Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Tin tức sức khỏe

Hiến tiểu cầu có hại không? Cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu?

Ngày 16/05/2024
Kích thước chữ

Nói đến hiến máu chắc hẳn ai cũng biết, tuy nhiên, khi nói đến việc hiến tiểu cầu thì không phải ai cũng biết. Thực tế, hiến tiểu cầu chính là một hình thức của hiến máu. Tương tự như hiến máu, hiến tiểu cầu là một hành động cao đẹp và góp phần mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhân. Vậy hiến tiểu cầu là gì? Việc hiến tiểu cầu có hại không?

Hiến tiểu cầu là một nghĩa cử cao đẹp mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân ung thư hay những người chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật. Vậy hiến tiểu cầu là gì? Những ai có thể hiến tiểu cầu? Hiến tiểu cầu có hại không? Nếu bạn đang quan tâm đến các vấn đề này, mời bạn theo dõi bài viết ngay dưới đây của Nhà thuốc Long Châu để hiểu rõ hơn nhé!

Tiểu cầu có vai trò gì?

Trước khi giải đáp thắc mắc “hiến tiểu cầu có hại không?”, hãy cùng Nhà thuốc Long Châu tìm hiểu về vai trò của tiểu cầu trong cơ thể con người.

Theo đó, trong máu của con người có nhiều thành phần khác nhau với những chức năng khác nhau, cụ thể là:

  • Hồng cầu: Đây là thành phần có số lượng lớn nhất trong máu. Hồng cầu có vai trò vận chuyển O2 từ phổi đi đến các mô trong cơ thể, sau đó nhận lại CO2 từ các mô trở lại phổi để đào thải ra ngoài. Trung bình, thời gian sống của một tế bào hồng cầu là khoảng 120 ngày.
  • Bạch cầu: Là một loại tế bào khác trong máu, có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và tiêu diệt các mầm mống lạ xâm nhập vào cơ thể và gây ra bệnh nhiễm trùng, Tuổi thọ của một tế bào bạch cầu là từ 1 tuần đến vài tháng.
  • Tiểu cầu: Là loại tế bào tham gia vào quá trình đông máu, ngăn chặn máu chảy ra bên ngoài khi mạch máu bị tổn thương. Tiểu cầu có tuổi thọ từ 7 - 10 ngày.

Thông thường, số lượng tiểu cầu có trong máu nằm trong khoảng 150 - 450 triệu/ml máu. Tuy nhiên, khi số lượng tiểu cầu tăng hoặc giảm hơn so với chỉ số này sẽ dẫn đến tình trạng tăng hoặc giảm tiểu cầu.

Hiến tiểu cầu có hại không? Cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu? 1
Tiểu cầu tham gia vào quá trình đông máu và cầm máu khi mạch máu bị tổn thương

Thế nào là hiến tiểu cầu?

Như đã nói ở trên, tiểu cầu là một phần của máu nên có thể hiểu hiến tiểu cầu là một hình thức khác của hiến máu. Theo đó, hiến tiểu cầu là hiến tặng duy nhất thành phần tiểu cầu ở trong máu thay vì hiến máu toàn phần như thông thường. Khi đó, máu của người hiến sẽ được lấy ra ngoài cơ thể, sau đó tiểu cầu được tách lấy riêng ra và trả lại phần máu còn lại vào cơ thể.

Tiểu cầu có tác dụng cầm máu, thông qua cơ chế các tế bào tiểu cầu kết tụ lại với nhau để hình thành các nút trong mạch máu. Do đó, tiểu cầu được hiến tặng thường được sử dụng cho những bệnh nhân gặp phải vấn đề về quá trình đông máu, bệnh nhân bị ung thư, người cấy ghép nội tạng hoặc chuẩn bị thực hiện một cuộc đại phẫu thuật.

Quá trình hiến tiểu cầu diễn ra rất an toàn, mỗi người hiến có một bộ dụng cụ hiến riêng biệt và đảm bảo vô khuẩn. Do đó, bạn không cần lo lắng về vấn đề lây nhiễm trong quá trình hiến. Vậy quy trình hiến tiểu cầu diễn ra như thế nào?

Hiến tiểu cầu có hại không? Cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu? 2
Hiến tiểu cầu là hoạt động chỉ hiến tặng duy nhất thành phần tiểu cầu có trong máu

Quy trình hiến tiểu cầu

Trước khi tiến hành hiến tiểu cầu, người hiến sẽ được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện một số xét nghiệm cần thiết cũng như làm một số thủ tục có liên quan. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn đủ điều kiện thì bạn có quyền quyết định hiến tiểu cầu.

Mỗi một lần hiến tiểu cầu, một người có thể hiến 6 đơn vị tiểu cầu. Dưới đây là quy trình hiến tiểu cầu, cụ thể là:

  • Người hiến được ngồi trên một chiếc ghế dựa và hơi ngả lưng về phía sau.
  • Nhân viên y tế tiến hành garo trên cánh tay người hiến nhằm duy trì áp lực trong cả quá trình hiến tiểu cầu. Sau đó, họ sát trùng vùng da tại vị trí đâm kim lấy máu. Kim lấy máu được gắn liền với một ống nối liên kết với máy tách tiểu cầu.
  • Máu rút ra từ người hiến sẽ được đưa vào máy và máy sẽ tiến hành ly tâm để tách riêng tiểu cầu rồi lưu giữ trong một chiếc túi vô khuẩn. Phần máu còn lại sẽ được truyền lại cơ thể người hiến theo một vòng tuần hoàn khép kín nên bạn hoàn toàn có thể yên tâm về độ an toàn.
  • Khi đã lấy được đủ đơn vị tiểu cầu, nhân viên y tế sẽ tháo garo, rút kim và băng cầm máu cho người hiến. Phần tiểu cầu lấy được sẽ được đem đi bảo quản theo đúng nguyên tắc.

Thời gian hiến tiểu cầu có thể kéo dài từ 90 - 120 phút cho một đơn vị tiểu cầu. Do đó, bạn có thể sử dụng điện thoại, đọc sách hoặc nằm thư giãn trong quá trình hiến. Nhân viên y tế cũng có chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ cũng như đồ uống để người hiến có thể sử dụng trong quá trình hiến.

Mặt khác, luôn luôn có nhân viên y tế ở bên cạnh để theo dõi tình trạng của bạn trong suốt quá trình hiến. Do đó, nếu thấy không thoải mái hoặc có bất kỳ một vấn đề gì thì bạn có thế thông báo lại cho họ để ngừng lại việc lấy máu. Vậy việc hiến tiểu cầu có hại không?

Hiến tiểu cầu có hại không?

Nhiều người thắc mắc rằng “hiến tiểu cầu có hại không?”. Câu trả lời là việc hiến tiểu cầu hoàn toàn không gây hại cho sức khoẻ nếu người hiến thực hiện theo đúng hướng dẫn của nhân viên y tế. Theo các chuyên gia, lượng tiểu cầu được tách ra khỏi cơ thể có thể được tái tạo lại đầy đủ trong khoảng 5 - 7 ngày sau khi lấy ra.

Bên cạnh đó, trước khi tiến hành tách lấy tiểu cầu từ người hiến, người hiến sẽ được kiểm tra sức khoẻ và thực hiện một số xét nghiệm nhằm đảm bảo có đủ điều kiện hiến tiểu cầu thì mới được hiến. Đối tượng muốn hiến tiểu cầu phải đáp ứng các tiêu chí sau:

  • Người có cân nặng trên 50kg;
  • Kết quả xét nghiệm tiểu cầu: Số lượng tiểu cầu vượt quá 200.000/mm3 máu;
  • Thời gian giữa 2 lần hiến tiểu cầu cần cách nhau ít nhất là 4 tuần.

Do đó, sau khi hiến tiểu cầu thì số lượng tiểu cầu trong cơ thể người hiến còn khoảng 160.000 - 170.000/mm3 máu. Đây là chỉ số tiểu cầu trong giới hạn bình thường và không gây ảnh hưởng gì đến sức khoẻ của bạn.

Hiến tiểu cầu có hại không? Các thiết bị y tế được sử dụng trong quá trình lấy tiểu cầu đảm bảo vô khuẩn, bơm kim tiêm chỉ sử dụng một lần và loại bỏ sau đó. Đồng thời, quy trình lấy máu và trả máu được thực hiện trong vòng tuần hoàn kín nên đảm bảo không xảy ra tình trạng trả nhầm máu cũng như tình trạng nhiễm trùng.

Hiến tiểu cầu có hại không? Cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu? 3
Hiến tiểu cầu có hại không

Người hiến cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu?

Để đảm bảo sự an toàn cho sức khoẻ cũng như chất lượng tiểu cầu hiến, người hiến nên:

Trước khi hiến tiểu cầu:

  • Uống nhiều chất lỏng như nước lọc, nước ép trái cây để giữ nước.
  • Tráng tiêu thụ các loại thực phẩm nhiều chất béo, đồ chế biến sẵn như đồ chiên rán, đồ đóng hộp…
  • Tránh sử dụng các loại thuốc như ibuprofen, aspirin và những loại thuốc chống viêm không chứa steroid khác.
  • Tránh thức khuya và đảm bảo ngủ đủ giấc.
  • Không sử dụng các chất kích thích và đồ uống có cồn, gas.
  • Tránh mọi yếu tố gây căng thẳng, stress.

Sau khi hiến tiểu cầu:

  • Hạn chế các hoạt động gây tốn thể lực trong vài ngày đầu sau hiến.
  • Không uống bia rượu hoặc hút thuốc lá trong ngày đầu tiên sau hiến.
  • Bổ sung uống đầy đủ và đa dạng các dưỡng chất trong thực đơn.
  • Tránh thức khuya.
  • Không tắm nước nóng ngay sau khi hiến tiểu cầu.
  • Cần báo lại ngay cho bác sĩ nếu cơ thể xuất hiện dấu hiệu bất thường.
Hiến tiểu cầu có hại không? Cần làm gì trước và sau khi hiến tiểu cầu? 4
Bạn không nên uống bia rượu trước và sau khi hiến tiểu cầu

Hy vọng với những thông tin đã tổng hợp được, Nhà thuốc Long Châu mong rằng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về các vấn đề xoay quanh việc hiến tiểu cầu và giải đáp được thắc mắc “hiến tiểu cầu có hại không?”. Hiến tiểu cầu là một nghĩa cử cao đẹp mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân đang nguy cấp.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thanh Hải

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện là giảng viên giảng dạy các môn Dược lý, Dược lâm sàng,...

Xem thêm thông tin