Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dậy thì muộn ở bé trai và cách điều trị

Ngày 28/10/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dậy thì muộn để lại những nguy cơ như kém phát triển chiều cao, ảnh hưởng tâm lý hay thậm chí là vô sinh khi trưởng thành. Vì vậy, cần nhận biết sớm dấu hiệu dậy thì muộn ở bé trai để có biện pháp điều trị kịp thời.

Dậy thì là một trong ba giai đoạn vàng phát triển trong vòng đời của một người. Tuy nhiên, ngày càng nhiều bé trai xuất hiện tình trạng dậy thì muộn ảnh hưởng xấu đến thể chất, tâm lý và khả năng sinh sản khi bước vào tuổi trưởng thành.

Dậy thì muộn ở bé trai và cách điều trị 1

Dậy thì muộn tác động xấu đến thể chất và tâm lý của trẻ.

Dậy thì muộn là gì?

Dậy thì bắt đầu bằng những hoạt động mạnh mẽ của trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục. Hormone sinh trưởng (GH) và hormone sinh dục nam (testosterone) được tăng cường sản xuất tạo nên hàng loạt thay đổi về ngoại hình và sinh lý ở bé trai. Bước vào tuổi vị thành niên, trẻ xuất hiện các đặc trưng giới tính nam như cơ bắp, tinh hoàn và dương vật phát triển mạnh mẽ.

Độ tuổi khởi phát và khoảng thời gian dậy thì ở những trẻ khác nhau là không giống nhau. Thông thường, giai đoạn dậy thì ở bé trai kéo dài từ 12 - 15 tuổi. Nếu dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước 9 tuổi thì đó là dậy thì sớm. Còn nếu qua 15 - 16 tuổi rồi mà vẫn chưa xuất hiện dấu hiệu dậy thì, bé đã bị dậy thì muộn.

Dậy thì muộn ở bé trai và cách điều trị 2

Bé trai dậy thì trễ khi qua 15 tuổi mà chưa xuất hiện dấu hiệu dậy thì.

Nam giới dậy thì trễ thể hiện qua sự kém phát triển về thể chất: vóc dáng thấp bé bất thường và cơ bắp nhỏ hơn so với bạn bè cùng tuổi. Ngoài ra, dấu hiệu rõ ràng hơn đó là dương vật, tinh hoàn không phát triển to hơn ở tuổi 14 hay sự tăng trưởng sinh dục bị trì hoãn kéo dài hơn 5 năm.

Nguyên nhân gây dậy thì muộn ở bé trai

Những yếu tố nguy cơ dẫn đến dậy thì trễ bao gồm:

  • Di truyền từ cha mẹ hoặc do mắc bệnh di truyền.
  • Suy dinh dưỡng, rối loạn nội tiết hoặc các bệnh lý mạn tính.
  • Tập luyện thể dục - thể thao quá mức.
  • Khối u hoặc chấn thương ở các tuyến trên trục vùng dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục.
  • Chế độ dinh dưỡng không hợp lý.

Dậy thì muộn ở bé trai và cách điều trị 3

Tập luyện quá mức cũng là nguyên nhân gây dậy thì muộn ở nam giới.

Những yếu tố trên có thể dẫn đến chứng suy sinh dục ở nam giới đặc trưng bởi trình trạng tinh hoàn sản xuất rất ít hay thậm chí là không sản xuất ra hormone testosterone. Suy sinh dục bao gồm: suy sinh dục sơ cấp và suy sinh dục thứ cấp.

Suy sinh dục sơ cấp (hay còn được gọi là suy sinh dục trung tâm) xuất phát từ sự suy giảm hormon hướng sinh dục. Tình trạng này xuất hiện là do những vấn đề ở tuyến yên và vùng dưới đồi. Nguyên nhân cũng có thể xuất phát từ từ rối loạn di truyền như Hội chứng Klinefelter ở nam giới, rối loạn tự miễn dịch, rối loạn phát triển, phẫu thuật, hóa trị, xạ trị hoặc nhiễm trùng.

Suy sinh dục thứ cấp xuất phát từ những nguyên nhân như: Hội chứng Kallmann, có khối u ở não hoặc tuyến yên, phẫu thuật não hoặc tuyến yên, phóng xạ và chấn thương.

Cách chẩn đoán dậy thì muộn

Nếu nghi ngờ trẻ bị dậy thì muộn, cha mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ nội tiết. Những phương pháp được sử dụng để chẩn đoán bao gồm:

  • Kiểm tra tiền sử gia đình, thói quen ăn uống và chế độ tập luyện thể dục - thể thao.
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone trong máu.
  • Phân tích nhiễm sắc thể để tìm kiếm hoặc loại trừ các rối loạn di truyền thường gặp.
  • Chụp X-Quang để kiểm tra tình trạng xương có phát triển bình thường không.
  • Chụp cắt lớp (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra tình trạng tuyến yên.

Dậy thì muộn ở bé trai và cách điều trị 4

Xét nghiệm máu được thực hiện để kiểm tra nồng độ hormone trong máu.

Cách điều trị dậy thì muộn ở bé trai

Bác sĩ thường chỉ định phương pháp điều trị như sau:

  • Tiêm thuốc, dùng miếng dán hoặc gel bôi trong vài tháng cho đến khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu của dậy thì.
  • Những trẻ có dương vật tổn thương hoặc thiếu hụt hormone điều hòa tuyến sinh dục chuyên biệt (IGD) thường được chỉ định bổ sung testosterone. Liều lượng sử dụng tăng theo thời gian và thậm chí là cần tiếp tục bổ sung khi đã trường thành.

Bên cạnh những tác động đến thể chất, dậy thì muộn cũng ảnh hưởng xấu đến tinh thần trẻ. Nếu nhận thấy bé có những dấu hiệu của tự ti, mặc cảm, cha mẹ nên lắng nghe và chỉ ra những điểm mạnh của trẻ thay vì tập trung vào những đặc điểm cơ thể. Bên cạnh đó, cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sẽ để đảm bảo bé có thể đuổi kịp đà phát triển của lứa tuổi.

Uyên

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm