Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé

Cơ chế tiết sữa của mẹ là gì? Làm sao có nguồn sữa dồi dào?

Ngày 20/07/2024
Kích thước chữ

Trong phần lớn trường hợp, sữa mẹ sẽ được sản xuất tùy theo nhu cầu bú thực tế của bé. Bé càng bú nhiều, thường xuyên bao nhiêu thì cơ thể mẹ càng tạo ra lượng sữa nhiều bấy nhiêu. Vậy cơ chế tiết sữa của người mẹ hoạt động ra sao? Làm gì để tăng cơ chế tiết sữa?

Đối với trẻ nhỏ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng quan trọng và thiết yếu nhất vì cung cấp đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cho trẻ phát triển về thể chất và trí tuệ. Vậy, sữa mẹ được hình thành như thế nào và cơ chế tiết sữa của mẹ hoạt động ra sao?

Cơ chế tiết sữa: Sữa đầu và sữa cuối

Thông thường, cơ chế tiết sữa của mẹ sẽ phụ thuộc vào nhu cầu bú sữa thực tế của bé, do đó, bé càng bú nhiều thì lượng sữa tiết ra càng nhiều.

Ở thời kỳ mang thai, ngực của người mẹ ở trạng thái sẵn sàng sản xuất ra sữa. Sữa non được hình thành và tồn tại đến sau khi bé ra đời khoảng 2 - 4 ngày. Sữa non thường có màu màu trong hoàn toàn hoặc vàng nhạt, có tính đặc dính và chứa nhiều dinh dưỡng và kháng thể cần thiết. Trong những cữ bú đầu tiên của bé, sữa non luôn được xem là loại sữa quan trọng, đặc biệt trong vòng một tiếng đầu sau khi bé ra đời.

Sau khi bé chào đời, do nhu cầu bú của bé, cơ thể mẹ sẽ sản xuất nhiều sữa hơn. Lúc này, sữa chuyển sang màu trắng và loãng hơn, gọi là sữa trưởng thành.

Cơ chế tiết sữa của mẹ ở thời kỳ này được chia thành sữa đầu và sữa cuối (trong một lần bé bú mẹ). Sữa đầu bữa có màu hơi xanh nhạt, thường được tiết ra đầu bữa bú của bé, chứa rất nhiều đạm, nước, đường và các dinh dưỡng quan trọng khác.

Sữa cuối bữa được tiết ra cuối bữa bú của bé, thường có màu trắng nhẹ do chứa nhiều chất béo hơn. Trẻ lớn nhanh do sữa cuối bữa thường chứa nhiều chất béo, do đó, ba mẹ cần chú ý cho bé bú đến hết sữa cuối, không nên chuyển bên sớm.

Cơ chế tiết sữa của mẹ là gì? Làm sao có nguồn sữa dồi dào? 1
Trong những cữ bú đầu tiên của bé, sữa non luôn được xem là loại sữa quan trọng

Sữa mẹ được tạo ra như thế nào?

4 loại hormone tác động đến quá trình sản xuất sữa mẹ gồm estrogen, progesterone, prolactin và oxytocin. Cơ thể người mẹ tự điều chỉnh hàm lượng các loại hormone này để sản sinh sữa được gọi là cơ chế bài tiết sữa của mẹ.

  • Bầu vú phát triển: Khi mang thai, cơ thể của người mẹ sẽ giải phóng estrogen và progesterone. Estrogen làm tăng kích thước và tăng số lượng ống dẫn sữa, trong khi progesterone kích thích tuyến nang và thùy tuyến sữa phát triển. Sự kết hợp của hai hormone này giúp ức chế sản xuất sữa của cơ thể trong giai đoạn mang thai. Sau khi sinh, cơ thể người mẹ tạo sữa khi lượng tiết ra của hai loại hormone này giảm xuống.
  • Sản xuất sữa: Khi mẹ cho bé bú, kích thích núm vú bài tiết prolactin, chạy vào máu làm cho vú sản xuất ra sữa.
  • Giải phóng sữa khỏi bầu ngực: Khi bé bắt đầu hút sữa, hormone oxytocin được giải phóng. Oxytocin làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang tới các núm vú, rồi chảy vào miệng bé. Đây là quá trình phản xạ phun sữa.
  • Ức chế tiết sữa: Khi trong vú mẹ đọng lại một lượng lớn sữa, chất ức chế sẽ được tiết ra và làm cho vú ngưng tiết sữa. Do đó, để vú tạo nhiều sữa, các mẹ cho trẻ bú thường xuyên hoặc vắt sữa để tạo cho vú luôn rỗng.
Cơ chế tiết sữa của mẹ là gì? Làm sao có nguồn sữa dồi dào? 2
Khi mẹ cho bé bú, kích thích núm vú bài tiết prolactin, chạy vào máu làm cho vú sản xuất ra sữa

Cơ chế tiết sữa của mẹ và phun sữa

Để có được lượng sữa dồi dào trong thời kỳ cho con bú, hai cơ chế mà ba mẹ cần biết là:

Phản xạ tiết sữa

Thông thường, sau bữa bú của bé, prolactin sẽ tồn tại trong máu trong 30 phút, giúp vú tạo sữa cho những lần bú tiếp theo. Việc trẻ càng bú nhiều thì vú của người mẹ sẽ càng tạo ra nhiều sữa. Mẹ nên cho con bú vào ban đêm vì prolactin được sản xuất nhiều nhất vào ban đêm, từ đó duy trì lượng sữa ổn định.

Phản xạ phun sữa

Khi oxytocin giúp giải phóng sữa từ bầu ngực của mẹ. Khi bé bắt đầu kéo núm vú và hút sữa, cũng là lúc giải phóng hormone oxytocin. Oxytocin tham gia vào cơ chế tiết sữa của mẹ do tác dụng làm co bóp các cơ quanh nang, đẩy sữa ra khỏi nang tới các núm vú.

Tâm trạng của người mẹ rất dễ ảnh hưởng đến phản xạ oxytocin. Phản xạ tiết sữa diễn ra rất hiệu quả khi mẹ có suy nghĩ tích cực, yêu thương bé và đặc biệt là tin tưởng vào việc nuôi con bằng sữa mẹ. 

Cơ chế bài tiết sữa mẹ trước và sau 6 tuần

Trong quá trình tổng hợp sữa mẹ, có 3 giai đoạn (L1, L2, L3). 

Giai đoạn L1, L2 được kiểm soát bởi nội tiết tố

Thời kỳ mang thai và ngay sau sinh, nội tiết tố của người mẹ điều khiển hoàn toàn nguồn cung sữa. Sữa non xuất hiện vào khoảng thai thứ 6 (giai đoạn L1) và lượng sữa sẽ tăng lên (giai đoạn L2) trong vòng 30 - 40 giờ sau khi sinh. Hai giai đoạn này được điều khiển bằng hormone nội tiết tố progesterone, estrogen nên sữa vẫn tiết ra dù mẹ có cho bé bú hay không.

Cơ chế cung – cầu (giai đoạn L3) kiểm soát sữa

Trong sữa có chứa một lượng nhỏ chất ức chế phản hồi (Whey) của quá trình tiết sữa (FIL). Khi bé đã bú no, FIL sẽ làm quá trình tổng hợp sữa chậm lại, tránh tình trạng tích tụ sữa quá nhiều.

Prolactin chủ yếu tham gia trực tiếp vào quá trình tổng hợp sữa. Các phế nang tiếp nhận prolactin nhằm kích thích sự tổng hợp của các thành phần trong sữa mẹ. Khi phế nang đã chứa nhiều sữa, prolactin không thể xâm nhập, sẽ làm giảm tốc độ tổng hợp sữa.

Cơ chế sản xuất sữa theo hormone trước 6 tuần

Trong 6 tuần đầu, cơ chế tiết sữa của mẹ chủ yếu vận hành do sự tác động của các hormone: Prolactin tạo sữa và oxytocin tiết sữa. Các loại hormone này đều phụ thuộc vào tinh thần của người mẹ rất nhiều. Vì thế, nếu tinh thần mẹ không thoải mái sẽ giảm đáng kể lượng sữa. Trong 6 tuần này, cơ thể mẹ có thể sản xuất tối đa sữa nếu hormone được kích thích tối ưu.

Cơ chế tiết sữa của mẹ là gì? Làm sao có nguồn sữa dồi dào? 3
Các loại hormone tiết sữa đều phụ thuộc vào tinh thần của người mẹ rất nhiều

Cơ chế sản xuất sữa theo nhu cầu sau 6 tuần

Sau 6 tuần, vai trò tạo sữa của hai hormone giảm đi và thay bằng sự kiểm soát bởi cơ chế nhu cầu tại chỗ. Nghĩa là, việc tiết sữa sẽ tùy vào bầu vú có trống hay không, sữa tạo cho lần sau càng nhanh khi bầu vú càng trống.

Các yếu tố giúp tăng cơ chế tiết sữa của mẹ

Các mẹ nên chú ý những nếu muốn kích thích tiết sữa mẹ và duy trì nguồn sữa:

  • Nên cho bé bú sớm: Việc bé bú sẽ kích thích cơ chế tiết sữa của cơ thể người mẹ. Ngay cả khi mẹ chưa có sữa, cũng nên cho bé bú sớm để có sữa nhanh chóng.
  • Sau khi cho bé bú nên làm trống bầu sữa: Nếu trong bầu vú vẫn còn sữa sau khi bé bú xong, mẹ nên hút hết lượng sữa ra ngoài bằng máy hút sữa. Việc làm trống bầu sữa sau khi bé bú sẽ giúp cơ thể mẹ nhận biết cần phải tiết sữa nhanh chóng.
  • Ăn uống theo thực đơn đầy đủ dinh dưỡng: Những dưỡng chất cần phải có trong chế độ ăn uống của mẹ gồm chất đạm, chất đường bột, chất béo, vitamin và nên ăn các loại rau củ quả. Không chỉ cần ăn đủ chất, mẹ cũng cần ăn đa dạng thực phẩm. Nếu cần thiết, mẹ nên đi khám dinh dưỡng để biết trong sữa mẹ có thiếu những chất gì không, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn cho mẹ chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Uống đủ nước mỗi ngày: Mẹ nên uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày, gồm nước lọc hoặc có thể uống các loại nước hoa quả.
  • Để kích thích tiết sữa, mẹ cần ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan.
Cơ chế tiết sữa của mẹ là gì? Làm sao có nguồn sữa dồi dào? 4
Mẹ nên uống từ 2 - 3 lít nước mỗi ngày để giúp tạo sữa

Tóm lại, việc hiểu rõ cơ chế tiết sữa của mẹ sẽ giúp người mẹ biết cách làm tăng tiết lượng sữa, giúp duy trì nguồn sữa dồi dào cho con, đồng thời giúp mẹ hiểu được cách chăm sóc bản thân để có được sữa chất lượng tốt cho bé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin