Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì? Phải làm gì để phòng băng huyết sau sinh?

Ngày 26/04/2023
Kích thước chữ

Băng huyết sau sinh là một tình trạng được xác định mất máu tích lũy trên 1000ml hoặc mất máu do các dấu hiệu giảm thể tích máu trong khoảng 24 giờ đầu sau sinh. Tuy nhiên, hiện tượng băng huyết có thể xảy ra ở sản phụ sau sinh 1 tháng. Vậy hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là như thế nào? Nguyên nhân gây ra hiện tượng băng huyết và cách phòng ngừa băng huyết sau sinh ra sao?

Băng huyết là một biến chứng nghiêm trọng trong sản khoa và có thể xảy ra ngay sau sinh hoặc sau một khoảng thời gian ngắn. Đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho sản phụ trên thế giới. Vậy hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng như thế nào? Nguyên nhân, triệu chứng và biện pháp phòng ngừa tình trạng băng huyết sau sinh là gì? Nhà thuốc Long Châu sẽ giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc trên trong bài viết dưới đây nhé!

Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì?

Băng huyết sau sinh là tình trạng xuất huyết quá nhiều máu trong quá trình chuyển dạ và có thể gây tử vong ở sản phụ. Tình trạng này xảy ra khi người mẹ mất từ 500ml máu sau sinh thường hoặc từ 1000ml máu sau sinh mổ, làm ảnh hưởng đến toàn trạng hoặc chỉ số hematocrit giảm trên 10% so với trước. Dựa theo thời gian xảy ra tai biến, băng huyết sau sinh được chia thành 2 loại:

  • Băng huyết nguyên phát: Sản phụ mất trên 500ml máu trong 24 giờ đầu sau sinh.
  • Băng huyết thứ phát: Sản phụ chảy, mất quá nhiều máu và có bất thường ở âm đạo trong vòng 24 giờ đầu đến 12 tuần sau sinh. 

Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là một cấp cứu sản khoa và được xếp vào nhóm băng huyết thứ phát do tình trạng này xảy ra trong khoảng 12 tuần đầu sau sinh. Đây không phải hiện tượng quá bất thường, rất nhiều sản phụ gặp phải hiện tượng này sau sinh. Tình trạng này thường xảy ra do bị nhiễm trùng, sót rau hoặc mắc phải bệnh lý huyết học. Nếu được phát hiện sớm và xử trí kịp thời thì sức khỏe và tính mạng của sản phụ sẽ được bảo vệ. 

Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì? Phải làm gì để phòng băng huyết sau sinh? 1
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì?

Những nguyên nhân gây nên hiện tượng băng huyết sau sinh

Trong quá trình chuyển dạ và sinh nở, tử cung của người phụ nữ thường co bóp nhằm đẩy thai nhi và nhau thai ra ngoài. Sau khi nhau thai được lấy ra, tử cung của sản phụ sẽ có những cơn co thắt để gây áp lực lên các mạch máu nhằm hạn chế tình trạng chảy máu sau sinh. Tuy nhiên, các mạch máu này sẽ chảy máu tự do nếu cường độ co bóp của tử cung không đủ mạnh. Đây chính là nguyên nhân phổ biến chính gây ra hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng. 

Ngoài ra, một số yếu tố làm tăng nguy cơ băng huyết sau sinh, bao gồm:

  • Cơ tử cung suy yếu do sinh nở nhiều lần hoặc tử cung bị dị dạng, u xơ tử cung.
  • Đa thai hoặc đa ối khiến tử cung căng giãn quá mức.
  • Thời gian chuyển dạ kéo dài.
  • Nhiễm khuẩn ối.
  • Rau bị sót lại trong buồng tử cung.
  • Sản phụ bị thiếu máu, suy nhược cơ thể, nhiễm độc thai nghén, tăng huyết áp.
  • Sản phụ có tiền sử nạo hút thai hoặc sảy thai nhiều lần.
  • Có tiền sử bị viêm niêm mạc tử cung, sót rau.
  • Sinh non, sau xử lý thai lưu, đẻ nhanh và đặc biệt là ở tư thế đứng.
  • Dây rau ngắn hoặc quấn cổ nhiều vòng.
  • Quá trình lấy rau không đúng quy cách hoặc đỡ đẻ không đúng cách.
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì? Phải làm gì để phòng băng huyết sau sinh? 2
Sót rau trong buồng tử cung gây ra tình trạng băng huyết sau sinh

Triệu chứng và biến chứng của băng huyết sau sinh

Triệu chứng và biến chứng của hiện tượng băng huyết sau sinh sẽ phụ thuộc vào tình trạng của sản phụ và thời gian bị băng huyết. Cụ thể như sau:

Triệu chứng

Các dấu hiệu của hiện tượng băng huyết giai đoạn sau sinh thường và sinh mổ có thể xảy ra, bao gồm:

  • Chảy máu không kiểm soát: Tình trạng xuất huyết từ đường sinh dục ngay sau khi em bé chào đời và sổ rau. Lượng máu chảy ra ngoài có thể ít hoặc nhiều, máu có màu đỏ tươi hoặc đỏ bầm, máu loãng hoặc máu cục. Máu chảy ứ lại trong buồng tử cung, dẫn đến tăng thể tích tử cung, đáy tử cung có xu hướng cao lên dần, to ngang ra và mềm nhão.
  • Huyết áp giảm nhanh, da xanh, vã mồ hôi, chân tay lạnh.
  • Nhịp tim tăng.
  • Khát nước.
  • Chỉ số hồng cầu giảm.
  • Âm đạo và khu vực xung quanh bị sưng đau.
  • Không thấy sự xuất hiện của khối cầu an toàn trên xương vệ.
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì? Phải làm gì để phòng băng huyết sau sinh? 3
Huyết áp giảm nhanh là một triệu chứng của hiện tượng băng huyết sau sinh

Biến chứng

Tùy thuộc vào mức độ mất máu, tình trạng hồi sức cấp cứu và việc cầm máu có tiến triển theo hướng tích cực hay không mà tình trạng băng huyết sau sinh có thể gây ra nhiều biến chứng từ nhẹ đến nặng như sốc do giảm thể tích tuần hoàn, suy thận, suy đa tạng, thậm chí là tử vong. Ngoài ra, hiện tượng băng huyết sau sinh cũng là một yếu tố thuận lợi gây ra biến chứng nhiễm trùng hậu sản.

Xét về tính lâu dài, biến chứng của băng huyết sau sinh có thể là viêm tắc tĩnh mạch, thiếu máu, hội chứng Sheehan do hoại tử tuyến yên, không thể có thêm con, nặng nề hơn là phải cắt bỏ tử cung.

Cách phòng ngừa băng huyết sau sinh

Để giảm tần suất cũng như tỷ lệ tử vong do băng huyết sau sinh thì việc dự phòng hiện tượng này trước khi nó xảy ra là điều rất thiết. Dưới đây là một số nguyên tắc cần nhớ trong việc dự phòng băng huyết sau sinh, bao gồm: 

  • Hạn chế tình trạng chuyển dạ kéo dài bằng cách theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển dạ của thai phụ dựa vào các chỉ số trên máy monitoring như tim thai, cơn gò tử cung và sự xóa mở tử cung. 
  • Tiêm thuốc oxytocin (10 IU) để hạn chế biến chứng băng huyết sau sinh.
  • Sử dụng thuốc kháng sinh nhằm phòng ngừa nhiễm trùng ối.
  • Chấm dứt thai kỳ sớm.
  • Trong quá trình chuyển dạ, cần kiểm soát các loại thuốc mê, thuốc tê và giảm đau cho thai phụ.
  • Kiểm soát và điều chỉnh các rối loạn đông máu nếu có ở sản phụ bằng cách dựa vào các chỉ số trong xét nghiệm đông máu, số lượng tiểu cầu và hỏi kỹ về tiền sử bệnh lý liên quan đến máu. Chỉ định khám chuyên khoa nội huyết học nhằm đưa ra hướng điều trị tích cực nếu cần thiết.
  • Nếu thai phụ chưa đủ điều kiện hoặc không có chỉ định rõ ràng thì không nên thực hiện các thủ thuật giúp sinh đẻ. Phải đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật và an toàn khi đỡ đẻ.
  • Khi xuất hiện các cơn gò cường tính hoặc yếu, cần phải tìm ra nguyên nhân và xử lý ngay. Nếu sinh thường không thuận lợi thì nên mổ bắt thai nhằm đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
  • Kiểm tra nhau thai kỹ lưỡng và khi nghi ngờ có sót rau thai thì cần rà soát lại lòng tử cung ngay.
  • Kiểm tra tử cung nếu có vết mổ cũ, kiểm tra đường sinh dục nếu thực hiện thủ thuật cắt tầng sinh môn...
  • Cần lập kế hoạch có thai để phụ nữ có thời gian phục hồi sức khỏe sau mỗi lần sinh bằng cách đặt vòng tránh thai, sử dụng thuốc tránh thai
  • Cần đi kiểm tra định kỳ khi có thai, bổ sung sắt và acid folic trong thai kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ nhằm phòng ngừa thiếu máu, đồng thời cũng hạn chế các biến chứng nặng nếu xảy ra băng huyết sau sinh.
  • Cần theo dõi chặt chẽ các sản phụ có nguy cơ cao xảy ra hiện tượng băng huyết, ít nhất là 6 giờ/lần nhằm phát hiện sớm và xử trí kịp thời.
Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng là gì? Phải làm gì để phòng băng huyết sau sinh? 4
Nếu sinh thường không thuận lợi thì cần phải mổ lấy thai để hạn chế biến chứng băng huyết

Băng huyết sau sinh là bệnh lý rất nguy hiểm, cần sớm được phát hiện và điều trị kịp thời nhằm hạn chế những biến chứng nghiêm trọng. Hiện tượng băng huyết sau sinh 1 tháng thuộc vào nhóm nguyên nhân băng huyết thứ phát và có thể gây ra những hệ lụy nếu không được xử trí kịp thời. Do đó, việc dự phòng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa băng huyết sau sinh là điều rất quan trọng để đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Ánh Vũ 

Nguồn tham khảo: vinmec.com

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin