Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đầu lưỡi nổi hột đỏ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý

Ngày 02/05/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đầu lưỡi nổi hột đỏ là một trong những biểu hiện khá phổ biến nhiều người gặp phải, tình trạng đầu lưỡi có các hột đỏ xuất hiện khi cơ thể có những biến động về mặt sức khỏe, đây cũng có thể xem như là một trong những chỉ dấu giúp chúng ta để tâm hơn đến sức khỏe của bản thân mình. Việc đầu lưỡi nổi hột đỏ kèm theo những triệu chứng đi kèm khiến ảnh hưởng phần nào đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Mong muốn giúp bạn đọc hiểu và giải đáp phần nào những thắc mắc, trăn trở khi gặp tình trạng xuất hiện đầu lưỡi nổi hột đỏ. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp giải pháp trong phòng ngừa và điều trị đầu lưỡi nổi hột đỏ phù hợp với bản thân.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu lưỡi nổi hột đỏ

Lưỡi là một bộ phận nằm trong khoang miệng. Vai trò quan trọng của lưỡi không chỉ giúp chúng ta cảm nhận hương vị món ăn một cách trọn vẹn, hỗ trợ nhai nuốt thức ăn mà còn góp phần quan trọng ở một trong những chức năng quan trọng bậc nhất của con người là ngôn ngữ, giúp con người có thể kết nối, trò chuyện với nhau. 

Ở người bình thường, lưỡi khỏe mạnh sẽ có màu hồng nhạt hoặc hồng đậm, hình dáng thon dài và mềm mại. Trên bề mặt của lưỡi được phủ bằng một lớp màu trắng mỏng với nhiều gai nhỏ tạo nên hình dáng thô ráp cho lưỡi, hỗ trợ quá trình ăn uống. Các gai lưỡi này ngoài ra còn khả năng cảm nhận vị giác, nhiệt độ. Tuy nhiên, lưỡi nổi hột đỏ là một dấu hiệu không ổn định và thường do một số nguyên nhân sau:

Tình trạng đau rát do nhiệt miệng, viêm lưỡi

Nhiệt miệng là trường hợp xảy ra khá phổ biến, nguyên nhân chủ yếu là do sự tấn công của virus khiến khả năng miễn dịch của niêm mạc lưỡi và miệng bị suy giảm. Các triệu chứng của nhiệt miệng thường thấy là: Nhiều nốt đỏ hình thành ở mô mềm trên nướu răng, bên trong má hoặc môi, hoặc ở đầu lưỡi,… Những hột đỏ bởi nhiệt miệng gây ra khiến người bệnh có cảm giác đau rát mỗi khi ăn nhai. Bệnh thường từ từ thuyên giảm sau 7 đến 10 ngày.

Đầu lưỡi nổi hột đỏ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý 1
Nhiệt miệng gây đầu lưỡi nổi hột đỏ

Bên cạnh nhiệt miệng, viêm lưỡi cũng thường xuất hiện và chủ yếu do sự tấn công của vi khuẩn hoặc vi nấm đến niêm mạc lưỡi. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng một số loại thuốc gây ra tác dụng phụ hoặc dị ứng với các thành phần của nước súc miệng,… Các triệu chứng của viêm lưỡi chủ yếu là lưỡi bị sưng tấy, bề mặt trên lưỡi trơn nhẵn, có vết lở loét, và có thể xuất hiện nốt đỏ ở đầu lưỡi,…

Do sùi mào gà, mụn rộp sinh dục

Các loại bệnh xã hội cũng là những nguyên nhân khiến xuất hiện tình trạng đầu lưỡi nổi hột đỏ như:

  • Sùi mào gà: Virus HPV là nguyên nhân dẫn đến sùi mào gà ở người. Sùi mào gà lan truyền chủ yếu thông qua đường tình dục, đường miệng hoặc do hôn người bệnh. Ban đầu, lưỡi và miệng sẽ có những nốt mụn màu đỏ hoặc hồng nhạt và không đau, không ngứa. Dần về sau, nốt mụn sẽ lớn dần và lan rộng. Các nốt mụn sẽ mọc lại thành cụm tạo ra hình dáng giống như mào gà, những cụm này gây cản trở hoạt động giao tiếp và ăn uống.
  • Mụn rộp sinh dục: Đầu lưỡi nổi hột đỏ đi kèm với cảm giác đau rát rất có thể là dấu hiệu của tình trạng mụn rộp sinh dục ở miệng, đây là bệnh có tỉ lệ nhiễm tương đối cao trong nhóm bệnh xã hội. Triệu chứng thường thấy như: Đầu lưỡi có các nốt mụn rộp, các nốt mụn dần dần phồng to, bắt đầu sưng lên gây khó chịu, đau rát. Khi nói chuyện, ăn uống, các nốt mụn vỡ ra gây viêm loét khiến cảm giác đau càng nặng hơn. Những triệu chứng trên có thể dần thuyên giảm sau khoảng 1 đến 2 tuần nhưng không thể tự khỏi mà sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng hơn.

U nhú tiền đình Papillomatosis và ung thư lưỡi

Ngoài những nguyên nhân phổ biến ở trên, một số nguyên nhân đặc biệt ta có thể gặp như:

  • U nhú tiền đình Papillomatosis: Do sự phát triển quá mức của các tế bào gai ở phía dưới mô biểu bì khiến xuất hiện các khối u nhú tiền đình Papillomatosis. Đây là một bệnh lành tính với các biểu hiện như: Trên lưỡi hoặc trong khoang miệng sẽ xuất hiện các mụn thịt mọc lên, những nốt mụn có thể mọc đối xứng với nhau hoặc thành dải dài. Các nốt mụn màu đỏ hồng, có cuống riêng và không dễ vỡ, chúng sẽ teo dần theo thời gian.
  • Ung thư lưỡi: Một trong những là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, chủ yếu được hình thành do viêm nhiễm kéo dài mà không điều trị. Bệnh sẽ đe dọa đến tính mạng nếu như không được phát hiện và chữa trị kịp thời. Những triệu chứng ung thư lưỡi mà ta có thể xem xét đến như: Sự hình thành các nốt đỏ ở đầu lưỡi đi kèm với nhiều vết loét gây đau rát và chảy máu, sự thay đổi màu sắc của lưỡi. Việc cử động lưỡi gặp nhiều khó khăn, cảm giác như bị vướng thứ gì đó, hơi thở có mùi hôi khó chịu,…
Đầu lưỡi nổi hột đỏ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý 2
Triệu chứng ung thư lưỡi bao gồm việc hơi thở có mùi hôi khó chịu

Dấu hiệu nhận biết khi bị đầu lưỡi nổi hột đỏ

Màu sắc của lưỡi thay đổi

Đầu lưỡi nổi hột đầu đỏ sẽ kèm theo sự biến đổi màu sắc bất thường ở lưỡi như: 

  • Lưỡi nhợt nhạt: Có thể do viêm teo thiếu sắt, thiếu vitamin B12 hoặc suy nhược cơ thể. 
  • Lưỡi đỏ tươi nhưng niêm mạc lưỡi vàng và nhớt: Có thể do suy tim, sốt ban đỏ, viêm lưỡi,…
  • Lưỡi màu đen: Thuốc điều trị hay vi khuẩn có thể khiến lưỡi chuyển màu đen. Thông thường tình trạng này không nguy hiểm và ta có thể cải thiện bằng cách cần loại bỏ các yếu tố gây ra.
  • Lưỡi màu tím: Do máu huyết kém lưu thông nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một số bệnh về tim mạch,…

Ngoài ra, thường xuyên sử dụng thuốc lá, cà phê và các đồ uống đậm màu cũng khiến màu sắc của lưỡi thay đổi.

Bề mặt của lưỡi có sự khác biệt so với bình thường

Ngoài thay đổi về màu sắc, bề mặt của lưỡi cũng xuất hiện những biểu hiện bất thường như:

  • Bề mặt lưỡi bị khô, xuất hiện nhiều vết nứt và mất đi lớp màu trắng phủ trên lưỡi. 
  • Trên lưỡi biến mất các gai nhú, bị teo đồng thời xuất hiện đường màu trắng trên bề mặt.
  • Sự tích tụ keratin trên gai lưỡi ở bề mặt lưỡi, tình trạng này khá phổ biến với những bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc kháng sinh. Bên cạnh đó, có thể do việc vệ sinh răng miệng không đúng cách hoặc dùng nước súc miệng chứa nhiều peroxide cũng dẫn đến việc lưỡi có nhiều lông. 
  • Bề mặt lưỡi bị loét và có các nốt viêm đỏ.
  • Xuất hiện các mảng đỏ trên lưỡi: Có thể do mắc bệnh hồng sản hoặc nhiễm nấm.
Đầu lưỡi nổi hột đỏ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý 3
Lưỡi nhợt nhạt có thể do viêm teo thiếu sắt, thiếu vitamin B12,...

Điều trị đầu lưỡi nổi hột đỏ như thế nào?

Sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp cho ngành y tế cũng phát triển được nhiều phương pháp điều trị nên việc điều trị đầu lưỡi nổi hột đỏ không có quá nhiều khó khăn như trước. Tuy nhiên, để có thể xác định được phương pháp điều trị phù hợp và hiệu quả thì người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được các bác sĩ tư vấn và hỗ trợ kịp thời. Thông thường việc điều trị sẽ được thực hiện bằng các phương pháp sau:

Điều trị thông qua sử dụng thuốc 

Thường với những trường hợp bị đầu lưỡi nổi hột đỏ với mức độ nhẹ, bệnh nhân sẽ được bác sĩ chỉ định dùng một số loại thuốc nhằm cải thiện tình trạng nốt đỏ ở đầu lưỡi như thuốc giảm đau, kháng viêm, các loại kháng sinh,… với mục đích giảm nhanh cảm giác đau rát, ngứa tại đầu lưỡi, tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh và giúp các nốt mụn xẹp xuống. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn từ bác sĩ, không được tự mình tăng hoặc giảm liều thuốc để tránh tác dụng phụ không mong muốn.

Những biện pháp chữa trị chuyên sâu khác

Khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn thì lúc này bên cạnh việc sử dụng thuốc thì bệnh nhân sẽ được bác sĩ tư vấn, can thiệp điều trị phối hợp tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người bệnh trao đổi trực tiếp với bác sĩ.

Các biện pháp để phòng tránh đầu lưỡi nổi hột đỏ

Để phòng tránh đầu lưỡi nổi hột đỏ, mọi người có thể thực hiện một số biện pháp như sau:

  • Thường xuyên đánh răng, vệ sinh khoang miệng đúng cách nhằm giúp lưỡi, khoang miệng và răng luôn sạch sẽ và khỏe mạnh.
  • Giảm thiểu việc hút thuốc lá.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia.
  • Thường xuyên tập thể dục để nâng cao sức khỏe, ngăn chặn nhiều bệnh khác.
  • Xây dựng và áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh. Ưu tiên các lọa thực phẩm như rau củ quả và dùng loại thực phẩm tươi, sạch, nguồn gốc rõ ràng. Hạn chế các món chiên nướng, tốt nhất hãy chế biến bằng phương pháp hấp hoặc luộc.
  • Tuân thủ các nguyên tắc quan hệ tình dục an toàn: Sử dụng bao cao su, hạn chế quan hệ tình dục bằng miệng để giảm nguy cơ nhiễm HPV, khám sức khỏe định kì để phát hiện sớm các nguy cơ mắc các bệnh tình dục,…
Đầu lưỡi nổi hột đỏ: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết bệnh lý 4
Khoang miệng có rất nhiều vi khuẩn gây hại nếu không vệ sinh đúng cách

Hy vọng rằng bài viết sẽ phần nào cung cấp thêm kiến thức và cách phòng ngừa khi bạn đọc gặp phải tình trạng đầu lưỡi nổi hột đỏ. Bên cạnh đó chúng ta cần duy trì những thói quen lành mạnh và lối sống khỏe và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để tránh trường hợp không mong muốn xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm