Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Có những loại thuốc trị giang mai nào? Nguyên tắc và lưu ý khi dùng thuốc trị giang mai

Ngày 15/01/2023
Kích thước chữ

Giang mai là một trong các bệnh lây lan qua đường tình dục khá phổ biến, ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy đâu là loại thuốc trị giang mai hiệu quả? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về thuốc trị giang mai trong bài viết dưới đây nhé.

Giang mai là một căn bệnh xã hội có thể để lại nhiều biến chứng phức tạp, khó lường đối với sức khỏe của người bệnh. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ cung cấp cho bạn các thông tin liên quan đến thuốc trị giang mai, nguyên tắc cũng như một số lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc. 

Nguyên tắc khi bắt đầu sử dụng thuốc trị giang mai

Trước khi tìm hiểu về nguyên tắc khi dùng thuốc chữa bệnh giang mai, bạn cần nắm rõ về căn bệnh này.

Giang mai là một loại bệnh chủ yếu lây lan qua đường tình dục, do xoắn khuẩn Treponema pallidum gây ra. Bên cạnh đó, giang mai còn có thể lây qua một số con đường khác như lây qua dịch tiết, qua máu, từ mẹ sang con…

Từng loại thuốc đều có những nguyên tắc khi sử dụng mà người bệnh cần phải tuân thủ để đảm bảo được hiệu quả điều trị. Vậy nguyên tắc khi sử dụng thuốc trị giang mai là gì?

Có những loại thuốc trị giang mai nào? Nguyên tắc và lưu ý khi dùng thuốc trị giang mai 1 Nguyên tắc sử dụng thuốc trị giang mai là gì?

Bệnh giang mai biểu hiện thành các giai đoạn cùng những mức độ nguy hiểm khác nhau. Do vậy, việc điều trị giang mai bằng thuốc cũng cần tương ứng với từng giai đoạn phát triển của bệnh. Tùy theo người mắc bệnh ở giai đoạn nào mà sẽ có những chỉ định thuốc khác nhau: Giang mai sớm (dưới 2 năm) hoặc giang mai muộn (trên 2 năm hoặc không xác định được thời gian). Cần kiên trì dùng thuốc đúng liều, đủ thời gian và cần tuân thủ chặt chẽ phác đồ do bác sĩ đưa ra. 

Trong quá trình điều trị, người bệnh tuyệt đối không quan hệ tình dục để tránh việc lây nhiễm bệnh cho người khác. Bạn tình hiện tại hoặc bạn tình trong vòng 1 năm cũng cần phải đi khám, làm xét nghiệm giang mai để có phương án điều trị thích hợp nếu mắc bệnh. Để đảm bảo an toàn, cần sử dụng bao cao su trong quan hệ ngay cả khi đã khỏi bệnh.

Điều trị giang mai chủ yếu là điều trị ngoại trú. Trong quá trình điều trị, cần có sự theo dõi của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo phác đồ có hiệu quả. Trường hợp bệnh không có xu hướng thuyên giảm, bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị cho phù hợp. Ngoài ra, điều trị nội trú giang mai trong trường hợp giang mai giai đoạn III (có biểu hiện trên tim mạch và hệ thần kinh) hoặc giang mai bẩm sinh. 

Thành phần chính thường được dùng trong việc điều trị giang mai

Một thành phần được dùng tương đối phổ biến để làm thuốc trị giang mai là kháng sinh penicillin. Đây là loại kháng sinh có khả năng tiêu diệt xoắn khuẩn giang mai rất hiệu quả. Tuy nhiên, trong trường hợp người bệnh bị dị ứng penicillin, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh sử dụng loại kháng sinh khác có tác dụng tương đương.

Có những loại thuốc trị giang mai nào? Nguyên tắc và lưu ý khi dùng thuốc trị giang mai 2 Penicillin là thành phần chính trong thuốc điều trị giang mai

Đối với người bệnh mắc giang mai giai đoạn đầu, thường sẽ được chỉ định sử dụng penicillin đơn lẻ đường tiêm. Trường hợp người bệnh mắc giang mai hơn 1 năm, có thể tăng liều để tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị đã được chỉ định.

Trong quá trình sử dụng thuốc, người bệnh có thể gặp phải một số tác dụng không mong muốn như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, đau nhức… Tuy nhiên, các dấu hiệu này thường sẽ biến mất nhanh chóng và không gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh.

Danh sách các loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị giang mai

Hiện nay, có 4 loại thuốc trị giang mai được sử dụng phổ biến. Đó là:

Benzathin penicillin

Benzathin penicillin là loại thuốc trị giang mai vô cùng phổ biến và được ưu tiên hàng đầu. Thuốc được chỉ định cho người mắc giang mai bẩm sinh, giai đoạn đầu và giai đoạn muộn, có thể sử dụng được ở phụ nữ có thai.

  • Giang mai sớm (dưới 2 năm): Sử dụng Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Tiêm bắp sâu với liều duy nhất.
  • Giang mai muộn (trên 2 năm hoặc không rõ thời gian mắc: Sử dụng Benzathin penicillin 2,4 triệu đơn vị. Tiêm bắp sâu với liều 1 lần/tuần trong vòng 3 tuần liên tiếp. Cần chú ý thời gian giữa 2 lần tiêm không vượt quá 14 ngày.
  • Giang mai bẩm sinh: Sử dụng Benzathin penicillin G với liều 50.000 đơn vị/kg/ngày. Tiêm bắp với 01 liều duy nhất.
Có những loại thuốc trị giang mai nào? Nguyên tắc và lưu ý khi dùng thuốc trị giang mai Benzathin penicillin là loại kháng sinh được ưu tiên hàng đầu để trị giang mai

Thuốc giang mai Procain penicillin

Trong trường hợp không có Benzathin penicillin, bác sĩ có thể chỉ định thay thế bằng Procain penicillin. Kháng sinh Procain penicillin cũng có thể được lựa chọn trong nhiều giai đoạn bệnh giang mai và dùng được cho phụ nữ có thai.

  • Giai đoạn sớm: Sử dụng Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu 1 lần/ngày. Sử dụng trong 10 - 14 ngày.
  • Giai đoạn muộn: Sử dụng Procain penicillin 1,2 triệu đơn vị, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày. Tiêm trong 20 ngày.
  • Giang mai bẩm sinh: Sử dụng Procain penicillin với liều 50.000 đơn vị/kg/ngày. Tiêm bắp từ 10 - 15 ngày.

Kháng sinh Doxycyclin trị giang mai

Trường hợp không có Procain penicillin hoặc người bệnh có tiền sử bị dị ứng với penicillin, kháng sinh Doxycyclin có thể là một trong các lựa chọn thay thế. Doxycyclin hiệu quả với bệnh giang mai giai đoạn sớm hoặc giai đoạn muộn. Tuy nhiên, Doxycyclin chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì có khả năng gây ra những biến chứng vô cùng nghiêm trọng cho thai nhi.

Cách sử dụng kháng sinh Doxycyclin trị giang mai như sau:

  • Giai đoạn sớm: Sử dụng Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ngày và uống trong vòng 14 ngày.
  • Giai đoạn muộn: Sử dụng Doxycyclin 100mg, uống 2 lần/ngày và uống trong 30 ngày.

Thuốc Erythromycin

Erythromycin là một trong các lựa chọn thay thế penicillin ở phụ nữ có thai bị dị ứng với penicillin. Bên cạnh đó, Erythromycin không đi qua hàng rào nhau thai, do vậy có thể sử dụng cho trẻ sơ sinh có mẹ mắc giang mai.

Ở phụ nữ có thai:

  • Giai đoạn sớm: Sử dụng Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ngày và uống trong 14 ngày.
  • Giai đoạn muộn: Dùng Erythromycin 500mg, uống 4 lần/ngày và trong 30 ngày.

Ceftriaxone và Azithromycin - thuốc trị giang mai giai đoạn sớm

Đây là hai phác đồ có thể được lựa chọn điều trị giang mai giai đoạn sớm để thay thế trong trường hợp người bệnh bị dị ứng penicillin. Hai thuốc này đều an toàn với phụ nữ có thai.

  • Ceftriaxone 1g, tiêm bắp sâu, 1 lần/ngày, tiêm trong 10 - 14 ngày.
  • Azithromycin 2g, uống liều duy nhất.

Lưu ý khi bắt đầu quá trình sử dụng thuốc trị giang mai

Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng thuốc trị giang mai:

  • Tuân thủ nguyên tắc và phác đồ điều trị bệnh của bác sĩ. Không tự ý tăng giảm liều lượng thuốc.
  • Cần kiên trì trong quá trình điều trị.
  • Không tự ý ngừng dùng thuốc, điều này có thể gây ra tình trạng kháng thuốc.
  • Thông báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu thấy bất cứ thay đổi bất thường của cơ thể để có phương án xử trí kịp thời.
  • Xây dựng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng hợp lý, khoa học, kết hợp rèn luyện thể chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.
  • Không quan hệ tình dục để tránh lây nhiễm bệnh cho bạn tình.
  • Chú ý vệ sinh cá nhân, đặc biệt là những vùng nhạy cảm, dễ bị tổn thương như bộ phận sinh dục.
  • Không dùng chung các vật dụng cá nhân vì có thể gây lây nhiễm chéo.
  • Giữ một trạng thái tinh thần lạc quan, tích cực.
  • Thăm khám sức khỏe định kì.

Trên đây là những thông tin liên quan đến các loại thuốc trị giang mai. Nhà Thuốc Long Châu hy vọng bài viết này đã đem lại cho bạn đọc những thông tin hữu ích. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Quyết định 5186/QĐ-BYT

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin