Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Đạp xe có tác dụng gì đối với sức khỏe và môi trường? Những lưu ý khi đạp xe

Ngày 25/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói đến bộ môn đạp xe đạp rồi đúng không nào. Đạp xe mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe nên luôn được khuyến khích tập luyện. Vậy, đạp xe có tác dụng gì và những lợi ích tuyệt vời mà đạp xe mang lại là như thế nào? Cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.

Đạp xe đạp mỗi ngày sẽ giúp bạn tăng cường sức khỏe, không chỉ cho hệ xương khớp mà còn nâng cao sức khỏe tinh thần, giúp bạn giảm đi những mệt mỏi, muộn phiền trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, đạp xe còn mang lại cho bạn rất nhiều những lợi ích khác, rất đáng kinh ngạc nữa đấy. Vậy đạp xe có tác dụng gì?

Đạp xe có tác dụng gì cho sức khỏe?

Có thể bạn chưa biết nhưng đạp xe mang đến rất nhiều lợi ích cho sức khỏe:

Tăng cường sức khỏe tim mạch, ngăn ngừa bệnh ung thư

Nhiều nghiên cứu cho thấy, đạp xe là môn thể thao được khuyến khích tập luyện hàng ngày, giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch và ung thư. Bởi vì, khi đạp xe, nhịp tim của ta sẽ nhanh hơn bình thường, nhờ đó máu tuần hoàn khắp cơ thể tốt hơn, tiêu hao năng lượng nhiều hơn, giúp giảm mỡ, sức khỏe được dẻo dai.

Tăng cường, củng cố xương và sức mạnh các cơ

Đạp xe thường xuyên giúp cho cơ bắp khỏe khoắn, thon gọn, săn chắc và linh hoạt hơn, từ đó xương khớp hông, khớp gối cũng chắc khỏe hơn, giảm quá trình thoái hóa cột sống đau xương khớp theo tuổi tác.

Đạp xe có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe 2
Đạp xe thường xuyên giúp bạn tăng sức mạnh các cơ

Đạp xe giúp kiểm soát cân nặng và giảm cân hiệu quả

Đạp xe thường xuyên là cách tốt để loại bỏ lượng chất béo dư thừa trong cơ thể. Điều này càng hiệu quả hơn khi ta đạp xe với cường độ cao. Ngoài ra, đạp xe còn giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra tích cực hơn, giúp cơ thể đốt cháy nhiều calo hơn trong lúc vận động và ngay cả trong lúc nghỉ ngơi, nhờ đó giúp kiểm soát trọng lượng và giảm cân hiệu quả.

Đạp xe giúp phổi hoạt động tốt hơn

Theo Healthline, chuyên trang về sức khỏe của Mỹ đã chỉ ra nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy: Luyện tập đi xe đạp không chỉ là bài tập đốt mỡ hiệu quả, giúp tăng cường sức mạnh cơ khớp của chân mà còn rất có lợi cho phổi, kích thích hoạt động của phổi. Sau một thời gian tập luyện, hiệu suất hoạt động của cả tim và phổi đều được cải thiện. Nguyên nhân là khi duy trì luyện tập đạp xe, cơ thể cần cung cấp một lượng lớn oxy để đốt năng lượng, do đó sẽ kích thích các bộ phận tim phổi hoạt động nhiều hơn, nhờ đó khi luyện tập đạp xe thường xuyên giúp phổi khỏe hơn và cải thiện dung tích phổi lớn hơn.

Đạp xe giúp đời sống tình dục thăng hoa hơn

Đạp xe thường xuyên giúp tăng cường hoạt động của các nhóm cơ, đặc biệt là nhóm cơ ở phần dưới cơ thể. Điều này vô cùng hữu ích cho hoạt động tình dục.

Đạp xe giúp ngăn ngừa và kiểm soát được bệnh đái tháo đường tuýp 2

Nguyên nhân chính của bệnh đái tháo đường type 2 là do kháng insulin. Khi đạp xe, sẽ giúp người mắc bệnh tăng độ nhạy với insulin, sử dụng insulin một cách hiệu quả hơn làm giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, khi nghiên cứu về bệnh đái tháo đường, các chuyên gia nhận thấy bệnh có thể làm giảm lượng máu cung cấp đến chân, trong khi đó, đạp xe có thể kích hoạt 70% khối lượng cơ ở chân, đồng thời lại giúp giảm áp lực của chân, giúp tăng lượng máu đến chân.

Đạp xe có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe  3
Đạp xe có tác dụng gì? Đạp xe hỗ trợ kiểm soát bệnh tiểu đường

Đạp xe giúp cải thiện sức khỏe tinh thần

Khi đạp xe ngoài trời, ta có cơ hội tốt để khám phá thế giới tự nhiên, tận hưởng những phút giây thư giãn, giúp giảm căng thẳng. Hơn thế nữa, khi đạp xe giúp ta rời bỏ việc sa đà vào những thiết bị điện tử, tăng cường hoạt động thể lực, tốt hơn cho sức khỏe. Ngoài ra, đạp xe theo nhóm bạn cùng sở thích còn giúp ta mở rộng mối quan hệ, gắn kết tình bạn bền chặt hơn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần.

Đạp xe có tác dụng gì cho môi trường?

Bên cạnh lợi ích cho sức khỏe, đạp xe còn mang đến nhiều tác động tích cực cho môi trường:

Giảm ô nhiễm

Đạp xe đạp không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe mà còn biện pháp giúp giảm ô nhiễm môi trường rất hiệu quả. Đồng thời, quá trình đạp còn giúp giảm lượng khí thải ra môi trường và giúp bảo vệ bầu không khí trong lành của thiên nhiên. Khi bạn đạp xe đạp thay vì sử dụng xe hơi hay xe máy, bạn đã góp phần giúp giảm thiểu lượng khí CO2 cũng như thải các chất gây ô nhiễm ra môi trường. Điều này không chỉ giúp chất lượng không khí sạch tốt hơn mà còn góp phần bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Bảo vệ tài nguyên thiên nhiên

Khi bạn đạp xe, bạn sẽ không cần sử dụng các nhiên liệu như xăng hay dầu. Điều này sẽ giúp tiết kiệm năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Bạn vừa giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ xăng dầu, vừa giúp bảo vệ môi trường. Tại sao lại không thử đạp xe ngay từ bây giờ chứ ?

Đạp xe có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe 4
Đạp xe vừa giúp nâng cao sức khỏe, vừa giúp bảo vệ môi trường

Những lưu ý khi tập luyện đạp xe

Cần lưu ý một số vấn đề sau khi đạp xe:

  • Bạn có thể tập đạp xe ngoài trời hoặc đạp xe cố định trong nhà. Đối với người mới bắt đầu tập luyện đạp xe bạn nên chọn những cung đường bằng phẳng. Khi đã quen dần, hãy thử sức từ từ với những cung đường khó hơn có độ dốc cao hơn, gồ ghề hơn.
  • Thời gian để luyện tập tốt nhất là vào sáng sớm, bạn có thể đón ánh mặt trời, bổ sung thêm lượng vitamin D. Tránh đạp xe trong thời tiết nắng nóng, rất dễ mất sức.
  • Tư thế chuẩn trong luyện tập đạp xe là lưng thẳng, thoải mái, tránh cúi đầu hay vẹo lưng.
  • Lên kế hoạch tập luyện đạp xe với mục tiêu tối thiểu từ 30-60 phút/ngày; từ 3-5 lần/tuần. Khởi đầu buổi tập bằng những động tác thể dục như xoay cổ chân, cổ tay, bật nhảy vv… sau đó đạp xe với tốc động chậm, nhẹ nhàng trong 5-10 phút. Khi cảm thấy cơ thể đáp ứng với vận động nhanh hơn, hãy tăng tốc dần sao cho cơ thể tiết mồ hôi. 5 phút cuối của buổi tập, hãy đạp xe với tốc độ chậm dần đến khi kết thúc.
  • Thực hiện tối thiểu 150 phút mỗi tuần để rèn luyện sức bền cơ thể, giữ dáng thon gọn.
  • Đối với bệnh đái tháo đường, các nghiên cứu khoa học cho thấy, nếu đạp xe với tốc độ vừa phải trong 1 giờ có thể giúp làm giảm lượng đường của người bệnh trong 24 giờ tới; nếu đạp xe với tốc độ nhanh hơn dù chỉ trong 30 phút cũng giúp giảm lượng đường tương tự như đạp xe với tốc độ chậm trong 60 phút.
  • Các động tác đạp xe đúng phương pháp để tiết kiệm sức lực mà vẫn bảo đảm rèn luyện sức khỏe. Đó là kết hợp 4 động tác một cách nhịp nhàng: đạp, kéo, nâng và đẩy. Khi đạp xuống dưới thì bàn chân sẽ co lại để có lực kéo lên và nâng bàn đạp rồi đẩy xuống để hoàn thành nhịp đạp..
  • Khi tập luyện đạp xe, bạn cần kết hợp nhịp thở cùng với nhịp điệu đạp xe duy trì ở mức độ trung bình trong khoảng 30 phút.
  • Cung cấp đủ năng lượng trước, trong và sau khi tập. Nên ăn nhẹ trước khi tập luyện khoảng 30 phút. Các loại thực phẩm được khuyến cáo nên dùng khi tập luyện đạp xe là trái cây (chuối, đu đủ…), nước ép trái cây, trứng… tránh những thực phẩm giàu acid và chất béo.
  • Chú ý bổ sung đủ nước trong lúc tập luyện đạp xe là yêu cầu quan trọng. Quá trình tập luyện sẽ có lượng lớn mồ hôi tiết ra làm cơ thể dễ mất nước. Hãy bổ sung nước theo nguyên tắc “uống đúng lượng nước cần, uống đúng lúc và uống đúng loại”. Khi tập luyện ngoài mất lượng nước, cơ thể còn thiếu hụt lượng lớn các loại khoáng chất. Để bổ sung nhanh lượng khoáng chất này, bạn cần uống các loại nước có chứa chất cân bằng điện giải như nước chanh muối, nước ép trái cây, nước dừa tươi, trà xanh…
Đạp xe có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe 5
Bạn nên đạp xe vào sáng sớm để tăng cường sức khỏe

Đạp xe là môn thể thao ngày càng được phổ biến hơn về những lợi ích mà nó mang lại. Hãy thử tập luyện đạp xe để vừa giúp cơ thể thêm khỏe mạnh, vừa giúp bảo vệ môi trường. Hy vọng bài viết Đạp xe có tác dụng gì? Những lợi ích tuyệt vời của việc đạp xe vừa rồi đã giúp bạn có thêm nhiều thông tin thú vị và bổ ích nhé.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin