Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Nên áp dụng cách chườm nóng trong trường hợp nào?

Ngày 19/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chườm nóng là phương pháp giảm đau nhức và một số triệu chứng khó chịu khác khá hiệu quả mà không xâm lấn. Tuy nhiên, khi nào có thể chườm nóng và cách chườm nóng thế nào cho hiệu quả không phải ai cũng biết.

Chườm lạnh và chườm nóng là hai cách giảm đau nhức, giảm sốt, giảm triệu chứng khó chịu khác được áp dụng khá phổ biến. Hầu hết chúng ta đều đã từng nghe thấy và áp dụng cách chườm nóng. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nên chườm nóng hay chườm lạnh trong từng trường hợp. Chườm nóng thế nào đúng cách? Nếu bạn cũng là một trong số đó, đừng bỏ qua những thông tin dưới đây nhé!

Chườm nóng là gì?

Dùng nhiệt để giảm đau là một phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả cho hầu hết các cơn đau nhức. Chúng ta có thể sử dụng nhiệt giảm đau bằng chai nước nóng, miếng sưởi, túi sưởi, túi chườm chuyên dụng, đèn nhiệt… Nhiệt sẽ tác động lên mạch máu, làm chúng giãn nở. Nhờ đó, máu được tăng cường đưa đế khu vực bị ảnh hưởng. Điều này sẽ kích thích sửa chữa các mô lành bị tổn thương. Nhiệt cũng có thể giảm cứng cơ, giảm co thắt, làm dịu cảm giác đau.

Cách chườm nóng nên áp dụng khi nào? Cách thực hiện ra sao 1
Chườm nóng là một cách trị liệu đã được áp dụng từ xa xưa

Chườm nóng là dùng nhiệt tác động lên vị trí trên cơ thể, làm nóng vị trí đó ở mức vừa phải để làm giãn mạch máu, tăng cường lưu thông máu. Chườm nóng cũng có tác dụng giảm đau nhờ tăng tốc độ đào thải axit lactic tích tụ trong cơ - một loại axit có thể gây đau mỏi cơ bắp. Có hai kiểu chườm nóng là chườm nóng cục bộ (bằng chai nước ấm, túi chườm, khăn ấm… ) và chườm nóng toàn thân (xông hơi, tắm nước ấm… ).

So sánh chườm nóng với chườm lạnh

Có hai phương pháp chườm đang được áp dụng là chườm nóng và chườm lạnh. Để biết khi nào nên áp dụng cách chườm nóng, chúng ta nên biết cách phân biệt hai loại này. Cụ thể là:

Chườm nóng

Chườm nóng dùng nhiệt độ nóng, cao hơn nhiệt độ cơ thể. Chườm nóng lại làm giãn mạch máu ra, từ đó làm tăng lưu lượng máu tới vùng tổn thương, kích thích phục hồi mô bị tổn thương. Khi lượng máu nuôi tăng sẽ giúp giảm một loại acid gây đau mỏi cơ tên là acid lactic (một loại acid gây tăng đau mỏi cơ).

Chườm nóng phù hợp để áp dụng trên chấn thương sau 48 giờ, tổn thương mãn tính, căng cơ, viêm gân do hoạt động, đau do co thắt mạch máu hay thiếu máu nuôi,…

Chườm lạnh

Chườm lạnh dùng nhiệt độ lạnh, thấp hơn nhiệt độ cơ thể. Phương pháp này giúp làm giảm lưu lượng máu đến vùng bị tổn thương. Độ lạnh sẽ làm mạch máu đột ngột co lại giúp giảm tuần hoàn tại chỗ và giảm khả năng xuyên mạch của bạch cầu. Từ đó, chườm lạnh giúp giảm phản ứng viêm và đau cấp, giảm trương lực co cơ, giảm phù nề, giảm đau cục bộ vì làm tê vùng tổn thương.

Phù hợp để áp dụng trong vòng 48 giờ sau chấn thương, viêm xương khớp cấp tính, bong gân, viêm gân, đau do giãn cơ, bệnh gout,…

Cách chườm nóng nên áp dụng khi nào? Cách thực hiện ra sao 2
Cách chườm nóng giúp giảm đau lưng, đau bụng

Có thể chườm nóng trong trường hợp nào?

Chườm nóng giúp giảm đau, giảm sưng, giảm cảm giác khó chịu, hạ sốt… đơn giản mà khá hiệu quả. Chúng ta có thể áp dụng cách chườm nóng trong những trường hợp như:

  • Chườm nóng giảm nhức mỏi mắt nhờ có thể kích thích lưu thông cho các mạch máu vùng mắt, giảm các triệu chứng khô mắt. Đây cũng là cách giúp mắt sáng khỏe hơn.
  • Chườm nóng ở vị trí trên tai cũng cải thiện chứng ù tai do thiếu máu lưu thông đến tai gây ra.
  • Chườm nóng sau gáy có thể giảm hoa mắt chóng mặt do thiếu máu lưu thông lên não.
  • Nếu bị đơ cứng ở cổ có thể chườm nóng kết hợp các bài tập nhẹ nhàng.
  • Nếu mới bị đau nhức cột sốt có thể do nhiễm lạnh, do tư thế nằm, ngồi không đúng, do đặc thù công việc,... chúng ta cũng có thể chườm nóng để giảm cảm giác nhức mỏi khó chịu.
  • Phụ nữ có thể chườm nóng bụng để giảm đau bụng kinh hàng tháng. Hơi nóng từ túi chườm sẽ giúp tan máu tụ, lưu thông khí huyết và giảm đau hiệu quả.
  • Người bị cảm lạnh hay đau bụng do bị nhiễm lạnh cũng có thể áp dụng cách chườm nóng bụng để loại bỏ hàn khí xâm nhập cơ thể.
  • Khi bị chấn thương, có nên chườm nóng để tan máu bầm hay không? Tuy nhiên, câu trả lời là không bạn nhé! Bạn nên chờ 1 - 3 hôm sau chấn thương, nếu không thấy sưng tấy hay chảy máu mới nên chườm nóng để giảm đau nhức.
  • Chườm nóng cũng có tác dụng giúp hạ thân nhiệt khi bị sốt.
Cách chườm nóng nên áp dụng khi nào? Cách thực hiện ra sao 3
Trên thị trường hiện nay có nhiều loại túi chườm nóng để bạn lựa chọn

Cách chườm nóng thế nào là đúng?

Thói quen chườm nóng sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho cơ thể nếu được thực hiện đúng cách. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên chườm nóng như:

  • Đau bụng cấp tính chưa rõ nguyên nhân không được chườm nóng.
  • Đau mắt đỏ không nên chườm nóng.
  • Nếu có vết thương hở, lở loét, sưng tấy, viêm nhiễm, tuyệt đối không chườm nóng.
  • Người bị bệnh lao không phù hợp với chườm nóng.
  • Chúng ta cũng không nên chườm nóng tại các vị trí xuất hiện khối u ác tính.
  • Nhiệt độ phù hợp để chườm nóng trong trường hợp bị sốt là thấp hơn nhiệt độ cơ thể khoảng 2 - 3 độ C. Nếu chườm nóng để giảm đau nhức, nhiệt độ phù hợp khoảng 40 - 50 độ C. Không nên dùng nhiệt quá nóng khi chườm để tránh bị bỏng.
  • Để đảm bảo an toàn, phòng ngừa bỏng nhiệt, bạn nên dùng túi chườm nóng y tế chuyên dụng. Một số loại túi chườm điện không đảm bảo an toàn có thể gây bỏng hoặc cháy nổ, tiềm ẩn nhiều mối nguy khi lưu trữ và sử dụng. Nếu có ý định dùng túi chườm điện, bạn nên chọn thương hiệu uy tín và mua túi chườm chính hãng để đảm bảo an toàn.
  • Thời gian chườm nóng chỉ nên từ 20 - 30 phút.

Cách làm túi chườm nóng tại nhà

Biết cách chườm nóng đúng, bạn sẽ nhận được nhiều lợi ích sức khỏe. Trong trường hợp không có sẵn các túi chườm y tế chuyên dụng, bạn có thể tự chế dụng cụ chườm nóng bằng cách sau:

  • Dùng chai nước, bình nước có nắp vặn chắc chắn có thể trữ được nước nóng 70 đến 100 độ C để chườm nóng. Nếu bình nước quá nóng bạn có thể quấn một lớp khăn để lót bên ngoài.
  • Làm túi chườm nóng từ muối, gạo rang, ngải cứu, hoa cúc… cũng là cách đang được nhiều người áp dụng. Một số nguyên liệu thiên nhiên như ngải cứu, muối, lá lốt, hương nhu… được coi là dược liệu. Chúng có tác dụng đả thông kinh lạc, tăng cường lưu thông khí huyết, loại bỏ hàn khí, giúp thư giãn tinh thần… Các nguyên liệu này bạn có thể mang sao vàng trên bếp, sau đó dùng khăn bông bọc lại để chườm khi còn nóng.
Cách chườm nóng nên áp dụng khi nào? Cách thực hiện ra sao 4
Muốn giải quyết tận gốc vấn đề sức khỏe bạn cần gặp bác sĩ để được thăm khám

Trên đây là những thông tin chi tiết về phương pháp chườm nóng trong chăm sóc sức khỏe. Hy vọng qua bài viết trên, bạn đã biết khi nào nên áp dụng và áp dụng cách chườm nóng thế nào cho hiệu quả. Tuy nhiên, chườm nóng chỉ có thể giảm triệu chứng chứ không giúp điều trị các vấn đề gốc rễ của tình trạng đau, nhức, mỏi… Vì vậy, khi có bất cứ vấn đề nào về sức khỏe mà chưa rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn cách điều trị tốt nhất.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm