Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật?

Ngày 24/11/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dây chằng chéo trước là một cấu trúc mềm có vai trò giữ vững khớp gối. Khi dây chằng chéo trước bị tổn thương sẽ làm biến đổi lực tì đè, dẫn đến hậu quả rách sụn chêm, mất vững, thậm chí là thoái hoá khớp gối. Vậy đứt dây chằng chéo trước là gì? Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu dây chằng chéo trước sau phẫu thuật?

Tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật đóng một vai trò quan trọng trong việc đẩy nhanh quá trình chữa lành khớp gối, tránh cứng khớp, giảm sưng đau, teo cơ và phục hồi tầm vận động. Vậy cần lưu ý những gì khi tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước?

Đứt dây chằng chéo trước là gì?

Đứt dây chằng chéo trước là tình trạng xảy ra khi đầu gối chịu một tác động mạnh gây đứt một phần hoặc hoàn toàn. Trong đó, tổn thương dây chằng chéo trước thường phổ biến nhất trong trường hợp bị đứt hoàn toàn.

Trước khi tìm hiểu về vấn đề vì sao phải tập vật lý trị liệu dây chằng chéo trước sau phẫu thuật, bạn đọc nên biết thêm một số thông tin cơ bản về vai trò của dây chằng chéo trước đối với khớp gối.

Theo đó, dây chằng chéo trước (ACL - Anterior Cruciate Ligament) có vai trò kết nối xương ống chân và xương đùi với nhau để giúp làm vững khớp gối, tránh nguy cơ xương chày bị lệch khỏi vị trí vì xoay vào trong hay trượt ra trước.

Trong khoảng 50% trường hợp dây chằng chéo trước bị tổn thương thì các cấu trúc khác của đầu gối như sụn chêm, dây chằng bên cũng đều bị tổn thương.

Bên cạnh đó, theo số liệu thống kê cho thấy, tình trạng đứt dây chằng chéo trước ở nữ giới phổ biến hơn so với nam giới. Điều này được lý giải là do khung xương chậu của phụ nữ rộng hơn, khiến cho xương đùi và xương chày hợp thành một góc lớn hơn. Từ đó gây áp lớn hơn cho dây chằng chéo trước (đặc biệt là trong các chuyển động xoắn), làm tăng nguy cơ chấn thương.

Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo trước bao gồm:

  • Xuất hiện cơn đau điển hình ở vùng khớp gối kèm theo âm thanh “lục cục” xảy ra ngay tại thời điểm dây chằng chéo trước bị rách hoặc đứt.
  • Cảm thấy đầu gối không còn ổn định và không thể chịu được lực chống đỡ, nếu đang đi bộ hay chơi thể thao thì không thể tiếp tục được nữa.
  • Vùng xung quanh khớp gối bị sưng phù trong 1 - 2 giờ sau khi có tổn thương.
  • Khó hoặc không thể mở rộng đầu gối.
  • Người bệnh có thể bị mất toàn bộ chuyển động ở đầu gối.
Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật? 1
Người bị đứt dây chằng chéo trước có thể mất toàn bộ chuyển động ở đầu gối

Nguyên nhân gây đứt dây chằng chéo trước là gì?

Mặc dù, theo thống kê tỷ lệ đứt dây chằng chéo trước ở nữ giới cao hơn nam giới, tuy nhiên về cơ bản mọi người đều có nguy cơ đứt dây chằng chéo như nhau.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do đầu gối bị vặn, điển hình là trong tư thế chân tiếp đất từ một bước nhảy và người bị xoay người theo hướng ngược lại, giảm hoặc dừng quá gấp khi đang chạy nhanh, hướng đi bị thay đổi đột ngột khi đang đi bộ hoặc chạy, khớp gối bị mở rộng…

Một nguyên nhân phổ biến khác là do đầu gối phải chịu cú va chạm mạnh từ người khác hoặc một vật nào đó. Vì thế, loại chấn thương này thường được đặc trưng ở những người chơi những môn thể thao có cường độ vận động mạnh, thay đổi hướng nhanh hoặc dừng lại đột ngột với tỷ lệ 1/3000 như bóng chuyền, bóng đá, quần vợt…

Tùy theo mức độ nghiêm trọng mà bác sĩ phân loại chấn thương dây chằng chéo trước thành 3 cấp độ, bao gồm:

  • Cấp độ 1: Dây chằng chéo trước đã bị giãn quá mức nhưng vẫn giữ được sự ổn định cho đầu gối.
  • Cấp độ 2: Dây chằng chéo trước bị đứt một phần hoặc bị kéo căng quá mức khiến cho khớp gối trở nên lỏng lẻo.
  • Cấp độ 3: Dây chằng chéo trước bị đứt rời hoàn toàn và không kiểm soát được xương bánh chè.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương của dây chằng mà bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật tái tạo lại dây chằng chéo trước. Sau phẫu thuật, bệnh nhân cần tiến hành làm vật lý trị liệu. Vậy tại sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật?

Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật? 2
Đứt dây chằng có thể xảy ra khi đầu gối phải chịu va chạm mạnh từ một vật nào đó

Tại sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng trước sau phẫu thuật?

Sau phẫu thuật tái tạo lại dây chằng chéo trước bị tổn thương, người bệnh cần nhiều thời gian để khớp gối được lành lại. Vì thế, một chương trình tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng ngay sau phẫu là việc làm cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi tổn thương, hạn chế biến chứng, giúp người bệnh trở lại các hoạt động thường ngày và chơi thể thao như trước phẫu thuật.

Nguyên tắc tập vật lý trị liệu đứt dây chằng trước sau phẫu thuật bao gồm:

  • Ổn định và bảo vệ dây chằng chéo mới;
  • Giảm tình trạng sưng đau, kiểm soát viêm nhiễm và hỗ trợ tuần hoàn máu;
  • Hạn chế tình trạng teo cơ, cứng khớp do bất động lâu ngày;
  • Tăng cường sức mạnh của cơ, phục hồi vận động cho khớp gối;
  • Hỗ trợ khớp gối trở lại hoạt động bình thường.
Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật? 3
Tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước giúp hạn chế tình trạng cứng khớp, teo cơ

Khi nào nên bắt đầu tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước?

Việc tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước nên được thực hiện ngay sau ngày phẫu thuật và có thể kéo dài tới 12 tháng. Để hỗ trợ cho quá trình tập luyện phục hồi, người bệnh cần chuẩn bị nẹp gối cũng như nạng phù hợp với chiều cao của bản thân.

Khi ở bệnh viện, người bệnh cần tập luyện theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và chuyên viên vật lý trị liệu để đảm bảo đúng phương pháp và tiếp tục thực hiện khi ra viện. Các bài tập vật lý trị liệu gồm có bài tập bảo vệ dây chằng mới, gia tăng sức mạnh cơ, tập di chuyển với nạng, tập lên xuống cầu thang…

Các giai đoạn tập vật lý trị liệu dây chằng chéo trước sau phẫu thuật:

Giai đoạn từ 0 - 8 tuần:

  • Nẹp gối: Trong tuần đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh cần nẹp gối ở tư thế gối duỗi hoàn toàn để bảo vệ mảnh ghép dây chằng mới trong khoảng 4 tuần.
  • Gấp gối: Người bệnh bắt đầu tập gập gối từ tuần thứ 2 sau phẫu thuật, tăng dần biên độ gập cho đến tuần thứ 8 có thể gập được 90 - 100 độ.
  • Dùng nạng: Người bệnh di chuyển với sự hỗ trợ của cả hai nạng lách trong 3 tuần đầu. Từ tuần thứ 4 có thể tập đi với một nạng, tỳ chân một phần và có thể bỏ nạng hoàn toàn sau 8 tuần.
  • Bài tập: Người bệnh cần thực hiện các động tác nâng chân, gập duỗi cổ chân, gập gối thụ động, day bánh chè, ép gối… Tần suất tập là từ 20 - 30 lần/động tác, giữ 10 giây cho mỗi động tác và tập 3-5 đợt/ngày. Chườm lạnh 15 - 30 phút sau mỗi lần tập.

Giai đoạn 9 - 12 tuần:

  • Nẹp gối: Lúc này, người bệnh có thể bỏ khóa nẹp và thay bằng bao gối.
  • Gấp gối: Người bệnh có thể gập gối tối đa.
  • Bài tập: Tiếp tục thực hiện các bài tập của giai đoạn trước và tăng dần cường độ tập với bài tập gấp duỗi gối chủ động, kiễng gót chân, khuỵu gối khi đứng dựa tường…

Giai đoạn 4 - 9 tháng:

  • Người bệnh tiếp tục tập luyện các bài tập ở giai đoạn 2 với tạ đeo ở cổ chân hoặc tập một chân phẫu thuật, squat nâng cao có tạ, động tác đạp tạ.
  • Kết hợp cùng với các bài tập khác như tập lên xuống cầu thang, bơi lội, đạp xe…

Giai đoạn 9 - 12 tháng:

  • Tiếp tục thực hiện các bài tập tăng độ mềm dẻo, linh hoạt của xương khớp, đồng thời tăng cường sức mạnh cơ.
  • Bắt đầu tập luyện các bài tập kỹ năng chuyên biệt của môn thể thao nếu người bệnh là vận động viên như bóng chuyền, bóng đá, quần vợt… Tuy nhiên, sau khi tập nếu thấy đau mặt trước khớp gối thì nên ngừng tập và báo lại cho chuyên viên vật lý trị liệu.
  • Người bệnh có thể tiếp tục đeo bao gối trước khi tháo bỏ hoàn toàn.

Giai đoạn sau 12 tháng:

  • Hoạt động và chơi thể thao bình thường;
  • Người bệnh nên mang bao gối thêm khoảng 2 năm nữa để hỗ trợ bảo vệ khớp gối.

Lưu ý khi tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật

Trong quá trình tập luyện, người bệnh có thể bị té ngã do cơ còn yếu. Do đó, người bệnh cần lưu ý đến một số vấn đề dưới đây để hạn chế nguy cơ té ngã và bị chấn thương:

  • Tuân thủ theo đúng hướng dẫn tập luyện của bác sĩ cũng như chuyên viên vật lý trị liệu.
  • Thận trọng trong khi di chuyển qua thảm, sàn nhà bị ướt, dây điện trên sàn, thú cưng…
  • Không nên cố tập chịu sức nặng lên chân phẫu thuật nhiều hơn so với chỉ định của bác sĩ.
  • Tuyệt đối không được ngồi bắt chéo chân.
  • Các phòng, hành lang cần đảm bảo đủ ánh sáng để đi lại.
  • Hạn chế các vật dụng không cần thiết đặt trong phòng để tránh bị va đập khi di chuyển.
  • Nghỉ ngơi và hãy hỏi ý kiến của bác sĩ khi thấy mệt mỏi, chóng mặt trong lúc tập luyện.

Trong quá tập tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng dây chằng chéo trước sau phẫu thuật, nếu cảm thấy mất vững khớp gối, đau nhiều hơn thì người bệnh hãy báo lại cho bác sĩ để xác định nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Vì sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật? 4
Hạn chế ngồi bắt chéo chân trong quá trình tập phục hồi chức năng dây chằng chéo trước

Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu được tại sao cần phải tập vật lý trị liệu đứt dây chằng chéo trước sau phẫu thuật. Đồng thời, trong quá trình tập luyện phục hồi, người bệnh cũng cần lưu ý đến một số vấn đề được nêu trên để hạn chế tình trạng vấp té, chấn thương.

Xem thêm:

Mổ dây chằng chéo trước bao lâu thì bỏ nẹp?

Nguyên nhân, điều trị và phòng ngừa giãn dây chằng

Mổ dây chằng chéo trước bao lâu đi được?

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm