Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dị ứng thời tiết mùa hè: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả

Ngày 27/04/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mùa hè có đặc điểm nhiệt độ cao, nóng nực nhất trong năm, dẫn đến tình trạng các dị nguyên nấm mốc, côn trùng, phấn hoa,… phát triển mạnh. Người bị dị ứng thời tiết mùa hè thường bị nổi mẩn, ngứa ngáy, khó chịu, chảy nước mũi, hắt xì hơi,… ảnh hưởng tới cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Dị ứng thời tiết thường xảy ra mỗi khi chuyển mùa. Có dị ứng thời tiết lạnh và cũng có dị ứng thời tiết nóng. Vậy nhận biết nguyên nhân, dấu hiệu dị ứng thời tiết mùa hè thế nào? Làm sao điều trị hiệu quả? Nhà Thuốc Long Châu sẽ giải đáp tất cả các câu hỏi ở bài viết sau bạn nhé!

Dị ứng thời tiết mùa hè là gì?

Dị ứng thời tiết mùa hè được xác định là tình trạng đáp ứng miễn dịch của cơ thể với môi trường và các yếu tố liên quan tới môi trường xung quanh vật thể vào mùa hè. Khi có yếu tố ngoại lai tác động gây quá mẫn, hàng loạt các phản ứng miễn dịch xảy ra, cơ thể nhanh chóng giải phóng chất histamin, gây ra các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào từng cơ địa và mức độ tiếp xúc với các dị nguyên.

Dị ứng thời tiết mùa hè: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 1 Dị ứng thời tiết mùa hè gây triệu chứng ở nhiều mức độ

Đây là tình trạng thường gặp ở nhiều người có cơ địa dị ứng, nhất là những ngày giao mùa hay oi bức khi nhiệt độ môi trường tăng cao đột ngột. Ô nhiễm không khí vào mùa hè cũng làm cho các tình trạng bệnh xảy ra trầm trọng hơn. Vào mùa hè, mồ hôi ra nhiều, bề mặt da bám bẩn làm bít tắc lỗ chân lông cũng khiến da kém đào thải.

Đặc biệt, Trái Đất đang ngày càng nóng dần lên, nhiệt độ toàn cầu tăng cao sẽ làm cho tỷ lệ gây bệnh và biến chứng của dị ứng thời tiết mùa hè ngày càng phức tạp. Đây là vấn đề sức khỏe ngày càng được quan tâm.

Nguyên nhân hay gặp dị ứng thời tiết mùa hè?

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng khó chịu vào mùa hè. Một số nguyên nhân chính được biết tới như là:

Nấm mốc gây dị ứng thời tiết vào mùa hè

Mùa hè được biết tới là môi trường thuận lợi nhất cho các loại nấm mốc phát triển, nó sống ở môi trường nhà ở, thức ăn, các đồ dùng cá nhân,… Các loại lương thực, thực phẩm hay bị nấm mốc trong mùa hè như là: Bánh ngọt, cơm, bánh mì, ngô, đậu, lạc,… để trong môi trường ẩm thấp vào mùa hè là điều kiện vô cùng thuận lợi sinh trưởng. Khi tiếp xúc với các đồ vật bị nấm mốc, cơ thể có thể bị nhiễm bào tử nấm gây ra các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, khò khè,…

Dị ứng thời tiết mùa hè: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 2 Thời tiết mùa hè ở Việt Nam thực sự là điều kiện thuận lợi để tác nhân gây hại sinh sôi, phát triển

Côn trùng sinh trưởng và gây bệnh

Đặc điểm sinh sản của một số loại côn trùng đặc trưng vào mùa hè, gây ra một số độc tố của ký sinh trùng gây bệnh cho cơ thể. Người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng dị ứng về da như là: Mẩn đỏ, sưng nề da, nổi mụn nước,… Trong một số trường hợp, có thể gây ra các tình trạng đe dọa tới sức khỏe như sốc, buồn nôn, chóng mặt.

Phấn hoa

Một số loại cây, loại hoa thụ phấn vào mùa hè. Phấn hoa được biết đến là dị nguyên gây dị ứng thời tiết thường gặp. Khi đó gió làm cho quá trình phát tán phấn hoa dễ dàng tiếp xúc với bề mặt da, tăng nguy cơ khởi phát dị ứng cho cơ thể.

Ô nhiễm môi trường

Vào mùa hè, ánh sáng cường độ rất mạnh, là yếu tố thuận lợi thúc đẩy các phản ứng sinh hóa xảy ra, sinh ra các khí độc hại, các khí này đi vào đường hô hấp của cơ thể gây ra viêm đường hô hấp, khởi phát dị ứng. 

Triệu chứng dị ứng thời tiết mùa hè thường gặp

Tùy vào cơ địa và mức độ tiếp xúc với dị nguyên mà gây ra các triệu chứng dị ứng thời tiết vào mùa hè khác nhau. Đa số, các triệu chứng nhẹ xảy ra vài giờ sau khi nhiễm như: Hắt hơi, sổ mũi, ho, mẩn da,… Sau khi cách ly khỏi môi trường có các yếu tố gây bệnh đó, triệu chứng sẽ giảm dần và cải thiện tự nhiên, không cần can thiệp y tế.

Tuy nhiên, nếu thời gian tiếp xúc với môi trường nắng nóng và các tác nhân kéo dài, cơ thể sẽ phản ứng mạnh và sinh ra các dấu hiệu đe dọa trầm trọng tới tính mạng như: Khó thở, thở rít, tụt huyết áp, chóng mặt, đau đầu, nôn, buồn nôn, đau bụng,…

Một số triệu chứng khác có thể gặp như: Đỏ mắt, tiết nhiều nước mắt, ngất xỉu, đau rát họng, ngứa mũi, phù nề da,…

Dị ứng thời tiết mùa hè: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 3 Nhiều trường hợp tình trạng nổi ban da mức độ nặng

Điều trị dị ứng thời tiết vào mùa hè hiệu quả

Phương pháp chữa bệnh dị ứng thời tiết có rất nhiều, tùy vào mức độ đối với từng trường hợp mà áp dụng các biện pháp khác nhau.

Các phương pháp điều trị dị ứng thời tiết mùa hè không dùng thuốc

  • Cách ly yếu tố môi trường gây bệnh: Đây là biện pháp đơn giản, nhanh và hiệu quả. Ngay khi có các dấu hiệu ban đầu xảy ra, hãy đưa người bệnh tránh ra khỏi các yếu tố có nguy cơ khởi phát dị ứng thời tiết mùa hè. Một số phương pháp có thể loại bỏ tác nhân có hại như: Tắm nước mát, rửa vùng da tiếp xúc, chườm mát, di chuyển ra nơi có môi trường mát mẻ nhanh chóng,…
  • Uống nhiều nước: Khi bị dị ứng thời tiết mùa hè, uống nhiều nước giúp cung cấp dịch tăng đào thải các chất độc hại ra khỏi cơ thể nhanh chóng. Bạn nên uống nước có chứa điện giải để giúp trao đổi chất, tăng độ ẩm cho da và tăng đề kháng cho cơ thể.

Sử dụng các dược liệu dân gian

Các bài thuốc dân gian được lưu truyền giúp cải thiện dị ứng thời tiết vào mùa hè rất hiệu quả như: Dùng khoai tây đắp lên vùng da mẩn ngứa, giúp hỗ trợ hồi phục tình trạng tổn thương dị ứng ở da gây nên, ăn tỏi sống giúp kháng viêm, tăng cường miễn dịch cho cơ thể,…

Dị ứng thời tiết vào mùa hè nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Nên ăn gì khi bị dị ứng thời tiết vào mùa hè?

  • Trà xanh: Thực phẩm có chất chống oxy hóa cao, có thể dùng để uống hàng ngày hoặc tắm, rửa, tác dụng cao trong kháng viêm, giảm mẩn ngứa.
  • Trái cây: Cung cấp nhiều dinh dưỡng và vitamin cho cơ thể. Nên ăn các loại trái cây như: Dưa hấu, táo, kiwi,…
  • Tỏi: Chứa chất kháng viêm, diệt khuẩn Allicin.
  • Các loại họ cải: Cải xoăn, cải ngồng, cải bó xôi,… tăng cường miễn dịch cho cơ thể.
Dị ứng thời tiết mùa hè: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả 4 Cung cấp đủ nước cho cơ thể hàng ngày

Nên kiêng ăn gì khi bị dị ứng thời tiết vào mùa hè?

  • Protein: Một số protein hay gây dị ứng như là: Vicilin và albumin. Tránh ăn một số loại thức ăn chứa nhiều protein như là: Lạc, các loại đậu, hải sản, thịt đỏ,… Khi lần đầu ăn các loại thực phẩm mà gây kích ứng cho cơ thể, người bệnh nên lưu ý để tránh ăn các loại thực phẩm này. Đặc biệt, các loại thực phẩm chứa hàm lượng protein cao tạo cảm giác khó tiêu, đầy bụng cho người bị dị ứng thời tiết.
  • Kiêng bia, rượu: Rượu, bia và các đồ uống có cồn gây kích thích tăng dị ứng, nên lời khuyên cho bạn là nên hạn chế các loại đồ uống này. Một số loại đồ uống chứa nhiều phẩm màu và phụ gia cũng là các chất gây tăng nguy cơ dị ứng.
  • Thực phẩm để lâu: Thực phẩm vào mùa hè dễ bị ôi, thiu và hỏng một cách nhanh chóng nếu không được bảo quản tốt. Chính vì vậy, bạn không nên ăn thực phẩm để lâu ở ngoài, hoặc để lâu trong tủ lạnh sẽ tăng nguy cơ dị ứng.

Dị ứng thời tiết mùa hè là vấn đề hay gặp và mặc dù thông thường hậu quả không quá nghiêm trọng nhưng thực sự làm giảm chất lượng sống của người bệnh. Mùa hè oi bức với đủ thứ ồn ào và cơ thể ngứa ngáy quả thật không dễ chịu. Nhà Thuốc Long Châu hi vọng bài viết trên đây sẽ hữu ích với bạn đọc!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm