Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ghép da là gì? Những điều bạn cần biết về phương pháp này

Ngày 18/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Da như là một tấm giáp vô giá bảo vệ cơ thể khỏi những tác động bên ngoài. Tuy nhiên, khi bị rách hoặc mất mát da ở diện tích lớn, tấm giáp này sẽ bị tổn thương nghiêm trọng. Trong tình huống này, việc cấy ghép da là bước cần thiết nhất để kích thích quá trình hồi phục và giúp vết thương mau lành.

Ghép da là phẫu thuật thực hiện lấy đi một phần da ở vùng này và đắp lên vùng khác trên cơ thể. Qua đó giúp phục hồi và tái tạo bề mặt da trở lại trạng thái nguyên vẹn.

Ghép da là gì?

Ghép da là một phương pháp phẫu thuật thông thường được áp dụng trên bề mặt da, thường bằng cách lấy da từ một vùng khác trên cơ thể và ghép lên vết thương để thúc đẩy quá trình lành vết thương, giúp da phục hồi và tái tạo, giữ cho bề mặt da trở lại trạng thái nguyên vẹn.

Tại sao lại cần ghép da?

Phương pháp ghép da được sử dụng cho bệnh nhân trong các trường hợp sau đây:

  • Nhiễm trùng da gây mất một phần da lớn;
  • Bỏng;
  • Da bị tổn thương hoặc mất mảng da do phẫu thuật thẩm mỹ hoặc phẫu thuật tái tạo;
  • Phẫu thuật ung thư da;
  • Các vết loét không lành;
  • Những vết thương rất lớn trên da;
  • Vết thương sau phẫu thuật không được khâu lại đúng cách.
Ghép da là gì? Những điều bạn cần biết về phương pháp ghép da 1
Ghép da được thực hiện cho vùng da bị bỏng, bị mất một mảng da lớn do tai nạn, phẫu thuật thẩm mỹ, loét da,...

Các phương pháp ghép da

Hiện nay, có hai phương pháp ghép da chính đó là:

  • Ghép da mỏng tự thân: Trong phương pháp này, hai lớp ngoài cùng của da bao gồm lớp biểu bì và một phần của lớp hạ bì được cắt bỏ mà không khâu lại vết cắt. Da được sử dụng để ghép thường được lấy từ các vùng như đùi, mông hoặc bắp tay. Khi lành, những vùng da được ghép mỏng tự thân thường có màu sáng hơn so với phần da xung quanh. Tuy nhiên, do vùng da được ghép không phát triển hoàn chỉnh như phần còn lại, nên có thể cần thêm một ca ghép da khác sau này.
  • Ghép da toàn bộ độ dày: Trong cách ghép này, toàn bộ lớp biểu bì và hạ bì của da được cắt bỏ, vết cắt thì sẽ được khâu kín lại. Cách ghép da này cũng lấy đi các mạch máu và cơ theo vùng cắt, giúp vùng da được ghép liền mạch với phần da còn lại và có thể tự phát triển. Thường áp dụng cho những vết thương ở các vùng dễ thấy như mặt.

Quá trình thực hiện ghép da có rủi ro gì không?

Tương tự như mọi ca phẫu thuật khác, ghép da cũng đi kèm với một số rủi ro, bao gồm nguy cơ chảy máu, tạo sẹo, gây nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng với các loại thuốc sử dụng trong quá trình điều trị.

Ghép da là gì? Những điều bạn cần biết về phương pháp ghép da 2
Tương tự như mọi ca phẫu thuật khác, ghép da cũng đi kèm với một số rủi ro như nhiếm trùng, chảy máu, sẹo,...

Sau khi phẫu thuật, da có thể không hồi phục một cách bình thường hoặc hồi phục nhưng không đồng đều. Tình trạng da xỉn màu, tăng hoặc giảm độ nhạy cảm cũng có thể xuất hiện.

Cần chuẩn bị gì trước khi ghép da?

Trước khi tiến hành phẫu thuật, bác sĩ sẽ lên kế hoạch một vài tuần trước đó. Thời gian này là cơ hội để bạn chuẩn bị cho quá trình phẫu thuật. Đầu tiên, bạn cần thông báo cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc bạn đang sử dụng, thói quen hút thuốc lá và việc sử dụng rượu bia.

Tương tự như các loại phẫu thuật khác, bạn sẽ cần nhịn ăn trước khi tiến hành phẫu thuật. Thông thường, bạn sẽ được yêu cầu không ăn, không uống, ngừng hút thuốc và ngừng sử dụng bất kỳ loại thuốc nào khoảng một ngày trước khi phẫu thuật ghép da.

Ngoài ra, bạn cũng nên có một người thân hoặc bạn bè đồng hành có thể giúp đỡ bạn trở về nhà sau phẫu thuật. Nếu bạn cần phải ở lại bệnh viện, hãy đề nghị một người bạn ở lại cùng bạn trong những ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Thậm chí sau khi xuất viện, việc nhờ người thân giúp đỡ trong việc thực hiện một số hoạt động hoặc di chuyển trong nhà cũng rất quan trọng.

Quá trình phẫu thuật diễn ra như thế nào?

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cho cuộc phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp gây mê hoặc gây tê để bạn không cảm thấy đau. Bác sĩ sẽ tiến hành việc cắt bỏ phần da từ vùng hiến tặng.

  • Nếu là ghép da mỏng tự thân, da thường được lấy từ những vùng cơ thể ít thấy như hông hoặc phần bên trong của đùi.
  • Trong trường hợp ghép da toàn bộ độ dày, vùng da được chọn thường là ở thành bụng hoặc ngực.

Ngay sau khi da đã được tách ra, bác sĩ sẽ cẩn thận đặt phần da này lên vùng da cần ghép và sử dụng chỉ, kim hoặc gạc băng phẫu thuật để cố định và khâu lại vết cắt. Tùy theo từng phương pháp ghép da mà thực hiện theo đúng kỹ thuật đó.

Cần làm gì sau phẫu thuật ghép da?

Đội ngũ y tế sẽ theo dõi bạn kỹ lưỡng khi gây mê và sau khi phẫu thuật, đồng thời giám sát các dấu hiệu và cho bạn các loại thuốc giảm đau.

Thường thì phương pháp ghép da mỏng tự thân sẽ lành nhanh chóng, trong khi phương pháp ghép da toàn bộ độ dày có thể yêu cầu bạn phải ở viện từ 1 đến 2 tuần. Các mạch máu ở vùng da được ghép thường bắt đầu liên kết trong vòng 36 giờ sau phẫu thuật. Nếu chúng không liên kết, điều này có thể chỉ ra rằng cơ thể đang loại bỏ phần da ghép và bạn có thể cần phải thực hiện một ca ghép da khác.

Trong khoảng 1 đến 2 tuần, bạn sẽ cần phải đeo gạc băng. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách chăm sóc vùng da đang bị băng bó, cho thuốc giảm đau để giúp làm giảm cảm giác khó chịu, đau nhức. Sau đó hướng dẫn bạn cách chăm sóc khu vực đã lấy da và khu vực đã ghép để tránh nhiễm trùng.

Ghép da là gì? Những điều bạn cần biết về phương pháp ghép da 3
Trong khoảng 1 đến 2 tuần sau ghép da, bạn sẽ cần phải đeo gạc băng

Bạn sẽ cần thời gian nghỉ ngơi khoảng 3 đến 4 tuần để cho vùng da tổn thương có thể lành hoàn toàn, đồng thời nên tránh sự căng thẳng tâm lý hoặc các hoạt động mạnh. Bởi những điều này có thể làm rách hoặc làm giãn vùng da ghép.

Bác sĩ sẽ chỉ định thời điểm thích hợp để bạn trở lại các hoạt động hàng ngày. Sau này, bạn có thể cần phải thực hiện thêm liệu pháp vật lý để phục hồi sau ca ghép da.

Hy vọng với những thông tin trên đây đã giúp bạn hiểu hơn về quá trình ghép da. Việc tuân thủ các chỉ định của bác sĩ trước, trong và sau ca phẫu thuật đóng vai trò rất quan trọng để giúp ca ghép da trở nên thành công, giúp vết thương của bạn mau lành hơn. Vì vậy hãy như tuân thủ theo các yêu cầu từ bác sĩ khi thực hiện ghép da nhé!

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm