Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Người bị tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu?

Ngày 14/03/2022
Kích thước chữ

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là căn bệnh nguy hiểm, gây nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người bệnh, là một trong các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Căn bệnh mạn tính này sẽ trở nặng dần theo thời gian và khiến không ít người thắc mắc: Tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu?

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính được phân thành 4 giai đoạn theo mức độ từ nhẹ đến nặng dựa vào chỉ số thể tích khí thở ra gắng sức trong 1s (FEV1). FEV1 sẽ đánh giá được độ thông thoáng của đường dẫn khí cũng như khả năng co giãn của phổi. Bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính càng nặng thì chỉ số này càng giảm.

Bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 1 sống được bao lâu?

Ở giai đoạn đầu tiên của tắc nghẽn phổi mạn tính, chỉ số thể tích khí thở ra trong 1s gắng sức FEV1 ≥ 80% so với FEV1 của người bình thường không mắc bệnh phổi cùng độ tuổi.

Đây được xem là giai đoạn nhẹ, những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh chưa xuất hiện một cách rõ ràng nên thường ít người để ý, nhận ra. Thông thường, người bệnh có thể có các cơn ho kèm theo đờm nhưng đa số đều bị nhầm lẫn với triệu chứng của những bệnh thông thường khác. Lúc này, chức năng phổi đang dần suy yếu, cho đến khi các biểu hiện của tắc nghẽn phổi mạn tính xuất hiện thì phổi đã bắt đầu bị thương tổn.

Vì thế, để kịp thời chữa trị bệnh, bạn cần chú ý quan sát bản thân có gặp phải những tác nhân gây bệnh như hút thuốc, cao tuổi, tiếp xúc thường xuyên với chất ô nhiễm,... hay không để có biện pháp can thiệp sớm nhằm tăng hiệu quả điều trị và tiên lượng sống tốt hơn.

Người bị tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu? 1

Người bệnh có thể có các cơn ho kèm theo đờm ở giai đoạn 1

Bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 2 sống được bao lâu?

Người bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 2 (hay giai đoạn trung bình) có giá trị FEV1 nằm trong khoảng từ 50 đến 79% so với chỉ số lý thuyết sau khi test hồi phục phế quản, tức là so với chỉ số FEV1 của người không mắc bệnh.

Khi bệnh bước vào giai đoạn này, những triệu chứng của COPD bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống bình thường của người bệnh. Các cơn ho kèm đơn diễn ra thường xuyên hơn giai đoạn đầu, nhất là vào buổi sáng. Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện tình trạng khó thở, thở nặng nhọc, khò khè và các đợt suy hô hấp cấp cũng trở nên nghiêm trọng hơn.

Phần lớn đến giai đoạn 2, khi bệnh có những biểu hiện rõ ràng hơn thì người bệnh mới bắt đầu đi khám bệnh. Mặc dù tiên lượng của COPD giai đoạn 2 giảm sút so với giai đoạn 1 nhưng tình hình bệnh vẫn được cải thiện và thời gian sống sẽ được nâng lên đáng kể nếu có biện pháp chữa trị kịp thời kết hợp các thói quen sống lành mạnh khác.

Người bị tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu? 2

Bệnh nhân xuất hiện tình trạng khó thở, thở nặng nhọc ở giai đoạn 2

Bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 3 sống được bao lâu?

Giai đoạn 3 là giai đoạn bệnh nặng, khi đó, chỉ số thể tích khí thở ra gắng sức trong 1s đầu tiên đã giảm xuống chỉ còn khoảng 30-49% trị số lý thuyết sau test phục hồi phế quản. 

Vào giai đoạn này, luồng không khí lưu thông trong phổi ngày càng ít đi. Vì thế mà việc hít thở sẽ càng khó khăn hơn, tình trạng khó thở càng nghiêm trọng dù bạn chỉ vận động hơi gắng sức, các đợt suy hô hấp cấp xuất hiện thường xuyên hơn, gây mệt mỏi kéo dài và khiến chất lượng cuộc sống của người bệnh bị suy giảm.

Bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính phải phối hợp với bác sĩ để theo dõi sát sao chức năng phổi và đáng giá hiệu quả của các thuốc chữa trị. Về thời gian sống của người bệnh COPD giai đoạn 3, điều này sẽ tùy thuộc vào tình trạng cơ địa mỗi người. Tuy nhiên một nghiên cứu năm 2009 đã chỉ ra răng bệnh nhân nam 65 tuổi mắc tẽn nghẽn phổi mạn tính nếu vẫn duy trì thói quen hút thuốc có thể làm tuổi thọ giảm bớt 5,8 năm. Do đó, người bệnh cần xây dựng một lối sống khỏe mạnh, tránh xa các tác nhân độc hại để kéo dài tuổi thọ.

Người bị tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu? 3

Các đợt suy hô hấp cấp xuất hiện thường xuyên hơn, gây mệt mỏi kéo dài

Bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính giai đoạn 4 sống được bao lâu?

Đây là giai đoạn cuối của bệnh tắc nghẽn phổi mạn tính và cũng là giai đoạn nặng nhất với chỉ số giá trị FEV1 sau khi test phục hồi phế quản chỉ còn dưới 30% chỉ số lý thuyết.

Bệnh nhân vào giai đoạn 4 của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có các tổn thương phổi không thể phục hồi được lan rộng đến những khu vực thực hiện nhiệm vụ trao đổi oxy.

Khi tổn thương không thể hồi phục lan rộng đến vùng trao đổi oxy của phổi, phổi sẽ không còn đủ khả năng để cung cấp đủ oxy cho cơ thể. Từ đó ảnh hưởng tiêu cực, khiến các cơ quan quan trọng như tim, não,... không thể hoạt động bình thường, gây nhiều biến chứng nặng nề và đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Tiên lượng cho bệnh nhân tắc nghẽn phổi mãn tính giai đoạn cuối thường rất xấu. Theo ước tính, tỷ lệ tử vong ước tính trên người bệnh COPD được đưa vào phòng hồi sức cấp cứu rơi vào khoảng 24% và tỷ lệ này có thể năng gấp đôi nếu người bệnh trên 65 tuổi. 

Người bị tắc nghẽn phổi mạn tính sống được bao lâu? 4

Tỷ lệ tử vong ước tính của người bệnh COPD khi vào phòng hồi sức cấp cứu khoảng 24%

Mặc dù cùng một loại bệnh nhưng mức độ nghiêm trọng và thời gian sống của bệnh nhân tắc nghẽn phổi mạn tính sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và tình trạng cơ thể. Một số trường hợp bệnh diễn biến rất chậm nhưng cũng có trường hợp bệnh tiến triển rất nhanh và nghiêm trọng. Mỗi người cần thiết lập chế độ sinh hoạt khoa học, lành mạnh, quan sát kỹ càng các dấu hiệu của bệnh để kịp thời phát hiện và có các biện pháp can thiệp thích hợp, góp phần duy trì sức khỏe, kéo dài tuổi thọ cho bản thân cũng như mọi người xung quanh.

Hoàng Trang

Nguồn tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcPhạm Nguyễn Hoàng Kim

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên ngành Dược lâm sàng, với nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực dược phẩm. Là Dược sĩ Long Châu đạt được chứng chỉ bệnh học cấp quốc tế. Hiện đang là giảng viên tại Trung tâm Đào tạo FPT Long Châu.

Xem thêm thông tin