Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tràn dịch màng ngoài tim

Ngày 23/07/2023
Kích thước chữ

Tràn dịch màng ngoài tim là hiện tượng dịch bất thường hay những chất tương tự dịch xuất hiện trong khoang màng ngoài tim. Bệnh có tính chất nghiêm trọng và có thể để lại những hậu quả nặng nề. Do đó, nắm rõ được các dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tràn dịch ngoài màng tim sẽ giúp bạn phát hiện, thăm khám kịp thời và giảm thiểu những ảnh hưởng xấu có thể xảy ra.

Tràn dịch màng ngoài tim là một tình trạng bệnh lý thường gặp có biểu hiện lâm sàng tùy thuộc lượng cũng như bản chất của dịch. Bệnh có thể diễn tiến hoàn toàn thầm lặng, không có triệu chứng nhưng cũng sẽ khiến tính mạng bệnh nhân nguy kịch.

Tràn dịch màng ngoài tim nguyên nhân nào gây ra?

Tràn dịch màng ngoài tim có thể xuất hiện do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Nấm, virus, vi khuẩn hay ký sinh nhiễm;
  • Viêm màng ngoài tim sau cơn nhồi máu cơ tim;
  • Sau phẫu thuật tim;
  • Rối loạn tự miễn (Lupus hay viêm khớp dạng thấp);
  • Suy tuyến giáp;
  • HIV/AIDS;
  • Ung thư di căn, đặc biệt là ung thư vú, ung thư phổi, u ác tính, bệnh bạch cầu, bệnh Hodgkin;
  • Ung thư màng ngoài tim hoặc tim;
  • Ung thư tế bào hắc tố;
  • Xạ trị ung thư nếu tim trong khu vực bức xạ;
  • Hóa trị liệu điều trị ung thư;
  • Chấn thương hay vết thương thủng gần tim;
  • Sử dụng một số thuốc theo toa bao gồm: Thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc trị lao phổi hay thuốc động kinh;
  • Tổn thương hoặc áp lực lên lồng ngực;
  • Dịch ngoài màng tăng lên gây tắc nghẽn mạch máu ảnh hưởng đến lưu thông máu;
  • Viêm màng ngoài tim vô căn.

Dấu hiệu nhận biết tràn dịch màng ngoài tim

Người bị tràn dịch màng ngoài tim thường xuất hiện một số triệu chứng đặc trưng như:

Đau ngực

Thường là đau kiểu màng, tăng lên khi ho, hít sâu, nằm và giảm khi đỡ khi ngồi hoặc cúi người ra phía trước. Nếu lượng dịch nhiều, có thể gây đau tức nặng do tim bị chèn ép.

Khó thở

Là triệu chứng thường gặp, đặc biệt khi hít sâu hoặc ho. Khó thở tăng lên khi lượng dịch nhiều.

Ho

Chủ yếu là ho khan do tràn dịch màng ngoài tim và chèn ép các cơ quan xung quanh.

Triệu chứng toàn thân

Tùy thuộc vào căn nguyên gây bệnh, người bệnh có thể sốt, sụt cân, khó nuốt, đau tức giữa ngực hoặc ngực trái. Đôi khi bệnh kéo dài với triệu chứng không rõ ràng, bệnh nhân chỉ thấy lo âu, hồi hộp, tim đập nhanh.

Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tràn dịch màng ngoài tim 1
Người bị tràn dịch màng ngoài tim có thể xuất hiện đau tức giữa ngực hoặc ngực trái

Khi thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ nhận thấy một số dấu hiệu nổi bật nhất là tam chứng Beck có thể xuất hiện, trong trường hợp chèn ép tim cấp, gồm:

  • Tụt huyết áp: Huyết áp tụt hoặc không đo được, có thể dẫn đến tình trạng sốc. Mạch quay nhanh và yếu, khó bắt. Da xanh nhợt, vã mồ hôi, mệt, lạnh và rối loạn tri giác.
  • Tăng áp lực tĩnh mạch: Tĩnh mạch cổ nổi to, áp lực tĩnh mạch chủ dưới tăng cao. Gan có thể to và đau.
  • Tiếng tim mờ: Mỏm tim không sờ thấy hoặc đập rất yếu, rất khó nghe thấy rõ tiếng tim.

Chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim

Tình trạng tràn dịch ngoài màng tim được chẩn đoán dựa theo một số phương pháp như:

  • Siêu âm tim: Siêu âm tim là phương pháp hiện đại, chuẩn xác và tiện lợi nhất giúp chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim về số lượng cũng như vị trí phân bố dịch.
  • Điện tim đồ: Thiết bị điện tim đồ sẽ đưa ra tín hiệu từ tim giúp xác định hoạt động tim có gặp cản trở bất thường nào do tràn dịch hay không.
  • Chụp X quang tim phổi thẳng: Tỷ lệ của bóng tim trên lồng ngực bình thường là dưới 0,5. Khi có dịch tràn màng ngoài tim, bóng tim sẽ to nhanh thành dạng bầu. Đồng thời, quan sát thấy hai phế trường phổi tăng sáng do máu lên phổi bị hạn chế.
  • Chụp cắt lớp.
  • Chụp cộng hưởng từ.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tràn dịch màng ngoài tim 2
Chẩn đoán tràn dịch màng ngoài tim bằng phương pháp chụp X quang

Bên cạnh các phương pháp trên, bác sĩ sẽ yêu cầu người bệnh kiểm tra thêm thông qua xét nghiệm máu hoặc các xét nghiệm khác đặc biệt hơn.

Điều trị tràn dịch màng ngoài tim

Các phương pháp điều trị tràn dịch ngoài màng tim bao gồm:

Sử dụng thuốc

Nếu không bị chèn ép tim hoặc nguy cơ xảy ra chèn ép tim không có, bác sĩ sẽ chỉ định một số thuốc giúp điều trị như: Aspirin, thuốc kháng viêm không chứa steroid, Colchicine, Corticosteroid để hạn chế tình trạng viêm gây tụ dịch.

Phương pháp điều trị có xâm lấn

Với trường hợp bệnh nặng không thể điều trị bằng thuốc có thể cần thực hiện phương pháp có xâm lấn bao gồm:

  • Dẫn lưu dịch: Để đưa dịch dư thừa ra ngoài, bác sĩ sẽ dùng kim và một ống thông nhỏ (catheter) đưa vào màng ngoài tim rồi hút dịch.
  • Nong màng ngoài tim bằng bóng qua da: Một bong bóng không hơi được chèn vào giữa hai lớp màng ngoài tim, sau đó bơm phồng lên để tạo khoảng trống giữa hai lớp màng.
  • Phẫu thuật tim hở: Nếu có máu chảy vào màng ngoài tim, đặc biệt sau phẫu thuật tim gần đây hoặc các yếu tố khác, người bệnh có thể phải trải qua phẫu thuật để hút các dịch thừa ở trong màng ngoài tim ra và điều trị tổn thương.
  • Cắt bỏ màng ngoài tim: Phẫu thuật cắt bỏ màng ngoài tim thường dùng để điều trị tràn dịch màng ngoài tim tái phát dù đã được đặt ống thông dẫn lưu.
Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị tràn dịch màng ngoài tim 3
Biến chứng tràn dịch màng ngoài tim có thể gây ra khó thở kéo dài

Biến chứng tràn dịch màng ngoài tim có thể gây ra

Khi bị một số bệnh lý khiến dịch tràn màng ngoài tim và tích tụ quá nhiều nếu không xử lý kịp thời có thể gây nhiều hậu quả nặng nề như:

  • Khó thở kéo dài: Khó thở không chỉ là triệu chứng mà còn là hậu quả khi sức co bóp cơ tim suy giảm. Nếu dịch hình thành quá nhanh với lượng nhiều, bệnh nhân cũng sẽ khó thở ngay cả khi nằm nghỉ.
  • Chèn ép tim và trụy mạch: Là biến chứng đáng sợ nhất của tràn dịch màng ngoài tim và có thể đe dọa tính mạng nếu không chữa trị. Lượng dịch quá lớn khiến thể tích trong buồng tim giảm mạnh, làm thành tim bị đè sụp. Máu khi đó không được bơm ra ngoài sẽ nhanh chóng dẫn đến trụy mạch, tim ngừng đập.
  • Tim đập nhanh: Màng ngoài tim chứa quá nhiều dịch gây cản trở thể tích buồng tim khiến lượng máu mà tim tống ra trong mỗi lần bóp giảm đi. Để bù trừ lại, tim phải tăng số lần co bóp lên đến 120 - 150 lần/phút. Điều này khiến người bệnh có cảm giác hồi hộp, vô cùng khó chịu, trống ngực đánh liên tục dù làm việc hay nghỉ ngơi.
  • Thiếu máu lên não: Tụt huyết áp liên tục gây thiếu máu lên não nặng làm người bệnh hoa mắt, xây xẩm, chóng mặt, choáng váng. Thiếu máu đến thận dễ gây suy thận, tiểu ít.

Có thể thấy, tràn dịch màng ngoài tim không chỉ đặt áp lực lên tim mà còn làm cho chức năng tim kém đi. Nếu không chữa trị, bệnh có thể gây ra suy tim thậm chí tử vong. Do đó, người bệnh cần kiểm tra kỹ tình trạng bản thân và thăm khám kịp thời để được tư vấn biện pháp điều trị phù hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin