Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao là gì?

Ngày 31/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lao là căn bệnh nguy hiểm bởi chúng có khả năng lây lan rất cao qua hệ hô hấp. Vậy cơ chế gây bệnh vi khuẩn lao là gì mà chúng ghê gớm như thế? Hãy cùng nhà thuốc Long Châu tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Vi khuẩn lao có thể “ngủ đông" bên trong cơ thể bệnh nhân trong một khoảng thời gian dài. Do đó, việc phát hiện người bệnh lao trong cộng đồng là rất khó khăn. Chúng ta chỉ có thể chủ động tiêm phòng lao để bảo vệ bản thân, ngăn ngừa vi khuẩn lao tấn công.

Bệnh lao là gì?

Bệnh lao hay còn gọi là ho lao là gì là thắc mắc của rất nhiều người. Lao là căn bệnh bị gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis (MTB) và chúng thường lây truyền qua không khí. Người bệnh nhiễm loại virus này chúng sẽ tấn công và hủy hoại các mô của cơ thể. 

Nhiều bệnh nhân thường ở trong tình trạng ủ bệnh mà không hay biết, đây gọi là bệnh lao tiềm tàng. Sau một khoảng thời gian, tùy vào tình trạng sức khỏe cũng như sức đề kháng của người bệnh, có thể trong vài tuần cho tới vài năm, miễn là hệ miễn dịch suy giảm, vi khuẩn lao sẽ bắt đầu hoạt động mạnh và gây các triệu chứng bệnh. Đó là lúc bệnh lao phổi xuất hiện.

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao là gì 1 Vi khuẩn lao có thể ở trạng thái ủ bệnh trong một thời gian dài

Đặc biệt nếu bệnh nhân có hệ miễn dịch suy yếu nghiêm trọng, chẳng hạn như khi người bệnh nhiễm HIV, ung thư hoặc hóa trị liệu, bệnh lao sẽ phát triển nhanh và mạnh hơn. Lao thường ảnh hưởng đến phổi nhưng cũng có thể lây lan đến các bộ phận khác như xương, hạch bạch huyết, hệ thần kinh, tim, hệ tiêu hoá…

Vi khuẩn lao là gì?

Lao là bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn lao Mycobacterium tuberculosis (viết tắt là M. tuberculosis) gây ra. M. tuberculosis và 7 loài Mycobacterial liên kết chặt chẽ với nhau tạo thành phức hợp M.tuberculosis, chúng thường lây lan qua đường hô hấp.

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao là gì 2 Vi khuẩn lao có thể phát tán qua không khí và lây lan cho cộng đồng

Đa số nhưng không phải tất cả các chủng vi khuẩn lao này đều gây bệnh trên cơ thể người. Tại Hoa Kỳ, hầu như các trường hợp mắc bệnh lao là do M.tuberculosis gây ra, chúng được gọi là trực khuẩn lao.

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao

Trực khuẩn lao thường xuất hiện trong các hạt không khí nhỏ li ti, đường kính chỉ vào khoảng một đến năm micron. Những giọt bắn nhỏ sẽ phóng ra ngoài môi trường và gây lây lan trực khuẩn lao ra cộng đồng khi những bệnh nhân lao phổi, lao thanh quản thực hiện hành động ho hoặc hắt hơi, la hét, hát mà không dùng tay che chắn hoặc đeo khẩu trang.

Tùy thuộc vào điều kiện môi trường bên ngoài mà những giọt nước bọt bắn ra này có thể bay lơ lửng và tồn tại trong không khí khoảng vài giờ. Trực khuẩn lao gây bệnh có thể truyền qua không khí chứ không nhất thiết qua tiếp xúc bề ngoài mới lây bệnh. Sự lây nhiễm xảy ra khi một người bình thường, khỏe mạnh vô tình hít phải những hạt vi khuẩn đang bay lơ lửng trong không khí, chúng đi vào mũi hoặc miệng, đường hô hấp trên, phế quản và cuối cùng trú ngụ trong các phế nang của phổi chờ thời điểm thích hợp để phát bệnh.

Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao là gì 3 Khi biết bản thân mắc bệnh nên chủ động đeo khẩu trang để tránh lây lan cho cộng đồng

Khi trẻ nhỏ mắc bệnh lao phổi và lao thanh quản thì sẽ ít lây nhiễm bệnh cho cộng đồng hơn người lớn. Điều này một phần là do trẻ chỉ thường ho khan, ít có đờm và ít hoạt động ở môi trường bên ngoài như người lớn. Tuy nhiên, trẻ vẫn có khả năng lây nhiễm rất cao. Trẻ em cũng được đánh giá khả năng lây nhiễm dựa trên các tiêu chí như người lớn. Những tiêu chí này bao gồm: Ho kéo dài 3 tuần hoặc lâu hơn, chụp X quang ngực phát hiện có đám vi khuẩn lao trú ngụ, người mắc bệnh đường hô hấp có liên quan đến phổi, thanh quản.

Sinh bệnh học của vi khuẩn lao

Lây nhiễm bệnh lao xảy ra khi người khoẻ mạnh hít phải giọt bắn nhỏ có chứa trực khuẩn lao gây bệnh, sau đó vi khuẩn di chuyển đến phế nang của phổi và khu trú ở đó. Những trực khuẩn này có thể được tiêu diệt bởi đại thực bào phế nang, tuy nhiên nếu hệ miễn dịch của cơ thể quá kém thì quá trình tiêu diệt này sẽ diễn ra không hoàn toàn, một số ít vi khuẩn sẽ vẫn còn tồn tại.

Một số lượng nhỏ vi khuẩn đó có thể nhân lên nội bào và được giải phóng khi các đại thực bào chết. Ngoài ra, trực khuẩn lao có thể lây lan trong cơ thể người bệnh thông qua hệ thống bạch huyết, đi theo đường máu đến các mô và cơ quan khác như hạch bạch huyết, đỉnh phổi, não, xương gây nên các bệnh như lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao xương,...

Người bị nhiễm lao tiềm ẩn (LTBI) có nghĩa là trực khuẩn lao tồn tại trong cơ thể nhưng không mắc bệnh lao, không gây các triệu chứng bệnh và không thể lây nhiễm cho người khác. Người bị lao tiềm ẩn sẽ không được coi là mắc bệnh lao.

Quá trình lao tiềm ẩn bắt đầu khi trực khuẩn lao bị nuốt bởi đại thực bào, sau đó cơ thể kích hoạt phản ứng miễn dịch, tế bào bạch cầu tiêu diệt hầu hết các trực khuẩn lao và dẫn đến hình thành u hạt.

Lúc này, lao tiềm ẩn đã được hình thành. Tình trạng LTBI có thể được phát hiện bằng phương pháp test phản ứng lao tố (TST) hoặc xét nghiệm lao qua máu (IGRA). Tuy nhiên, xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác nhất khi người bệnh đã nhiễm lao được 2 đến 8 tuần bởi lúc này hệ miễn dịch mới được kích hoạt. Trong vài tuần sau khi nhiễm lao, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ ngăn chặn sự nhân lên và tiến triển của vi khuẩn lao.

Trên đây là một số thông tin về cơ chế gây bệnh của vi khuẩn lao. Hi vọng qua những thông tin hữu ích trên, quý đọc giả có thể hiểu được rõ hơn về căn bệnh này cũng như có các biện pháp phòng ngừa thích hợp dựa trên cơ chế lây bệnh của trực khuẩn lao.

Như Nguyễn

Nguồn: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm