Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Dinh dưỡng

Gợi ý thực đơn cho người men gan cao trong 1 ngày và nguyên tắc thực đơn

Ngày 12/12/2024
Kích thước chữ

Men gan cao là dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương do nhiều các nguyên nhân khác nhau. Trong đó, chế độ ăn uống cũng là một trong những nguyên nhân gián tiếp làm tăng men gan. Vậy, người men gan cao nên ăn gì? Thực đơn cho người men gan cao có những loại thực phẩm nào?

Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh và phù hợp sẽ giúp cải thiện, bảo vệ sức khỏe một cách tối ưu. Bài viết dưới đây sẽ gợi ý thực đơn cho người men gan cao, mời bạn đọc hãy chú ý theo dõi và tham khảo, áp dụng khi cần thiết.

Men gan cao có nguy hiểm không?

Men gan cao chính là biểu hiện nghiêm trọng cảnh báo tình trạng sức khỏe của người bệnh. Nếu không kiểm soát, điều trị men gan cao kịp thời thì tính mạng của người bệnh có thể sẽ gặp nguy hiểm. Men gan tăng cao trong một khoảng thời gian dài sẽ gây ra các biến chứng nghiêm trọng như bệnh xơ gan, viêm gan và thậm chí là cả ung thư gan.

Mặc dù rất nguy hiểm nhưng những biểu hiện của men gan tăng cao thường khó nhận biết. Các trường hợp men gan chỉ tăng 2 lần thường không có dấu hiệu cảnh báo gì, vì vậy mà nhiều người thường xem nhẹ tình trạng này, từ đó khiến cho sức khỏe gặp nguy hiểm.

Riêng chế độ dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với những người mắc phải các vấn đề về gan như men gan cao. Có thể thấy ở những người thường xuyên sử dụng chất kích thích, rượu bia, tế bào gan bị hủy hoại một cách nghiêm trọng. Về lâu dài có thể gây ra biến chứng ung thư gan, ảnh hưởng đến cả mạng sống.

Gợi ý thực đơn cho người men gan cao1
Men gan cao lâu ngày có thể dẫn tới những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng

Nguyên tắc trong thực đơn của người men gan cao

Một thực đơn khoa học, phù hợp sẽ giúp kiểm soát tốt tình trạng men gan cao. Tuy nhiên, để xây dựng thực đơn cho người men gan cao sẽ cần đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như có đầy đủ các thành phần dinh dưỡng theo khuyến cáo, hạn chế chất béo xấu, đạm, trái cây nhiều đường,... Cần ăn đủ các chất bột đường, vitamin, chất xơ, khoáng chất, protein có giá trị sinh học cao,... Cụ thể:

Cân bằng dinh dưỡng

  • Bổ sung đa dạng các loại thực phẩm, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và các chất dinh dưỡng khác như bột đường, chất đạm, chất béo cùng các vitamin, khoáng chất.
  • Cung cấp năng lượng hợp lý từ các nhóm chất dinh dưỡng theo tỷ lệ: Đạm 20% - Đường 50% - Béo 30%.
  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, nguồn gốc,...
  • Chia nhỏ các bữa ăn và chọn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa để giảm bớt gánh nặng lên hệ tiêu hóa đồng thời cải thiện chức năng gan.

Hạn chế tinh bột tinh chế

Tiêu thụ nhiều các loại thực phẩm có chứa tinh bột tinh chế như bánh mì trắng, gạo trắng, đồ uống chứa đường, bánh kẹo,... có thể khiến cho hoạt động của gan bị ảnh hưởng, từ đó tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng như tiểu đường, béo phì. Vì thế, những người men gan cao nên hạn chế ăn tinh bột tinh chế, thay vào đó hãy ưu tiên các loại thực phẩm từ tự nhiên, chứa tinh bột phức tạp toàn phần như trái cây, các loại hạt,...

Bổ sung chất béo tốt

Để không khiến cho men gan tăng cao và bảo vệ gan cũng như sức khỏe tổng thể một cách tối ưu. Bạn đọc nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm giàu chất béo tốt như dầu oliu, hạnh nhân, quả bơ, hạt điều, mỡ cá, cá hồi, cá ngừ,... Những loại thực phẩm này sẽ giúp giảm viêm, hỗ trợ quá trình trao đổi chất và cải thiện cấu trúc màng tế bào gan hiệu quả.

Gợi ý thực đơn cho người men gan cao2
Chất béo tốt giúp cải thiện các chức năng và bảo vệ gan hiệu quả

Hạn chế đồ mặn, đồ ngọt, thực phẩm chế biến sẵn

Người mắc bệnh men gan cao nên hạn chế ăn các món ăn quá mặn, quá ngọt hay các loại đồ ăn đóng hộp sẵn để tránh khiến cho gan gặp phải các biến chứng nghiêm trọng. Tiêu thụ các loại đồ ăn quá nhiều gia vị sẽ làm tăng gánh nặng cho gan trong việc lọc máu, dẫn đến tổn thương gan.

Mặt khác, thực phẩm đóng hộp lại chứa nhiều chất phụ gia và chất bảo quản có thể tác động tiêu cực đến gan. Gan sẽ phải hoạt động nhiều hơn khi bạn tiêu thụ các loại thực phẩm này. Không chỉ có thế, gan hoạt động không hiệu quả sẽ khiến cho các độc tố không được loại bỏ hết và tích tụ lại bên trong cơ thể.

Không ăn quá no

Việc thu nạp quá nhiều thức ăn không chỉ khiến cho gan phải làm việc nhiều hơn mà còn gây áp lực cho hệ tiêu hóa, gây tình trạng khó tiêu. Gan sẽ phải hoạt động liên tục để sản xuất ra enzym tiêu hóa. Để cải thiện sức khỏe gan, người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn và ăn từ 4 đến 6 bữa ăn nhỏ trong một ngày. Lưu ý, hãy lựa chọn các loại thực phẩm quen thuộc, dễ tiêu hóa.

Gợi ý thực đơn cho người men gan cao

Sau đây là gợi ý thực đơn cho người men gan cao trong 1 ngày bạn đọc có thể tham khảo:

  • Bữa sáng: 300 - 400 ml cháo tôm thịt bằm cùng 200ml sữa hạt, sữa ít đường.
  • Bữa trưa: 200 gam cá rô phi sốt cà chua, 150 gam canh bí đao nấu tôm cùng 1 - 2 chén cơm, 100ml nước ép táo.
  • Bữa chiều: 150 gam ức gà sốt chanh, 150 gam salad bơ trộn hải sản, 1 - 2 chén cơm và 150ml nước ép cam.
  • Bữa tối: 200ml sữa ít đường hoặc sữa hạt các loại.

Một số món ăn dễ tiêu hóa khác dành cho người men gan cao:

  • Món canh: Canh tôm nấu bí, canh cải nấu thịt, canh sườn mướp đắng, rau củ thập cẩm hấp, súp gà ngô nấm,...
  • Món chính: Vịt hầm rong biển, cá hồi áp chảo, gà hầm nấm hương, ức gà sốt chanh, trứng chiên nấm, nem lụi ức gà, cá hồi bỏ lò sốt bơ chanh, cá rô phi sốt cà chua,...
  • Món cơm: Cơm trộn đậu đỏ, cơm gạo lứt nấu mềm, cơm trộn hạt sen,...
  • Món tráng miệng: Sữa chua không đường, sữa hạt, sữa ít đường các loại, trái cây ít đường,...

Thực đơn trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, để có một chế độ ăn phù hợp với thể trạng của bản thân, bạn đọc nên gặp bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể.

Gợi ý thực đơn cho người men gan cao3
Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm dễ tiêu hóa vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày

Như vậy, thực đơn cho người men gan cao sẽ cần cung cấp đầy đủ các dưỡng chất để cải thiện chức năng gan mà vẫn đảm bảo tiêu chí nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa. Hãy liên hệ với các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng nếu trong quá trình xây dựng thực đơn bạn gặp phải các vấn đề hoặc có bất kỳ thắc mắc nào khác.

Xem thêm: Ăn gì tốt cho gan? Top 12 thực phẩm bạn không thể bỏ qua

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm