Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không? Cần làm gì khi bị quá liều thuốc huyết áp?

Ngày 23/09/2023
Kích thước chữ

Tăng huyết áp là một bệnh lý mãn tính khá phổ biến hiện nay và có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm. Khi dùng thuốc huyết áp, việc uống thuốc đúng liều lượng mà bác sĩ đã kê đơn là rất quan trọng, vì không những đảm bảo hiệu quả điều trị mà còn hạn chế những tác dụng không mong muốn có thể xảy ra. Vậy "uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?".

Bệnh lý cao huyết áp khi không được kiểm soát hiệu quả sẽ có thể cần chỉ định dùng phối hợp nhiều loại thuốc hạ huyết áp cùng lúc. Điều này đôi khi gây khó khăn trong việc tuân thủ điều trị, đặc biệt là ở đối tượng người cao tuổi. Một trong những vấn đề lo ngại về dùng thuốc huyết áp đó là việc uống quá liều thuốc. Vậy uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?

Huyết áp là gì?

Huyết áp được hiểu là áp lực của máu tác động lên thành động mạch và tính bằng đơn vị mmHg. Huyết áp có hai chỉ số:

  • Huyết áp tâm thu (chỉ số trên), là mức huyết áp đo được khi tim thực hiện co bóp và bơm máu đi nuôi các cơ quan và khắp cơ thể;
  • Huyết áp tâm trương (chỉ số dưới), là huyết áp lúc tim thư giãn và nghỉ ngơi giữa những lần co bóp.

Tăng huyết áp khi nào cần uống thuốc?

Khi được chẩn đoán bị tăng huyết áp, không phải trường hợp nào cũng cần phải dùng thuốc hạ huyết áp ngay sau đó. Việc dùng thuốc điều trị tăng huyết áp sẽ được bác sĩ cân nhắc dựa vào chỉ số huyết áp, cũng như nguy cơ xảy ra những biến chứng khi mức huyết áp không được kiểm soát như đau tim hoặc đột quỵ. Cụ thể:

  • Mức huyết áp thuộc khoảng 130 – 139/80 – 89 mmHg thì đây là giai đoạn tiền tăng huyết áp: Người bệnh sẽ thường được khuyến khích biện pháp điều trị ban đầu là thay đổi lối sống, kiểm soát các yếu tố nguy cơ. Tuy nhiên, nếu có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến biến chứng, bác sĩ cũng có thể cân nhắc dùng thuốc khởi đầu ngay.
  • Mức huyết áp lớn hơn 140/90 mmHg: Nếu không có hoặc ít hiện diện nguy cơ dẫn đến các biến chứng về tim mạch, bạn cũng có thể khởi đầu điều trị bằng biện pháp không dùng thuốc qua việc thay đổi lối sống. Nhưng nếu có yếu tố nguy cơ như thừa cân, bệnh tiểu đường, bạn có thể được chỉ định dùng thuốc hạ huyết áp.
  • Mức huyết áp trên 160/100 mmHg: Bạn cần phải điều trị bằng thuốc để đảm bảo hạ huyết về mức an toàn nhất có thể, tránh việc huyết áp tăng cao hơn nữa và khó kiểm soát.

Vì sao cần dùng kết hợp nhiều loại thuốc huyết áp?

Nhiều người chỉ có tình trạng huyết áp cao nhẹ và đáp ứng điều trị với một loại thuốc. Tuy nhiên, khi không thể kiểm soát mức huyết áp cao một cách hiệu quả, việc phối hợp hai thuốc với cơ chế tác dụng khác nhau, giúp tác động vào nhiều đích khác nhau trong cơ chế sinh lý bệnh của tăng huyết áp. 

Ngoài ra, cũng sẽ có trường hợp bệnh nhân bị huyết áp quá cao kèm nhiều yếu tố nguy cơ, có thể cần điều trị kết hợp ngay từ đầu, để đưa huyết áp về mức bình thường tránh những biến chứng tim mạch có thể xảy ra.

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không? Cần làm gì khi bị quá liều thuốc huyết áp? 2
Tùy vào tình trạng người bệnh mà thuốc huyết áp được dùng đơn trị hoặc phối hợp

Triệu chứng khi uống quá liều thuốc huyết áp là gì?

Khi uống quá liều thuốc huyết áp, người bệnh có thể bị tụt huyết áp và đi kèm cùng với một trong những triệu chứng như chóng mặt hoặc choáng váng, nhìn mờ, đánh trống ngực, vã mồ hôi, buồn nôn, mệt mỏi, thiếu tập trung và thậm chí có thể ngất xỉu. Tình trạng uống quá liều và gây hạ huyết áp đột ngột này cũng rất nguy hiểm ở người cao tuổi, vì có thể dẫn đến nguy cơ té ngã.

Nếu tình trạng hạ huyết áp quá mức kéo dài có thể dẫn đến tình trạng đe dọa tính mạng với các dấu hiệu nguy hiểm như sau:

  • Lú lẫn, đặc biệt ở người lớn tuổi;
  • Da lạnh và nhợt nhạt;
  • Nhịp thở nhanh, nông;
  • Mạch yếu và nhanh.

Khi phát hiện uống quá liều thuốc huyết áp, việc làm cần thiết mà người bệnh nên làm đó là tìm một nơi để ngồi nghỉ và theo dõi thêm nếu các dấu hiệu nặng hơn có xảy ra. Đồng thời tìm đến sự trợ giúp của người thân xung quanh để được hoặc liên hệ đến cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu kịp thời nếu xảy ra tình trạng hạ huyết áp nghiêm trọng.

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không? Cần làm gì khi bị quá liều thuốc huyết áp? 4
Dùng quá liều thuốc huyết áp có thể gây chóng mặt, choáng váng

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?, mục tiêu trong điều trị tăng huyết áp là hạ thấp mức huyết áp về ngưỡng khuyến cáo, giúp cải thiện những triệu chứng và phòng ngừa những biến cố liên quan đến tim mạch cho người bệnh. Vì vậy, đã có trường hợp tự ý tăng liều thuốc huyết áp do muốn hạ áp nhiều hơn chỉ dẫn của bác sĩ hay vô tình uống gấp đôi liều. Điều này dẫn đến tình trạng hạ áp quá mức hoặc tụt huyết áp, gây nguy hiểm sức khỏe của người bệnh. 

Người bệnh cần nhớ rằng, khi uống thuốc huyết áp quá liều có thể hạ huyết áp một cách đột ngột hoặc quá nhanh, dẫn đến chóng mặt hoặc ngất xỉu. Hơn nữa, khi mức huyết áp bị hạ xuống thấp nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng.

Khi chỉ số huyết áp dưới 90/60 mmHg thường được coi là huyết áp thấp. Ngoài ra, khi huyết áp giảm đột ngột thay đổi với khoảng cách từ 20 mmHg trở lên làm ảnh hưởng đến sự lưu thông máu đến não, cũng có thể xuất hiện các biểu hiện tương tự khi mức huyết áp thấp như chóng mặt và ngất xỉu

Vì vậy, ở một số bệnh nhân bản thân họ có mức huyết áp cao hơn so với bình thường, khi uống thuốc huyết áp quá liều mặc dù mức huyết áp trên 90 mmHg nhưng đã có thể có các triệu chứng của hạ huyết áp.

Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không? Cần làm gì khi bị quá liều thuốc huyết áp? 3
Huyết áp thấp có thể nguy hiểm đến tính mạng

Các thuốc huyết áp có thể gây tác dụng phụ hạ huyết áp quá thấp khi người bệnh dùng quá liều:

  • Thuốc lợi tiểu với các hoạt chất như furosemide, hydrochlorothiazide;
  • Thuốc chẹn alpha (prazosin), có tác dụng hạ huyết áp nhanh do giúp giãn mạch cả động mạch và tĩnh mạch;
  • Thuốc chẹn beta (atenolol và propranolol);
  • Thuốc giãn mạch phổi (bao gồm silldenafil hoặc tadalafil).

Làm gì để phòng tránh uống quá liều thuốc huyết áp?

Sau đây là một số biện pháp giúp người bệnh hình thành thói quen sử dụng thuốc huyết áp hiệu quả và giảm thiểu tình trạng vô tình uống quá liều:

  • Thuốc trị huyết áp cao cần dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ. Vì vậy, hãy chú ý kỹ về liều lượng, cách dùng và thời điểm dùng mỗi ngày theo hướng dẫn của bác sĩ;
  • Tạo thói quen dùng thuốc huyết áp tại thời điểm nhất định trong ngày để giảm tránh việc quên thuốc;
  • Bạn có thể sắp xếp các loại thuốc vào dụng cụ đựng nhỏ gọn có chia ngăn, sao cho thuận tiện theo những chỉ dẫn về số lần dùng, thời điểm dùng (trước hay sau ăn), để tránh nhầm lẫn và dễ dàng tuân thủ điều trị hơn.
Uống thuốc huyết áp quá liều có sao không? Cần làm gì khi bị quá liều thuốc huyết áp? 5
Tham khảo hướng dẫn dùng thuốc kỹ càng từ bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị

Các biện pháp khác giúp hỗ trợ kiểm soát huyết áp

Một số biện pháp về thay đổi lối sống được khuyến khích thực hiện để cải thiện tình trạng huyết áp cao một cách an toàn và hiệu quả:

  • Hạn chế lượng muối dùng trong bữa ăn: Cắt giảm lượng muối ăn vào hoặc giảm tiêu thụ những thực phẩm chế biến sẵn ngoài hàng quán có thể giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả;
  • Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý và cân bằng giữa các thành phần dinh dưỡng;
  • Duy trì cân nặng hợp lý và có chế độ vận động, tập luyện thể thao với cường độ phù hợp;
  • Hạn chế rượu, bia, thuốc lá cũng như việc lạm dụng các thức uống chứa caffein để bảo vệ sức khỏe cho hệ tim mạch.

Nội dung trên đây đã giúp bạn giải đáp thắc mắc "uống thuốc huyết áp quá liều có sao không?" và các thông tin liên quan đến thuốc huyết áp. Điều quan trọng để duy trì sức khỏe là dùng thuốc đúng liều lượng theo chỉ định, không nên tự ý thay đổi liều dùng để tránh tác dụng phụ ngược lại cho cơ thể.

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Hồng Nhung

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp đại học Khoa Dược. Có kinh nghiệm hơn 10 năm trong lĩnh vực Dược phẩm, tư vấn thuốc và thực phẩm chức năng. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin