Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao?

Thùy Linh

14/03/2025
Kích thước chữ

Tình trạng bỏng hóa chất xảy ra khi da, mắt hoặc các bộ phận cơ thể của bạn tiếp xúc với axit hoặc bazơ. Bỏng hóa chất không chỉ gây đau đớn mà còn có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời. Vậy khi bị bỏng hóa chất thì phải làm sao? Hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về tình trạng bỏng hóa chất qua bài viết sau đây nhé!

Khi cơ thể tiếp xúc với các loại chất hóa học như axit và kiềm mạnh, các vùng da tiếp xúc trực tiếp với hóa chất sẽ bị bỏng nặng, khiến cho nạn nhân cảm thấy vô cùng đau đớn. Nếu vết thương do bỏng hóa chất không được xử lý kịp thời, vết bỏng có thể chuyển biến xấu và gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho cơ thể người bệnh. Hãy cùng tham khảo một số thông tin về các triệu chứng, nguyên nhân và cách xử lý khi bị bỏng hóa chất qua bài viết sau đây nhé!

Bỏng hóa chất là tình trạng gì?

Bỏng hóa chất, còn được gọi là bỏng ăn mòn, là tình trạng bỏng xảy ra khi da, mắt hoặc các cơ quan nội tạng bị tổn thương khi tiếp xúc với những hóa chất có tính ăn mòn mạnh như axit hoặc bazơ. Ngoài axit và bazơ, một số hợp chất hữu cơ (như phenol, hydrocarbon clo hóa) cũng có thể gây bỏng hóa chất. Không chỉ gây ra những vết thương ngoài da, bỏng hóa chất cũng có thể làm tổn thương các cơ quan nội tạng khi người bệnh nuốt hóa chất vào người.

Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao? 1
Bỏng hóa chất là tình trạng bỏng xảy ra khi cơ thể tiếp xúc với hóa chất có tính ăn mòn mạnh 

Triệu chứng của bỏng hóa chất là gì?

Vậy triệu chứng của tình trạng bỏng hóa chất gồm những gì? Triệu chứng của bỏng hóa chất phụ thuộc vào loại hóa chất, nồng độ, thời gian tiếp xúc và khu vực bị ảnh hưởng. Bỏng hóa chất do tiếp xúc trực tiếp với hóa chất ngoài da sẽ hình thành những triệu chứng khác so với bỏng hóa chất do nuốt phải hóa chất. Sự hình thành triệu chứng của bỏng hóa chất phụ thuộc vào một số yếu tố như sau:

  • Thời gian bề mặt da tiếp xúc với hóa chất.
  • Hít hoặc nuốt phải hóa chất.
  • Da có vết thương hở khi tiếp xúc với hóa chất hay không.
  • Vị trí cơ thể tiếp xúc với hóa chất.
  • Độ mạnh và số lượng hóa chất.
  • Hóa chất ở dạng nào (khí, rắn hay lỏng).

Chẳng hạn như khi bạn nuốt phải hóa chất như kiềm mạnh, dạ dày của bạn sẽ bị bỏng bên trong và dẫn đến những triệu chứng khác so với trường hợp tay bị dính hóa chất. Những triệu chứng của việc nuốt phải hóa chất sẽ khác biệt so với những dấu hiệu của các vết bỏng ngoài da.

Các triệu chứng bỏng hóa chất nhẹ

Một số triệu chứng phổ biến khi tiếp xúc với hóa chất ở mức độ nhẹ bao gồm:

  • Nổi mẩn đỏ, kích ứng hoặc bỏng rát tại vùng da tiếp xúc.
  • Đau và tê ở những vùng da bị ảnh hưởng.
Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao? 2
Nổi mẩn đỏ là một trong những triệu chứng phổ biến khi tiếp xúc với hóa chất ở mức độ nhẹ

Các triệu chứng của bỏng hóa chất nặng

Bỏng hóa chất nặng xảy ra khi hóa chất có tính ăn mòn mạnh tiếp xúc với da, mắt, đường hô hấp hoặc đường tiêu hóa trong thời gian dài hoặc với nồng độ cao. Các triệu chứng có thể bao gồm:

Triệu chứng ngoài da:

  • Hoại tử mô: Vùng da bị bỏng có thể cháy đen (nếu do axit) hoặc hóa trắng, nhầy, trơn (nếu do kiềm mạnh).
  • Phồng rộp, lở loét sâu: Xuất hiện vết loét ăn sâu vào lớp mô dưới da, có thể gây tổn thương đến gân, cơ hoặc xương.
  • Sưng nề nghiêm trọng: Có thể dẫn đến hội chứng chèn ép khoang nếu bỏng ở chi.
  • Mất cảm giác hoặc đau dữ dội: Phụ thuộc vào độ sâu của vết bỏng và loại hóa chất tiếp xúc.

Triệu chứng ở mắt (nếu hóa chất bắn vào mắt):

  • Đau dữ dội, chảy nước mắt liên tục.
  • Sưng đỏ kết mạc, phù giác mạc.
  • Suy giảm hoặc mất thị lực hoàn toàn nếu tổn thương nặng.

Triệu chứng toàn thân do bỏng hóa chất nặng:

  • Sốc bỏng: Hạ huyết áp, tim đập nhanh, vã mồ hôi, lú lẫn, có thể dẫn đến suy đa cơ quan.
  • Nhiễm độc toàn thân: Một số hóa chất như axit hydrofluoric, phenol, kim loại nặng có thể thấm qua da, gây suy thận, rối loạn nhịp tim hoặc tổn thương gan.
  • Suy hô hấp cấp (ARDS - hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển): Nếu hít phải hơi hóa chất độc hại như chlorine, amoniac, acid sulfuric, có thể gây phù phổi, xẹp phổi, suy hô hấp nặng.

Triệu chứng khi nuốt phải hóa chất:

  • Tổn thương đường tiêu hóa: Đau rát dữ dội từ miệng đến dạ dày, nôn ra máu, khó nuốt, tổn thương thực quản có thể gây thủng.
  • Nhiễm toan chuyển hóa: Một số hóa chất như axit mạnh hoặc ethylene glycol có thể gây nhiễm toan máu, nguy hiểm đến tính mạng.

Nguyên nhân nào gây ra bỏng hóa chất?

Vậy hóa chất nào gây bỏng khi tiếp xúc với da và nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bỏng hóa chất là gì? Bỏng hóa chất có thể là kết quả của tai nạn hoặc hành hung, nó có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, trong gia đình, trường học hoặc nơi làm việc. Các chất hóa học có thể gây ra bỏng hóa chất chủ yếu là axit và kiềm mạnh. Sau đây là một số sản phẩm có thể gây bỏng hóa chất phổ biến:

  • Amoniac.
  • Axit có trong pin xe ô tô.
  • Thuốc tẩy trắng.
  • Các sản phẩm chứa clo sử dụng cho hồ bơi.
  • Các sản phẩm làm trắng răng.
  • Một số chất khác như vôi tôi (Ca(OH)₂), phốt pho trắng cũng có thể gây bỏng nghiêm trọng.
Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao? 3
Amoniac là một trong những sản phẩm phổ biến có thể gây bỏng hóa chất

Những đối tượng có nguy cơ bị bỏng hóa chất

Bỏng hóa chất là một tình trạng khá phổ biến, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Những đối tượng có nguy cơ gặp phải tình trạng bỏng hóa chất cao nhất thường là trẻ sơ sinh, người tàn tật và người cao tuổi. Những nhóm người này có thể không có khả năng xử lý hóa chất đúng cách, dễ gặp phải rủi ro khi sử dụng các loại sản phẩm có thể gây bỏng hóa chất. Đặc biệt là khi khả năng di chuyển bị hạn chế và không có sự trợ giúp, rủi ro mắc phải bỏng hóa chất khi xử lý axit hoặc các loại sản phẩm chứa hóa chất khác thường rất cao.

Bị bỏng hóa chất phải làm sao? Sơ cứu khi bị bỏng hóa chất

Vì bỏng hóa chất là một tình trạng nguy hiểm, nhiều người lo sợ và thắc mắc làm thế nào để sơ cứu khi bị bỏng hóa chất? Bị bỏng hóa chất bôi gì cho mau khỏi? Để trả lời những câu hỏi trên, khi gặp tình trạng bỏng hóa chất, cần tiến hành sơ cứu ngay lập tức và đúng cách. 

Cần phải loại bỏ hóa chất trên da và làm mát vùng da bị bỏng ngay lập tức bằng nước, rửa vết thương với nước trong khoảng từ 10-20 phút. Đặc biệt là khi hóa chất tiếp xúc với vùng mắt, hãy rửa mắt liên tục bằng nước mát tối thiểu 20 phút trước khi đến bệnh viện. Lưu ý không dùng khăn ướt hoặc bông gạc để lau hóa chất khỏi da, vì có thể làm lan hóa chất sang vùng da khác. Không dùng nước để rửa nếu hóa chất là vôi sống (CaO), vì khi gặp nước, vôi sẽ phản ứng sinh nhiệt và có thể làm tổn thương sâu hơn.

Người thực hiện sơ cứu cần nhanh chóng tháo bỏ quần áo dính hóa chất, lưu ý không nên dùng tay trần để loại bỏ quần áo. Việc cởi quần áo của người bị bỏng hóa chất dễ khiến người bệnh bị lột da, tốt nhất là nên xé bỏ phần quần áo dính hóa chất. đắp một miếng băng khô hoặc vải sạch lên vùng da bị bỏng hóa chất đã được khử trùng và đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được cấp cứu, tránh việc dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng vì không được điều trị kịp thời. 

Bác sĩ sẽ dựa vào mức độ thương tổn của vùng da bị bỏng hóa chất để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp. Đối với tình trạng bỏng nhẹ, bác sĩ thường sẽ chỉ định một số phương pháp trị liệu như sau:

  • Bôi thuốc trị bỏng axit.
  • Sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh.
  • Dùng thuốc chống ngứa.
  • Truyền dịch.
  • Loại bỏ phần da bị nhiễm trùng (làm sạch, loại bỏ bụi bẩn và các phần mô da chết).
  • Ghép hoặc vá một lớp da khỏe mạnh được lấy từ bộ phận khác của cơ thể lên vết bỏng hóa chất.
Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao? 4
Để điều trị bỏng hóa chất, bác sĩ có thể chỉ định ghép một lớp da khỏe mạnh từ bộ phận khác của cơ thể lên vết bỏng 

Mặt khác, với các trường hợp bị bỏng nặng, người bệnh sẽ cần phải thực hiện điều trị phục hồi chức năng sau bỏng, cụ thể như sau:

  • Phẫu thuật thẩm mỹ.
  • Thay da.
  • Quản lý cơn đau.
  • Trị liệu nghề nghiệp để phục hồi các kỹ năng sinh hoạt hàng ngày.
  • Tư vấn và giáo dục.

Cách phòng tránh bỏng do hóa chất

Để phòng tránh các tai nạn bỏng hóa chất, bạn cần tuân thủ một số quy tắc an toàn khi tiếp xúc với hóa chất như sau:

  • Để hóa chất ngoài tầm với của trẻ em.
  • Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp, an toàn, ghi nhãn rõ ràng ở bên ngoài.
  • Xử lý hóa chất trong môi trường thoáng khí.
  • Nên tránh sử dụng hóa chất nếu có thể.
  • Không pha trộn các loại hóa chất với nhau.
  • Chỉ mua những loại hóa chất đựng trong các bình chứa nguyên vẹn.
  • Bảo quản hóa chất ở vị trí riêng biệt, tránh xa thực phẩm.
  • Đeo găng tay, thiết bị bảo hộ khi xử lý hóa chất.
Bỏng hóa chất là tình trạng gì? Bị bỏng hóa chất phải làm sao? 5
Bạn nên đeo găng tay, thiết bị bảo hộ khi xử lý hóa chất

Phòng chống sốc khi bị bỏng hóa chất

Khi cơ thể bị chấn thương bỏng nặng nề, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái sốc bỏng, dẫn đến những trạng thái như rối loạn hô hấp, suy sụp tuần hoàn, rối loạn cân bằng nước điện giải và kiềm toan trong cơ thể. Để tránh tình trạng sốc khi bị bỏng hóa chất, bạn hãy thực hiện các bước sau:

  • Đặt nạn nhân ở tư thế nằm, động viên nạn nhân.
  • Cho nạn nhân uống nước, lưu ý chỉ thực hiện điều này khi nạn nhân đang trong trạng thái tỉnh táo, không nôn ói và không có những chấn thương khác. Có thể cho nạn nhân uống oresol hoặc nước đường.
  • Cho nạn nhân dùng thuốc giảm đau. Nếu nghi ngờ nạn nhân có chấn thương bên trong thì không được sử dụng thuốc an thần, giảm đau mạnh.
  • Chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt.

Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về bỏng hóa chất và cách sơ cứu kịp thời và đúng cách cho người bị bỏng hóa chất. Việc sơ cứu một cách nhanh chóng và đúng cách sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ phát sinh biến chứng cho nạn nhân. Do đó, hãy ghi nhớ những kỹ năng sơ cứu bỏng hóa chất để sử dụng khi cần thiết bạn nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin