Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Những dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ mà cha mẹ cần biết

Ngày 20/11/2024
Kích thước chữ

Tình trạng dậy thì muộn ở trẻ em liên quan đến sự phát triển bất thường của các tuyến nội tiết hoặc các rối loạn nhiễm sắc thể giới tính. Vậy làm thế nào để nhận ra các dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ?

Dậy thì là một giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của trẻ, đánh dấu sự chuyển đổi từ giai đoạn trẻ em sang người trưởng thành. Tuy nhiên, có những trường hợp trẻ không dậy thì đúng độ tuổi, khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu chi tiết về dấu hiệu dậy thì muộn.

Dậy thì muộn là gì?

Tình trạng dậy thì muộn xảy ra khi trẻ không có các dấu hiệu phát triển sinh lý ở độ tuổi thông thường. Ở bé gái, dậy thì thường bắt đầu từ 8 đến 13 tuổi với dấu hiệu đầu tiên là sự phát triển của ngực. Nếu bé gái không có dấu hiệu này sau 13 tuổi, có thể được coi là dậy thì muộn. Đối với bé trai, giai đoạn dậy thì thường bắt đầu từ 9 đến 14 tuổi, với sự gia tăng kích thước tinh hoàn là dấu hiệu nhận biết đầu tiên. Nếu sau 14 tuổi, trẻ không xuất hiện các biểu hiện trên, trẻ có thể rơi vào nhóm bị dậy thì muộn.

Nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì muộn

Một số lý do dẫn đến tình trạng này theo từng giới tính là:

Nguyên nhân dậy thì muộn ở bé gái

Theo các chuyên gia, những nguyên nhân phổ biến gây dậy thì muộn ở bé gái bao gồm:

  • Di truyền: Nếu trong gia đình có mẹ hoặc bà từng dậy thì muộn, trẻ gái có nguy cơ gặp tình trạng này.
  • Thiếu hụt dinh dưỡng: Trẻ bị suy dinh dưỡng hoặc thiếu các dưỡng chất thiết yếu như vitamin và khoáng chất dễ bị chậm phát triển.
  • Rối loạn nội tiết tố: Những vấn đề như suy tuyến yên hoặc buồng trứng không phát triển đầy đủ có thể cản trở quá trình dậy thì. Ngoài ra, tình trạng thiếu hormone LH, FSH hoặc hormone tăng trưởng cũng là yếu tố gây ra dậy thì muộn.
  • Ảnh hưởng từ điều trị y khoa: Phóng xạ trong quá trình điều trị một số bệnh có thể dẫn đến suy buồng trứng sớm, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường ở trẻ.
Những dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ mà cha mẹ cần biết 1
Suy dinh dưỡng có thể gây dậy thì muộn ở bé gái

Nguyên nhân dậy thì muộn ở bé trai

Tương tự như bé gái, bé trai cũng có thể gặp tình trạng dậy thì muộn vì nhiều lý do khác nhau:

  • Di truyền: Nếu bố hoặc anh trai từng gặp vấn đề về dậy thì muộn, trẻ trai có khả năng cao bị ảnh hưởng.
  • Thiếu hụt hormone sinh dục: Những rối loạn liên quan đến testosterone hoặc tuyến yên, đặc biệt là sự thiếu hụt các hormone LH và FSH, có thể làm trì hoãn dậy thì. Trẻ bị thiếu hormone này từ khi sinh thường biểu hiện bằng dương vật có kích thước nhỏ hơn bình thường.
  • Rối loạn nhiễm sắc thể: Một số hội chứng như Klinefelter hoặc Turner có thể ảnh hưởng đến sự phát triển sinh lý của bé trai.
  • Vấn đề ở tinh hoàn: Các dị tật bẩm sinh, tiền sử phẫu thuật tinh hoàn hoặc điều trị ung thư đều là nguyên nhân gây chậm phát triển sinh lý.
  • Tập luyện thể thao cường độ cao: Các vận động viên trẻ, đặc biệt là những người tham gia các môn như bơi lội hoặc thể dục dụng cụ, dễ gặp dậy thì muộn do thiếu năng lượng hoặc sự cân bằng dinh dưỡng không đảm bảo.

Những dấu hiệu dậy thì muộn

Phần trên đã giới thiệu tới độc giả các nguyên nhân dẫn tới bất thường này, vậy làm sao để nhận biết tình trạng dậy thì muộn ở trẻ em. Dưới đây là các dấu hiệu dậy thì muộn ở nam và nữ mà bạn cần biết:

Bé gái dậy thì muộn có biểu hiện gì?

Các đặc điểm dậy thì ở trẻ nữ bao gồm sự phát triển của ngực, mọc lông vùng kín, xuất hiện kinh nguyệt, cơ thể có đường cong và hông nở rộng. Những thay đổi này xuất hiện do sự gia tăng nồng độ hormone estrogen.

  • Ngực không phát triển: Dấu hiệu dễ nhận biết nhất là ngực vẫn phẳng, không có sự thay đổi về kích thước sau 13 tuổi.
  • Không có kinh nguyệt: Nếu trẻ không có kinh nguyệt sau 15 tuổi, đây là dấu hiệu rõ rệt của dậy thì muộn.
  • Chiều cao vượt trội: Bé gái có thể cao hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng chiều cao này sẽ dừng lại sớm nếu không được điều trị.
Những dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ mà cha mẹ cần biết 2
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu dậy thì muộn và can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng

Bé trai dậy thì muộn có biểu hiện gì?

Trong khi đó, bé trai thường bắt đầu mọc lông vùng kín và lông mặt, tinh hoàn và dương vật phát triển, cơ thể thay đổi với vai rộng hơn và cơ bắp rõ nét. Những biến đổi này xảy ra do sự gia tăng nồng độ hormone testosterone.

  • Tinh hoàn không phát triển: Nếu sau 14 tuổi, tinh hoàn của trẻ vẫn không tăng kích thước thì đây là dấu hiệu dậy thì muộn.
  • Giọng nói không thay đổi: Giọng nói của trẻ vẫn giữ âm sắc trẻ con, không trở nên trầm và dày hơn là đặc điểm cần lưu ý.
  • Không xuất hiện lông cơ thể: Lông vùng kín và lông nách không mọc sau 15 tuổi là biểu hiện của tình trạng này.

Cách chẩn đoán dậy thì muộn ở trẻ

Việc chẩn đoán dậy thì muộn thường bao gồm:

  • Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu bên ngoài như kích thước tinh hoàn, phát triển ngực và chiều cao.
  • Xét nghiệm hormone: Kiểm tra mức độ testosterone, estrogen và các hormone khác để xác định nguyên nhân nội tiết.
  • Xquang xương: Đo độ tuổi xương để xem xương có phát triển phù hợp với độ tuổi thực hay không.
  • Kiểm tra di truyền: Thực hiện các xét nghiệm về nhiễm sắc thể để loại trừ các hội chứng gây rối loạn phát triển.
Những dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ mà cha mẹ cần biết 3
Kiểm tra nồng độ hormone sinh dục giúp phát hiện bệnh

Các biến chứng nguy hiểm của dậy thì muộn ở trẻ

Nếu cha mẹ không phát hiện các dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ và thực hiện các phương pháp điều trị kịp thời thì bệnh sẽ gây ra các biến chứng như:

  • Rối loạn tâm lý: Trẻ có thể cảm thấy cô lập, tự ti hoặc gặp vấn đề về hòa nhập với bạn bè và xã hội.
  • Bệnh lý về xương: Thiếu hormone sinh dục, đặc biệt ở nữ có thể dẫn đến giảm mật độ xương, từ đó tăng nguy cơ gãy xương.
  • Ảnh hưởng khả năng sinh sản: Ở cả bé trai và bé gái, dậy thì muộn nếu không điều trị có thể gây vô sinh.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh mạn tính: Rối loạn hormone kéo dài làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường.

Các phương pháp điều trị dậy thì muộn

Một số phương pháp hiện nay đang sử dụng là:

  • Thay đổi dinh dưỡng: Xây dựng chế độ ăn uống cân bằng, giàu protein, canxi và các vitamin cần thiết để hỗ trợ phát triển.
  • Liệu pháp hormone: Ở bé gái, thường sử dụng estrogen để kích thích sự phát triển ngực và kinh nguyệt. Còn với bé trai, hormone testosterone giúp thúc đẩy phát triển cơ bắp, xương và các đặc điểm sinh dục.
  • Điều trị bệnh lý nền: Các bệnh mạn tính hoặc rối loạn nội tiết cần được điều trị dứt điểm trước khi tập trung vào dậy thì muộn.
Những dấu hiệu dậy thì muộn ở trẻ mà cha mẹ cần biết 4
Phương pháp điều trị bằng hormone là cách điều trị chủ yếu

Dậy thì muộn không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất mà còn để lại nhiều hệ lụy về tâm lý và sức khỏe. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu dậy thì muộn và can thiệp kịp thời là vô cùng quan trọng. Phụ huynh nên chủ động đưa trẻ đi khám nếu phát hiện bất kỳ biểu hiện bất thường nào, từ đó giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin