Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Đau nhức từ mông xuống bắp chân là do đâu? Cách điều trị như thế nào?

Ngày 29/05/2023
Kích thước chữ

Tình trạng đau nhức từ mông xuống bắp chân gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt. Về lâu dài, tình trạng này có thể làm suy giảm chất lượng cuộc sống của chúng ta. Bạn đã biết cần làm gì trong trường hợp này chưa?

Ngày càng có nhiều người gặp phải những khó khăn và bất tiện do gặp phải tình trạng đau nhức từ mông xuống bắp chân. Tình trạng này không chỉ xảy ra với người lớn tuổi mà ngay cả người trẻ cũng có thể gặp phải. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau nhức này. Hãy tìm hiểu các thông tin trong bài viết sau để biết được nguyên nhân gây ra tình trạng này nhằm có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Lý do đau nhức từ mông xuống bắp chân

Theo các bác sĩ, có nhiều lý do dẫn đến chứng đau từ mông xuống dưới bắp chân. Một số nguyên nhân phổ biến nhất thường được các bác sĩ nhắc đến như:

Bệnh lý liên quan dây thần kinh tọa

Dây thần kinh tọa xuất phát từ xương cùng và chạy dài xuống chi dưới và là dây thần kinh lớn nhất, dài nhất trong cơ thể chúng ta. Các bệnh lý liên quan đến dây thần kinh tọa có thể kéo đến nếu bạn mang vác nặng, vận động mạnh, ngồi sai tư thế trong một thời gian dài. Khi đó, xương hoặc cơ sẽ chèn ép dây thần kinh tọa dẫn đến cảm giác đau thần kinh tọa. Đi kèm với đó là cảm giác ngứa ran suốt từ vùng mông xuống khu vực bắp chân. 

dau-nhuc-tu-mong-xuong-bap-chan-1.jpg
Đau nhức từ mông xuống bắp chân có thể xảy ra với bất cứ ai

Hội chứng cơ hình lê hay hội chứng Piriformis 

Bị đau nhức từ mông xuống bắp chân còn có nguyên nhân viêm cơ hình lê hay còn gọi là Piriform. Khi cơ này viêm sẽ dẫn đến phì đại hay co thắt. Nó làm ảnh hưởng đến dây thần kinh tọa và kéo theo các triệu chứng co thắt, đau nhói từ mông lan xuống chân. Những người làm công việc văn phòng, ngồi nhiều và vận động ít hoặc tài xế lái xe rất hay gặp tình trạng này.

Khớp vùng chậu bị viêm

Giống như bất kỳ loại khớp nào trong cơ thể, các khớp vùng chậu cũng có nguy cơ bị viêm. Khi viêm khớp, nó có thể ảnh hướng đến các vùng mông, lưng dưới. Cảm giác đau nhức không chỉ dừng lại ở vùng này mà còn có thể lan xuống cả chân. Khi bạn đi lại, leo cầu thang hay đứng lâu, cảm giác đau sẽ tăng lên.

Đĩa đệm lưng bị thoái hóa

Đĩa đệm là các “đĩa” mềm, có thể nén lại giống như “bộ phận giảm xóc” của cột sống. Theo thời gian, các bộ phận trong cơ thể chúng ta sẽ bị lão hóa, không ngoại trừ đĩa đệm lưng. Một số người cũng có thể bị thoái hóa đĩa đệm do từng bị chấn thương cột sống. Khi đĩa đệm thoái hóa, áp lực chèn lên các dây thần kinh vùng cột sống tăng lên và gây đau đớn. Cảm giác đau nhức sẽ không dừng lại ở vùng thắt lưng mà sẽ lan xuống mông thậm chí xuống chân. 

dau-nhuc-tu-mong-xuong-bap-chan-2.jpg
Thoái hóa đĩa đệm hay các xương cột sống cũng gây đau nhức

Cột sống ở vùng thắt lưng bị thoái hóa

Thoái hóa cột sống là bệnh lý chẳng mấy xa lạ, đặc biệt với người lớn tuổi. Khi cột sống vùng thắt lưng bị thoái hóa, các gai cột sống rất dễ hình thành. Theo thời gian, những gai này chèn ép rễ dây thần kinh gây ra đau nhức từ mông xuống bắp chân.

Đau nhức từ mông xuống bắp chân phải làm sao?

Cảm giác đau nhức phần dưới cơ thể sẽ khiến chúng ta đi lại khó khăn hơn và gặp không ít bất tiện trong sinh hoạt. Nếu đau kéo dài, sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh đều bị suy giảm. 

Một số trường hợp cơn đau sẽ tự thuyên giảm và biến mất hoàn toàn sau vài tuần. Nhưng cũng có trường hợp cảm giác đau nhức kéo dài. Vậy chúng ta cần làm gì để cảm thấy dễ chịu hơn khi bị đau nhức từ mông xuống bắp chân?

  • Cách đầu tiên mà bạn nên nghĩ đến là mua các túi chườm nóng để chườm lên vùng bị đau. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại túi chườm nóng với nguồn gốc khác nhau được bán tràn lan. Không ít vụ việc túi chườm kém chất lượng gây bỏng cho người dùng. Vì vậy, tốt nhất bạn nên đến các nhà thuốc uy tín để mua túi chườm chính hãng, chất lượng.
  • Nếu bạn bị đau dây thần kinh tọa, bạn có thể tìm kiếm các bài tập phù hợp và tập luyện mỗi ngày. Bạn nên chọn bài tập vừa sức và tập trong thời gian vừa đủ. Điều quan trọng là cần duy trì thói quen tập luyện mỗi ngày.
  • Vận động vừa phải sẽ tốt hơn nằm lâu hoặc ngồi lâu một chỗ. Tuy nhiên, bạn nên tránh vận động mạnh hay mang vác đồ vật quá sức.
  • Bạn có thể xin ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để sử dụng thuốc giảm đau phù hợp.
  • Khi triệu chứng đau nhức trở nặng sau vài tuần, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức. Nhiều người ngoài đau nhức còn gặp thêm triệu chứng chân tê và yếu, tê vùng mông, khó kiểm soát trong việc đi vệ sinh,…
dau-nhuc-tu-mong-xuong-bap-chan-3.jpg
Kiểm tra sức khỏe tổng thể thường xuyên giúp phòng ngừa đau nhức

Phòng ngừa đau nhức từ mông xuống bắp chân thế nào?

Trong hầu hết trường hợp, đau nhức từ mông xuống bắp chân xảy ra do viêm khớp, thoái hóa cột sống, thoát hóa đĩa đệm hoặc đau thần kinh tọa. Để phòng ngừa đau nhức vùng từ mông đến bắp chân, cách tốt nhất là bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bằng cách này, bạn có thể sớm phát hiện ra các vấn đề bất thường của cơ thể để điều trị kịp thời.

Một số người làm công việc văn phòng, tài xế ít vận động nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để tập thể dục. Các bài tập nhẹ nhàng đi đi bộ, đạp xe, yoga cũng có thể giúp cơ bắp dẻo dai và xương khớp linh hoạt hơn rất nhiều.

Việc mang vác nặng, lao động nặng nhọc dài ngày không chỉ gây đau nhức mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể. Vì vậy, trong quá trình làm việc họ nên sử dụng các công cụ hỗ trợ như xe đẩy, xe kéo,... để tiết kiệm sức lực.

Lão hóa là một quá trình tất yếu và không thể chống lại. Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng chế độ ăn uống khoa học và chế độ luyện tập hợp lý. Ngoài ra, các thực phẩm chức năng tốt cho xương khớp cũng là “trợ thủ đắc lực” giúp chúng ta nâng cao sức khỏe mỗi ngày, tuy trước trước khi sử dụng bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.

Tình trạng đau nhức từ mông xuống bắp chân như vị khách không mời mà đến. Chúng ta không thể ngăn chặn hoàn toàn nhưng có thể phòng ngừa. Nếu gặp phải tình trạng này thì bạn nên đi khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt. Bởi vì đây là có thể dấu hiệu của một số bệnh nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ có nguy cơ gây ra các biến chứng khó lường khác.

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Vũ Kiều Ngân

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có nhiều năm trong lĩnh vực dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin