Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào?

Ngày 29/03/2023
Kích thước chữ

Cường giáp và suy giáp là hai tình trạng thường gặp nhất liên quan đến tuyến giáp. Bởi vì tuyến giáp là một trong những cơ quan điều tiết quan trọng của cơ thể, do đó hai bệnh lý kẻ trên đều có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của bạn.

Tuyến giáp có tác dụng tiết ra hormone giáp. Loại hormone này sẽ tham gia vào quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể. Cường giáp và suy giáp là tình trạng tăng tiết quá mức hoặc tăng tiết không đủ, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người bệnh.

Cường giáp là gì?

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng tiết hormone giáp quá mức. Bệnh nhân mắc bệnh cường giáp thường có biểu hiện hay hồi hộp, lo âu, ăn nhiều, sút cân,...

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Viêm giáp: Bệnh nhân thường bị đau vùng tuyến giáp, thường xuất hiện trong thai kỳ hoặc sau thai kỳ. Viêm giáp sẽ kích thích cơ thể tăng tiết hormone quá mức và đi vào máu.
  • Nhân giáp sản xuất quá nhiều hormone T4: Nhân giáp thường lành tính, tuy nhiên, người bị cường giáp sẽ bị tăng kích thước hoặc tăng tiết hormone do sự ảnh hưởng của nhân giáp.
  • Bệnh tự miễn Basedow: Basedow là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng cường giáp. Bệnh tự miễn Basedow là cách mà cơ thể chống lại chính tuyến giáp, khiến tình trạng tiết hormone giáp trở nên bất thường.

Một số biểu hiện của người bị cường giáp bao gồm: tiêu chảy, yếu cơ, rối loạn nhịp tim, bướu cổ, hay lo lắng, phù kết mạc mắt, sụt cân, sợ nóng,...

Cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào 1Cường giáp là tình trạng tuyến giáp tăng tiết hormone quá mức

Suy giáp là gì?

Suy giáp là tình trạng cơ thể không sản xuất đủ hormone giáp, làm chậm chuyển hóa các chất và dẫn đến tăng cân. Theo Hiệp hội tuyến giáp Mỹ, suy giáp không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, chúng ta có các loại thuốc có thể cải thiện chức năng tuyến giáp hiệu quả.

Nguyên nhân chính dẫn đến suy giáp là viêm giáp Hashimoto. Đây là một loại bệnh tự miễn của cơ thể. Khi xuất hiện, viêm giáp Hashimoto sẽ khiến tuyến giáp ngừng sản xuất hormone, khiến bạn bị suy giáp.

Các biểu hiện của bệnh nhân suy giáp bao gồm: Táo bón, yếu cơ, sợ lạnh, mệt mỏi, bướu cổ, trí nhớ kém,...

Cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào 2Suy giáp là tình trạng tuyến giáp tiết quá ít hormone giáp

So sánh cường giáp và suy giáp

Điểm giống nhau

Mặc dù cường giáp và suy giáp có sự khác biệt về nguyên nhân và cách hình thành bệnh nhưng lại có một số biểu hiện chung như: Yếu cơ, bướu cổ, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương.

Sự khác nhau

Cường giáp sẽ kích thích quá trình tăng trưởng của cơ thể, dẫn tới một số triệu chứng như: Tiêu chảy, mất ngủ, sút cân, run rẩy, tim đập nhanh,... Cường giáp thường đi kèm với chứng cao huyết áp và rối loạn nhịp tim, là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đột quỵ và đau tim.

Suy giáp làm giảm khả năng chuyển hóa và tăng trưởng của cơ thể. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm: Thiếu năng lượng, tăng cân nhanh chóng, rối loạn tâm thần, mệt mỏi,...

Một người có thể vừa cường giáp vừa suy giáp được không?

Một người có thể vừa bị cường giáp vừa bị suy giáp do điều trị quá mức. Ví dụ người bị cường giáp sau khi điều trị xong có thể bị giảm tiết hormone giáp trầm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này rất hiếm gặp và chỉ có thể xuất hiện vài tháng sau điều trị. Do đó, bạn phải đến cơ sở y tế đã điều trị để thăm khám thường xuyên, tránh các biến chứng khác có liên quan.

Cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào 3Người bị cường giáp và suy giáp cần thường xuyên kiểm tra sức khỏe để hạn chế rủi ro bệnh

Người bị cường giáp nên ăn gì?

Ăn uống khoa học là một trong các phương pháp hỗ trợ điều trị bệnh cường giáp. Bệnh nhân sau khi điều trị cường giáp cần bổ sung các loại thực phẩm như: Cá hồi, gà tây, sữa chua và bông cải xanh,...

Mặt khác, bạn nên hạn chế sử dụng các loại thực phẩm như: 

  • Thực phẩm giàu carbohydrat: Gồm nước trái cây, ngũ cốc nghèo chất xơ, đồ ăn nhiều đường,...
  • Các chất kích thích như rượu và caffein;
  • Đậu nành;
  • Chất béo không lành mạnh.

Người bị suy giáp nên ăn gì?

Bệnh nhân bị suy giáp nên sử dụng các loại thực phẩm giàu Iod bao gồm: cá, rong biển, rau củ tươi, sữa, các loại đậu,...

Bên cạnh đó, bệnh nhân suy giáp cũng nên tránh các loại thực phẩm như: 

  • Các loại rau họ cải: Cải bắp, súp lơ, cải xoăn,...
  • Đậu nành;
  • Thực phẩm giàu gluten;
  • Đồ ăn giàu chất béo;
  • Thực phẩm nhiều đường;
  • Thực phẩm giàu chất xơ;
  • Thực phẩm chế biến sẵn. 
Cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào 4Bệnh nhân suy giáp nên hạn chế dùng đồ ăn chế biến sẵn

Các lưu ý khi điều trị cường giáp và suy giáp

Bệnh nhân điều trị cường giáp và suy giáp cần lưu ý các vấn đề sau đây:

  • Tuân thủ lịch trình theo dõi và điều trị của bác sĩ;
  • Người bị tiểu đường cần kiểm soát lượng đường trước khi điều trị cường giáp và suy giáp;
  • Không lạm dụng thuốc để giảm cân. Sau quá trình điều trị, cân nặng của bạn sẽ trở về trạng thái bình thường mà không cần phải can thiệp bằng thuốc.
  • Thuốc điều trị tuyến giáp có thể gây rụng tóc trong một khoảng thời gian.

Bài viết trên đã làm rõ cường giáp và suy giáp khác nhau như thế nào. Hi vọng các thông tin trên có thể giúp bạn phát hiện sớm bệnh để chữa trị kịp thời. Bên cạnh đó, bạn cần quan tâm hơn đến lối sống và sinh hoạt lành mạnh để hạn chế bệnh tật, trong đó có các bệnh liên quan đến tuyến giáp.

Uyên Trương

Nguồn tham khảo: medlatec.vn, vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin