Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Giới tính/
  4. Sức khỏe sinh sản

Vì sao cần khám thai định kỳ? Lợi ích quan trọng cho mẹ và bé

Như Hoa

21/03/2025
Kích thước chữ

Bạn có biết rằng khám thai định kỳ không chỉ là một khuyến nghị y tế mà còn là “lá chắn” bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé trong suốt thai kỳ? Đây là cách hiệu quả để theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện sớm những vấn đề tiềm ẩn và kịp thời can thiệp. Hãy cùng tìm hiểu lý do vì sao cần khám thai định kỳ qua bài viết dưới đây!

Mang thai là một hành trình kỳ diệu, nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro nếu không được chăm sóc đúng cách. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 295.000 ca tử vong mẹ trong thai kỳ và khi sinh, phần lớn trong số đó có thể được ngăn chặn nếu được theo dõi và xử lý kịp thời. Khám thai định kỳ không chỉ giúp mẹ bầu yên tâm mà còn đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh ngay từ trong bụng mẹ. Vậy tại sao việc này lại cần thiết? Vì sao cần khám thai định kỳ? Hãy cùng khám phá ngay sau đây.

Vì sao cần khám thai định kỳ?

Khám thai định kỳ là chìa khóa giúp mẹ bầu theo dõi sự phát triển của thai nhi và phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe. Vậy những lợi ích cụ thể của việc khám thai là gì? Vì sao cần khám thai định kỳ? Hãy cùng tìm hiểu!

Xác định tuổi thai và theo dõi sự phát triển của bé

Bạn có bao giờ thắc mắc thai nhi của mình đã lớn đến đâu? Siêu âm trong các lần khám thai định kỳ sẽ giúp xác định chính xác tuổi thai, tính toán ngày dự sinh và theo dõi sự phát triển của bé.

Các chỉ số như cân nặng, nhịp tim thai và lượng nước ối được kiểm tra thường xuyên để đảm bảo thai nhi phát triển đúng chuẩn. Nếu có dấu hiệu suy dinh dưỡng bào thai hay thai chậm phát triển, bác sĩ sẽ đưa ra giải pháp kịp thời, chẳng hạn như bổ sung dinh dưỡng hoặc can thiệp y tế.

Vì sao cần khám thai định kỳ? Lợi ích quan trọng cho mẹ và bé 2.jpg
Vì sao cần khám thai định kỳ? Đây là bước quan trọng để mẹ tròn con vuông!

Phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi

Một trong những lý do quan trọng nhất của việc khám thai định kỳ là khả năng phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi như:

  • Phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh: Qua siêu âm và các xét nghiệm chuyên sâu, bác sĩ có thể nhận diện các dị tật bẩm sinh như hội chứng Down, dị tật tim, sứt môi hay hở hàm ếch.
  • Phát hiện sớm các bệnh di truyền: Ngoài ra, các xét nghiệm máu trong tam cá nguyệt đầu tiên còn giúp chẩn đoán sớm các bệnh di truyền hoặc rối loạn chuyển hóa. Nếu phát hiện kịp thời, cha mẹ có thể lên kế hoạch chăm sóc đặc biệt hoặc can thiệp y tế ngay từ trong bụng mẹ, tăng cơ hội cho bé phát triển khỏe mạnh.

Kiểm tra sức khỏe mẹ bầu

Mang thai không chỉ là hành trình của thai nhi mà còn là thử thách lớn đối với sức khỏe của mẹ. Khám thai định kỳ giúp theo dõi các chỉ số quan trọng như huyết áp, đường huyết và tình trạng máu.

  • Phát hiện sớm tiền sản giật: Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm gây co giật, tổn thương gan và thận nếu không được xử lý kịp thời thông qua chỉ số huyết áp.
  • Phát hiện sớm tiểu đường thai kì: Xét nghiệm đường huyết giúp nhận biết tiểu đường thai kỳ, từ đó điều chỉnh chế độ ăn uống để tránh ảnh hưởng đến mẹ và bé.
  • Phát hiện sớm tình trạng thiếu máu hay nhiễm trùng: Tình trạng này cần được phát hiện và điều trị sớm, đảm bảo mẹ bầu luôn trong trạng thái tốt nhất.
Vì sao cần khám thai định kỳ? Lợi ích quan trọng cho mẹ và bé 3.jpg
Kiểm tra sức khỏe mẹ bầu định kỳ – Bảo vệ mẹ, chăm sóc bé!

Tiêm phòng và hướng dẫn chăm sóc thai kỳ

Khám thai định kỳ không chỉ là kiểm tra mà còn là cơ hội để mẹ bầu nhận được sự tư vấn từ bác sĩ. Trong các buổi khám, bạn sẽ được hướng dẫn tiêm các loại vắc xin cần thiết như vắc xin uốn ván, cúm hay viêm gan B để bảo vệ cả mẹ và bé khỏi các bệnh nguy hiểm.

Ngoài ra, bác sĩ còn cung cấp thông tin về chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt phù hợp với từng giai đoạn thai kỳ. Những lời khuyên này giúp mẹ bầu duy trì sức khỏe tốt và tạo điều kiện tối ưu cho thai nhi phát triển.

Chuẩn bị tốt cho quá trình sinh nở

Giai đoạn cuối thai kỳ là thời điểm quan trọng để chuẩn bị cho ngày sinh. Khám thai định kỳ giúp xác định các yếu tố nguy cơ như ngôi thai ngược, nhau tiền đạo hay dây rốn quấn cổ. Từ đó, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp sinh phù hợp: Sinh thường hay sinh mổ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé. Một kế hoạch sinh nở rõ ràng sẽ giúp mẹ bầu tự tin hơn khi bước vào phòng sinh.

Lịch khám thai định kỳ mẹ bầu cần ghi nhớ

Theo quy định của Bộ Y Tế, một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 03 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối. Tuy nhiên nếu khám đầy đủ thì phải là 07 lần đối với một thai kỳ bình thường, còn những thai kỳ nguy cơ cao như tim sản, cao huyết áp… thì số lần khám thai sẽ nhiều hơn với nhịp độ khít hơn phụ thuộc vào các lý do y học.

3 tháng đầu (từ ngày đầu kỳ kinh cuối đến 13 tuần 6 ngày)

Trong 3 tháng đầu thai kỳ, việc khám thai đóng vai trò quan trọng trong việc xác định tình trạng thai nhi và sàng lọc các nguy cơ tiềm ẩn. Dưới đây là các mốc khám thai mẹ bầu cần lưu. 

  • Lần khám đầu tiên: Sau khi trễ kinh 2-3 tuần để xác định thai vào tử cung, tim thai.
  • Lần khám thứ hai: Khi thai 11-13 tuần 6 ngày để đo độ mờ da gáy và xét nghiệm sàng lọc dị tật, tiêm VAT.

3 tháng giữa (từ tuần 14 đến 28 tuần 6 ngày)

Bước sang tam cá nguyệt thứ hai, thai nhi phát triển mạnh mẹ và mẹ bầu cần theo dõi sức khỏe chặt chẽ hơn. Dưới đây là các mốc khám thai quan trọng trong giai đoạn này:

  • Tuần 16-20: Khám một lần. Kiểm tra sự phát triển của thai nhi.
  • Tuần 20-24: Khám một lần. Siêu âm hình thái học khảo sát hình thái học.
  • Tuần 24-28: Khám một lần.​ Tầm soát tiểu đường thai kỳ, kiểm tra huyết áp.

3 tháng cuối (từ tuần 29 đến 40)

Giai đoạn cuối thai kỳ là thời điểm quan trọng để theo dõi sự phát triển của thai nhi và chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Dưới đây là lịch khám thai mẹ bầu cần ghi nhớ!

  • Tuần 29-32: Khám một lần.​ Siêu âm tối thiểu 1 lần lúc thai 32 tuần để xác định ngôi thai, lượng ối, vị trí nhau, đánh giá sự phát triển thai nhi.
  • Tuần 33-35: Khám mỗi 2 tuần một lần.​ Theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra dây rốn, lượng nước ối, ngôi  thai, đánh giá sự phát triển thai nhi; Xét nghiệm tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B đối với đa thai; Tầm soát lậu cầu và Chlamydia trachomatis.
  • Tuần 36-40: Khám mỗi tuần một lần. Kiểm tra ngôi thai, nước ối, chuẩn bị cho sinh nở. Xét nghiệm tầm soát liên cầu khuẩn nhóm B đối với đơn thai.
Vì sao cần khám thai định kỳ? Lợi ích quan trọng cho mẹ và bé 4.jpg
Lịch khám thai định kỳ

Hệ lụy khi bỏ lỡ khám thai định kỳ

Bỏ lỡ các buổi khám thai định kỳ có thể khiến mẹ bầu đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe mà lẽ ra có thể phòng tránh.

Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ bầu

Khám thai định kỳ không chỉ là thủ tục mà còn là cách để phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe tiềm ẩn như sau:

  • Tiền sản giật và sản giật: Nếu không theo dõi huyết áp và xét nghiệm thường xuyên, mẹ bầu có nguy cơ bị tiền sản giật hoặc sản giật – hai biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng.
  • Tiểu đường thai kỳ: Nếu không được kiểm soát có thể dẫn đến thai to, sinh khó hoặc tăng nguy cơ tiền sản giật.
  • Thiếu máu hay suy dinh dưỡng: Do thiếu sắt, axit folic cũng là vấn đề phổ biến khi mẹ bầu bỏ qua lịch khám.

Rủi ro đối với thai nhi

Thai nhi cũng chịu ảnh hưởng lớn nếu không được theo dõi đầy đủ.

  • Dị tật bẩm sinh: Siêu âm và xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện dị tật bẩm sinh từ sớm, nhưng nếu bỏ lỡ, cha mẹ có thể mất cơ hội can thiệp kịp thời.
  • Thai chậm phát triển trong tử cung nhẹ cân hoặc thiếu oxy: Khó được nhận biết nếu không khám thường xuyên.
  • Nhau bong non, đa ối hay thiểu ối: Nếu không được phát hiện có thể dẫn đến sinh non hoặc thai chết lưu.

Ảnh hưởng đến quá trình sinh nở

Không khám thai đều đặn còn khiến mẹ bầu đối mặt với rủi ro khi sinh. Ngôi thai bất thường hay nhau tiền đạo không được xác định kịp thời có thể dẫn đến sinh mổ khẩn cấp trong tình trạng nguy hiểm. Hơn nữa, việc thiếu chuẩn bị tâm lý và thông tin trước sinh cũng làm tăng căng thẳng, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

Khi đi khám thai cần chuẩn bị những gì?

Để buổi khám thai diễn ra thuận lợi và hiệu quả, mẹ bầu cần chuẩn bị đầy đủ một số giấy tờ quan trọng.

Giấy tờ và hồ sơ y tế cần mang theo

Để buổi khám diễn ra thuận lợi, bạn nên mang theo những giấy tờ sau:

  • Sổ khám thai, kết quả xét nghiệm hoặc siêu âm trước đó (nếu có).
  • Thẻ bảo hiểm y tế hoặc bảo hiểm thai sản để tiết kiệm chi phí.
  • Giấy tờ tùy thân.

Những thông tin cần ghi nhớ để trao đổi với bác sĩ

Sau đây là những thông tin mẹ bầu cần ghi nhớ để cung cấp thông tin cho bác sĩ:

  • Hãy nhớ ngày đầu kỳ kinh cuối cùng để tính tuổi thai chính xác. 
  • Ghi chú các dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra máu, phù chân hay chóng mặt để báo cho bác sĩ. 
  • Đừng quên chia sẻ tiền sử bệnh lý cá nhân, gia đình và tình trạng sử dụng thuốc đang dùng.
Vì sao cần khám thai định kỳ? Lợi ích quan trọng cho mẹ và bé 5
Những thông tin cần cung cấp cho bác sĩ

Khám thai ở đâu để đảm bảo uy tín?

Để có kết quả chính xác và sự chăm sóc tốt nhất, mẹ bầu nên chọn:

  • Bệnh viện phụ sản lớn như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Từ Dũ, Hùng Vương – Nơi có đội ngũ bác sĩ giỏi và trang thiết bị hiện đại.
  • Phòng khám sản khoa uy tín với đầy đủ máy siêu âm 4D, xét nghiệm tiên tiến.
  • Bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm để được tư vấn và theo dõi toàn diện suốt thai kỳ.

Hãy tìm hiểu kỹ và chọn địa chỉ phù hợp với điều kiện của bạn nhé!

Tóm lại, vì sao cần khám thai định kỳ? Khám thai định kỳ không chỉ là cách để mẹ bầu kiểm soát sức khỏe mà còn là “chìa khóa” đảm bảo thai nhi phát triển khỏe mạnh, giảm thiểu nguy cơ biến chứng. Việc tuân thủ lịch khám đúng mốc sẽ giúp phát hiện sớm các vấn đề và có hướng xử lý kịp thời. Vì vậy, hãy chủ động đi khám thai định kỳ để hành trình mang thai của bạn trọn vẹn và an toàn nhất!

Đánh giá độ hữu ích của bài viết

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin