Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Điều trị dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Ngày 24/07/2023
Kích thước chữ

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh khiến bàn chân của trẻ bị biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng di chuyển và phát triển của trẻ. Điều trị dị tật bàn chân khoèo là một trong những vấn đề quan trọng và được đặt lên hàng đầu để đảm bảo sự phát triển bình thường cho trẻ sơ sinh.

Sự xuất hiện của dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh là một thách thức đối với các bậc cha mẹ và những chuyên gia y tế. Dị tật này có thể là do yếu tố bẩm sinh hoặc môi trường, và khiến bàn chân của trẻ bị biến dạng, không thể đặt phẳng lên mặt đất. Điều trị dị tật bàn chân khoèo đòi hỏi sự can thiệp kịp thời từ phía các bác sĩ và chuyên gia y tế, nhằm giúp trẻ có cơ hội phát triển và vận động một cách bình thường trong tương lai.

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Bàn chân khoèo là một dị tật có thể xuất hiện do bẩm sinh hoặc sau khi trẻ bị bại liệt. Điểm đặc biệt của dị tật này là bàn chân bị biến dạng, không thể đặt phẳng lên mặt đất, và gân gót có độ dài ngắn hơn so với trẻ bình thường.

dieu-tri-di-tat-ban-chan-khoeo-o-tre-so-sinh.jpg
Bàn chân khoèo là một dị tật bàn chân bị biến dạng, không thể đặt phẳng lên mặt đất

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh thường kèm theo một số dị tật bẩm sinh khác hoặc có thể tồn tại độc lập. Tỉ lệ mắc bàn chân khoèo sơ sinh được ước tính là 1/1000 trẻ sơ sinh, trong đó trường hợp cả hai chân bị khoèo chiếm khoảng 50%, và tỉ lệ nam cao hơn nữ.

Dấu hiệu dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Bàn chân khoèo sơ sinh thể hiện ba loại biến dạng tại ba khớp khác nhau, gây ra các triệu chứng lâm sàng khác nhau:

  • Tình trạng đảo ngược khớp cận xương sên khiến phần phía sau của bàn chân bị đảo ngược, tạo nên một dạng bàn chân bẹt.
  • Bất thường tại khớp sên - ghe khiến bàn chân biến dạng khép trong, tạo nên dạng bàn chân dị tật.
  • Bất thường tại khớp cổ chân, lòng bàn chân khiến bàn chân ngửa, xoay trong và bệnh nhi phải di chuyển bằng những ngón chân. Tình trạng này cũng làm cho cơ bắp của chân bị co rút, khiến gân gót chân có độ dài ngắn hơn so với bình thường. Triệu chứng này tạo nên dạng bàn chân chóp và làm hạn chế sự di chuyển của trẻ.

Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh do đâu?

Nguyên nhân của tình trạng bàn chân khoèo sơ sinh vẫn chưa được xác định rõ ràng. Có những giả thuyết cho rằng tình trạng này có thể không phụ thuộc vào tư thế của trẻ trong bụng mẹ mà do các yếu tố khác như cấu trúc xương, yếu tố môi trường và di truyền.

dieu-tri-di-tat-ban-chan-khoeo-o-tre-so-sinh-1.jpg
Dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh do nhiều yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ có thể đóng vai trò trong bàn chân khoèo sơ sinh bao gồm: Giới tính, gia đình, và tiền sử y tế của mẹ trong thời gian mang thai. Nam giới có khả năng mắc bệnh này cao hơn nữ giới. Nếu trong gia đình có người ba hoặc mẹ bị bàn chân khoèo sơ sinh, khả năng con mắc phải cũng tăng cao. Hút thuốc lá trong thời gian mang thai và gặp các tình trạng nhiễm khuẩn cũng có thể là những yếu tố nguy cơ.

Nếu không được điều trị kịp thời, bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng cho trẻ, bao gồm viêm khớp, bất thường trong phát triển hệ cơ và khó khăn trong việc đi lại. Do đó, việc phát hiện và điều trị kịp thời là rất quan trọng để tránh những tác động xấu đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Chẩn đoán dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Để chẩn đoán bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh, việc thăm khám lâm sàng để tìm các dấu hiệu và triệu chứng như bàn chân cạnh ngoài, có nếp lằn bên trong, nếp gấp phía sau, độ nhón gót thay đổi, và cứng là rất quan trọng. Tuy nhiên, để có một chẩn đoán chính xác hơn và đánh giá mức độ bệnh, các kỹ thuật cận lâm sàng cũng đóng vai trò quan trọng.

Chụp X - quang bàn chân là một trong những kỹ thuật hình ảnh được sử dụng để đánh giá cấu trúc xương và kiểm tra các biến dạng ở bàn chân. 

Siêu âm thai định kỳ trong thời gian mang thai cũng có thể giúp phát hiện bàn chân khoèo sơ sinh từ giai đoạn thai kỳ và cung cấp thông tin quan trọng để đưa ra quyết định điều trị.

Việc kết hợp giữa thăm khám lâm sàng và các kỹ thuật cận lâm sàng sẽ giúp cho việc chẩn đoán bàn chân khoèo sơ sinh trở nên chính xác hơn và hỗ trợ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời, từ đó giúp giảm thiểu tác động của bệnh đối với sức khỏe và sự phát triển của trẻ.

Điều trị dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Để điều trị bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh, các nguyên tắc quan trọng cần tuân thủ bao gồm chỉnh sửa biến dạng bàn chân và phục hồi chức năng, độ linh hoạt và độ mạnh của bàn chân để trẻ có thể đi lại và vận động tốt hơn.

Dưới đây là một số phương pháp điều trị thường được sử dụng:

Phương pháp Ponseti: Đây là một phương pháp điều trị phổ biến được sử dụng từ khi trẻ vừa ra đời. Phương pháp này bao gồm việc nắn chỉnh vòm, bàn chân và gót vẹo trong, sau đó bó bột để cố định lại bàn chân. Sau giai đoạn bó bột, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật cắt gân gót và tiếp tục mang nẹp giày trong suốt cả ngày trong một thời gian dài.

dieu-tri-di-tat-ban-chan-khoeo-o-tre-so-sinh-2.jpg
Điều trị dị tật bàn chân khoèo ở trẻ sơ sinh

Phương pháp kéo duỗi, băng bó: Phương pháp này sử dụng kỹ thuật vật lý trị liệu để kéo duỗi bàn chân và sau đó băng bó để duy trì tư thế đúng của bàn chân. Kỹ thuật này yêu cầu vận động bàn chân mỗi ngày và sử dụng máy kéo duỗi trong lúc trẻ ngủ.

Phẫu thuật: Phương pháp này được áp dụng trong những trường hợp nặng và không đáp ứng với những biện pháp điều trị khác. Kỹ thuật mổ bao gồm kéo dài gân gót và đưa bàn chân trở lại tư thế đúng.

Dựa vào tình trạng của trẻ và mức độ biến dạng bàn chân, các bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp và tiến hành điều trị kịp thời để giúp trẻ có thể phục hồi và phát triển bình thường.

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNgô Kim Thúy

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.