Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Những ai không nên đạp xe?

Ngày 24/05/2024
Kích thước chữ

Đạp xe là môn thể dục thể thao được nhiều người lựa chọn để rèn luyện sức khỏe. Nhưng cũng có những người dù đạp xe thường xuyên vẫn không đạt được hiệu quả như mong đợi thậm chí gặp thêm các vấn đề sức khỏe khác. Vậy những ai không nên đạp xe?

Đạp xe là một trong những bộ môn thể dục thể thao thông dụng được nhiều người lựa chọn. Bộ môn này giúp cải thiện sự dẻo dai của cơ thể, tăng độ linh hoạt của xương khớp, giúp thư giãn tinh thần và mang đến nhiều lợi ích sức khỏe khác. Tuy nhiên, đây không phải lựa chọn phù hợp của tất cả mọi người. Nếu muốn biết những ai không nên đạp xe, bạn đừng bỏ qua bài viết này nhé!

Đi xe đạp thường xuyên có lợi ích gì với sức khỏe?

Đạp xe là môn thể dục lành mạnh mà từ trẻ em đến người lớn đều yêu thích. Nếu đạp xe đúng cách, bạn có thể nhận được nhiều lợi ích sức khỏe như:

Đạp xe giúp nâng cao sức khỏe tổng thể

Trong số rất nhiều môn thể dục, nhiều người chọn đạp xe vì nó có thể tác động lên hầu hết các bộ phận của cơ thể, tốt cho các hệ cơ quan khác nhau trong cơ thể. Đạp xe giúp kích thích lưu thông tuần hoàn máu. Luyện tập cách hít thở khi đạp xe sẽ giúp nâng cao sức khỏe hệ tuần hoàn. Các xương, khớp cũng sẽ được tăng độ linh hoạt. Các cơ bắp sẽ được cải thiện sức bền và sự dẻo dai nhờ bộ môn này. Đạp xe giúp tinh thần thư giãn, tâm trạng vui vẻ, là “liều thuốc” tốt cho hệ thần kinh.

Đạp xe tốt cho hệ tim mạch

Các nghiên cứu đã cho thấy đạp xe thường xuyên và đúng cách có thể giúp kiểm soát các tình trạng như huyết áp cao, cholesterol trong máu cao. Nhờ đó, đạp xe giúp chúng ta giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và đột quỵ.

Đạp xe giúp giảm cân hiệu quả

Khi bạn đạp xe, cơ thể sẽ đốt cháy một lượng lớn calo. Khi kết hợp với chế độ ăn uống khoa học, bạn có thể sớm đạt được mục tiêu cân nặng của mình. Theo kết quả của một nghiên cứu, mỗi ngày đạp xe 30 phút có thể giúp giảm 5kg chất béo trong 1 năm.

Đạp xe có lợi ích gì? Những ai không nên đạp xe 1
Thật đáng tiếc cho những ai không nên đạp xe

Đạp xe giúp tăng cường sức mạnh cơ và xương

Có lẽ đây là công dụng không thể chối cãi của bộ môn này. Khi bạn đạp xe, các cơ bắp, dây chằng, xương và khớp ở chân hoạt động nhiều nhất. Điều này giúp các khớp linh hoạt, tăng cường hoạt động cơ bắp, tăng sức bền và khả năng chịu đựng. Nhờ đó, chúng ta có thể giảm nguy cơ gặp chấn thương trong cuộc sống.

Ngoài những lợi ích trên, đạp xe còn mang đến một số lợi ích sức khỏe khác như:

  • Đã có các bằng chứng khoa học cho thấy, đạp xe thường xuyên và đúng cách giúp giảm nguy cơ mắc ung thư ruột, ung thư vú.
  • Khi đạp xe cùng những người khác, bạn sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, bớt cô đơn hơn, mở rộng kết nối xã hội.
  • Đạp xe cũng có tác dụng tăng cường khả năng nhận thức và ghi nhớ của não bộ.

Đi xe đạp quá nhiều có tác hại gì?

Dù đạp xe có nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhưng không có nghĩa là bạn đạp xe càng nhiều càng tốt. Có thể kể đến những tác hại của việc đi xe đạp quá nhiều như:

  • Đạp xe quá nhiều và trong trạng thái quá mệt sẽ làm tăng nguy cơ té ngã, tai nạn, chấn thương.
  • Càng đạp xe nhiều bạn sẽ càng hao tổn nhiều sức lực. Khi cơ thể mệt mỏi có thể ảnh hưởng đến tinh thần và sức khỏe.
  • Đạp xe nhiều khiến cơ bắp và xương khớp bị căng thẳng quá mức, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về cơ, xương, khớp.
  • Những người đạp xe đạp nhiều còn dễ bị đau lưng, đau cổ vai gáy, đau cổ tay, đau mông.
  • Khi cơ thể mệt mỏi, cơ bắp và xương khớp đau nhức, bạn có thể bị mất ngủ vào ban đêm.
Đạp xe có lợi ích gì? Những ai không nên đạp xe 2
Đạp xe cần đúng cách và đúng mức mới tốt cho sức khỏe

Những ai không nên đạp xe?

Ngoài việc tìm hiểu về lợi ích của đạp xe, tác hại khi đạp xe quá nhiều, những ai không nên đạp xe cũng là thông tin được nhiều người quan tâm. Bạn không nên đạp xe nếu đang gặp các tình trạng sức khỏe như:

Người bị bệnh về tim mạch không nên đi xe đạp

Khi đạp xe cơ thể sẽ vận động liên tục đòi hỏi tim đập nhanh hơn để bơm đủ máu và cung cấp đủ oxy cho toàn bộ cơ thể. Điều này làm tăng gánh nặng cho tim vốn đang bị tổn thương.

Vì vậy, đạp xe không phải lựa chọn phù hợp với người mắc bệnh tim mạch. Đặc biệt trong trường hợp đạp xe trên địa hình khó, đạp xe leo dốc, đạp xe nhanh khiến nhịp tim tăng cao đột ngột làm tăng nguy cơ suy tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ.

Mắc bệnh về xương khớp không nên đạp xe

Các xương, khớp ở chân như khớp gối, khớp cổ chân, hông, xương cẳng chân, cột sống, xương đùi sẽ phải vận động rất nhiều khi bạn đạp xe. Vì vậy, những người bị các bệnh về xương khớp, nhất là thoái hóa khớp, viêm xương khớp nếu đạp xe sẽ khiến các xương, khớp này tổn thương nặng nề hơn, làm gia tăng triệu chứng khó chịu. Người bị đau lưng có nên đạp xe đạp không? Chắc chắn là không nên nếu bạn không muốn tình trạng đau lưng thêm trầm trọng.

Những ai không nên đạp xe - Người mới phẫu thuật

Những ai không nên đạp xe? Những người mới phẫu thuật tuyệt đối không vận động mạnh, tham gia các môn thể thao mạnh trong đó có đạp xe để tránh ảnh hưởng đến vết thương phẫu thuật. Sau khi phẫu thuật, cơ thể cần nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng để phục hồi nhanh chóng hơn. Đạp xe khi mới phẫu thuật làm tăng nguy cơ chảy máu vết thương.

Đạp xe có lợi ích gì? Những ai không nên đạp xe 3
Đau xương khớp không phù hợp với bộ môn đạp xe

Giữ thăng bằng kém không đạp xe

Đạp xe là bộ môn đòi hỏi khả năng giữ thăng bằng tốt. Vì vậy, bất cứ ai gặp vấn đề về khả năng giữ thăng bằng đều nên cân nhắc tập luyện bộ môn này để tránh nguy cơ té ngã, tai nạn, chấn thương. Những người có khả năng giữ thăng bằng kém thường là người bị tổn thương não, rối loạn tiền đình, thị giác và thính giác có vấn đề.

Không đạp xe khi đang mang bầu

Bà bầu đạp xe tiềm ẩn nguy cơ té ngã, tai nạn làm tăng nguy cơ sảy thai. Ngoài ra, sức chịu đựng, sức lực, khả năng giữ thăng bằng, thân nhiệt, nhịp tim của phụ nữ mang thai không phù hợp với bộ môn đạp xe đạp, đặc biệt là trong những tháng cuối thai kỳ.

Đạp xe không phù hợp với người bị bệnh trĩ

Những ai không nên đạp xe? Người bị bệnh trĩ, nhất là trĩ ngoại bình thường đã cảm thấy vô cùng khó chịu và đau đớn khi các búi trĩ cọ xát vào trang phục. Đạp xe có thể khiến các búi trĩ hoặc hậu môn tổn thương khi bị tì đè vào yên xe đạp. Bệnh trĩ có nên đạp xe không? Lời khuyên của các chuyên gia chắc chắn là không bạn nhé!

Đạp xe có lợi ích gì? Những ai không nên đạp xe 4
Bạn cần xem xét mình có phù hợp với việc đạp xe không để đảm bảo an toàn

Người bị giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch chân có nên đạp xe không? Câu trả lời của các chuyên gia chắc chắn là không. Với bộ môn này, đôi chân phải vận động nhiều nhất. Khi đó sẽ càng tạo áp lực lên tĩnh mạch chân, khiến tình trạng suy giãn tĩnh mạch thêm trầm trọng. Khi mắc căn bệnh này, bạn cần ưu tiên nghỉ ngơi, chăm sóc.

Những ai không nên đạp xe bạn đã biết rồi chứ? Tuy rằng bộ môn này mang đến nhiều lợi ích sức khỏe nhưng lại không dành cho tất cả mọi người. Hy vọng qua bài viết này, bạn đã có thêm căn cứ để quyết định việc mình có nên rèn luyện sức khỏe với bộ môn đạp xe hay không.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin