Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng & chữa bệnh

Dị ứng bụi bẩn: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa

Ngày 18/08/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Có thể bụi bẩn không nguy hiểm, nhưng dị ứng bụi bẩn có thể nguy hiểm. Đây là tình trạng thường xảy ra khi môi trường sống bị ô nhiễm nặng. Và các dấu hiệu của dị ứng bụi thường khác nhau ở mỗi người. Vì vậy, nếu bị dị ứng bạn cần nhanh chóng tìm cách hạn chế nguy cơ lây lan vùng dị ứng. Theo dõi tiếp bài viết để biết nguyên nhân và cách phòng ngừa dị ứng bụi.

Dị ứng bụi có biểu hiện khác nhau ở mỗi người do cơ địa và cách tiếp xúc với các loại bụi bẩn. Người bị dị ứng bụi bẩn phải làm sao để hạn chế tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn. Các biện pháp dưới đây sẽ giúp ích cho các bạn đấy.

Dị ứng bụi bẩn là như thế nào?

Bụi bẩn là những hạt rắn có kích thước rất nhỏ khó nhìn thấy bằng mắt thường. Bụi bẩn thường tồn tại trong không khí và tích tụ trên bề mặt nhất định như bàn ghế, giường gối, quần áo,... thậm chí bị hút vào phổi của người. Không khí ngày nay chứa rất nhiều bụi, chủ yếu do nhà máy, xí nghiệp, xe cộ, đốt rác,...

Dị ứng bụi là một phản ứng của hệ miễn dịch trong cơ thể người khi tiếp xúc với bụi bẩn. Trước tình hình ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, những người dị ứng với khói bụi càng nên cẩn thận và trang bị các biện pháp bảo vệ bản thân.

Dựa trên các biểu hiện dị ứng bụi, có thể phân loại tình trạng bệnh nặng hay nhẹ để điều trị kịp thời. Các dấu hiệu thường gặp nhất là:

  • Cảm giác khó thở như thường xuyên ho, hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, ngứa ở mũi, miệng hoặc cổ họng.
  • Viêm da có thể dẫn đến nổi mề đay do dị ứng bụi nhà.
  • Mắt ngứa, đỏ và chảy nước.
  • Áp lực trong xoang có thể gây đau mặt, đặc biệt ở trán và hai bên mũi.
  • Những biểu hiện trên thường gặp ở giai đoạn đầu của bệnh dị ứng, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp ở mức độ cấp tính và mãn tính như hen suyễn, viêm phế quản, tắc nghẽn phổi,…
Dị ứng bụi bẩn: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 1 Bụi bẩn là kích thước nhỏ tồn tại trong không khí khi mũi hít vào gây dị ứng tuỳ cơ thể mỗi người

Cách chữa trị khi dị ứng bụi

Nếu bị dị ứng bụi bẩn, bạn có thể dựa vào nguyên nhân, triệu chứng và cơ địa cụ để áp dụng phương pháp điều trị phù hợp.

Dị ứng ảnh hưởng đến hô hấp

Một số loại thuốc được chỉ định sử dụng như:

  • Thuốc kháng histamine: Thuốc uống thường dùng là fexofenadine, loratadine, cetirizine và có dạng xịt mũi như olopatadine.
  • Thuốc thông mũi như olopatadine sudafed có tác dụng thu hẹp các mô trong mũi giúp thở dễ dàng hơn.
  • Liệu pháp miễn dịch: Được thực hiện bằng cách tiêm chất gây dị ứng và kết hợp với việc rửa mũi để loại bỏ chất nhờn và chất kích ứng ra khỏi xoang.

Dị ứng nổi mụn

Bụi bẩn không chỉ gây hại cho sức khỏe mà nó còn ảnh hưởng đến làn da. Để giảm thiểu tình trạng dị ứng trên da mặt do vấn đề bụi bẩn, có thể áp dụng theo nhiều cách khác nhau như cấp ẩm, thanh lọc làn da với các loại mặt nạ từ thiên nhiên hoặc máy rửa mặt.

Dị ứng nổi mề đay

Chữa dị ứng do bụi gây sưng và nổi mẩn ngứa bạn nên áp dụng các phương pháp sau:

  • Chườm đá: Dùng một miếng vải bọc đá và chườm lên vùng da bị dị ứng vào buổi sáng trong vòng 15 phút.
  • Sử dụng nha đam: Nha đam có tác dụng giải độc, làm dịu da rất hiệu quả, bạn có thể đắp gel hoặc thoa nước nha đam lên vùng nổi mề đay khoảng 10 phút và thực hiện nhiều lần trong ngày để thấy hiệu quả.
  • Lá hẹ: Rửa sạch lá hẹ, giã nát và đắp ngoài da có tác dụng tiêu viêm, giải độc, kháng khuẩn rất tốt.
Dị ứng bụi bẩn: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 2 Dị ứng bụi bẩn gây sưng, nổi mề đay, ngứa khó chịu cho người bệnh

Biện pháp ngăn ngừa dị ứng bụi bẩn

Ngăn ngừa dị ứng bụi tại nhà

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, mức năng lượng và hệ thống miễn dịch của bạn sẽ giảm mạnh. Lúc này cơ thể rất dễ bị vi khuẩn, bụi bẩn xâm nhập nên bạn cần có một nơi ở sạch sẽ và không khí trong lành. Nên dọn dẹp nhà cửa hằng ngày, đặc biệt là phòng ngủ để loại bỏ bụi bẩn và mầm bệnh. Cách tốt nhất cho người bị dị ứng bụi bẩn là sử dụng robot vừa hút bụi và lau nhà cùng lúc, tránh hít nhiều bụi bẩn như quét nhà bằng chổi. Hoặc sử dụng máy lọc không khí đảm bảo không khí trong nhà sạch sẽ, từ đó bảo vệ sức khỏe gia đình tốt hơn.

Đối với chăn, gối, đệm, quần áo, rèm cửa cũng nên được giặt thường xuyên sau đó đem phơi dưới nắng cho thật khô. Đặc biệt, những người dị ứng với bụi bẩn không nên sử dụng gấu bông hay nuôi thú cưng, vì chúng dễ bám bụi. Đồ đạc trong nhà nên được sắp xếp gọn gàng, hạn chế công sức dọn dẹp bụi bẩn.

Dị ứng bụi bẩn: Nguyên nhân, điều trị và cách phòng ngừa 3 Dọn dẹp nhà cửa hằng ngày tránh đóng bụi gây dị ứng, ngứa mũi

Ngăn ngừa bụi bẩn nơi làm việc

Không khí bên ngoài chắc chắn chứa nhiều bụi bẩn hơn bên trong nhà. Vì vậy, khi ra khỏi nhà, việc đầu tiên là bạn nên chuẩn bị đầy đủ bảo hộ như khẩu trang, kính bảo hộ, găng tay,…

Tại những nơi làm việc như nhà sản xuất, xưởng may,... để đảm bảo sức khỏe cho nhân viên nên lắp đặt các hệ thống hút bụi công suất lớn. Đây là giải pháp hữu hiệu vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, vừa tiết kiệm chi phí nhân công. Ngoài ra, những người bị dị ứng với bụi nói riêng và công nhân sản xuất nói chung với những nơi làm việc nhiều bụi, đặc biệt là bụi có độc tính cao cần trang bị quần áo chống bụi, đồng thời khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.

Ô nhiễm môi trường, tình trạng bụi mịn ngày càng tăng do đó người có cơ địa dị ứng bụi bẩn nói riêng hay bất kỳ ai cũng nên có biện pháp bảo vệ cho chính mình. Nếu gặp phải những triệu chứng dị ứng nghiêm trọng nên đi khám bác sĩ để được tư vấn điều trị phù hợp.

Cao Hiếu

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngBụi