Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp?

Ngày 26/04/2024
Kích thước chữ

Tiểu cầu là tế bào không thể thiếu trong quá trình cầm máu của cơ thể. Vậy, tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Nguyên nhân làm giảm tiểu cầu là gì?

Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Đây là một câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi họ phát hiện mình mắc phải tình trạng giảm tiểu cầu. Tiểu cầu là một trong những loại tế bào máu quan trọng, đóng vai trò thiết yếu trong quá trình đông máu và duy trì sức khỏe của cơ thể. Khi số lượng tiểu cầu giảm, tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thế nào là bệnh tiểu cầu thấp?

Tiểu cầu là một thành phần chính trong máu, đảm nhiệm vai trò quan trọng trong quá trình đông máu của cơ thể. Chúng đặc biệt cần thiết khi cơ thể có vết thương, tiểu cầu sẽ giúp máu đông lại tại vị trí đó để ngăn chặn sự mất máu. Khác với hồng cầu có tuổi thọ dài (khoảng 120 ngày), tiểu cầu chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 1 tuần). Do đó, tiểu cầu cần được sản xuất liên tục trong cơ thể. Một người bình thường thường có 150.000 - 450.000 tiểu cầu/ mm3 máu.

Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp? 1
Bệnh tiểu cầu thấp là khi lượng tiểu cầu trong máu giảm dưới mức bình thường

Bệnh tiểu cầu thấp là khi lượng tiểu cầu trong máu giảm dưới mức bình thường. Bệnh này có thể chia thành hai loại: Giảm tiểu cầu cấp tính và mạn tính. Trong đó, các trường hợp cấp tính thường xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên, trong khi đa số người lớn tuổi mắc phải giảm tiểu cầu mạn tính. Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn hiệu quả cho tình trạng này.

Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không?

Tuổi thọ của tiểu cầu thường chỉ khoảng 7 đến 10 ngày trước khi chúng được loại bỏ khỏi cơ thể. Đối với người khỏe mạnh, mức trung bình của tiểu cầu trong máu là 150.000 - 450.000 tế bào/micro lít máu. Vì vậy, khi lượng tiểu cầu giảm đột ngột đến mức bất thường, bạn cần đặt biệt chú ý. 

Vậy mức độ giảm đến đâu được coi là nguy hiểm? Mức nguy hiểm là khi số lượng tiểu cầu giảm xuống dưới 50.000 tế bào/micro lít máu. Mức giảm nghiêm trọng nằm trong khoảng 10.000 - 20.000 tế bào/micro lít máu. Khi phát hiện giảm số lượng tiểu cầu, bác sĩ sẽ đề xuất các phương pháp điều trị phù hợp nhất tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tóm lại, tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Khi số lượng tiểu cầu trong máu giảm thấp một cách đột ngột và quá mức cho phép thì có thể gây ra các tình trạng sức khỏe nghiêm trọng đối với cơ thể như xuất huyết (chảy máu), giảm khả năng đông máu và chống nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng sẽ bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, xuất huyết dưới da hoặc thậm chí là các biến chứng nguy hiểm hơn như xuất huyết não và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.

Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp? 2
Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không?

Nguyên nhân làm giảm tiểu cầu là gì?

Có nhiều nguyên nhân khác sau có thể gây giảm tiểu cầu như:

  • Virus: Khi cơ thể nhiễm virus như quai bị, thủy đậu, rubella, HIV, viêm gan B, viêm gan C, virus Epstein Barr, tủy xương có thể sản xuất ít tiểu cầu hơn. Tuy nhiên, sau khi virus không còn trong cơ thể, quá trình sản xuất tiểu cầu sẽ trở lại bình thường.
  • Thuốc: Một vài loại thuốc có thể sản xuất ra các kháng thể làm phá hủy tiểu cầu hoặc gây ức chế khả năng tạo tiểu cầu liên tục của cơ thể.
  • Gen di truyền: Một số bệnh lý có nguồn gốc từ đột biến gen có thể gây giảm số lượng tiểu cầu.
  • Ban xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối: Đây là tình trạng tạo thành các cục máu nhỏ trong các mạch máu, gây phá hủy hồng cầu và tiểu cầu.
  • Lách to: Lá lách phì đại có thể dẫn đến việc nhiều tiểu cầu bị mắc kẹt trong đó, gây giảm số lượng tiểu cầu trong hệ thống tuần hoàn máu.
  • Bệnh lý ác tính: Một số bệnh ung thư có thể làm giảm số lượng tế bào tiểu cầu, bệnh bạch cầu là một trong những ví dụ tiêu biểu.
  • Thiếu máu bất sản: Số lượng tiểu cầu giảm do tình trạng tủy xương không thể sản xuất đủ tế bào máu cần thiết.
  • Hóa trị: Hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu đều bị tổn thương và giảm số lượng trong quá trình điều trị hóa trị cho bệnh ung thư.
  • Xuất huyết giảm tiểu cầu miễn dịch: Đây là một tình trạng rối loạn của hệ thống miễn dịch, làm tạo ra các kháng thể phá hủy tiểu cầu.
  • Mang thai: Trong một số trường hợp, có thể xảy ra giảm tế bào tiểu cầu ở khoảng 5% thai phụ hoặc là một phản ứng sau sản giật.
  • Nguyên nhân khác: Uống rượu, mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống, thiếu hụt vitamin B12 và axit folic, phẫu thuật ghép tạng, truyền máu, tổn thương hoặc viêm nhiễm các mạch máu và van tim, hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng nặng có thể làm giảm số lượng tiểu cầu trong máu.
Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp? 3
Tiểu cầu sẽ bị tổn thương và giảm số lượng trong quá trình điều trị hóa trị cho bệnh ung thư

Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp?

Việc lựa chọn phương pháp điều trị bệnh tiểu cầu thấp phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và nguyên nhân gây ra bệnh. Dưới đây là những điều cần lưu ý bạn có thể tham khảo:

  • Tránh sử dụng các loại thuốc chống viêm không Steroid hoặc Aspirin.
  • Đối với các trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng chảy máu, bệnh nhân không cần điều trị đặc biệt. Tuy nhiên, cần thực hiện kiểm tra lại số lượng tiểu cầu nhiều lần đối với bệnh nhân mắc phải giảm tiểu cầu do nhiễm virus, nhằm đảm bảo rằng tiểu cầu trở lại mức bình thường, đồng thời có thể phát hiện sớm bất kỳ biến chứng nào không bình thường.
  • Trong những trường hợp giảm tiểu cầu đột ngột do hóa trị hoặc xuất huyết nặng, khi kết hợp với giảm tế bào tiểu cầu, bác sĩ có thể quyết định sử dụng phương pháp truyền tiểu cầu.
  • Bệnh nhân mắc phải bệnh giảm tiểu cầu miễn dịch có thể được đề xuất sử dụng các loại thuốc như: Steroid, Rituximab, Globulin hoặc kháng sinh để điều trị.
  • Phương pháp tách huyết tương thường được áp dụng cho bệnh nhân mắc phải xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối.
  • Để cải thiện số lượng tiểu cầu, bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật cắt lách để loại bỏ một phần hoặc toàn bộ lá lách. Tuy nhiên, phương pháp này không được khuyến khích cho trẻ em vì nguy cơ tái phát và tăng nguy cơ nhiễm trùng sau phẫu thuật.
  • Hạn chế uống rượu và thực hiện hoạt động thể lực nhẹ nhàng là rất cần thiết. Đối với phụ nữ mang thai bị bệnh tiểu cầu thấp, cần tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khoẻ của mẹ và thai nhi. Nên bổ sung vitamin C bằng cách uống nước ép hoa quả, tiêu thụ cà chua và nước ép nha đam để cung cấp vitamin B12 và axit folic cần thiết.
Tiểu cầu thấp có nguy hiểm không? Phương pháp điều trị tiểu cầu thấp? 4
Bác sĩ có thể đề xuất phẫu thuật cắt lách để cải thiện số lượng tiểu cầu

Với những thông tin trên đây, Nhà thuốc Long Châu hy vọng đã giúp bạn giải đáp thắc mắc tiểu cầu thấp có nguy hiểm không cùng một số phương pháp điều trị bệnh lý này. Ngoài ra, nên lưu ý rằng việc tìm đến các bác sĩ chuyên môn để xin được tư vấn và hỗ trợ là cực kỳ cần thiết. Bằng cách này, bạn có thể tăng cơ hội phục hồi và duy trì sức khỏe tốt nhất cho bản thân. 

Xem thêm:

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcNguyễn Thị Thảo Nguyên

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường Đại học Nam Cần Thơ. Có nhiều năm kinh nghiệm công tác trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin