Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Giãn dây chằng cổ tay: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Ngày 18/03/2023
Kích thước chữ

Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng cách thì tổn thương có thể không hồi phục, dẫn tới tình trạng đau mạn tính. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách điều trị trong bài viết này nhé!

Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng khá phổ biến có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người thường xuyên mang vác nặng hoặc chơi các môn thể thao cần dùng nhiều sức ở cổ tay. Giãn dây chằng cổ tay tuy không nguy hiểm nhưng nếu không được xử lý đúng cách và kịp thời sẽ để lại những di chứng và gây khó khăn trong vận động về sau. Vậy giãn dây chằng cổ tay nguyên nhân do đầu và cách điều trị hiệu quả.

Giãn dây chằng cổ tay là gì?

Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng các dây chằng bị kéo căng quá mức sau một chấn thương như trượt té hoặc nâng vật nặng quá sức. Vận động viên thể thao, tập gym, người lao động nặng nhọc, vũ công,… đều là những đối tượng dễ bị giãn dây chằng cổ tay.

Dây chằng là một bộ phận gắn liền hai đầu xương lại với nhau để giữ cho khớp ổn định và vận động trơn tru. Do đó, khi gặp vấn đề về dây chằng, người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức, các khớp trở nên lỏng lẻo, cử động khó khăn.

Giãn dây chằng cổ tay là tình trạng các dây chằng bị kéo căng quá mức sau một chấn thươngGiãn dây chằng cổ tay là tình trạng các dây chằng bị kéo căng quá mức sau một chấn thương

Dấu hiệu và các cấp độ giãn dây chằng cổ tay

Các triệu chứng phổ biến ở những người bị giãn dây chằng cổ tay bao gồm: Sưng, đau, nóng xung quanh vết thương, bầm tím và cảm giác như cổ tay bị xé rách. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương mà giãn dây chằng cổ tay được chia thành 3 mức độ sau đây:

  • Cấp 1: Bệnh nhân bị đau đi kèm với dây chằng bị tổn thương nhẹ.
  • Cấp 2: Người bệnh cảm thấy đau nhức, tổn thương dây chằng nặng hơn, cảm giác lỏng lẻo ở khớp và cổ tay.
  • Cấp 3: Người bệnh đau, dây chằng bị đứt hoàn toàn, lỏng khớp nghiêm trọng, mất chức năng cổ tay.

Nguyên nhân nào gây giãn dây chằng cổ tay?

Giãn dây chằng cổ tay có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như:

Bệnh lý xương khớp

Một số rối loạn về xương khớp như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa dây chằng cổ tay, sai khớp có thể làm tăng nguy cơ giãn dây chằng cổ tay.

Chơi thể thao

Các môn thể thao sử dụng nhiều lực của tay có thể khiến cổ tay bị cong hoặc vặn ra sau bất ngờ, dễ gây chấn thương dây chằng cổ tay cùng các mô mềm bao quanh. Ngoài ra, một số môn thể thao khác như đạp xe leo núi, nhảy cao, trượt ván… cũng có thể làm tăng nguy bị bong gân giãn dây chằng cổ tay.

Chấn thương

Chấn thương do tai nạn làm giãn dây chằng và gây đau dữ dội, sưng tấy và bỏng rát. Trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, các dây chằng ở cổ tay có thể bị rách hoặc đứt kèm theo nứt hoặc gãy xương.

Sử dụng cổ tay quá mức

Việc lặp đi lặp lại một động tác trong thời gian dài cũng sẽ khiến các dây chằng ở cổ tay bị kéo căng và tổn thương, gây cảm giác khó chịu, đau nhức.

Sử dụng cổ tay quá mức là một trong những nguyên nhân gây giãn dây chằng cổ taySử dụng cổ tay quá mức là một trong những nguyên nhân gây giãn dây chằng cổ tay

Điều trị giãn dây chằng cổ tay

Khi bị giãn dây chằng, người bệnh nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa vì nếu cố gắng tự chữa có thể để lại những di chứng nặng nề hơn. Để chẩn đoán giãn dây chằng, bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe tổng quát của bệnh nhân và thực hiện một số xét nghiệm khác như: Chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI), chụp X-quang khớp (sau khi tiêm thuốc nhuộm cổ tay), nội soi khớp.

Theo các bác sĩ, giãn dây chằng cổ tay vừa và nhẹ có thể tự khỏi sau một thời gian. Để tăng tốc độ chữa lành, bệnh nhân có thể làm theo các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Để cổ tay nghỉ ngơi ít nhất 48 giờ.
  • Thường xuyên nâng cổ lên vị trí cao hơn tim .
  • Băng cổ tay: Bệnh nhân có thể băng cổ tay trong 20 - 30 phút cứ sau 3 - 4 giờ trong 2 - 3 ngày hoặc cho đến khi hết đau.
  • Sử dụng nẹp cố định cổ tay: Sử dụng nẹp cố định cổ tay theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về thời gian sử dụng.
  • Dùng thuốc giảm đau, chống viêm: Các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid giúp giảm sưng và đau. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây ra một số tác dụng phụ như chảy máu và loét. Vì vậy, người bệnh không nên tự dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
  • Thực hiện các bài tập căng cơ theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Trong những trường hợp bị dãn dây chằng nghiêm trọng (độ III) khi dây chằng bị đứt hoàn toàn, bệnh nhân có thể cần làm phẫu thuật để điều trị.

Băng cổ tay giúp hạn chế đau do giãn dây chằngBăng cổ tay giúp hạn chế đau do giãn dây chằng

Giãn dây chằng cổ tay bao lâu thì khỏi?

Thời gian phục hồi cho giãn dây chằng cổ tay phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng này. Thông thường, bệnh nhân đợi khoảng 2 đến 10 tuần để dây chằng có thể phục hồi lại như cũ. Và tốc độ phục hồi của mỗi bệnh nhân sẽ khác nhau.

Người bệnh lưu ý không vận động mạnh, nhất là các hoạt động tác động đến cổ tay, cho đến khi: Không cảm thấy đau ở cổ tay khi để yên, tay bị thương lấy lại sức như ban đầu, có thể hoạt động với cổ tay bình thường không đau,…

Nếu người bệnh cố gắng dùng lực cổ tay trước khi dây chằng hồi phục hoàn toàn, tự ý tháo thun (hoặc nẹp cố định) khi chưa đủ thời gian,… thì có thể khiến tổn thương không hồi phục được. Có thể gây đau mãn tính hoặc gây di chứng vĩnh viễn. Một khi để lại di chứng thì việc điều trị trở nên phức tạp hơn, thậm chí các biện pháp can thiệp cũng không còn tác dụng.

Khi có các triệu chứng sưng, đau, bầm tím,… nghi ngờ bị giãn dây chằng cổ tay, người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để xác định chính xác mình đang gặp phải để có hướng điều trị phù hợp. Đồng thời, mọi người cần chú ý đảm bảo an toàn khi lao động, tập luyện,… để tránh nguy cơ bị giãn dây chằng.

Trên đây là những chia sẻ của Nhà Thuốc Long Châu về giãn dây chằng cổ tay. Hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp bạn có được phương pháp phòng ngừa và điều trị hiệu quả để tránh những hậu quả đáng tiếc. Chúc bạn sức khỏe nhé!

Nguyễn Nhung

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm