Ác mộng có thể liên quan đến tâm lý căng thẳng kéo dài, người bệnh đang dùng thuốc, lạm dụng chất kích thích,... Vậy, mơ thấy ác mộng nên làm gì để tình trạng đáng ghét này không tái diễn nữa? Hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây của nhà thuốc Long Châu nhé!
Vì sao những cơn ác mộng tái diễn?
Trong đời ai cũng ít nhất một lần trải qua cơn ác mộng. Tuy nhiên nếu tình trạng này lặp đi lặp lại trong nhiều tháng thì rất có thể bạn đang đối mặt với chứng “ác mộng tái diễn”.
Người bệnh thường hay gặp những giấc mơ liên quan đến các mối đe dọa về sự an toàn hay sống còn như mơ thấy bản thân bị rượt đuổi, bị hại chết, bị rơi xuống vực sâu, té cầu thang,… hay có cơn ác mộng về những quá khứ đau buồn. Ở bất cứ tình huống nào thì tình trạng này cũng gây ra các cảm xúc tiêu cực cho bệnh nhân cả trong giấc mơ và khi thức dậy, bao gồm:
- Sự phẫn nộ.
- Cảm giác sầu não, tội lỗi.
- Lo lắng, sợ hãi.
- Tim đập nhanh.
Những cảm xúc và suy nghĩ này sẽ khiến bệnh nhân rất khó ngủ lại, gây mất ngủ. Ác mộng tái diễn trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng đến các hoạt động sống hàng ngày và gây cảm giác sợ hãi khi đi ngủ.
Ác mộng kéo dài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ và tâm lý
Ngủ mơ thấy ác mộng nên làm gì?
Trong nhiều trường hợp, chúng ta phải điều trị những cơn ác mộng tái diễn bằng cách giải quyết nguyên nhân gây ra chúng.
Nếu những cơ ác mộng xuất phát từ bệnh trầm cảm, bác sĩ tâm thần sẽ xem xét tình trạng bệnh lý của người bệnh và tiến hành điều trị theo các phương pháp dưới đây:
- Tâm lý trị liệu với liệu pháp nhận thức hành vi (CBT).
- Sử dụng thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn như yoga, thiền và thở sâu.
Đối với người bị ác mộng thường xuyên do các dạng của chứng rối loạn giấc ngủ (chứng ngưng thở khi ngủ, khó ngủ, chứng ngủ rũ,…), cách điều trị có thể khác nhau tuỳ vào trường hợp.
Theo đó, chứng ngưng thở khi ngủ sẽ được điều trị bằng cách thở máy với áp lực dương, dùng thuốc, thay đổi lối sống, thậm chí là phẫu thuật. Còn đối với chứng ngủ rũ - đây là tình trạng mãn tính kéo dài suốt đời, mục đích của việc điều trị là kiểm soát tốt các triệu chứng và cải thiện chức năng của cơ thể vào ban ngày.
Còn nếu nguyên nhân ác mộng tái diễn do hội chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương, người bệnh cần phải được điều trị chuyên sâu. Các phương pháp thường được áp dụng trong trường hợp này là dùng liệu pháp luyện tập hình ảnh và phân ly thị giác.
Trong đó, liệu pháp luyện tập hình ảnh liên quan đến việc nhớ lại cơn ác mộng khi thức dậy, thay đổi kết thúc để giấc mơ không còn có tính đe dọa nữa. Liệu pháp phân ly thị giác là một kỹ thuật khác cũng được sử dụng để giúp bệnh nhân gặp ác mộng viết lại những ký ức đau thương thành một ký ức mới, ít gây chấn thương tâm lý hơn.
Vì vậy, nếu bạn thường xuyên có những cơn ác mộng làm mất ngủ, sợ đi ngủ thì nên đến bác sĩ và tìm kiếm nguyên nhân. Có như vậy, bạn mới được điều trị một cách thực sự hiệu quả, tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc an thần vì sẽ khiến hệ thần kinh thêm rối loạn và ác mộng càng xảy ra nhiều hơn.
Cách để ngủ không mơ thấy ác mộng nữa
Nếu bạn không biết cách kiểm soát, những cơn ác mộng hoàn toàn có thể quay trở lại. Do đó, cần hình thành các thói quen tốt khi đi ngủ hay còn được gọi là vệ sinh giấc ngủ, đây là hành vi đóng vai trò quan trọng trong việc đẩy lùi ác mộng. Dưới đây là một số biện pháp có thể giúp bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ, ngăn tình trạng ác mộng gây căng thẳng tái diễn:
Xây dựng lịch trình ngủ
Xây dựng lịch trình ngủ có thể giúp bạn ngủ đủ giấc mỗi đêm. Nó sẽ hỗ trợ điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể, giúp bạn hạn chế gặp những cơn ác mộng tái diễn. Với biện pháp này, bạn chỉ cần chuẩn bị một quyển sổ hoặc cài các app đo lường giấc ngủ.
Ngủ theo thời gian biểu sẽ giúp hạn chế gặp ác mộng
Tắt các thiết bị điện tử trước khi ngủ
Bạn sẽ ngủ ngon hơn nếu cơ thể sẵn sàng để vào giấc. Bạn không nên xem tivi, sử dụng điện thoại hay các thiết bị điện tử khác khi lên giường. Nguyên nhân là do ánh sáng xanh từ các thiết bị điện tử sẽ ức chế melatonin – hormone gây buồn ngủ, khiến bạn khó chìm vào giấc ngủ sâu. Vì vậy tốt nhất bạn nên cài đặt giờ tắt của các thiết bị điện tử theo thời gian biểu để dễ đi vào giấc ngủ sau đó.
Hạn chế dùng các chất kích thích trước khi ngủ
Dùng các chất kích thích trong vòng 2 giờ trước khi đi ngủ sẽ khiến bạn khó ngủ và dễ gặp ác mộng hơn. Theo Tổ chức giấc ngủ quốc gia, các thức uống như rượu bia, thuốc lá, cà phê đều có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến giấc ngủ, từ đó dễ dẫn đến ác mộng.
Thiết kế không gian ngủ hài hoà
Không gian phòng ngủ có ảnh hưởng lớn đối với chất lượng giấc ngủ. Vì vậy, bạn hãy đảm bảo giường, gối, chăn đã được chuẩn bị sạch sẽ và đầy đủ trước khi ngủ. Ngoài ra, trang trí phòng ngủ với những vật dụng yêu thích, quen thuộc có thể giúp bạn tạo ra một không gian an toàn. Bạn cũng có thể xông tinh dầu để không gian ấm cúng và có hương thơm, giúp giấc ngủ được sâu hơn.
Hãy tắt đèn và đảm bảo phòng ngủ yên tĩnh để ngủ ngon nhất có thể.
Tập thể dục hằng ngày
Vận động thể chất sẽ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường tuần hoàn máu, giảm lo lắng căng thẳng. Vì vậy mà những cơn ác mộng cũng khó tìm đến bạn. Ngoài ra, bạn có thể nghe nhạc thiền, tập thiền hoặc yoga.
Thiền có thể giúp bạn ngủ ngon và hạn chế ác mộng
Tập thở sau khi gặp cơn ác mộng
Nếu không may gặp ác mộng và bạn cảm thấy sợ hãi, lo lắng, tim đập nhanh. Áp dụng các bài tập hít thở sâu (còn gọi là thở bụng) có thể giúp điều hòa lại nhịp tim và giảm huyết áp. Hãy hít vào thật sâu, nín thở vài giây rồi thở ra từ từ bụng hóp sát lại, trong 5 – 10 phút để cơ thể ổn định trở lại.
Bài tập thở bụng sẽ giúp bạn ngủ trở lại được ngon và sâu hơn.
Kể về giấc mơ
Đôi khi việc kể giấc mơ với gia đình hoặc bạn bè có thể giúp bạn giảm bớt một số lo lắng. Đây cũng là một cách tốt để bạn hiểu rằng đây chỉ là một giấc mơ, không thể làm thay đổi cuộc sống của bạn nên không nên quá lo lắng.
Viết lại cơn ác mộng
Viết lại cơn ác mộng là một phần của liệu pháp hành vi nhận thức. Nếu bạn có thể cụ thể hóa những cơn ác mộng của mình thành một thứ gì đó trên giấy như viết nhật ký, chúng sẽ bớt đáng sợ hơn rất nhiều.
Nếu ác mộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, khiến bạn lo âu thì hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tâm thần để có được lời khuyên hữu ích. Lúc này, có thể bạn sẽ được thực hiện một số xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh. Hiểu được nguyên nhân và điều trị sớm, những cơn ác mộng sẽ không tái diễn hằng đêm.
Như Nguyễn
Nguồn tham khảo: Tổng hợp