Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Điều trị bằng thuốc ARV khi nào? Cách uống thuốc ARV đúng

Ngày 27/07/2023
Kích thước chữ

Đối với người bệnh khi dùng thuốc phải tuân thủ liều lượng, thời gian uống thì mới có hiệu quả chữa bệnh cao. Nhưng đối với người nhiễm HIV/AIDS, tuân thủ điều trị không chỉ ngăn chặn virus HIV phát triển, chống lại tình trạng kháng thuốc, đồng thời duy trì sức khoẻ tổng thể. Vậy cách uống tuốc ARV để điều trị HIV như thế nào là đúng? Hãy tìm hiểu qua bài viết dưới đây!

Điều trị HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ARV) được triển khai ở nhiều bệnh viện. Thuốc ARV không chỉ giúp kiểm soát lượng virus trong máu người bệnh mà còn nâng cao hệ miễn dịch, từ đó kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, việc sử dụng đúng cách để tránh tác dụng phụ, bệnh nhân cần được hướng dẫn cách uống thuốc ARV đầy đủ và khoa học.

Điều trị bằng thuốc ARV khi nào?

Bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân và số lượng tế bào CD4 khi kê đơn thuốc kháng virus điều trị cho bệnh nhân. Theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV của Bộ Y tế, điều trị bằng thuốc ARV được chỉ định khi có xét nghiệm CD4 như sau:

  • Bệnh nhân nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 4 (sụt cân trên 10% trọng lượng cơ thể, sốt hoặc tiêu chảy kéo dài hơn 1 tháng, viêm phổi, nhiễm trùng Herpes ở môi, miệng và bộ phận sinh dục, nhiễm nấm Candida thực quản,...) thì không phụ thuộc vào số lượng tế bào CD4.
  • Người nhiễm HIV giai đoạn 3 (sút cân không rõ nguyên nhân trên 10% trọng lượng cơ thể, tiêu chảy không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng, sốt từng đợt không rõ nguyên nhân kéo dài hơn 1 tháng, nhiễm nấm miệng tái phát với CD4<350TB/mm3).
  • Bệnh nhân HIV giai đoạn lâm sàng 1, 2 có CD4<250TB/mm3. Nếu không có xét nghiệm CD4, điều trị ARV được chỉ định cho những người nhiễm HIV giai đoạn lâm sàng 3 và 4.
Điều trị bằng thuốc ARV khi nào? Cách uống thuốc ARV đúng 1
Cách uống thuốc ARV theo chỉ định của bác sĩ, đúng và đủ liều lượng

Một số vấn đề cần lưu ý khi uống thuốc ARV

Mục đích điều trị

Mục đích điều trị HIV bằng thuốc ARV:

  • Ức chế quá trình phát triển của virus và kiểm soát tải lượng virus trong cơ thể.
  • Phục hồi chức năng miễn dịch.
  • Giảm nguy cơ tiến triển bệnh.
  • Nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nhiễm HIV.
  • Giảm lây nhiễm từ mẹ sang con và lây truyền qua đường tình dục.

Tuân thủ phác đồ điều trị

Tuân thủ cách uống thuốc ARV là điều cần thiết khi điều trị HIV. Tuân thủ điều trị giúp ức chế sự phát triển của virus, giảm tỷ lệ kháng thuốc, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Các yếu tố có thể ảnh hưởng đến sự tuân thủ của bệnh nhân bao gồm:

Tác dụng phụ không mong muốn:

  • Độ phức tạp của phác đồ điều trị.
  • Mệt mỏi vì uống nhiều thuốc.
  • Hạn chế ăn uống.
  • Bệnh nhân thường quên uống thuốc.

Nhóm đối tượng cần lưu ý đảm bảo tuân thủ phác đồ điều trị:

  • Phụ nữ có thai.
  • Thanh thiếu niên.
  • Trẻ em.
  • Người bị rối loạn tâm thần, rối loạn sử dụng ma túy, nghiện rượu.

Tất cả các đối tượng phải tuân thủ phác đồ điều trị, kiên trì tái khám đầy đủ, thực hiện đúng hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ để đảm bảo hiệu quả của thuốc.

Người nhiễm HIV cần được điều trị ARV suốt đời, tuân thủ qúa trình điều trị và theo dõi sức khỏe trong từng giai đoạn.

Điều trị bằng thuốc ARV khi nào? Cách uống thuốc ARV đúng 2
Cách uống thuốc ARV đúng làm giảm virus HIV trong máu

Uống ARV đúng cách

Uống thuốc ARV một cách thận để nhận được hiệu quả tối đa. Nếu bạn đang hoặc sẽ điều trị HIV bằng ARV, hãy cân nhắc những điều sau:

  • Uống thuốc đúng giờ mỗi ngày.
  • Uống đúng liều lượng thuốc đã được bác sĩ kê đơn.
  • Không tự ý tăng, giảm liều thuốc, bỏ thuốc.

Uống thuốc đúng giờ

Những gợi ý sau đây có thể giúp bạn nhớ việc uống thuốc hàng ngày, bạn có thể áp dụng để tránh quên việc uống thuốc:

  • Trao đổi với bác sĩ thời điểm bạn có thể uống thuốc trong ngày. Tùy theo công việc, sinh hoạt để lựa chọn một thời điểm mà bạn đảm bảo nhớ uống thuốc.
  • Gắn việc uống thuốc với một hoạt động, thói quen hàng ngày để dễ nhớ hơn.
  • Đặt lời nhắc uống thuốc bằng điện thoại.
  • Nhờ người thân nhắc nhở uống thuốc.

Việc uống thuốc trễ giờ có thể ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị của bạn. Do đó, nếu bạn quên uống thuốc hoặc uống ARV sớm 1 tiếng, uống ARV trễ 30 phút, uống ARV trễ 1 tiếng, uống ARV trễ 2 tiếng nên trao đổi với bác sĩ.

Uống đúng và đủ loại thuốc

Theo nguyên tắc điều trị HIV, mỗi phác đồ điều trị bao gồm ít nhất 3 loại thuốc ARV để đảm bảo ức chế virus và giảm nguy cơ kháng thuốc. Vì vậy, luôn nhớ uống đúng liều lượng mỗi ngày. Thêm một lưu ý về nguồn gốc thuốc, mua thuốc không chính hãng, không rõ nguồn gốc có thể gây ra những tác dụng phụ không tốt cho sức khỏe. Hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc cần mua hoặc mua trực tiếp từ bệnh viện bạn điều trị.

Theo dõi lượng thuốc uống để đảm bảo có đủ thuốc uống mà không bị gián đoạn. Nếu sắp hết thuốc đang dùng, hãy linh hoạt và mua chuẩn bị trước.

Tái khám đúng lịch

Điều quan trọng trong quá trình điều trị HIV là trao đổi với bác sĩ và tái khám định kỳ. Những trường hợp cần hỏi ý kiến bác sĩ như:

  • Uống thuốc trễ hơn 1 giờ.
  • Quên uống thuốc vài lần trong tuần.
  • Tác dụng phụ của thuốc kéo dài trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần.
  • Lo ngại về tương tác thuốc với thực phẩm và các loại thuốc dinh dưỡng khác.

Lưu ý lịch tái khám để bác sĩ kiểm tra và theo dõi tình trạng bệnh. Từ đó, kiểm soát tốt hơn sự tiến triển của bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc ARV điều trị HIV

Bệnh nhân dùng thuốc ARV điều trị HIV có thể gặp một số tác dụng phụ như:

  • Buồn nôn: Để hạn chế tác dụng phụ này, người bệnh nên uống thuốc trong hoặc ngay sau khi ăn hoặc uống thuốc chống nôn 30 phút trước khi uống thuốc ARV.
  • Tiêu chảy: Nếu bệnh nhân bị tiêu chảy sau khi dùng thuốc, nên đánh giá mức độ tiêu chảy và các triệu chứng kèm theo. Khi bị tiêu chảy, nên uống oresol để bổ sung nước và chất điện giải. Trong những trường hợp nghiêm trọng, có thể cần truyền dịch để kiểm soát tiêu chảy hoặc dùng thuốc chống tiêu chảy.
  • Đau đầu: Nếu bệnh nhân bị đau đầu khi dùng thuốc, có thể dùng các thuốc giảm đau thông thường như acetaminophen để giảm đau đầu.
  • Đau bụng, khó chịu vùng bụng: Cần theo dõi chặt chẽ hiện tượng này. Nếu cơn đau vẫn tiếp diễn, bạn nên đến gặp bác sĩ điều trị để có thể đổi sang loại thuốc khác hoặc thay đổi kế hoạch điều trị.
  • Phát ban đỏ, ngứa: Giống như các loại thuốc điều trị HIV khác, thuốc ARV có thể gây dị ứng, nổi ban đỏ nhẹ, ngứa. Cách khắc phục bằng cách uống thêm thuốc kháng histamin. Tuy nhiên, nếu phản ứng dị ứng nghiêm trọng có khả năng đe dọa đến tính mạng, nên ngừng thuốc ngay lập tức và được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
  • Thiếu máu: Một số loại thuốc kháng virus hoạt động bằng cách ức chế tủy xương, làm giảm khả năng sản xuất hồng cầu và gây thiếu máu với các triệu chứng như chóng mặt và choáng váng thường xảy ra sau 4 đến 6 tuần, nhưng có thể xảy ra vài tháng sau khi điều trị HIV bằng thuốc kháng virus. Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể bổ sung vitamin B12, sắt, axit folic,…
  • Mất ngủ: Bệnh nhân gặp phải triệu chứng này nên dùng thuốc vào buổi tối trước khi đi ngủ. Những triệu chứng này thường không kéo dài, có thể dùng thuốc an thần hoặc thuốc hỗ trợ giúp ngủ ngon hơn.
  • Bệnh lý thần kinh ngoại vi: Biểu hiện rối loạn cảm giác, tê chân tay, bỏng rát,... Nếu triệu chứng nặng, bệnh nhân khó đi lại, mất cảm giác thì có thể dùng vitamin nhóm B hoặc thay đổi thuốc.
  • Ngoài ra, thuốc có thể gây độc cho gan, thận, tăng tích mỡ ở ngực, bụng, lưng, cổ và teo mô mỡ ở tay, chân.
Điều trị bằng thuốc ARV khi nào? Cách uống thuốc ARV đúng 3
Bệnh nhân dùng thuốc ARV điều trị HIV có thể gặp tác dụng phụ nên cần lưu ý

Bài viết trên đây đã hướng dẫn cách uống thuốc ARV điều trị HIV. Quan trọng là người bệnh phải ý thức tình trạng bệnh và uống thuốc đúng, đủ, theo dõi bệnh thường xuyên và trao đổi với bác sĩ để có phác đồ điều trị phù hợp và hiệu quả. Thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ nên trong quá trình dùng thuốc có bất kỳ biểu hiện gì bất thường cần báo ngay với bác sĩ.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin