Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau mắt đỏ lây qua đâu? Làm sao để hạn chế lây lan?

Ngày 27/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đau mắt đỏ là một bệnh nhiễm trùng mắt phổ biến gây viêm các mô lót mí mắt (kết mạc). Nguyên nhân là do các chất gây dị ứng, chất kích thích, vi khuẩn và vi rút… Đau mắt đỏ có thể bùng phát thành dịch nếu không được kiểm soát. Vậy đau mắt đỏ lây qua đâu và làm cách nào để hạn chế căn bệnh này lây lan cho người xung quanh?

Đau mắt đỏ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và thời gian trong năm, đặc biệt vào thời điểm giao mùa căn bệnh này rất phổ biến. Đau mắt đỏ rất dễ lây lan nhưng không phải ai cũng biết con đường lây bệnh. Vậy đau mắt đỏ lây qua đâu?

Nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ

Đau mắt đỏ có thể do virus, vi khuẩn hoặc do dị ứng.Đau mắt đỏ do vi khuẩn và virus dễ lây lan từ người này sang người khác còn do dị ứng thì không lây nhiễm.

Đau mắt đỏ do virus

Đau mắt đỏ do virus là nguyên nhân thường gặp nhất ở các bệnh nhân mắc căn bệnh này. Loại đau mắt đỏ này rất dễ lây lan nhất là ở trường học và những nơi đông người khác. Đau mắt đỏ do virus thường gây nóng rát, đỏ mắt kèm theo chảy nước mắt liên tục. Đau mắt đỏ do virus thường do cùng loại virus gây sổ mũi và đau họng ở những người bị cảm lạnh thông thường.

Đau mắt đỏ lây qua đâu? Làm sao để hạn chế lây lan 1
Đau mắt đỏ do virus rất dễ lây lan ở trường học hoặc những nơi đông người 

Đau mắt đỏ do vi khuẩn

Khi bị đau mắt đỏ do vi khuẩn, bạn sẽ thấy mắt bị đau, đỏ và có nhiều mủ dính trong mắt. Đôi khi vi khuẩn gây đau mắt đỏ cũng giống như vi khuẩn gây viêm họng do liên cầu khuẩn.

Đau mắt đỏ dị ứng

Đau mắt đỏ dị ứng là một loại đau mắt đỏ xuất phát từ phản ứng dị ứng với phấn hoa, động vật, khói thuốc lá, chất clo trong hồ bơi, khói xe hoặc bụi bặm từ môi trường sống. Đau mắt đỏ dị ứng không lây nhiễm nhưng khiến mắt bạn rất ngứa, đỏ và chảy nước, mí mắt có thể bị sưng húp.

Đau mắt đỏ lây qua đâu?

Đau mắt đỏ xảy ra do vi khuẩn hoặc virus rất dễ lây lan từ người này sang người khác, còn đau mắt đỏ do dị ứng thì không lây nhiễm. Nhiều người lo lắng khi nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây nhưng thực chất đau mắt đỏ lây qua đâu? Đau mắt đỏ không lây khi bạn chỉ nhìn vào mắt người bị đau mắt, bệnh này lây qua:

  • Đau mắt đỏ rất dễ lây khi tiếp xúc gần như chạm hoặc bắt tay với người bệnh. Virus và vi khuẩn di chuyển từ tay người khác sang tay bạn, sau đó bạn chạm vào mắt mình.
  • Bạn có thể chạm vào những nơi có virus, vi khuẩn gây bệnh rồi chạm vào mắt mình khi chưa rửa tay sạch sẽ.
  • Đau mắt đỏ lây qua đâu? Nếu bạn sử dụng chung đồ trang điểm, nhất là đồ trang điểm mắt với người bị đau mắt đỏ, rất có thể bạn sẽ bị lây bệnh.
  • Thông qua quan hệ tình dục. Đau mắt đỏ do lây lan khi bạn chạm vào tinh dịch hoặc dịch âm đạo bị nhiễm trùng và sau đó chạm vào mắt mà không rửa tay trước.
Đau mắt đỏ lây qua đâu? Làm sao để hạn chế lây lan 2
Đau mắt đỏ lây qua đâu: Dụi mắt khiến virus gây bệnh dính vào tay rồi chạm vào người khỏe mạnh

Làm thế nào để bạn ngăn chặn bệnh đau mắt đỏ lây lan?

Đau mắt đỏ do virus và vi khuẩn có thể lây từ người sang người. Tham khảo những lời khuyên dưới đây để bạn không lây nhiễm cho người khác hoặc lây nhiễm lại cho chính mình.

  • Nên sử dụng khăn giấy hoặc khăn mặt riêng của mình để lau mặt và mắt. Người bệnh không dùng chung khăn với người khỏe mạnh để tránh lây lan.
  • Rửa tay thường xuyên, luôn rửa tay trước và sau khi ăn, khi đi vệ sinh hoặc sau khi hắt hơi hoặc ho.
  • Cố gắng không chạm vào mắt của bạn, hãy rửa tay ngay sau khi chạm vào mắt để không lây lan vi khuẩn, virus sang vật dụng xung quanh hoặc khi chạm vào người khác.
  • Không trang điểm mắt khi đang bị đau mắt đỏ và không bao giờ dùng chung đồ trang điểm mắt với người khác nếu bạn đang mắc bệnh.
  • Tốt nhất bạn không nên đeo kính áp tròng cho đến khi hết đau mắt đỏ.
  • Khi bị đau mắt đỏ, thường xuyên giặt chăn ga, khăn tắm, khăn mặt bằng nước nóng để diệt khuẩn. Sau khi khỏi bệnh, bạn có thể thay thế khăn mặt mới, chăn ga mới để tránh tái nhiễm.
  • Nếu bạn đã sử dụng thuốc nhỏ mắt cho mắt bị nhiễm trùng thì không nên dùng lọ thuốc đó để nhỏ cho mắt không bị bệnh.
  • Trẻ em đau mắt đỏ nên cho nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho bạn bè xung quanh.
  • Khi bị đau mắt đỏ, không nên sử dụng bể bơi chung vì vi khuẩn dễ dàng phát tán trong nước bể bơi.
  • Không dùng chung đồ dùng với người bị đau mắt đỏ.
  • Vệ sinh mắt kính và hộp đựng kính sạch sẽ.
dau-mat-do-lay-qua-dau-lam-sao-de-han-che-lay-lan-3.jpg
Hạn chế dụi mắt khi bị đau mắt đỏ 

Tôi có thể làm gì để giúp giảm triệu chứng đau mắt đỏ?

Vì nhiều trường hợp đau mắt đỏ ở mức độ nhẹ nên bạn thường có thể giảm các triệu chứng tại nhà cho đến khi bệnh thuyên giảm. Sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo không cần kê đơn có thể giúp giảm ngứa và rát do các kích thích của bệnh. Lưu ý rằng không nhỏ cùng một lọ thuốc nhỏ vào mắt bên kia nếu mắt kia không bị nhiễm trùng.

Ngoài ra, bạn có thể giảm các triệu chứng đau mắt đỏ bằng các cách sau:

  • Ngừng đeo kính áp tròng cho đến khi các triệu chứng của bạn biến mất. 
  • Chườm mát lên mắt giúp làm dịu mắt và giảm các triệu chứng như nóng, đỏ, sưng đau. Bạn có thể chườm mát nhiều lần trong ngày để cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Lau mắt bằng khăn ẩm giúp làm sạch rỉ mắt, hạn chế hình thành lớp vảy gây khó mở mắt.
  • Hạn chế dụi mắt, chạm tay vào mắt vì có thể kiến các triệu chứng của bệnh nặng hơn.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng viêm giúp giảm triệu chứng đau nhức mắt. Tuy nhiên bạn cần tham khảo ý kiến chuyên môn về loại thuốc sử dụng.
dau-mat-do-lay-qua-dau-lam-sao-de-han-che-lay-lan-4.jpg
Dùng thuốc nhỏ mắt sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn

Đau mắt đỏ thường không nghiêm trọng và có thể tự lành mà không cần can thiệp điều trị gì. Điều quan trọng nhất là bạn có thể làm là thực hiện các bước cần thiết để tránh lây bệnh đau mắt đỏ cho người khác hoặc lặp lại trường hợp đó. Nắm bắt được đau mắt đỏ lây qua đâu sẽ giúp bạn ý thức được cần tránh làm gì để không lây lan cho những người xung quanh. Trường hợp đau mắt đỏ lâu ngày không khỏi, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị. 

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm