Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Những thông tin cơ bản về nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài

Thị Ánh

07/03/2025
Kích thước chữ

Đối với nhiều chị em, việc cho con bú là khoảng thời gian thú vị, mang đến những cảm giác vui vẻ và thư giãn. Tuy nhiên, cũng có không ít chị em do một lý do nào đó mà phải cai sữa sớm cho con. Một câu hỏi đặt ra: Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi?

Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Đây chắc hẳn đang là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm hiện nay. Hiểu được điều này, trong bài viết sức khỏe hôm nay, Nhà thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cơ bản xoay quanh việc cho bé bú kéo dài từ đó giúp chị em làm sáng tỏ chủ đề trên.

Hiểu về thuật ngữ cho con bú kéo dài

"Cho con bú kéo dài" không có một định nghĩa cố định mà phụ thuộc vào quan niệm văn hóa, xã hội và y tế của từng quốc gia, khu vực.

Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), trẻ nên được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục bú mẹ kết hợp với ăn dặm đến ít nhất 2 tuổi hoặc lâu hơn nếu mẹ và bé đều mong muốn. Tuy nhiên, ở nhiều quốc gia phương Tây, việc cho con bú sau 1 tuổi lại là không phổ biến. Trong khi đó, ở một số nền văn hóa châu Á, châu Phi và Nam Mĩ, việc cho con bú đến 2 - 3 tuổi, thậm chí lâu hơn, vẫn được coi là bình thường.

Quan điểm về "cho con bú kéo dài" cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây, việc nuôi con bằng sữa mẹ trong thời gian dài khá phổ biến, nhưng với sự phát triển của sữa công thức và các tiêu chuẩn nuôi dạy con hiện đại, việc cai sữa sớm hơn trở nên phổ biến hơn ở một số quốc gia phát triển. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tiếp tục cho con bú sau 1 tuổi vẫn mang lại nhiều lợi ích về dinh dưỡng, miễn dịch và tâm lý cho trẻ. Vậy nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi?

Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Những thông tin cơ bản về việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài 1
Cho con bú kéo dài là như thế nào?

Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi?

Sữa mẹ không chỉ cung cấp dinh dưỡng tối ưu mà còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ sự phát triển não bộ và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng ở trẻ. Vậy nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi?

Với câu hỏi nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi, đa số các chuyên gia dinh dưỡng và y tế đều khuyến khích việc nuôi con bằng sữa mẹ trong ít nhất 12 tháng, thậm chí có nhiều ý kiến còn ủng hộ kéo dài đến 18 tháng hoặc hơn nữa.

Tuy nhiên, trên thực tế, thời gian cho bé bú mẹ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố bao gồm khuyến nghị y tế, điều kiện của mẹ và bé cũng như mong muốn của gia đình. Dưới đây là những hướng dẫn từ các tổ chức y tế lớn về việc nuôi con bằng sữa mẹ, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP): Khuyến nghị nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, sau đó tiếp tục kết hợp với thực phẩm bổ sung ít nhất đến 1 tuổi hoặc lâu hơn nếu mẹ và bé muốn.
  • Tổ chức Y tế Thế giới (WHO): Khuyến khích bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sau đó duy trì bú mẹ đến 2 tuổi hoặc lâu hơn để tối ưu sức khỏe của trẻ.
  • Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP): Cho rằng việc tiếp tục bú mẹ ít nhất 2 năm mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nhất cho cả mẹ và bé.
Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Những thông tin cơ bản về nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài 1
Nhiều người thắc mắc nên cho bé bú mẹ đến mấy tháng tuổi

Ưu và nhược điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài

Tương tự như các phương pháp nuôi con khác, nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài sẽ có những ưu cũng như nhược điểm. Cụ thể:

Ưu điểm

Ưu điểm của việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài có thể kể đến như:

  • Dinh dưỡng và hệ miễn dịch vượt trội: Dù trẻ đã ăn dặm, sữa mẹ vẫn cung cấp năng lượng, hormone, enzyme và vitamin quan trọng. Trẻ bú mẹ ít bị ốm hơn so với trẻ cai sữa sớm. Khi trẻ bị ốm, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng dễ hấp thụ nhất, giúp bé duy trì đủ nước và tăng cường đề kháng.
  • Lợi ích cho mẹ: Giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, việc cho con bú kéo dài còn có thể giúp trì hoãn kinh nguyệt, giảm các triệu chứng khó chịu như chuột rút, đầy hơi đồng thời hỗ trợ kiểm soát cân nặng nếu kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
  • Hỗ trợ phát triển tâm lý của bé: Sự gắn kết khi bú giúp bé cảm thấy an toàn, hỗ trợ phát triển tính độc lập, trẻ có thể thích nghi tốt hơn khi đi du lịch hoặc ở môi trường xa lạ. Việc cai sữa tự nhiên giúp bé ít bị căng thẳng hơn so với cai sữa đột ngột.

Nhược điểm

Mặc dù nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài có nhiều ưu điểm, song vẫn tiềm ẩn một số nhược điểm bao gồm:

  • Khó khăn trong việc cai sữa: Càng lớn, trẻ càng khó cai sữa hơn vì đã hình thành thói quen bú mẹ. Một số bé dựa vào việc bú mẹ không chỉ để ăn mà còn để trấn an tinh thần và điều này khiến quá trình cai sữa trở nên khó khăn hơn. Để giúp trẻ cai sữa, mẹ cần sử dụng các biện pháp thay thế như trò chơi, bài hát hoặc đồ ăn khác.
  • Sự phụ thuộc của bé vào mẹ: Trẻ có thể hình thành thói quen bú mẹ khi chán hoặc khi muốn thu hút sự chú ý từ mẹ. Nếu không được hướng dẫn đúng cách, trẻ có thể gặp khó khăn trong việc tự trấn an khi không có mẹ bên cạnh.
  • Áp lực cho mẹ khi mang thai bé tiếp theo: Việc tiếp tục cho con bú trong khi mang thai có thể khiến mẹ cảm thấy mệt mỏi và quá tải. Cơ thể mẹ cần nhiều năng lượng hơn để nuôi dưỡng cả thai nhi và bé đang bú.
Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Những thông tin cơ bản về việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài 3
Nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài có thể gây khó khăn trong việc cho trẻ cai sữa

Lời khuyên cho mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài

Dưới đây là một số lời khuyên cho mẹ khi nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài, bạn đọc có thể tham khảo:

  • Nếu cảm thấy không thoải mái khi cho con bú ở nơi công cộng, mẹ có thể ưu tiên bú tại nhà trước khi ra ngoài hoặc chọn những thời điểm cố định như sáng sớm và tối.
  • Nếu bé bú vì buồn chán hoặc muốn thu hút sự chú ý, hãy đánh lạc hướng bằng trò chơi hoặc hoạt động khác. Dạy bé một "mật mã" riêng để bé có thể ra hiệu khi muốn bú, giúp tránh sự chú ý ở nơi công cộng.
  • Mẹ cần duy trì chế độ ăn uống cân bằng với nhiều trái cây, rau củ, protein, ngũ cốc nguyên hạt và thực phẩm giàu canxi, uống đủ nước, đặc biệt là mỗi khi cho con bú, để duy trì nguồn sữa. Nếu cần, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung dinh dưỡng.
  • Đảm bảo chế độ ăn dặm hợp lý cho trẻ: Sau 12 tháng, ngoài sữa mẹ, bé cần được cung cấp thực phẩm đa dạng để cân bằng dinh dưỡng. Nếu bé biếng ăn, mẹ có thể bổ sung vi khoáng chất như lysine, kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B để hỗ trợ tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng tốt hơn.
Nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi? Những thông tin cơ bản về việc nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài 4
Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về việc bổ sung dinh dưỡng cho cả mẹ và bé

Trên đây là toàn bộ những thông tin cơ bản xoay quanh chủ đề nuôi con bằng sữa mẹ kéo dài mà Nhà thuốc Long Châu muốn chia sẻ đến quý độc giả. Mong rằng, với những chia sẻ hôm nay, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về chủ đề này đồng thời giải đáp được thắc mắc nên cho bé bú mẹ đến mấy tuổi. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin