu thì không được áp dụng phương pháp này.

Chườm lạnh

Chườm lạnh có cách thức thực hiện cũng có điểm tương đồng như chườm nóng, cần lưu ý tình huống áp dụng do cơ chế của lạnh và nóng khi áp vào vết thương sẽ khác nhau.

Lúc cần áp dụng chườm lạnh?

Ngược lại với việc chườm nóng giúp làm giãn mạch máu và tăng tuần hoàn máu, khi chườm lạnh sẽ làm giảm nhiệt độ xung quanh vùng bị đau. Bằng phương pháp làm giảm đột ngột nhiệt độ thì các mạch máu co lại dẫn đến giảm sưng phù vết thương, làm chậm lại quá trình vận chuyển máu và oxy từ đó giảm sự xâm nhập bạch cầu làm giảm viêm, mưng mủ. Ngoài ra khi có một cơn lạnh đột ngột trên bề mặt tạo cảm giác tê giúp giảm cơn đau nhanh chóng do chấn thương.

Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào 3
Chườm lạnh giúp giảm đau nhanh chóng các chấn thương mới xảy ra

Việc lựa chọn chườm nóng hay chườm lạnh là do sự khác nhau về cơ chế tác động vào vùng vết thương, tuỳ từng đặc tính chỗ đau mà lựa chọn cách chườm phù hợp. Chườm lạnh sẽ thích hợp để dùng cho các chấn thương mới mắc hơn, để giải thích cho điều này như sau: Khi vừa xảy ra chấn thương thì cơ thể sẽ có sự thay đổi và điều tiết để máu sẽ lưu thông nhanh hơn ở vùng đau nhức làm giãn mạch máu. Do đó, thời gian tối ưu phương pháp chườm lạnh là vào giai đoạn đầu, trong vòng 48 giờ sau khi chúng ta gặp chấn thương.

Thao tác chườm lạnh như thế nào?

Chuẩn bị: Một túi chườm lạnh hoặc đá viên. Ngoài ra có thể chuẩn bị một bồn nước lạnh để nhúng vết thương.

Cách thao tác:

  • Sử dụng túi chườm lạnh hoặc túi đá áp trực tiếp vào vết thương trong vòng 20 phút, lặp lại 4 - 5 lần/ngày. Nếu không mua được các loại túi chườm chuyên dụng mà sử dụng các túi bọc thông thường, cần chú ý thời gian chườm có thể ngắn hơn vì có khả năng sẽ dễ bị bỏng lạnh.
  • Ngâm trực tiếp vết thương vào vùng nước lạnh đã chuẩn bị từ trước, lưu ý không ngâm quá lâu tránh trầm trọng thêm tình trạng vết thương.
  • Mát xa bằng đá lạnh trực tiếp, xoay tròn nhẹ nhàng xung quanh vết thương trong vòng 5 - 10 phút mỗi đợt, có thể làm nhiều lần trong ngày.
Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào 4
Ngâm trực tiếp vào bồn nước lạnh cũng là một các chườm lạnh giảm đau

Cần tránh chườm lạnh khi nào?

  • Không chườm lạnh trực tiếp vào vị trí tổn thương nếu đó là vết thương hở, còn đang chảy máu. Có thể chườm lạnh ở vùng xung quanh lân cận vết thương để giảm đau, giảm viêm.
  • Bệnh lý về mạch máu và hệ thần kinh giao cảm hoặc nhạy cảm với nhiệt độ.
  • Đau nhức mãn tính: Thường không phản ứng tốt với việc chườm lạnh. Trong trường hợp này, phương pháp như tập thể dục, vận động và liệu pháp vật lý có thể là lựa chọn tốt hơn để giảm đau và cải thiện tình trạng.
  • Vị trí cột sống nhạy cảm, đây là nơi nên cẩn trọng khi áp dụng các phương pháp điều trị giảm đau và không nên chườm lạnh trực tiếp lên vùng này. Nếu có vấn đề về đau lưng gần cột sống, nên tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia y tế để đảm bảo liệu pháp phù hợp và an toàn.

Khi nào chườm nóng hay chườm lạnh đều áp dụng được?

Cũng có một số tình huống có thể áp dụng cả hai phương pháp chườm nóng hay chườm lạnh linh hoạt để tăng được hiệu quả giảm đau:

  • Đau lưng trên: Đầu tiên chườm đá lạnh trong vòng 15 - 20 phút để giúp giảm viêm và làm tê liệt các dây thần kinh, giúp giảm đau. Sau đó khoảng 72h, có thể chuyển sang sử dụng chườm nóng để thư giãn cơ bắp.
  • Đau lưng dưới: Tương tự, bắt đầu bằng chườm đá để giảm sưng và giảm đau rồi chuyển sang chườm nóng để thư giãn và tăng cường tuần hoàn máu.
  • Đau đầu: Đau đầu, đau nửa đầu có thể được giảm bằng cách kết hợp chườm nóng và lạnh. Bắt đầu bằng chườm lạnh trong vòng 10 - 15 phút để giảm đau do bị tê bởi nhiệt độ thấp, tiếp theo chườm nóng 20 phút để làm dịu cơn đau đầu.
  • Đau đầu gối: Nếu đầu gối bị sưng, bạn có thể bắt đầu bằng chườm đá trong 72 giờ để giảm viêm và sưng. Tương tự sau đó là chườm nóng để giảm đau vùng đầu gối sẽ đạt hiệu quả tốt.
Chườm nóng và chườm lạnh: Bạn đang cần dùng giải pháp nào 5
Đầu gối là một trong những vị trí chườm nóng hay chườm lạnh đều được

Việc sử dụng chườm nóng hay chườm lạnh để giảm đau vết thương và làm dịu cơ bắp thực sự phụ thuộc vào từng tình huống cụ thể và loại thương tổn. Tìm hiểu và áp dụng đúng phương pháp có thể giúp giảm đau hiệu quả, ngoài ra việc tìm kiếm sự tư vấn và điều trị từ bác sĩ là rất quan trọng để đảm bảo rằng bạn đang xử lý tình trạng sức khỏe của mình một cách thích hợp nhất.

Xem thêm: Bị sốt nên chườm khăn nóng hay lạnh?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm