Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Di chứng của bỏng và tất cả những điều cần biết

Ngày 16/09/2022
Kích thước chữ

Bỏng da nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời rất dễ để lại di chứng. Những di chứng của bỏng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ mà còn ảnh hưởng đến cả tâm lý bệnh nhân.

Bỏng da gây ra những tổn thương trên bề mặt da hoặc vào sâu trong các tổ chức dưới da. Các vết thương do bỏng theo thời gian có thể phục hồi dần. Nhưng không ít trường hợp, vì không được điều trị đúng cách và kịp thời, bỏng đã để lại di chứng đáng tiếc. Vậy di chứng của bỏng là gì? Có thể khắc phục được không và khắc phục như thế nào?

Bỏng là gì? Nguyên nhân gây bỏng

Bỏng là một dạng tổn thương trên da và các mô khác do tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân như nhiệt, hóa chất, điện, bức xạ... Tổn thương này có thể gây nhiễm trùng và hoại tử. Có nhiều nguyên nhân gây bỏng, trong đó bỏng do sinh hoạt chiếm đến 65% tổng số ca, bỏng do tai nạn lao động chiếm 10% tổng số ca, bỏng do thiên tai, điều trị, tai nạn giao thông chiếm số còn lại.

Có thể kể đến những tác nhân gây bỏng phổ biến nhất như: 

  • Nhiệt khô: Lửa, cồn, xăng, kim loại nóng…
  • Nhiệt ướt: Nước sôi, đồ ăn nóng, dầu mỡ nóng, hơi nóng nồi áp suất…
  • Tia lửa điện, sét, luồng điện cao thế…
  • Các hóa chất như kiềm, chất ăn mòn, chất khử oxy, chất oxy hóa…
  • Tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia phóng xạ, tia laser…
Di chứng của bỏng 1 Di chứng của bỏng làm suy giảm chất lượng cuộc sống

Bất cứ ai cũng có thể bị bỏng, nhưng dưới đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bỏng da mà chúng ta nên dè chừng: 

  • Những người thường xuyên nấu ăn, sử dụng các loại bếp củi, bếp ga, bếp điện, bếp từ và đồ ăn, dầu mỡ nóng. 
  • Những người thường xuyên làm việc và tiếp xúc với điện, dây điện.
  • Những gia đình hay khu vực lưu trữ những vật liệu dễ cháy, hóa chất ăn da... cũng tiềm ẩn nguy cơ gây bỏng.
  • Người hút thuốc lá vứt tàn thuốc không đúng nơi quy định cũng có thể gây cháy và gây bỏng. 
  • Bình nóng lạnh và cây nước nóng trong nhà không để xa tầm tay trẻ em và người già. 
  • Làn da tiếp xúc trực tiếp với nắng gắt trong thời gian dài mà không che chắn…

Các cấp độ bỏng

Trước khi tìm hiểu về di chứng của bỏng, chúng ta nên hiểu rõ về các cấp độ bỏng. Chuyên khoa phân loại bỏng dựa trên độ sâu và diện tích bỏng trên tổng diện tích bề mặt da của cơ thể. Theo đó, có 4 cấp độ bỏng tương ứng với 4 mức độ tổn thương gồm: 

Di chứng của bỏng 2 Các cấp độ bỏng tương ứng với mức độ tổn thương nặng hay nhẹ

Bỏng độ 1

Đây là loại bỏng bề mặt, chỉ làm tổn thương đến lớp ngoài cùng của da và là loại bỏng gây tổn thương nhẹ nhất. Biểu hiện của bỏng độ 1 là da bị sưng đỏ kèm cảm giác đau rát, bong tróc da, khô da... Da bị bỏng cấp độ 1 có thể phục hồi sau khoảng 1 tuần. 

Bỏng độ 2

Với làn da bị bỏng độ 2, tổn thương sâu xuống lớp dưới da. Lúc này, làn da đỏ và sưng nhiều, có dấu hiệu phồng rộp. Thậm chí ở một số nốt phồng bị vỡ tạo thành vết thương hở. Bỏng độ 2 lâu khỏi hơn, nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và chúng ta cũng đã phải lưu ý đến di chứng của bỏng. Thông thường, bỏng độ 2 có thể bình phục sau khoảng 2 - 3 tuần. Trong một số trường hợp, bỏng độ 2 được bác sĩ chỉ định ghép da để nhanh hồi phục hơn. 

Bỏng độ 3

Bỏng độ 3 là nghiêm trọng, tổn thương sâu hơn bỏng độ 2 và có thể chạm đến xương, mạch máu. Nạn nhân bỏng độ 3 có thể bị đe dọa tính mạng. 

Bỏng độ 4

Ở nạn nhân bỏng độ 4, tổn thương có thể sây vào xương và gân. Nạn nhân bỏng độ 4 cũng có thể phải đối mặt với những nguy hiểm tính mạng. 

Di chứng của bỏng 3 Bỏng cấp độ 3 và 4 dễ để lại di chứng nhất

Bỏng độ 3 và độ 4, thời gian phục hồi có thể lên đến vài năm. Như vậy, càng bỏng nặng, nguy cơ nạn nhân phải đối mặt với di chứng của bỏng càng cao.

Di chứng của bỏng nguy hiểm thế nào?

Di chứng bỏng nặng hay nhẹ tùy thuộc vào cấp độ bỏng, độ sâu của vết bỏng, vị trí vết bỏng và phương pháp điều trị được áp dụng trước đó. Theo đó, những di chứng của bỏng phổ biến nhất thường là: 

  • Bỏng tạo thành vết thương hở khiến vi khuẩn bên ngoài môi trường xâm nhập qua vết thương vào máu. Di chứng nhiễm trùng máu thường gặp ở bệnh nhân bỏng nặng. Nhiễm trùng máu có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.
  • Trường hợp vết thương hở bị vi khuẩn xâm nhập không được chữa trị kịp thời cũng có thể dẫn đến vết thương bị hoại tử. Vết thương hoại tử có thể dẫn đến việc phải cắt, khoét một phần cơ thể, gây đau đớn và làm mất thẩm mỹ trong thời gian sau điều trị.
  • Di chứng phổ biến nhất sau bỏng là nạn nhân phải “sống chung” với các vết sẹo lõm, sẹo lồi, sẹo phì đại, sẹo co kéo cực kỳ mất thẩm mỹ. Điều này khiến họ thiếu tự tin, ngại giao tiếp, tâm lý ảnh hưởng và mất đi nhiều cơ hội trong cuộc sống. 
  • Nếu sẹo bỏng nằm ở các vùng khuỷu tay, khớp bàn chân, bàn tay, khớp gối... có thể làm giới hạn khả năng vận động của các khớp về lâu dài. Các vết sẹo ở lòng bàn tay, làm dính các ngón tay gây khó khăn trong quá trình phẫu thuật và phục hồi chức năng sau này. 
  • Một số vết bỏng có thể gây loét, dính tổ chức hoặc ung thư hóa trên nền sẹo.
  • Nạn nhân bị bỏng còn phải hứng chịu di chứng của bỏng về tâm lý và tinh thần. 
Di chứng của bỏng 4 Di chứng của bỏng làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của nạn nhân

Điều trị di chứng bỏng

Để cải thiện sức khỏe, phục hồi chức năng của các bộ phận trên cơ thể, cải thiện thẩm mỹ và nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, việc điều trị di chứng của bỏng là cần thiết. Một số biện pháp điều trị được áp dụng như: 

  • Tiêm thuốc corticosteroid vào sẹo và bôi tại chỗ các thuốc nhóm kháng histamin, methotrexate, penicillin, colchicine, madecassol,... 
  • Áp dụng các biện pháp cơ học để khắc phục di chứng bỏng như dùng băng ép kết hợp gel silicon, băng ép tạo lực, dụng cụ cố định chân, tay, cổ…
  • Các liệu pháp như chiếu tia X, siêu âm, điện xung, áp lạnh, ứng dụng tia laser màu hoặc laser CO2...
  • Phẫu thuật phục hồi chức năng và phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp ghép da, chuyển vạt da, giãn tổ chức... Phẫu thuật thường được tiến hành sau khi vết sẹo hình thành từ 6 tháng, đã ổn định và không có tế bào viêm.

Bỏng là tai nạn không biết trước và khó để phòng tránh hoàn toàn. Khi đã bị bỏng, để tránh di chứng của bỏng, chúng ta cần tuân thủ đúng hướng dẫn chăm sóc cho người bị bỏng của các y bác sĩ. 

Thanh Hương

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:bỏng da