Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau cổ vai gáy do lười vận động

Ngày 03/03/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cuộc sống hiện đại càng ngày càng khiến con người trở nên lười vận động. Con số thống kê với khoảng 15% số người tập thể dục trên 30 phút mỗi ngày khiến Việt Nam là một trong những quốc gia lười vận động nhất thế giới. Con số này cũng tỉ lệ thuận với tình trạng đau cổ vai gáy do lười vận động.

Để tìm hiểu tại sao lười vận động lại đau cổ vai gáy và cách khắc phục ra sao? hãy cùng tham khảo bài viết sau nhé.

Tại sao lười vận động lại đau cổ vai gáy?

Đau cổ vai gáy là gì?

Đau cổ vai gáy do lười vận động 1 Lười vận động, ngồi một tư thế gây đau cổ, vai, gáy

Đây là nhóm bệnh liên quan đến hệ thống cơ xương khớp và mạch máu vùng vai gáy.

Với những người lười vận động hoặc thường xuyên ngồi trước máy tính hay ti vi, các dây thần kinh vùng cổ bị chèn ép, hệ tuần hoàn máu kém, không đủ lượng máu cung cấp tới vai gáy ở mức cần thiết, dẫn đến thiếu máu cục bộ vùng vai gáy. Nếu tình trạng này liên tục kéo dài sẽ dẫn đến chứng đau cổ vai gáy. 

Chứng đau cổ vai gáy là tình trạng cơ vùng vai gáy co cứng gây đau, khiến vận động quay cổ, quay đầu trở nên khó khăn.  

Đối tượng bị chứng bệnh này phổ biến nhất là dân văn phòng với triệu chứng cứng cổ, cứng vai, cánh tay, cổ tay và đau nhức.

Bệnh thường xuất hiện một cách đột ngột. Có nhiều bệnh nhân sau một đêm ngủ dậy thấy đau vùng cổ, vai, gáy và có thể cả phần lưng trên.

Biểu hiện ban đầu chỉ cảm thấy đau nhẹ, đau mỏi vùng vai gáy và hạn chế vận động vùng cổ gáy, vùng đầu, chỉ nghiêng sang trái hoặc phải mà không quay lại phía sau được. 

Tình trạng này cũng có thể xuất hiện sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng hoặc bị nhiễm lạnh.

Khi bệnh trở nặng, chỉ cần cử động, đi lại nhẹ nhàng cũng thấy đau và khó chịu.

Phân loại đau cổ, vai, gáy

Chứng đau cổ, vai, gáy được chia làm hai loại dựa vào thời gian diễn ra bệnh:

Đau cổ, vai, gáy cấp tính

Khi người bệnh ngủ không đúng tư thế khiến cho các cơ căng giãn quá nhanh hoặc sau khi bị chấn thương ở cơ, dây chằng  vùng cổ, vai, gáy sẽ gây đau cổ, vai, gáy. Cơn đau này sẽ biến mất sau một thời gian và không gây tác hại quá nhiều đến sức khỏe của người bệnh.

Đau cổ vai gáy mãn tính

Cơn đau cô, vai, gáy sẽ diễn ra thường xuyên, lâu dài đi kèm một vài triệu chứng khác như đau lan sang cánh tay, dị cảm. 

Nguyên nhân gây bệnh

Với nguyên nhân bệnh lý, các bệnh gây ra đau cổ, vai, gáy gồm thoái hóa đốt sống cổ, rối loạn chức năng thần kinh, vôi hóa cột sống, rối loạn khớp bả vai lồng ngực, viêm bao khớp vai.

Với nguyên nhân cơ học, bệnh do tập luyện quá sức, hoạt động sai tư thế, ngồi nhiều, lười vận động, thiếu dinh dưỡng, chấn thương, nhiễm lạnh.

Điều trị đau cổ vai gáy bằng vận động

Khi bạn bị đau cổ vai gáy, bác sĩ sẽ dựa vào mức độ đau cũng như tình trạng sức khỏe của bạn để chỉ định phương pháp điều trị hiệu quả. Có các phương pháp phổ biến sau: Điều trị bằng đường uống hoặc tiêm, điều trị vật lý bằng các bài tập hỗ trợ và phẫu thuật. Trong đó, phương pháp điều trị vật lý được áp dụng khá phổ biến và mang lại hiệu quả.

Ngoài ra, để phòng ngừa bệnh đau cổ, vai, gáy, bạn nên vận động và tập thể dục thường xuyên. 

Đau cổ vai gáy do lười vận động 2 Cần có chế độ vận động phù hợp để chữa đau cổ, vai, gáy

Các hình thức vận động

Cần có chế độ làm việc khoa học, chú trọng vận động và nghỉ giải lao khi ngồi lâu.

Ngồi đúng tư thế khi đọc sách, học bài, đánh máy với cổ luôn thẳng và không cúi gập cổ quá lâu.

Có chế độ tập luyện thể dục thể thao phù hợp thể trạng sức khỏe của mỗi người bằng cách lựa chọn các bài tập vừa sức. 

Cần dành thời gian vào mỗi ngày để tập những bài tập vận động nhằm lưu thông máu tốt hơn. Theo các chuyên gia y tế, tiêu chuẩn của việc vận động đủ là:

Với vận động thể chất nhẹ: Đủ 30 phút/5 lần/1 tuần.

Với vận động thể lực mạnh: 20 phút/3 lần/tuần.

Trường hợp công việc yêu cầu bạn thường xuyên phải ngồi một chỗ, thỉnh thoảng bạn nên đi tới đi lui, vươn vai, thay đổi tư thế để thả lỏng các dây thần kinh giúp phòng ngừa tình trạng đau mỏi vai gáy.

Nếu bị chứng đau vai gáy ở dạng nhẹ, thông thường, các bài tập yoga có thể giúp hồi phục nhanh chóng . Tuy nhiên, nếu tình trạng đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng, việc tập luyện vẫn hiệu quả nhưng chỉ có tách dụng tạm thời, khó duy trì lâu dài. Khi đó, bạn sẽ cần tìm kiếm một phương pháp điều trị phù hợp hơn, chẳng hạn trị liệu thần kinh cột sống.

Lưu ý khi vận động

Khi vận động, bạn cần lưu ý thực hiện động tác từ từ, nhẹ nhàng cho đến hết mức vận động bình thường. Nếu đau quá bạn nên dừng lại ở mức vận động đó rồi tăng dần ở những ngày tiếp theo sau.

Nên tập vận động trước gương để theo dõi và điều chỉnh các mức vận động cho đúng và phù hợp.

Mỗi ngày tập từ một đến hai lần, sau đó tăng dần. Bắt đầu với năm lần cho mỗi động tác, mỗi ngày sau tăng thêm vài lần cho đến khi đạt mức 20 lần cho mỗi động tác. Có thể tập đến 30 lần nếu người tập vẫn cảm thấy thoải mái, dễ chịu.

Tuyệt đối Không đội, mang vác trên vai những vật nặng.

Không làm những động tác mạnh, đột ngột với cột sống cổ và hai vai như nắn, vặn, bẻ.

Hạn chế những động tác cúi đầu quá mức. Khi đi xa đặc biệt bằng ô tô, xe máy nên có áo nẹp đỡ cho cột sống cổ đề phòng tổn thương khi xe phanh, tăng, giảm tốc độ đột ngột.

Chế độ dinh dưỡng cho người đau cổ, vai, gáy

Người bị đau cổ, vai, gáy nên ăn những thực phẩm sau:

Thực phẩm giàu Canxi

Các loại thực phẩm có hàm lượng Canxi cao hỗ trợ người bệnh:

  • Phục hồi các tổn thương tại sụn khớp.
  • Ức chế quá trình thoái hóa.
  • Phòng ngừa bệnh loãng xương.
  • Duy trì sự dẻo dai, chắc khỏe cho hệ thống cơ xương.

Ngoài ra, thực phẩm giàu Canxi cũng giúp người bệnh đau vai gáy cải thiện cơn đau, đồng thời nâng cao khả năng vận động và chức năng vùng vai gáy. 

Một số thực phẩm giàu Canxi có thể kể đến như các loại hạt, sữa và các chế phẩm từ sữa, các loại đậu nguyên vỏ, rau củ, hải sản có vỏ.

Đau cổ vai gáy do lười vận động 3 Các loại đậu là thực phẩm giàu Canxi

Thực phẩm giàu Vitamin

Các thực phẩm giàu Vitamin cung cấp nguồn dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, đặc biệt còn giúp người bệnh đau vai gáy giảm cơn đau hiệu quả. Trong đó:

Vitamin C và D giúp tăng cường sức khỏe xương khớp, hỗ trợ hệ miễn dịch, ức chế phản ứng viêm.

Vitamin E chống viêm và giảm đau.

Các vitamin B và K có tác dụng kháng viêm, hỗ trợ giảm đau hiệu quả.

Một số thực phẩm giàu các Vitamin có lợi người bệnh nên ăn như ớt chuông, mâm xôi, nấm, đu đủ, kiwi,…

Thực phẩm giàu Magie

Bạn nên bổ sung thực phẩm chứa nhiều Magie như hạt điều, hạt bí, yến mạch… giúp làm giảm cơn đau, ổn định chức năng của các dây thần kinh.

Hơn thế nữa, việc ăn thực phẩm giàm hàm lượng Magie cần thiết cho cơ thể còn giúp cải thiện một số vấn đề liên quan đến tâm lý như căng thẳng, stress, ngăn chặn tình trạng thiếu hụt các khoáng chất gây bệnh mạn tính.

Thực phẩm giàu Phốt pho

Ngoài Canxi, cơ thể cũng cần được cung cấp đầy đủ Phốt pho để duy trì hoạt động và gia tăng tính linh hoạt của xương khớp. Đồng thời Phốt pho tăng cường sức mạnh cơ bắp, cung cấp nguồn năng lượng cần thiết cho cả cơ thể.

Khi dung nạp đủ lượng Phốt pho cần thiết, người bệnh có thể kiểm soát được các cơn đau vai gáy cũng như cải thiện khả năng vận động, đặc biệt là vùng vai cổ.

Một số thực phẩm giàu Phốt pho phải kể đến các loại cá, trứng, sữa, các loại đậu.

Thực phẩm chứa Axit béo có lợi

Trong tôm, cua, cá có các loại Axit béo có lợi như Omega 3 giúp ngăn chặn phản ứng gây viêm và giảm nhanh các triệu chứng đau nhức, co cứng khớp.

Mặc dù vậy, người bệnh cũng cần lưu ý không nên quá lạm dụng Omega 3 khi sử dụng liều cao có thể gây nên những rối loạn đông máu và ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe tổng quát.

Bổ sung nhiều chất xơ

Thực phẩm giàu chất xơ luôn là nguồn dinh dưỡng cần thiết với sức khỏe tổng thể và đặc biệt là người bệnh đau vai gáy. Bạn có thể bổ sung chất xơ bằng cách ăn nhiều các loại rau xanh, trái cây để giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm, nâng cao chức năng của hệ tiêu hóa, cơ xương khớp.

Quỳnh Trang

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm