Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Mẹ & bé/
  4. Chăm sóc bé

Hiện tượng trẻ thở rít là gì? Cách xử trí khi trẻ thở rít

Ngày 17/06/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Trẻ thở rít là hiện tượng thường gặp trong giai đoạn sơ sinh. Thở rít có thể là dấu hiệu cảnh báo đường thở của trẻ đang bị hẹp hoặc tắc nghẽn một phần. Bài viết dưới đây sẽ giúp ba mẹ nắm vững kiến thức nhận biết và cách xử trí khi trẻ thở rít.

Ở điều kiện sức khỏe bình thường, chúng ta thường sẽ không nghe thấy tiếng thở của trẻ. Tuy nhiên, trong các trường hợp gặp vấn đề ở đường hô hấp, trẻ sẽ phát ra tiếng bất thường khi thở như thở rên, thở rít, thở khò khè. Trong đó, trẻ thở rít là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ thở rít có thể kèm theo các dấu hiệu lâm sàng khác tùy thuộc vào bệnh lý cụ thể ở đường hô hấp.

Trẻ thở rít là như thế nào?

Thở rít là tiếng thở phát ra khi trẻ hít vào hoặc thở ra với âm thanh cao kèm theo tiếng rít. Tình trạng này thường nghe thấy bằng tai khi trẻ hít vào. Trẻ thở rít là hiện tượng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bởi lúc này cơ thể trẻ chưa phát triển hoàn thiện, cấu trúc đường thở ngắn và nhỏ. Bên cạnh đó, tiếng thở rít có thể là dấu hiệu của một số vấn đề ở đường hô hấp cần được phát hiện sớm và xử trí kịp thời.

Hiện tượng trẻ thở rít là gì? Cách xử trí khi trẻ thở rít 1
Trẻ có thể phát ra tiếng thở rít bất thường do các vấn đề ở đường hô hấp

Tiếng thở rít ở trẻ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau như do bất thường cấu trúc giải phẫu đường thở của trẻ hay một số bệnh lý hô hấp. Âm thanh trẻ thở rít sẽ có sự khác nhau tùy thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn ở đường thở.

Ngoài tiếng thở rít, trẻ có thể xuất hiện thêm các triệu chứng kèm theo như thở nhanh, cánh mũi phập phồng, thở rên, khó nuốt, khàn tiếng, ho khan, ho có đờm, sốt, đau họng,...

Hiện tượng trẻ thở rít là dấu hiệu bệnh gì?

Mềm sụn thanh quản

Đây là một trong những nguyên nhân bẩm sinh do cấu trúc thanh quản bị mềm và xẹp khi hít vào khiến đường thở bị tắc nghẽn một phần, dẫn đến tình trạng trẻ thở rít. Ngoài hiện tượng thở rít, trẻ bị mềm sụn thanh quản có thể bị khó nuốt, sặc, ọc sữa, ho, nôn mửa, điều này dẫn đến chất lượng bú giảm, trẻ chậm tăng cân. Với trường hợp này, ba mẹ không cần quá lo lắng bởi hầu hết trẻ bị mềm sụn thanh quản đều có thể tự cải thiện mà không cần điều trị, chỉ một số ít tình trạng nặng mới cần can thiệp phẫu thuật.

Hẹp hạ thanh môn

Hạ thanh môn là bộ phận nằm phía dưới thanh môn đến bờ dưới của sụn nhẫn. Hẹp hạ thanh môn là thuật ngữ để chỉ phần thanh quản bên dưới dây thanh âm bị hẹp. Tình trạng này thường không xuất hiện ngay sau sinh mà khởi phát triệu chứng sau vài tháng. Tình trạng trẻ thở rít do hẹp hạ thanh môn thường có thể hồi phục mà không cần can thiệp.

Hiện tượng trẻ thở rít là gì? Cách xử trí khi trẻ thở rít 2
Hẹp hạ thanh môn khiến trẻ khó thở, thở rít

Vòng mạch máu

Vòng mạch máu là một dạng dị tật bẩm sinh chèn ép lên khí quản. Tình trạng này không phổ biến nhưng khi xuất hiện vòng mạch máu, trẻ có thể gặp nguy hiểm do ngưng thở bất cứ lúc nào.

Bướu máu hạ thanh môn

Trong một số trường hợp, các mạch máu tăng sinh ở hai dây thanh tạo thành các bướu máu. Điều này sẽ làm tắc nghẽn đường thở nhanh chóng trong những tháng đầu sau sinh. Các trường hợp do nguyên nhân bẩm sinh trẻ thở rít không sốt và thường không kèm theo các dấu hiệu bất thường khác.

Viêm thanh khí phế quản

Ngoài các nguyên nhân do bẩm sinh kể trên, tình trạng thở rít ở trẻ có thể do các bệnh lý nhiễm trùng hô hấp như viêm thanh khí phế quản. Đây là bệnh nhiễm trùng thường gây ra bởi virus làm cho phù nề đường thở và kèm theo các triệu chứng hô hấp khác như sốt, sổ mũi, ho.

Viêm phế quản

Viêm phế quản là một trong những bệnh lý hô hấp phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nguyên nhân viêm phế quản có thể do virus, vi khuẩn hoặc một số tác nhân khác như lông vật nuôi, phấn hoa, thuốc lá, không khí ô nhiễm, bụi bẩn,... Bên ngoài triệu chứng thở rít, trẻ bị viêm phế quản có thể kèm theo khó thở, nôn ói, đau ngực,…

Viêm amidan

Trẻ thở rít do viêm amidan không phải là tình trạng hiếm gặp. Theo cấu trúc giải phẫu, amidan là tổ chức lympho hình tròn nhỏ, nằm ở vùng hầu họng với nhiệm vụ bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của tác nhân gây hại. Tuy nhiên, nếu số lượng virus, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể quá nhiều hoặc hệ miễn dịch suy yếu, amidan sẽ không thể bảo vệ cơ thể mà còn có thể bị tấn công ngược lại gây ra viêm amidan. Viêm amidan thường khởi phát với triệu chứng amidan sưng to, trẻ thở rít, khó nuốt, đau họng, ngủ ngáy, amidan có dịch mủ, có thể kèm theo hạch cổ,...

Hiện tượng trẻ thở rít là gì? Cách xử trí khi trẻ thở rít 3
Viêm amidan là bệnh lý phổ biến ở trẻ

Viêm thanh thiệt

Thanh thiệt hay nắp thanh môn bị viêm có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến tình trạng trẻ thở rít, khó thở vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.

Trẻ thở rít phải làm sao?

Để xác định trẻ có bị thở rít hay không, bác sĩ sẽ dựa vào triệu chứng lâm sàng và kết quả cận lâm sàng. Tùy từng trường hợp bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp cụ thể như:

  • Nội soi phế quản;
  • Chụp X-quang ngực và cổ;
  • Xét nghiệm máu.
Hiện tượng trẻ thở rít là gì? Cách xử trí khi trẻ thở rít 4
Xét nghiệm máu sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân thở rít và tình trạng sức khỏe của trẻ

Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa vào kết quả thăm khám, nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng thở rít. Với các trẻ thở rít nhẹ, ba mẹ có thể chăm sóc trẻ tại nhà. Riêng với các trường hợp thở rít nghiêm trọng, trẻ có thể được yêu cầu điều trị nội trú để được theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định.

Nếu trẻ có dấu hiệu nhiễm khuẩn, phác đồ điều trị sẽ có thêm thuốc kháng sinh, truyền dịch hoặc hỗ trợ oxy trong một số trường hợp đặc biệt. Ngoài ra, nếu trẻ bị thở rít do khối u, dị vật thì có phải phẫu thuật để khai thông đường thở.

Hướng dẫn cách chăm sóc khi trẻ thở rít

Mặc dù trẻ có thể điều trị ngoại trú tại nhà trong các trường hợp nhẹ nhưng ba mẹ vẫn cần theo dõi sát sao để phát hiện sớm các triệu chứng bất thường. Khi chăm sóc trẻ bị thở rít, ba mẹ không nên chủ quan và cần lưu ý một số điều sau:

  • Nên cho trẻ ngủ ở tư thế nghiêng để không làm tình trạng tắc nghẽn thêm tồi tệ.
  • Vệ sinh mũi, họng cho bé bằng nước muối sinh lý. Việc này sẽ giúp trẻ dễ thở hơn, đồng thời phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng hô hấp.
  • Chia nhỏ bữa ăn để giảm tình trạng nôn trớ, giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn.
  • Cho trẻ bú mẹ để tăng cường sức đề kháng. Với trẻ ăn dặm cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất cần thiết.
  • Cho trẻ bú đúng tư thế sao cho đầu và thân cùng trên một đường thẳng, mặt quay vào bầu vú mẹ.
  • Cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh.

Trên đây là những thông tin chi tiết về hiện tượng thở rít ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Hy vọng bài viết này sẽ giúp ba mẹ có thêm kiến thức để nhận biết hiện tượng trẻ thở rít, từ đó có cách xử trí kịp thời khi trẻ có tiếng thở bất thường.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Mỹ Huyền

Đã kiểm duyệt nội dung

Tốt nghiệp Khoa Dược trường đại học Võ Trường Toản. Nhiều năm làm việc trong ngành Dược. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin