Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Nếu bạn đã từng trải qua những cơn đau đầu kéo dài, hắt hơi, nghẹt mũi, nước mũi chảy không ngừng mà không biết nguyên nhân, có thể bạn đang phải đối mặt với một vấn đề sức khỏe phổ biến mà nhiều người thường xuyên bỏ qua - viêm xoang bướm.
Viêm xoang bướm có thể gây ra nhiều khó khăn và ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống hàng ngày. Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu về viêm xoang bướm, từ nguyên nhân, triệu chứng, đến các phương pháp điều trị và cách bạn có thể bảo vệ sức khỏe của mình trước căn bệnh này.
Xương bướm nằm phía trên mũi, giữa hai mắt, có cấu tạo 4 phần, ở giữa có một vách mỏng ngăn ra thành hai hốc rỗng, bên trong hốc là xoang bướm. Xoang bướm tiếp giáp với xương chẩm, xương sàng và xương trán, hai bên tiếp giáp với xương thái dương. Xoang bướm nằm sâu phía trong xoang mũi, gắn với tuyến yên, tiếp nối với dây thần kinh thị giác và các xoang khác trong hệ thống xoang.
Xoang bướm là xoang rỗng, chứa đầy không khí bên trong nên có chức năng lưu thông không khí và dẫn lưu dịch. Nhờ hoạt động của xoang bướm giúp đảm bảo sự cân bằng và ổn định áp suất giữa mũi và các túi khí khác trong cơ thể. Đồng thời, giữ cho niêm mạc mũi luôn có độ ẩm nhất định, hạn chế việc khô mũi và kích ứng.
Bên cạnh đó, xoang bướm có nhiều chức năng khác như tăng âm vang của giọng nói, làm ấm không khí đi vào cơ thể, nhờ chức năng co giãn có thể bảo vệ các cấu trúc quan trọng của mặt khi vô tình bị chấn thương ở vùng mặt.
Trong xoang bướm, có lông chuyển niêm mạc xoang cùng các lỗ thông xoang tự nhiên thực hiện việc lưu thông khí và dẫn lưu dịch. Nếu bị tắc ở lỗ thông hoặc lông chuyển gặp vấn đề sẽ xảy ra tình trạng tắc dịch xoang, viêm xoang. Vì đặc thù xoang bướm nằm sâu nhất trong các xoang sọ, nên khi bị viêm xoang bướm sẽ rất khó điều trị và dễ ảnh hưởng tới các cơ quan khác.
Viêm xoang bướm là một bệnh lý xảy ra bên trong xoang bướm, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc xoang bướm ở một hoặc cả hai bên. Tình trạng này còn có tên khác là viêm xoang bướm đơn độc (ISS). Vì cấu tạo đặc biệt của xoang bướm nên khi có bất kỳ thay đổi nào trong xoang đều có thể ảnh hưởng đến các cơ quan bên cạnh như mắt, mũi, họng, tuyến yên,... Ví dụ các bệnh lý thường đi kèm như viêm xoang cạnh mũi, viêm mũi vận mạch, viêm amidan,...
Khi xảy ra tình trạng viêm nhiễm niêm mạc bên trong xoang bướm, dịch mủ tích tụ lại sẽ tạo điều kiện cho các vi sinh vật và vi khuẩn gây hại phát triển. Khác với những loại viêm xoang khác, xoang bướm nằm sâu nhất trong các xoang và có liên kết trực tiếp với các cơ quan mắt, mũi, sọ não, thần kinh,… nên viêm xoang bướm có thể biến chứng nặng hơn và khó khắc phục được.
Thông thường các triệu chứng của bệnh viêm xoang tương tự nhau, khó phân biệt chính xác. Bên cạnh đó, viêm xoang bướm có nhiều triệu chứng đa dạng khác nhau, trùng lặp với những bệnh lý khác. Tuy nhiên, vẫn có thể dựa vào 6 dấu hiệu dưới đây để nhận biết chính xác viêm xoang bướm:
Những cơn đau đầu không điển hình ở các vị trí khác nhau với những mức độ đau khác nhau là dấu hiệu điển hình của viêm xoang bướm. Vì xoang bướm có liên kết trực tiếp với các dây thần kinh sinh ba chi phối cảm giác và các sợi hướng tâm sphenopalatine từ hạch.
Mức độ đau sẽ không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau thông thường như paracetamol. Tình trạng bệnh nặng hơn khi cử động đầu, mặt cũng gây đau nhiều hơn, đau lan sang vùng giữa hai mắt, lên đỉnh đầu và ra sau gáy.
Các biểu hiện của viêm mũi như nghẹt mũi, sổ mũi, chảy nước mũi nhiều là những triệu chứng xuất hiện trước. Vì mũi là nơi tấn công đầu tiên của vi khuẩn, vi khuẩn càng phát triển mạnh, các vấn đề về mũi càng nghiêm trọng, chẳng hạn như: Dịch mũi đổi màu xanh hoặc vàng, khứu giác bị giảm một phần hoặc mất hẳn do ảnh hưởng của dây thần kinh.
Khi bị vi khuẩn tấn công, hệ miễn dịch của cơ thể tăng cường hoạt động để chống lại những tác nhân gây bệnh này. Do đó, người bệnh sẽ cảm thấy hơi nóng trong người, sốt nhẹ kèm theo một số bệnh lý trên đường hô hấp như: Viêm amidan, viêm họng, viêm thanh quản,...
Hắt hơi là triệu chứng luôn đi kèm khi có các vấn đề liên quan đến mũi. Vì mũi đang bị kích thích do tình trạng viêm nhiễm, ứ đọng dịch trong hốc xoang bướm nên cơ thể có cơ chế hắt hơi để đẩy hết dịch ứ đọng ra ngoài. Bên cạnh đó, viêm xoang bướm còn gây chảy dịch ra sau họng, tắc dịch họng, làm khoang miệng khó chịu và có mùi hôi.
Khi tình trạng viêm nhiễm bắt đầu lây lan, thị lực của người bệnh sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Ban đầu có những rối loạn thị lực cơ bản như nhìn mờ, tầm nhìn bị ngắn lại, nhìn đôi,… Khi bệnh tiến triển nặng hơn có thể mất thị lực một bên, đồng thời bên tổn thương sẽ bị giảm thị trường. Bệnh nhân bị viêm xoang bướm đơn độc có triệu chứng rối loạn thị giác lên đến 21%.
Đau tai và buồn ngủ nhiều là trường hợp không điển hình, tuy nhiên nó là dấu hiệu cảnh báo viêm xoang bướm đã có biến chứng liên quan đến màng não. Vì vậy, cần lưu ý khi có dấu hiệu này cần đến ngay bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.
Viêm xoang bướm thường được hình thành từ những đợt viêm xoang trước do cảm lạnh, cúm, nhiễm virus, vi khuẩn, thay đổi thời tiết,… lan vào các khoang xoang bướm. Hai loại vi khuẩn thường gặp trong viêm xoang bướm là liên cầu khuẩn Streptococcus pneumonia và Haemophilus influenza.
Nguyên nhân điển hình tiếp theo là do các lỗ thông xoang bị bít tắc, dịch nhờn tích tụ gây tình trạng viêm xoang cấp và mạn tính. Môi trường bị ô nhiễm chứa nhiều vi khuẩn và các loại nấm mốc cũng ảnh hưởng rất lớn đến viêm xoang bướm và các bệnh đường hô hấp khi cơ thể vô tình hít phải.
Vách ngăn mũi bị tổn thương hoặc bị vẹo bẩm sinh làm thay đổi cấu trúc ban đầu của xoang mũi. Điều này làm khoang mũi không kín, dễ bị vi khuẩn, vi nấm xâm nhập gây viêm nhiễm bên trong xoang bướm.
Một số nguyên nhân khác do biến chứng của các bệnh đường hô hấp, rối loạn miễn dịch, dinh dưỡng kém, thuốc làm giảm miễn dịch cơ thể, nhiễm HIV/AIDS,….
Khi bệnh nhân có các dấu hiệu của viêm xoang không điển hình, cần thực hiện một số cận lâm sàng để đưa ra chẩn đoán xác định liệu có phải viêm xoang bướm hay không? Hai phương pháp thường được thực hiện là nội soi mũi và chụp CT-scan vùng đầu – mặt. Nội soi là phương pháp đơn giản, dễ thực hiện, phát hiện nhanh và chính xác các bệnh lý liên quan xoang cạnh mũi. Tuy nhiên, việc chẩn đoán viêm xoang bướm nhờ nội soi vẫn chưa rõ ràng. Vậy nên, bác sĩ sẽ sử dụng thêm hình ảnh chụp CT-scan để đưa ra chẩn đoán xác định cho bệnh nhân.
Điều trị nội khoa
Nguyên nhân gốc rễ của viêm xoang bướm là do vi khuẩn, nên các bác sĩ thường sử dụng kháng sinh phổ rộng kết hợp thuốc kháng viêm corticosteroid tại chỗ để điều trị. Bên cạnh đó, viêm xoang bướm gây ra các triệu chứng khó chịu như ngứa mũi, chảy nước mũi, hắt hơi,… Bệnh nhân có thể dùng thêm nước muối, thuốc xịt mũi, thuốc thông mũi,… để rửa mũi giúp giảm triệu chứng, giảm kích ứng và cân bằng áp lực bên trong xoang mũi. Đối với các tình trạng nặng hơn có thể kết hợp điều trị bằng máy khí dung mũi.
Viêm xoang bướm có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng trên hệ thần kinh và các cơ quan xung quanh nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời. Khi bệnh nhân không đáp ứng với điều trị, tình trạng chuyển biến xấu, cần phải chuyển điều trị bằng phẫu thuật để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.
Phẫu thuật
Viêm xoang bướm được điều trị bằng phương pháp nội soi qua mũi, nội soi qua vách ngăn và nội soi qua xoang sàng. Tình trạng bệnh nhân sẽ cải thiện sau khi phẫu thuật thành công, tuy nhiên tỷ lệ tái phát sau phẫu thuật vẫn rất cao. Vậy nên, việc phát hiện để điều trị sớm và kịp thời sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất.
Dưới đây là một số biện pháp giúp phòng ngừa tình trạng viêm xoang bướm hiệu quả:
Nguyên nhân, triệu chứng, và điều trị của viêm xoang bướm thay đổi tùy thuộc vào từng đối tượng cụ thể, nhưng việc hiểu và chăm sóc sức khỏe của mình là một bước quan trọng để giảm thiểu nguy và biến chứng do viêm xoang bướm gây ra. Việc thăm khám sức khỏe định kỳ và luôn quan tâm đến sức khỏe của mình - điều này có thể là chìa khóa để phòng tránh viêm xoang bướm, và có những hướng điều trị sớm, kịp thời.
Xem thêm: Khám viêm xoang ở đâu tốt nhất TPHCM?