Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Dị ứng thuốc uốn tóc và những lưu ý khi thực hiện

Ngày 31/08/2022
Kích thước chữ

Uốn tóc là một xu hướng làm đẹp phổ biến cho mái tóc, đặc biệt là đối với giới trẻ. Vậy uốn tóc gây tác hại gì? Biểu hiện thường gặp khi dị ứng thuốc uốn tóc là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện uốn duỗi tóc

Dị ứng hóa chất trong thuốc nhuộm, uốn, duỗi tóc là một loại kích ứng da thường gặp. Các thành phần trong các sản phẩm trên có thể gây kích hoạt phản ứng dị ứng trên da. Vậy tác hại của thuốc uốn tóc là gì? Cần lưu ý gì khi uốn tóc?

Nguyên nhân gây dị ứng hóa chất tóc

Dị ứng thuốc uốn tóc và những lưu ý khi thực hiện 1 Dị ứng thuốc uốn, duỗi tóc xảy ra khi hệ thống miễn dịch phản ứng thái quá với hóa chất

Những phản ứng dị ứng hóa chất được bác sĩ gọi là viêm da tiếp xúc dị ứng. Hiện tượng dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của bạn phản ứng thái quá với hóa chất. Các hóa chất này thường thấy trong dầu gội, dầu xả, dầu hấp, thuốc nhuộm, thuốc uốn… 

Các nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm chăm sóc tóc thường có thành phần chứa nhiều chất gây kích ứng tiềm tàng, chẳng hạn như:

  • Hương thơm trong hóa mỹ phẩm tóc như: Dầu gội, dầu xả, dầu hấp, thuốc nhuộm, thuốc uốn…
  • Chất bảo quản và kháng khuẩn thường được thêm vào sản phẩm nhằm kéo dài hạn sử dụng sản phẩm.
  • Một số chất được thêm vào để làm đặc và tạo màu cho sản phẩm.

Một số biểu hiện thường gặp khi uốn duỗi tóc

Da là nơi đầu tiên có những dấu hiệu cảnh báo cho bạn biết mình đang bị dị ứng. Các triệu chứng khi bị dị ứng thường xuất hiện sau khoảng 24 đến 48 giờ. Các triệu chứng cũng có thể xuất hiện muộn khoảng một tuần sau khi bạn tiếp xúc với hóa chất gây kích ứng.

Dị ứng thuốc uốn tóc và những lưu ý khi thực hiện 2 Các triệu chứng khi dị ứng thuốc uốn tóc thường gặp là da đỏ, mụn nước chảy dịch, da sần sùi

Các triệu chứng thường gặp là:

  • Da đỏ.
  • Xuất hiện vảy.
  • Mụn nước chảy dịch.
  • Da trở nên sẫm màu, sần sùi và nứt nẻ.

Nếu bạn lỡ chạm tay vào chất kích thích rồi lại chạm vào mặt, cổ thì phản ứng dị ứng cũng xảy ra trên khu vực này. Do đó, khi có biểu hiện bất thường, bạn nên khi khám để được bác sĩ xác định nguyên nhân và điều trị đúng cách.

Uốn, ép, nhuộm tóc có tác hại gì?

Uốn tóc là một trong những xu hướng làm đẹp phổ biến, đặc biệt là đối với giới trẻ. Mặc dù chưa có bằng chứng nào chứng minh thuốc uốn, ép, nhuộm có khả năng gây ung thư, tuy nhiên mái tóc sau khi tạo kiểu bằng hóa chất, nếu không được chăm sóc cẩn thận và đúng cách thì dễ dàng gây hư tổn nặng, làm tóc khô xơ, thậm chí là rụng tóc.

Các thành phần hóa học giúp làm thẳng hoặc làm xoăn tóc có thể gây hại cho tóc nhiều hơn so với nhuộm. Các thành phần hóa học đó có nồng độ khá mạnh để loại bỏ những chất dưỡng ẩm ra khỏi tóc, khiến tóc dễ đứt gãy và khô rối hơn. Do vậy, việc chăm sóc và bảo vệ tóc sau khi ép, duỗi, uốn tóc là điều cần thiết. 

Khi duỗi hoặc uốn tóc, người thợ sẽ dùng nhiệt hoặc hóa chất để uốn, duỗi tóc của bạn. Nhờ tác động vật lý, hóa học, chất disulfur liên kết trong tóc sẽ trở nên lỏng lẻo, từ đó người thợ sẽ dễ dàng uốn tóc theo hình dạng mong muốn của khách hàng. Khi tóc được uốn xong, cầu nối disulfur này lại được tái lập để giữ cố định hình dạng mới của tóc. Chính hành động duỗi, uốn tóc này tác động trực tiếp đến kết cấu nguyên thủy của sợi tóc, từ đó tóc dễ bị giòn gãy. Khi định hình xong, thời gian bền vững của sợi tóc sẽ khoảng 6 tháng. Nếu quá lạm dụng việc nhuộm, uốn, duỗi hay ép tóc sẽ gây hại cho tóc và ảnh hưởng đến một số người bị dị ứng với hóa chất tạo kiểu. 

Dị ứng thuốc uốn tóc và những lưu ý khi thực hiện 3 Tóc khô xơ, chẻ ngọn khi uốn duỗi tóc quá nhiều

Các tác hại khi duỗi, uốn tóc:

  • Tóc không còn độ bóng nữa, dễ khô và xơ rối khi hết thuốc uốn, ép. 
  • Đuôi tóc thường bị chẻ ngọn, hơi xỉn màu, thân tóc dễ đứt gãy.
  • Tóc trở nên yếu đi nhanh chóng.
  • Nhiệt độ cao của máu uốn, duỗi khi tạo kiểu có thể khiến tóc bị tổn thương nặng hơn. 
  • Tuyến dẫn dầu, tuyến dinh dưỡng nuôi tóc bị khô, xoăn, xù, chẻ ngọn, tế bào tóc cũng dần mất đi nếu không được chăm sóc cẩn thận sau khi uốn, duỗi tóc. 
  • Nếu bị dị ứng hóa chất uốn, nhuộm có thể dẫn đến chứng rụng tóc.

Lưu ý khi uốn duỗi tóc

Để đảm bảo an toàn khi uốn duỗi tóc, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Tìm hiểu và lựa chọn salon, thợ làm tóc có kinh nghiệm, uy tín.
  • Không để thuốc dính vào vùng da đầu, mặt, cổ, vùng da đang bị trầy xước, sưng đỏ.
  • Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt hoặc mang thai tuyệt đối không được dùng thuốc uốn, ép hay nhuộm tóc. Nếu thực sự muốn hoặc cần thiết thì phải tham khảo ý kiến từ các bác sĩ.
  • Nếu thuốc vào mắt trong quá trình thực hiện hãy đến ngay bác sĩ để kiểm tra.
  • Không nên nhuộm tóc trước một tuần hoặc sau môtj tuần uốn tóc.
  • Thuốc làm tóc đã pha chế mà để quá 30 phút chưa dùng thì phải đổ bỏ, khi pha không nên để trong bát kim loại, lược chải kim loại.
  • Hãy thử phản ứng của thuốc trên da trước khi uốn nhuộm bằng cách chấm một lượng nhỏ lên bắp tay, để trong vòng 48 giờ. Nếu vùng da đó có biểu hiện của việc dị ứng thuốc uốn tóc như bị nổi đỏ, sưng, ngứa thì phải rửa sạch ngay lập tức, sau đó tuyệt đối không dùng loại thuốc này nữa.
  • Ưu tiên sử dụng các loại thuốc uốn nhuộm organic, thảo dược sẽ lành tính để đảm bảo sức khỏe hơn so với loại thuốc thông thường.
  • Đeo khẩu trang khi làm tóc.

Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người, đặc biệt là đối với chị em phụ nữ. Bạn có thể hoàn toàn có quyền tự do chọn kiểu tóc ưng ý. Tuy nhiên, bạn cần tìm hiểu kỹ về salon làm tóc, loại thuốc thực hiện khi uốn, duỗi, ép hoặc tác động lên tóc. Ngoài ra, việc chăm sóc tóc hàng ngày cũng rất quan trọng giúp bạn luôn có mái tóc chắc khỏe và mềm mại.

Hạ Hạ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:dị ứngThuốc