Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Điểm mặt những dấu hiệu quai bị dễ nhận biết

Ngày 13/03/2023
Kích thước chữ

Quai bị còn được biết đến là bệnh viêm tuyến mang tai truyền nhiễm cấp tính, xảy ra vào mùa đông - xuân, thường gặp ở trẻ em và hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vậy nhận biết dấu hiệu quai bị thế nào?

Bệnh quai bị nếu không được phát hiện kịp thời sẽ có thể để lại những biến chứng nguy hiểm về lâu dài. Vậy làm sao để nhận biết dấu hiệu quai bị?

Quai bị là gì và do đâu mà có?

Quai bị gây ra bởi virus paramyxovirus (nhóm virus là tác nhân gây nên nhiều bệnh sởi, nhiễm trùng đường hô hấp). Bệnh có đặc trưng là sưng đau tuyến nước bọt mang tai, không mủ, kèm theo viêm ở một vài tuyến khác như tuyến tụy, màng não…

Quai bị có lây không? Quai bị là bệnh truyền nhiễm lây qua đường hô hấp, bên cạnh đó bệnh có thể lây qua đường nước bọt của bệnh nhân khi hắt hơi, ho hoặc lây qua đường ăn uống. Mặc dù nhiều trường hợp tìm thấy virus quai bị trong nước tiểu và phân nhưng chưa đủ bằng chứng để khẳng định đây là đường lây truyền quai bị.

Một số dấu hiệu, triệu chứng quai bị không thể bỏ qua

Khi cơ thể nhiễm virus paramyxovirus, chúng nhanh chóng nhân lên trong 12 - 15 ngày rồi lan đến các cơ quan khác, biểu hiện một số dấu hiệu theo từng giai đoạn như sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Giai đoạn này thường kéo dài từ 14 - 24 ngày, các triệu chứng chưa được bộc lộ rõ ràng. Một số biểu hiện xuất hiện đột ngột như: 

  • Nhức đầu, khó chịu;
  • Mất cảm giác thèm ăn, cơ thể suy nhược;
  • Sốt nhẹ, không có cảm giác lạnh run;
  • Đau họng và góc dưới của xương hàm;
  • Tuyến mang tai sưng to, đau nhức nhất là khi thăm khám.
Điểm mặt những dấu hiệu quai bị dễ nhận biết 1Sưng đau tuyến mang tai là dấu hiệu điển hình của quai bị

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn toàn phát, các triệu chứng dần bộc lộ rõ hơn:

  • Một bên mang tai sưng to, đau nhức rồi lan dần sang bên đối diện và các tuyến nước bọt khác;
  • Sốt cao 39 - 40 độ, thường gặp ở người có biến chứng viêm màng não, viêm tinh hoàn;
  • Khó nuốt, đau bụng, chán ăn, mệt mỏi.

Giai đoạn hồi phục

Một tuần sau khi khởi phát các triệu chứng của giai đoạn toàn phát sẽ thấy giảm đau và các triệu chứng giảm dần, nhưng hệ thần kinh bị tổn thương với các hiện tượng sau:

  • Viêm não: Các biểu hiện rõ ràng nhất là ớn lạnh, sốt cao, đôi khi lạnh run, nôn ói, nhức đầu, đau bụng; tinh hoàn cứng, đau nhức và sưng to.
  • Viêm màng não: Biểu hiện nhức đầu, sốt cao, nôn ói, rối loạn hành vi tác phong, cổ cứng, co giật.
  • Viêm tụy cấp: Thường không có dấu hiệu rõ ràng, nếu bị nặng sẽ tạo nang giả với biểu hiện nôn, trụy mạch, đau bụng, sốt cao…

Một số biến chứng nguy hiểm của quai bị 

Quai bị tụy lành tính nhưng nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm như:

Viêm tinh hoàn ở nam giới

Khi mắc quai bị, nam giới có biểu hiện như sưng to tinh hoàn, mào tinh căng, trong vòng 3 -7 ngày, một số bị giảm chất lượng tinh trùng gây vô sinh. Vì vậy, bệnh nhân cần tập trung điều trị dứt điểm khi mắc bệnh để tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra.

Viêm buồng trứng ở nữ

Nữ giới mắc quai bị có thể bị viêm buồng trứng nhưng ít có khả năng gây vô sinh.Tuy nhiên, mắc quai bị lại là vấn đề nghiêm trọng với những phụ nữ có thai. Nếu mắc quai bị trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi sinh ra dễ bị dị tật hoặc sảy thai, mắc trong thời điểm 3 tháng cuối rất dễ khiến thai bị chết lưu. Vì vậy, phụ nữ có ý định mang thai cần tiêm phòng đầy đủ vắc-xin sởi, rubella, quai bị… để tránh nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Nhồi máu phổi

Đây là biến chứng quai bị phổ biến ở nam giới tuổi dậy thì. Nhồi máu phổi xảy ra sau viêm tinh hoàn do quai bị vì huyết khối tĩnh mạch tiền liệt tuyến gây nên.

Viêm màng não

Một số bệnh nhân quai bị không được chăm sóc đúng cách dễ gặp biến chứng thần kinh như viêm màng não. Biểu hiện của biến chứng này là: Nhức đầu, co giật, rối loạn tri giác, rối loạn thị giác... lâu dần dẫn đến điếc, giảm thị lực, viêm tủy sống cắt ngang, viêm đa rễ thần kinh.

Điểm mặt những dấu hiệu quai bị dễ nhận biết 2Viêm màng não là biến chứng nguy hiểm nhất do quai bị gây ra

Viêm tụy

Đây là biến chứng ít gặp ở người bệnh quai bị, nhưng khi gặp phải sẽ có một số biểu hiện như: Đau bụng trên, mạch nhanh, sốt, chướng bụng, ăn kém…

Một số biến chứng khác của quai bị có thể kể đến như: Viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch, rối loạn chức năng gan, tắc ống dẫn tuyến nước bọt…

Biện pháp phòng ngừa quai bị hiệu quả nhất

Biện pháp phòng bệnh quai bị hiệu quả nhất là tiêm vắc - xin phòng bệnh.Trẻ nhỏ từ 1 tuổi trở lên đã có thể tiêm vắc - xin quai bị và có miễn dịch suốt đời. Những người có nguy cơ mắc bệnh do tiếp xúc với bệnh nhân quai bị cần tiêm vắc - xin ngay để tránh bị nhiễm bệnh.

Lưu ý: Vắc - xin quai bị nên được tiêm trong vòng 72 giờ sau khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Người mắc quai bị cần đeo khẩu trang khi giao tiếp với người khác để hạn chế lây bệnh cho người khác. 

Điểm mặt những dấu hiệu quai bị dễ nhận biết 3Vắc-xin sởi, rubella, quai bị đang được sử dụng hiện nay

Quai bị tuy là bệnh lành tính nhưng có thể gây những biến chứng khôn lường nếu không được điều trị đúng và kịp thời. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích về dấu hiệu quai bị và cách phòng ngừa khi gặp phải.

Thùy Hương

Nguồn tham khảo: medlatec.vn, dongnaicdc.vn

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ Đại học có nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn Dược phẩm và hỗ trợ giải đáp thắc mắc về Bệnh học. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin