Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Chụp MRI ổ bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng?

Ngày 24/11/2023
Kích thước chữ

Chụp MRI ổ bụng được sử dụng để chẩn đoán và điều trị các bệnh lý liên quan đến các tạng trong ổ bụng. Đây có thể nói là phương pháp chẩn đoán cung cấp những hình ảnh chính xác và chất lượng của các cơ quan đóng vai trò quan trọng tại vị trí ổ bụng.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng không phải là kỹ thuật được sử dụng thường quy trong lâm sàng mà sẽ được ứng dụng tùy vào từng trường hợp cụ thể. Vậy khi nào người bệnh sẽ được chỉ định chụp MRI ổ bụng? Cần có những lưu ý gì khi thực hiện chụp cộng hưởng từ ổ bụng? Bài viết sau đây sẽ mang đến những thông tin liên quan đến chụp cộng hưởng từ ổ bụng.

Thông tin chung về chụp cộng hưởng từ ổ bụng

Chụp cộng hưởng từ vùng bụng là một xét nghiệm hình ảnh sử dụng từ trường và sóng vô tuyến mạnh để tác động lên các phần tử chứa hydrogen trong cơ thể. Dưới sự tác động bởi một từ trường từ bên ngoài, tín hiệu sẽ được phát ra và gửi đến máy tính để chuyển đổi thành hình ảnh 3D cấu trúc của bộ phận cần khảo sát tại vùng bụng.

Chụp cộng hưởng từ có thể khảo sát được nhiều mặt cắt, từ đó mang đến hình ảnh rõ nét, chi tiết với độ phân giải cao. MRI ổ bụng được sử dụng để kiểm tra các cấu trúc mô mềm, các tạng, cơ, gân và mạch máu ở phần bụng. Nhờ đó, bác sĩ có thể đánh giá chính xác hơn chức năng hoạt động qua hình ảnh về cấu trúc và tình trạng tổn thương của các bộ phận bên trong ổ bụng. Chụp cộng hưởng từ ổ bụng cho kết quả chính xác hơn so với các phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác như chụp cắt lớp, chụp X-quang hay siêu âm nhưng giá thành cũng khá đắt hơn.

Một số trường hợp có thể cần dùng thuốc tương phản trước khi chụp và được tiêm qua đường tĩnh mạch ở bàn tay hoặc cẳng tay của bạn. Thuốc tương phản được sử dụng phổ biến trong kỹ thuật chụp cộng hưởng từ là gadolinium, hoạt chất này làm tương tính tương phản đặc biệt là ở những cấu trúc phức tạp, từ đó giúp bác sĩ xác định rõ hơn sự bất thường trong chẩn đoán và điều trị.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng? 2
Chụp cộng hưởng từ ổ bụng

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng có những ưu điểm nào?

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau, nhất là đánh giá những bất thường về cấu trúc của các tạng nằm trong ổ bụng với những ưu điểm như sau:

Kỹ thuật chụp cộng hưởng từ không sử dụng bức xạ (tia X) như các kỹ thuật chụp X-quang hoặc chụp cắt lớp vi tính (chụp CT) nên có độ an toàn cao hơn. Vì thế, chụp cộng hưởng từ ổ bụng có thể áp dụng chụp cho nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau, trong đó có trẻ em và bà bầu từ tháng 4 trở đi.

Chụp cộng hưởng từ được ưu tiên hơn khi cần bệnh lý cần đánh giá liên quan đến mô mềm vì độ phân giải tương phản mô mềm phải rất chi tiết. Vì thế, trong những bệnh lý cần có sự đánh giá chi tiết như các bất thường dây thần kinh sọ hoặc tủy sống, tổn thương do viêm, chấn thương, nghi ngờ u ở hệ thống cơ xương khớp, hoặc các tổn thương nội khớp.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng? 3
Chụp cộng hưởng từ cho trẻ em

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng được chỉ định trong những trường hợp nào?

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng được thực hiện để đánh giá bệnh lý của các cơ quan ở phần bụng, chẳng hạn như gan, đường mật, thận, lá lách, ruột, tuyến tụy và tuyến thượng thận với những mục đích khác nhau, bao gồm:

  • Xác định nguyên nhân gây đau hoặc sưng tại vùng bụng khi bệnh nhân có triệu chứng kèm theo như: da tái lạnh, niêm mạc nhợt, tiêu chảy, buồn nôn, vàng da, sốt, sụt cân;
  • Xác định bệnh lý liên quan đến hệ thận niệu khi người bệnh có tình trạng tiểu nhiều hoặc không đi tiểu được, nước tiểu có màu sẫm hoặc tiểu ra máu;
  • Tầm soát ung thư tại vị trí ổ bụng;
  • Theo dõi các tiến triển sau phẫu thuật viêm ruột thừa, xử lý u hoặc sỏi hoặc sau ghép tạng.

Những bệnh lý của cơ quan trong ổ bụng nào có thể cần được chỉ định chụp cộng hưởng từ ổ bụng để chẩn đoán?

Về gan mật

  • Phát hiện khối u gan, những bất thường về cấu trúc mạch máu hoặc các tổn thương ở gan;
  • Đánh giá khả năng co giãn ống mật chủ, độ căng túi mật;
  • Khảo sát tình trạng sỏi trong ống mật và đường mật.

Về thận – niệu

  • Phát hiện khối u tại hoặc tuyến thượng thận và ghi nhận các tổn thương khác nếu có;
  • Đánh giá tình trạng của các khoang khác cạnh thận như bất thường tại niệu quản.

Về lách và tụy

  • Ghi nhận các dấu hiệu bất thường về cấu trúc và các tổn thương ở lách;
  • Đánh giá rò dịch, viêm tụy, phát hiện khối u tụy;
  • Phát hiện các bất thường của ống tụy và quanh ống tụy như ống tụy bị tắc nghẽn hoặc giãn quá mức.

Về phổi

Đánh giá khả năng tràn dịch màng phổi, phát hiện các khối tại phổi, phế quản hoặc trung thất.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng? 4
Chụp MRI ổ bụng giúp phát hiện một số bệnh lý về gan

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng có gây hại không?

Cho đến nay chưa ghi nhận tác dụng bất lợi nào từ sóng vô tuyến và từ tính trong chụp cộng hưởng từ ổ bụng. Một số trường hợp người bệnh có cấy ghép dụng cụ hoặc các bộ phận bằng kim loại trong cơ thể (ví dụ như van tim nhân tạo, máy tạo nhịp tim hoặc khử rung), từ trường từ máy chụp cộng hưởng có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các thiết bị đó. Vì thế, những đối tượng này cần được lưu ý và cân nhắc kỹ càng trước khi chỉ định chụp cộng hưởng từ.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là kỹ thuật an toàn, không gây đau và không xâm lấn. Đối với loại chụp cộng hưởng từ có sử dụng thuốc tương phản (loại thuốc phổ biến là gadolinium) được cho là khá an toàn. Phản ứng dị ứng rất hiếm nhưng vẫn có thể xảy ra, vì thế nếu bạn có tiền sử dị ứng nặng với các loại thuốc khác, bạn nên thông báo cho bác sĩ để có biện pháp dự phòng phù hợp. 

Ngoài ra, gadolinium có thể gây hại cho những người có vấn đề về thận hoặc đang chạy thận nhân tạo. Do đó, thuốc tương phản cần sử dụng thận trọng đối với những đối tượng suy giảm chức năng thận ở mức độ từ trung bình đến nặng.

Chụp cộng hưởng từ ổ bụng là gì? Cần lưu ý gì khi chụp cộng hưởng từ ổ bụng? 5
Thuốc tương phản có thể gây ra phản ứng dị ứng nhưng khá hiếm gặp

Quy trình thực hiện chụp MRI ổ bụng có những lưu ý gì?

Trước khi chụp người bệnh sẽ được lưu ý về việc tháo rời trang sức hoặc loại bỏ các thiết bị chứa kim loại để hạn chế gây nhiễu cho từ trường của máy chụp.

Trong khi chụp cộng hưởng từ, cơ thể của người bệnh sẽ được giữ cố định bằng dây đai để hạn chế cử động, ảnh hưởng đến kết quả chụp. Vì máy chụp gây tiếng ồn lớn nên người bệnh có thể được đeo tai nghe để giảm thiểu sự khó chịu. Thời gian thực hiện chụp MRI ổ bụng có thể kéo dài từ 15 đến 30 phút tùy vào từng trường hợp cụ thể.

Sau khi kết thúc quá trình chụp cộng hưởng từ, người bệnh có thể ngồi dậy và hoạt động một cách bình thường.

Như vậy, có thể thấy chụp MRI ổ bụng đóng vai trò quan trọng đối với việc xác định bệnh lý của các cơ quan tại ổ bụng, hỗ trợ cho quá trình điều trị được tối ưu. Hy vọng bài viết trên phần nào cung cấp thông tin một cách sơ lược nhất đến bạn đọc về kỹ thuật chụp cộng hưởng từ ổ bụng.

Xem thêm: Chụp cộng hưởng từ não là gì? Khi nào cần chụp cộng hưởng từ não?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin