Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phân loại dị ứng quả bơ vào danh sách 8 loại dị ứng thực phẩm ít phổ biến, trong đó bao gồm: Thịt đỏ, hạt vừng, bơ, kẹo dẻo, ngô, xoài, trái cây sấy khô, xúc xích. Trong khuôn khổ của bài viết này, thông tin về dị ứng quả bơ, những điều hữu ích sẽ được cung cấp để mang đến cho bạn đọc đầy đủ kiến thức khi sử dụng loại trái cây này.
Dị ứng quả bơ – phân loại và những triệu chứng thường gặp
Tổng quát
Chúng ta thường ăn nhiều loại thức ăn trong một bữa ăn nên khó có thể xác định được một chất gây dị ứng thực phẩm cụ thể. Hơn nữa dị ứng quả bơ không phải là một trong những loại dị ứng thực phẩm phổ biến. Dị ứng càng bất thường càng khó nhận biết. Trên thực tế, bạn có thể bị dị ứng với trái bơ không chỉ một mà theo hai cách: Bạn có thể bị dị ứng ở miệng khi ăn bơ hoặc dị ứng với nhựa mủ của quả này.
Khi một người ăn quả bơ, hệ thống miễn dịch của người đó xem quả bơ như một mối đe dọa và sẽ sản xuất immunoglobulin E (IgE) và tự gắn vào các tế bào mast, có nhiều trong mũi, họng, phổi, da và đường tiêu hóa. Đây là lý do tại sao khi phản ứng dị ứng được kích hoạt bởi một loại thức ăn, miệng, mũi, da và dạ dày của bạn thường là những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Dị ứng quả bơ ít gặp nhưng vẫn có thể xảy ra
Dị ứng ở miệng
Bạn có thể bị dị ứng ở khoang miệng khi ăn quả bơ vì chúng chứa nhiều histamine. Bạn ăn một quả bơ, cơ thể sẽ phản ứng và hệ thống miễn dịch của bạn sẽ cố gắng tiêu diệt tác nhân dị ứng do quả bơ mang đến. Các triệu chứng thường gặp bao gồm ngứa ở môi, miệng hoặc cổ họng. Nó cũng có thể dẫn đến các vấn đề về dạ dày tương tự như hội chứng ruột kích thích (IBS).
Dị ứng nhựa mủ
Các protein được tìm thấy trong quả bơ có cấu trúc tương tự với các protein trong nhựa mủ. Điều này cho thấy bạn sẽ có khả năng bị dị ứng với quả bơ nếu như bạn bị dị ứng với nhựa mủ (latex) trước đó. Bạn có thể bị sưng môi, chảy nước mắt, chảy nước mũi và đau bụng. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, bạn cũng có thể bị nổi mề đay hoặc sốc phản vệ.
Vì lý do này, những người bị dị ứng với nhựa mủ được cảnh báo về các phản ứng dị ứng tiềm ẩn với quả bơ. Nếu bạn bị dị ứng với nhựa mủ và quả bơ, thì bạn cũng có thể bị dị ứng với khoai tây, cà chua, hạt dẻ, đu đủ, chuối hoặc kiwi.
Những triệu chứng dị ứng ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khi ăn quả bơ
Chất gây dị ứng chính được tìm thấy trong quả bơ là chitinase loại 1. Trẻ sơ sinh bị dị ứng với chất này. Hầu hết trẻ sơ sinh nổi mề đay 1 giờ sau khi ăn bơ.
Các triệu chứng dị ứng ở trẻ sơ sinh xảy ra sau vài phút ăn quả bơ. Những loại phản ứng dị ứng này nghiêm trọng hơn nhiều ở trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi. Trẻ sơ sinh bắt đầu cọ xát mặt và tay nhiều sau khi ăn trái cây bị dị ứng. Các bé có thể bị ngứa cổ họng, chảy nước mũi và tắc nghẽn đường dẫn khí khiến em bé khó thở. Mặt và cổ của em bé sẽ giống như bị cháy nắng và có thể xuất hiện mụn nước trên da. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phát triển các triệu chứng này có thể được kiểm tra ở mọi lứa tuổi. Việc kiểm tra dựa trên bản chất của vấn đề chứ không dựa trên độ tuổi.
Triệu chứng dị ứng trên da trẻ sơ sinh khi ăn quả bơ
Những em bé này cũng có thể bị hội chứng dị ứng nhựa mủ (latex). Nếu những đứa trẻ bị dị ứng với bơ thì chúng cũng thường bị dị ứng với vỏ chuối và khoai tây. Cần thực hiện theo một chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt cho trẻ cho đến khi 1 tuổi. Không cho phép bé ăn các loại trái cây khác nhau khi chưa có nhiều thông tin. Cố gắng tránh xa những thứ mà bé bị dị ứng.
Những triệu chứng dị ứng xảy ra ở dạ dày khi ăn quả bơ
Một số người không thể tiêu hóa được đường fructose trong trái cây. Nếu sự kém hấp thu xảy ra thì người đó có thể bị khó chịu ở dạ dày, đau quặn bụng,... Hợp chất polyol có trong loại trái cây này là nguyên nhân gây đau dạ dày. Một số hóa chất tự nhiên khác có trong nó như salicylate, amin, histamine và glutamate, v.v. sẽ làm tăng độ chín của trái cây. Những ai nhạy cảm với các chất này có thể bị đầy hơi, chướng bụng, nôn mửa và khó chịu.
Ảnh minh họa thú vị về các triệu chứng trên dạ dày khi bị dị ứng quả bơ
Nếu một người bị dị ứng với nhựa mủ thì có 40% khả năng họ bị các triệu chứng dị ứng khi tiêu thụ quả bơ. Hệ thống miễn dịch bắt đầu phản ứng chống lại phản ứng chéo này và gây ra đau bụng và nôn mửa.
Quả bơ cũng chứa hàm lượng chất xơ cao, chất xơ này rất tốt cho dạ dày của chúng ta nhưng nếu sử dụng quá nhiều có thể khiến dạ dày bị đau và co thắt. Một số người không dung nạp chất xơ nên họ có thể bị tắc nghẽn đường tiêu hóa.
Làm thế nào để biết mình bị dị ứng quả bơ và cách xử trí?
Năm 2004, FDA đã thông qua Đạo luật ghi nhãn chất gây dị ứng thực phẩm và bảo vệ người tiêu dùng (FALCPA). Điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất phải dán nhãn bao bì thực phẩm nếu thực phẩm của họ chứa một trong tám chất gây dị ứng thực phẩm phổ biến nhất bao gồm: Sữa, trứng, cá, động vật có vỏ, hạt cây, đậu phộng, lúa mì, đậu nành. Tám chất gây dị ứng này là nguyên nhân gây ra tới 90% tất cả các phản ứng dị ứng liên quan đến thực phẩm.
Tuy nhiên quả bơ không nằm trong danh sách dán nhãn bao bì thực phẩm, vì vậy việc nhận biết dị ứng quả bơ trở nên khó khăn hơn. Nếu bạn ăn quả bơ hoặc các món ăn có chứa bơ và gặp phải các triệu chứng dị ứng thì việc đầu tiên là đến gặp bác sĩ để được thăm khám, điều trị. Việc khai báo thông tin về loại thực phẩm đã dùng trước khi xảy ra phản ứng dị ứng sẽ rất có lợi cho việc chẩn đoán và chữa bệnh. Nếu nghi ngờ dị ứng quả bơ bác sĩ có thể cho tiến hành xét nghiệm. Không có xét nghiệm da để tìm dị ứng quả bơ, nhưng nếu muốn bạn có thể yêu cầu xét nghiệm da để tìm dị ứng nhựa mủ (latex) vì 2 phản ứng dị ứng này thường đi đôi với nhau.
Sau khi đã xác định được nguyên nhân gây dị ứng, nếu các triệu chứng của bạn không nghiêm trọng, thuốc kháng histamine không kê đơn (OTC) có thể giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn. Nếu da của bạn bị kích ứng, kem cortisone không kê đơn có thể hữu ích. Cuối cùng, cách tốt nhất để tránh gây ra phản ứng dị ứng với quả bơ là chỉ cần tránh sử dụng chúng.
Tránh sử dụng quả bơ trong nấu ăn và sinh hoạt thường nhật
Quả bơ thường ít xuất hiện trong bữa ăn truyền thống của người Việt, đa số mọi người thưởng thức bơ như một loại trái cây, sinh tố. Tuy nhiên sự du nhập của ẩm thực phương tây và các nước khác đã mang đến rất nhiều món ngon lạ miệng được chế biến từ quả bơ. Bơ được dùng như một chất béo tốt ăn kèm với bánh mì, sốt salad, cắt tỉa thành hoa để trang trí thức ăn. Không chỉ trong thực phẩm, quả bơ còn hiện diện trong các sản phẩm làm đẹp và chăm sóc cơ thể dưới dạng chiết xuất, như: Mặt nạ dưỡng da, dầu gội, sữa tắm, kem dưỡng...
Quả bơ có mặt trong nhiều sản phẩm chăm sóc cơ thể, làm đẹp
Phản ứng dị ứng với bơ được sử dụng trong mỹ phẩm là khó có thể xảy ra, nhưng nếu bạn gặp phản ứng dị ứng, hãy kiểm tra danh sách thành phần của bơ.
Nếu bạn đã biết mình dị ứng với quả bơ, thì việc tránh sử dụng quả bơ nguyên chất, chiết xuất từ quả bơ là cần thiết để bảo vệ cơ thể tránh tác nhân dị ứng.
Ds. Nhất Phương
Nguồn tham khảo: Tổng hợp