Bệnh đục thuỷ tinh thể khiến thị lực của người bệnh suy giảm, ánh nhìn mờ như có lớp sương che phủ. Bệnh gây ảnh hưởng tới sinh hoạt cũng như chất lượng cuộc sống của người bệnh. Vậy đục thuỷ tinh thể thay được mấy lần? Hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm câu trả lời cho câu hỏi của bạn ở bài viết dưới đây.
Đục thủy tinh thể là gì?
Thủy tinh thể là một cấu trúc của mắt, có chứng năng tương tự một thấu kính hội tụ ánh sáng trên võng mạc. Võng mạc là nơi nhận cảm ánh sáng gửi tín hiệu thị giác đến não. Ở mắt bình thường, ánh sáng được truyền xuyên qua thủy tinh thể và hội tụ lại trên võng mạc. Thủy tinh thể phải trong suốt để ảnh được tạo ra rõ nét.
Thủy tinh thể được cấu tạo bởi protein và nước là chủ yếu. Các protein được sắp xếp theo một trình tự nhất định để ánh sáng có thể xuyên qua và hội tụ lại trên võng mạc. Đục thủy tinh thể là một bệnh làm giảm thị lực của mắt, khiến cho mắt nhìn mọi vật qua một lớp sương mờ. Đục thủy tinh thể bắt đầu phát triển khi các protein trong mắt hình thành các khối khiến thủy tinh thể không thể gửi hình ảnh rõ ràng đến võng mạc. Nó phát triển chậm và càng ngày càng làm giảm thị lực của người bệnh. Bạn có thể bị đục thủy tinh thể ở một hoặc cả hai mắt, nhưng chúng thường không hình thành cùng một thời điểm. Bệnh đục thủy tinh thể thường được gặp ở những người trên 60 tuổi.
Lão hóa tuổi già chính là nguyên nhân hàng đầu gây đục thủy tinh thể
Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân gây mù hàng đầu trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, đục thủy tinh thể sẽ dẫn đến mù hoàn toàn làm tăng gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Tính đến năm 2007 nước ta có khoảng 251.700 người bị mù do đục thủy tinh thể. Hằng năm nước ta có khoảng 85.000 người bị đục thủy tinh thể cả 2 mắt và 85.000 người bị đục thủy tinh thể một mắt theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương.
Biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể
Các triệu chứng thường gặp của bệnh đục thủy tinh thể bao gồm:
- Khó nhìn vào ban đêm.
- Nhìn các màu sắc mờ nhạt.
- Tăng độ nhạy với ánh sáng chói.
- Quầng sáng quanh đèn.
- Nhìn đôi.
- Phải thay kính thuốc thường xuyên
Nhìn đôi một trong những dấu hiệu dễ nhận thấy của đục thủy tinh thể
Những triệu chứng của đục thủy tinh thể dễ bị nhầm với các dấu hiệu bệnh lý khác của mắt. Nếu bạn có một hoặc một vài triệu chứng này thì nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa để được thăm khám và tư vấn.
Khi đục thủy tinh thể mới phát triển, có thể người bệnh sẽ không nhận thấy được những sự thay đổi của thị lực. Trong một số trường hợp, người bệnh cảm thấy thị lực của mình trở nên tốt hơn khi nhìn gần, nhưng điều này chỉ là tạm thời. Thị lực sẽ giảm khi đục thủy tinh thể tiến triển nặng.
Nguyên nhân gây bệnh đục thủy tinh thể
Các nguyên nhân cơ bản gây nên bệnh đục thủy tinh thể:
- Sản xuất quá nhiều chất oxy hóa, là các phân tử oxy đã bị thay đổi về mặt hóa học do cuộc sống bình thường hàng ngày.
- Hút thuốc.
- Tia cực tím.
- Sử dụng lâu dài steroid và một số loại thuốc khác.
- Bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tiểu đường.
- Tổn thương.
- Xạ trị.
Đục thuỷ tinh thể gồm những loại nào?
Có nhiều loại đục thủy tinh thể khác nhau:
- Đục thủy tinh thể do lão hóa, tuổi già là nguyên nhân của phần lớn các ca đục thủy tinh thể.
- Đục thủy tinh thể bẩm sinh, xuất hiện khi mới sinh hoặc hình thành trong năm đầu tiên của trẻ, ít phổ biến hơn so với đục thủy tinh thể do tuổi tác.
- Đục thủy tinh thể thứ phát do bệnh tật hoặc thuốc men. Các bệnh có ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh đục thủy tinh thể bao gồm bệnh tăng nhãn áp và bệnh tiểu đường. Việc sử dụng các loại thuốc như steroid prednisone đôi khi có thể dẫn đến đục thủy tinh thể.
- Đục thủy tinh thể do một chấn thương ở mắt.
- Một người trải qua quá trình xạ trị ung thư có thể bị đục thủy tinh thể do bức xạ.
Những ai có nguy cơ mắc đục thuỷ tinh thể?
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể, bao gồm:
- Tuổi già.
- Nghiện rượu.
- Hút thuốc.
- Béo phì.
- Huyết áp cao.
- Đã từng bị chấn thương mắt.
- Tiền sử gia đình từng có người bị đục thủy tinh thể.
- Phơi nắng nhiều.
- Bệnh tiểu đường.
- Tiếp xúc với bức xạ từ tia X và phương pháp điều trị ung thư.
Làm thế nào để phát hiện bệnh đục thuỷ tinh thể?
Để có thể phát hiện đục thủy tinh thể, bác sĩ cần khám mắt toàn diện, gồm các bước:
- Đo thị lực bằng bảng đánh giá thị lực.
- Khám mắt với đồng tử giãn: Dùng thuốc nhỏ mắt để làm giãn đồng tử, cho phép bác sĩ khám thủy tinh thể và võng mạc, đồng thời kiểm tra các bệnh khác của mắt.
- Đo nhãn áp: Đo thường quy để kiểm tra áp lực của mắt, nếu áp lực của mắt tăng thì có thể là dấu hiệu của bệnh cườm nước.
Bảng đánh giá thị lực
Có thể thực hiện thêm một số xét nghiệm khác nếu cần để khảo sát cấu trúc và các bệnh đi kèm của mắt. Kiểm tra độ nhạy cảm với ánh sáng chói và nhận thức của bạn về màu sắc là các xét nghiệm khác mà bác sĩ có thể thực hiện thêm.
Điều trị bệnh đục thủy tinh thể
Phẫu thuật được khuyến nghị khi bệnh đục thủy tinh thể khiến bạn không thể thực hiện các hoạt động hàng ngày của mình, chẳng hạn như đọc sách hoặc lái xe. Nó cũng được thực hiện khi bệnh đục thủy tinh thể cản trở việc điều trị các vấn đề về mắt khác. Nếu như bạn bị đục thủy tinh thể ở 2 mắt, bác sĩ sẽ phẫu thuật từng mắt và cách nhau từ 2 - 4 tuần.
Nếu bạn không thể hoặc không quan tâm đến phẫu thuật, bác sĩ có thể giúp bạn kiểm soát các triệu chứng của mình. Họ có thể đề xuất kính đeo mắt mạnh hơn, kính lúp hoặc kính râm có lớp phủ chống chói.
Trong một số trường hợp bệnh đục thủy tinh thể chưa gây giảm thị lực nhưng cản trở việc khám, điều trị những bệnh khác của mắt cũng sẽ được bác sĩ cân nhắc để phẫu thuật.
Phẫu thuật để thay thế đục thủy tinh thể nhìn chung là rất an toàn và có tỷ lệ thành công cao. Một số rủi ro của phẫu thuật đục thủy tinh thể bao gồm nhiễm trùng, chảy máu, bong võng mạc, mặc dù tỷ lệ của tất cả các biến chứng đó là dưới 1%. Hầu hết mọi người có thể về nhà cùng ngày với ngày phẫu thuật.
Đục thủy tinh thể thay được mấy lần?
Thủy tinh thể nhân tạo được sử dụng trong phẫu thuật thường được chế tạo bằng nhựa PMMA, silicon hoặc acrylic có tuổi thọ vĩnh viễn. Chính vì thế, người bệnh sau khi thay thủy tinh thể có thể sử dụng thủy tinh thể nhân tạo suốt đời nếu không gặp phải các vấn đề phát sinh như đục bao sau. Đây là một trong những biến chứng phổ biến của phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Đục thuỷ tinh thể thay được mấy lần là thắc mắc của nhiều người khi thay thủy tinh thể nhân tạo
Sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, người bệnh sẽ không thể đặt lại thủy tinh thể tự nhiên. Nhưng thủy tinh thể nhân tạo có thể được thay thế bằng một loại khác. Như đã đề cập ở trên, tuổi thọ của thủy tinh thể nhân tạo là vĩnh viễn và không cần phải thay lại. Nếu như mắt bị mờ sau khi phẫu thuật do các nguyên nhân khác, không liên quan đến thủy tinh thể thì việc thay thủy tinh thể nhân tạo sẽ không cải thiện tình trạng của mắt. Nhưng bạn vẫn có thể phải làm phẫu thuật thủy tinh thể lần 2 nếu như thủy tinh thể nhân tạo bị đặt lệch trục hoặc sai thông số, khiến mắt không thể điều tiết, gây ra các vấn đề khác của mắt.
Với những thông tin mà Nhà Thuốc Long Châu cung cấp, hi vọng có thể giúp bạn đọc giải đáp thắc mắc “Đục thủy tinh thể thay được mấy lần” cũng như biết được những thông tin cơ bản của bệnh đục thủy tinh thể. Chúc bạn đọc nhiều sức khoẻ.
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp