Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Dấu hiệu tăng huyết áp là gì? Yếu tố nguy cơ nào gây tăng huyết áp?

Ngày 12/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tăng huyết áp là một bệnh lý tim mạch phổ biến với đặc điểm diễn biến thầm lặng làm cho người bệnh khó có thể nhận ra các dấu hiệu của bệnh. Dù bệnh không lây nhiễm nhưng vẫn được xem là một trong các bệnh lý rất nguy hiểm vì các hậu quả nghiêm trọng mà bệnh để lại cho người bệnh. Nhận biết được dấu hiệu là chìa khóa giúp kiểm soát tăng huyết áp tốt hơn.

Thông tin về các dấu hiệu của tăng huyết áp là vô cùng cần thiết để giúp người bệnh nhận biết và được sự can thiệp từ đội ngũ nhân viên y tế. Nếu bạn đang quan tâm về các vấn đề sức khỏe tim mạch, đặc biệt là bệnh lý tăng huyết áp. Bài viết dưới đây sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh lý tăng huyết áp và các dấu hiệu của bệnh lý.

Tăng huyết áp là gì?

Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính, xảy ra do tình trạng tăng dai dẳng huyết áp động mạnh (áp lực máu lên thành động mạch). Theo phân loại của Hội tim mạch học Việt Nam (VNHA) 2022, tăng huyết áp được định nghĩa là khi huyết áp tâm thu > 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương >= 90mmHg.

Tăng huyết áp có những dấu hiệu gì? 1
Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính

Nguyên nhân của tăng huyết áp

Đa số các trường hợp tăng huyết áp đều không rõ nguyên nhân (tăng huyết áp nguyên phát), một số trường hợp còn lại (chỉ khoảng 10%) là có thể biết được nguyên nhân (gọi là tăng huyết áp thứ phát). Các nguyên nhân của tăng huyết áp có thể phát hiện thông qua quá trình thăm khám như: Khai thác tiền sử bệnh, kết quả khám lâm sàng, hay cận lâm sàng. Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến của tăng huyết áp thứ cấp:

  • Bệnh lý liên quan đến thận: Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của tăng huyết áp thứ cấp (ví dụ: Suy thận mạn, viêm cầu thận, viêm thận kẽ, hẹp động mạch thận, sỏi thận, thận đa nang hay thận ứ nước).
  • Bệnh lý tuyến thượng thận: Tuyến thượng thận là tuyến nội tiết sản xuất các hormon điều hòa muối - nước đồng thời, vai trò điều hòa huyết áp của cơ thể. U tuyến thượng thận là bệnh lý thường ở ở tuyến thượng thận có thể làm tăng huyết áp do làm tăng tiết bất hormon bất thường.
  • Các bệnh lý nội tiết khác như: Hội chứng Cushing, hội chứng Conn (Cường Aldosteron tiên phát), cường giáp hoặc suy giáp đều có thể làm tăng huyết áp.
  • Bên cạnh các bệnh lý, việc sử dụng thuốc điều trị cũng có thể làm tăng huyết áp. Tình trạng tăng huyết áp do thuốc thường liên quan đến một số thuốc như: Kháng viêm NSAIDs, thuốc giảm đau, thuốc tránh thai hay corticoides (trong việc điều trị các bệnh lý: Bệnh viêm khớp, bệnh Lupus, hen suyễn hay dị ứng,...).
  • Ngoài ra, một số nguyên nhân khác: Hội chứng ngưng thở khi ngủ, yếu tố tâm thần và nhiễm độc thai nghén.

Yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp

Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp:

Tuổi

Người từ 45 tuổi trở lên có nguy cơ tăng huyết áp cao hơn.

Tiền sử gia đình

Trong gia đình có người bị tăng huyết áp thì nguy cơ mắc tăng huyết áp có thể tăng cao.

Thừa cân, béo phì

Khi cân nặng càng cao thì mô, cơ quan sẽ cần nhiều oxy và chất dinh dưỡng. Để đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể, thể tích máu lưu thông qua các mạch máu sẽ tăng lên từ đó làm áp lực máu lên thành động mạch cũng tăng theo.

Tăng huyết áp có những dấu hiệu gì? 3
Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp

Lối sống không vận động thường xuyên

Người ít vận động thường có xu hướng nhịp tim cao hơn dẫn đến tim phải hoạt động mạnh hơn làm cho áp lực tác động lên động mạch càng lớn khiến huyết áp tăng hơn mức bình thường. Bên cạnh đó, lối sống lười hoạt động thể chất cũng có thể làm tăng nguy cơ thừa cân.

Thói quen hút thuốc lá

Hút thuốc lá có thể làm tăng huyết áp tạm thời. Đồng thời, các chất hóa học trong khói thuốc còn có thể gây phá huỷ thành mạch khiến lòng động mạch bị thu hẹp, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Ngoài ra, hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ về các bệnh tim mạch.

Chế độ ăn nhiều muối

Việc dùng quá nhiều muối trong khẩu phần ăn thường xuyên có thể khiến cơ thể bạn tăng giữ nước từ đó làm tăng huyết áp.

Chế độ ăn thiếu Kali

Kali có vai trò trong việc cân bằng lượng natri trong cơ thể bạn. Khi không cung cấp đủ kali cho cơ thể, bạn có thể bị tích lũy quá nhiều natri trong máu.

Thói quen sử dụng nhiều bia, rượu

Uống rượu, bia thường xuyên là một yếu tố nguy cơ của tăng huyết áp. Đồng thời, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch do tăng huyết áp.

Tình trạng stress

Thường xuyên trong tình trạng căng thẳng cũng có thể là yếu tố gây tăng huyết áp tạm thời.

Các bệnh mạn tính

Mắc phải một số bệnh mạn tính cũng có thể là nguy cơ gây tăng huyết áp như bệnh lý đái tháo đường, hội chứng ngưng thở khi ngủ hay bệnh thận.

Các dấu hiệu của tăng huyết áp

Như đã biết, tăng huyết áp là một bệnh lý diễn biến thầm lặng, mang đến nhiều hậu quả nghiêm trọng. Vì vậy, việc nhận biết các dấu hiệu tăng huyết áp là vô cùng quan trọng. Dưới đây là một số dấu hiệu tăng huyết áp bạn nên lưu ý:

Đau nhức đầu

Dấu hiệu của tăng huyết áp phổ biến nhất là đau nhức đầu. Những cơn đau đầu thường lan ra toàn bộ đầu, người bệnh có thể cảm thấy phần cơ trên đầu dường như căng ra và đau nhói theo từng nhịp mạch đập.

Theo thống kê từ các chuyên gia, trên 50% người bị tăng huyết áp sẽ có triệu chứng đau đầu. Nguy hiểm nhất là việc người bệnh thường không ý thức được cơn đau đầu vì nguyên nhân nào dẫn đến hành vi tự ý mua thuốc giảm đau và làm bệnh nghiêm trọng hơn.

Tăng huyết áp có những dấu hiệu gì? 4
Đau đầu là dấu hiệu phổ biến nhất của tăng huyết áp

Chóng mặt

Bên cạnh đau nhức đầu, chóng mặt là một dấu hiệu phổ biến khác của tăng huyết áp. Bệnh nhân thường cảm thấy chóng mặt đôi khi có thể đi kèm xây xẩm. Triệu chứng dễ nhận ra nhất khi người bệnh thay đổi tư thế một cách đột ngột như thay đổi từ nằm sang ngồi hay từ ngồi sang đứng. Thống kê từ các nghiên cứu đã cho thấy có tới 46,8% người tăng huyết áp thừa nhận cảm thấy triệu chứng này.

Mệt mỏi

Người bị tăng huyết áp có thể thấy cơ thể mệt mỏi thường xuyên. Tuy nhiên, dấu hiệu này thường có sự tương đồng với các triệu chứng của nhiều bệnh lý khác làm cho người bệnh không chú ý hoặc nếu có thì sẽ rất khó nhận ra được.

Khó thở

Người bệnh sẽ có thể nhận biết được dấu hiệu của tăng huyết áp khi cảm thấy khó thở trong lúc làm những công việc nặng. Ngoài ra, một số trường hợp khác, người bệnh có thể cảm thấy rất khó thở khi hít vào và có cảm giác như có vật gì đó cản trở lại vào ban đêm. Dấu hiệu này khá dễ để phân biệt với triệu chứng khó thở của bệnh phổi vì người bị các bệnh về phổi thường sẽ thấy khó thở cả khi hít vào lẫn lúc thở ra.

Đau ngực

Dấu hiệu đau ngực của tăng huyết áp thường sẽ xuất phát từ giữa ngực lan dần cảm giác đau lên vai bên trái, tay trái đôi khi xuống cả bàn tay. Cơn đau có thể kéo dài từ 5 cho tới 30 phút và đỡ hơn khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc dùng các thuốc hạ huyết áp.

Tăng huyết áp có những dấu hiệu gì? 5
Đau ngực là dấu hiệu của tăng huyết áp

Nóng mặt

Ở những bệnh nhân tăng huyết áp sẽ thường thấy rất hay đỏ bừng mặt. Nguyên nhân chính dẫn đến triệu chứng này là do huyết áp tăng cao khiến các mạch máu giãn nở. Theo thống kê của các chuyên gia, có khoảng 23,3% người bệnh có dấu hiệu này. Tuy nhiên, có đến 95% người bệnh lại không nhận biết được dấu hiệu để điều trị.

Các dấu hiệu nhận biết tăng huyết áp trên đây rất đáng để bạn lưu tâm, nhằm chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn. Nhất là đối với các đối tượng người trung niên và cao tuổi, cần chủ động thăm khám y khoa ngay khi sức khỏe có dấu hiệu bất thường, điều này rất quan trọng để kiểm soát tốt các tình trạng bệnh lý một cách hiệu quả.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Trần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin