Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc

Ngày 20/03/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bất cứ đứa trẻ nào sinh ra, lớn lên đều trải qua quá trình mọc răng, bao gồm răng hàm. Khi trẻ mọc răng có thể sẽ bị sốt, quấy khóc nên cha mẹ cần nắm được cách chăm sóc đúng khi trẻ mọc răng hàm nói riêng, mọc răng nói chung để giúp trẻ vượt qua giai đoạn này một cách dễ dàng và khỏe mạnh.

Nhiều người có thể chưa biết, trong số các răng của chúng ta thì răng hàm đóng vai trò là chiếc răng giúp nghiền nát thức ăn tốt nhất trước khi thức ăn được đưa xuống bộ máy tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng vào cơ thể. Nói cách khác, răng hàm là nhóm răng quan trọng nhất của cả hàm răng ở mỗi người.

Tổng quan về quá trình mọc răng ở trẻ

Hiểu được quá trình trẻ mọc răng là rất quan trọng đối với những người mới làm cha mẹ, vì nó đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của trẻ. Những chiếc răng đầu tiên của trẻ sẽ bắt đầu mọc từ khi trẻ được 3 tháng tuổi trở đi, thông thường là mọc trong khoảng 4 đến 7 tháng tuổi.

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc 1
Quá trình mọc răng rất quan trọng với trẻ

Điều thú vị là có những trường hợp hiếm hoi trẻ sinh ra đã có răng hoặc phát triển răng ngay sau khi sinh. Trong những trường hợp như vậy, trừ khi những chiếc răng sơ sinh này cản trở việc cho con bú hoặc gây nguy cơ nghẹt thở do răng lung lay thì mới đáng lo, còn lại thì chúng thường không phải là nguyên nhân gây lo ngại.

Quá trình mọc răng ở trẻ sẽ bắt đầu từ hai răng cửa giữa hàm dưới. Đây là những chiếc răng đầu tiên của bé mọc xuyên qua nướu. Sau đó, các răng cửa giữa phía trên sẽ xuất hiện, thường là từ 4 đến 8 tuần sau. Khoảng một tháng sau sẽ đến các răng liền kề với răng cửa giữa ở hàm dưới, sau đó là mọc răng hàm sữa và cuối cùng là răng nanh, là những chiếc răng nhọn ở hàm trên.

Trẻ mọc răng hàm trên đầu tiên thường vào thời gian từ 13 tháng - 19 tháng và mọc răng hàm dưới đầu tiên trong khoảng 14 tháng - 18 tháng. Răng hàm trên thứ 2 sẽ xuất hiện vào thời điểm từ 25 tháng - 33 tháng và còn răng hàm dưới thứ 2 là khoảng 23 tháng - 31 tháng tuổi.

Đến 3 tuổi, hầu hết trẻ em sẽ có đủ 20 chiếc răng sữa. Tuy nhiên, tốc độ mọc răng ở trẻ là khác nhau, một số trẻ có thể mọc răng chậm hơn so với thông thường.

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc 2
Khi mọc răng trẻ thường muốn nhai cắn đồ vật

Khi răng mọc, trẻ có thể chảy nước dãi nhiều hơn bình thường, đồng thời có xu hướng muốn nhai đồ vật. Mặc dù mọc răng có thể gây khó chịu và thậm chí đau đớn trong vài tuần do răng xuyên qua lợi nhưng không phải tất cả trẻ sơ sinh đều bị đau đớn nhiều khi mọc răng. Hơn nữa, cũng không phải hễ mọc răng nói chung, trẻ mọc răng hàm nói riêng đều sẽ có triệu chứng sốt. Theo bác sĩ chuyên khoa, mọc răng có thể làm nhiệt độ cơ thể tăng nhẹ nhưng nó không gây sốt cao ở trẻ. Các triệu chứng như sốt, tiêu chảy, mất ngủ hoặc bỏ ăn kéo dài không phải là triệu chứng điển hình của trẻ mọc răng và cha mẹ nên cho trẻ đi khám để xác định các nguyên nhân tiềm ẩn khác.

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm

Răng của trẻ bắt đầu hình thành ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Khi ấy, mầm răng đã được hình thành trong lợi. Khi phát triển, răng sẽ xuyên qua lợi gây đau và sưng lợi. Lúc này, trẻ sẽ rất thích gặm hoặc cắn đồ vật nhằm xoa dịu cơn đau nhưng lại thấy khó chịu khi bú bình hoặc bú mẹ.

Khi trẻ mọc răng hàm sẽ có một vài dấu hiệu dễ nhận biết. Nắm được điều này, cha mẹ sẽ có cách chăm sóc trẻ phù hợp:

  • Chảy nước dãi nhiều hơn bình thường;
  • Triệu chứng sốt nhẹ, kèm theo quấy khóc;
  • Có xu hướng thích nhai, cắn bất cứ vật dụng nào trong tầm tay;
  • Nướu sưng to, đỏ;
  • Trẻ biếng ăn, thậm chí bỏ ăn dẫn đến sụt cân;
  • Quấy đêm không ngủ;
  • Tiêu chảy.
Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc 3
Trẻ có dấu hiệu sốt nhẹ khi mọc răng hàm

Cách chăm sóc khi trẻ mọc răng hàm

Cũng như người lớn chúng ta, trẻ mọc răng hàm nói riêng, mọc răng nói chung đều sẽ cảm giác khó chịu, đau ở nhiều mức độ, thậm chí là sốt. Nếu tình trạng đau nhức, sốt khi mọc răng ở trẻ khiến trẻ chán ăn, bỏ ăn thì hết sức bình thường, cha mẹ không cần quá lo lắng. Điều quan trọng là bạn phải nắm được cách chăm sóc phù hợp với giai đoạn mọc răng.

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc 4
Trẻ mọc răng hàm thường quấy khóc, khó chịu

Cụ thể như sau:

  • Không cố ép trẻ phải ăn, thay vào đó bạn chia nhỏ cữ ăn của trẻ thành 6 - 8 bữa. Mỗi lần, bạn chỉ cần cho trẻ ăn từng chút để không khiến trẻ sợ ăn.
  • Nên hầm nhừ, mềm nhuyễn đồ ăn của trẻ. Ưu tiên nấu thức ăn dạng cháo loãng, súp để giúp trẻ nuốt mà không cần phải nhai. Bạn nên ép trái cây lấy nước, để tủ lạnh hơi mát rồi cho trẻ uống sẽ giúp cải thiện tình trạng đau nhức, nướu của bé cũng đỡ sưng đau hơn rất nhiều.
  • Nếu trẻ mọc răng hàm bị sốt là hoàn toàn bình thường. Mẹ hãy lấy khăn mềm nhúng nước ấm, vắt khăn rồi đặt lên trán hoặc lau người cho trẻ. Không dùng thuốc hạ sốt khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Trường hợp trẻ sơ sinh không được uống nước lọc hay nước ép rau củ quả, cách tốt nhất là mẹ cố gắng cho trẻ bú nhiều hơn. Nếu trẻ lười bú mẹ, bạn hãy thay đổi bằng cách vắt sữa rồi dùng thìa bón cho trẻ.
  • Trẻ mọc răng hàm có thể kèm theo triệu chứng tiêu chảy, mẹ đừng quá lo lắng. Bình tĩnh tìm hiểu nguyên nhân gây tiêu chảy vì triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh khác. Bạn theo dõi phân, tình trạng sức khỏe của trẻ để kịp thời xử lý khi cần. Khi trẻ tiêu chảy liên tục, mất nước nhiều, việc bạn cần làm là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
  • Với trẻ nhỏ, cha mẹ hãy giúp trẻ giữ gìn vệ sinh, chăm sóc răng miệng bằng cách lấy khăn mềm lau miệng và lau răng khi trẻ vừa ăn.
  • Giai đoạn trẻ mọc răng thường bị ngứa lợi và có xu hướng cho mọi thứ trong tầm tay vào miệng nhai. Do vậy, bạn cần chú ý cho bé dùng các loại đồ vật mềm, hình tròn, chất liệu không làm hại sức khỏe.

Nếu trẻ bị sốt quá cao, ngủ li bì, tiêu chảy kéo dài, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đi bác sĩ để được xử lý kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra.

Dấu hiệu trẻ mọc răng hàm và cách chăm sóc 5
Chú ý theo dõi quá trình mọc răng của trẻ để kịp thời can thiệp y tế

Tóm lại, trẻ mọc răng hàm nói riêng, mọc răng nói chung là giai đoạn đều phải trải qua. Bạn không cần quá lo lắng, tuy nhiên phải chú ý theo dõi diễn tiến quá trình mọc răng cũng như tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ để có thể xử lý ngay khi cần thiết có sự can thiệp y tế. Ngoài ra, bạn cũng cần quan tâm đến chế độ dinh dưỡng để giúp nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng cách chọn thực phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu.

Xem thêm:

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin