Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thở hổn hển là gì? Thở hổn hển dấu hiệu bệnh gì?

Ngày 30/04/2024
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cách thở bất thường thường là biểu hiện của các vấn đề về hô hấp. Vậy thế nào là thở hổn hển và đây thường là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì? Khi nào thở hổn hển cần đến gặp bác sĩ? Trong bài viết này, Nhà thuốc Long Châu sẽ cùng bạn tìm hiểu chi tiết về tình trạng thở hổn hển mà nhiều người đang gặp phải.

Thở hổn hển là cảm giác khó khăn khi thở, hít thở không sâu, cảm giác thở hụt hơi, thở gấp gáp, không thấy thoải mái khi thở. Tình trạng này có thể xảy ra cả khi thức lẫn khi ngủ và có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nếu muốn biết thở hổn hển là gì và đây có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh gì, đừng bỏ qua bài viết này bạn nhé!

Nguyên nhân gây thở hổn hển

Thở hổn hển là gì? Đây là kiểu thở mạnh, mệt nhọc, khó thở, không cảm thấy thoải mái khi thở. Hầu hết các trường hợp thở hổn hển kéo dài xuất phát từ nguyên nhân bệnh lý. Có thể kể đến các bệnh liên quan gây khó thở, thở hổn hển như:

Chứng ngưng thở khi ngủ

Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng khó thở, thở mệt nhọc khi nằm. Cổ họng giãn ra gây cản trở đường thở khiến hơi thở nông, ngắn thậm chí là tạm ngừng khi người bệnh nằm ngủ, nhất là khi nằm ngửa. Người bệnh thở mạnh khi ngủ khiến giấc ngủ rời rạc, không sâu, kém chất lượng vào ban đêm và dẫn đến tình trạng buồn ngủ vào ban ngày.

Thở hổn hển là gì? Thở hổn hển dấu hiệu bệnh gì nguy hiểm 1
Đa phần trường hợp thở hổn hển kéo dài đến từ nguyên nhân bệnh lý

Bệnh suy tim

Những người bị suy tim cấp tính, suy tim sung huyết cũng thường gặp triệu chứng khó thở, thở hổn hển. Nguyên nhân là do khi suy tim, tim không thể bơm máu được hiệu quả như bình thường nên nhịp thở nông, khó nhọc. Ngoài ra, bệnh còn gây triệu chứng mệt mỏi kéo dài, ho khan, phù chân và bụng…

Chứng thừa cân béo phì

Béo phì cũng dễ gây khó thở, nhất là khi nằm ngửa vì khi đó bụng và ngực bị chèn nén nên phổi không thể nở hết ra khi hít hở. Điều này khiến người thừa cân bị thở nông, thở hổn hển.

Ngoài ra, thở hổn hển dấu hiệu của một số vấn đề sức khỏe khác như:

  • Chứng rối loạn hoảng sợ khiến bệnh nhân trải qua cơn sợ hãi, hoảng loạn tột độ kéo dài trong vài phút. Khi đó, họ cũng sẽ thở mạnh, khó nhọc, không thể thở bình thường.
  • Bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có các túi khí của phổi bị tổn thương khiến ống thở bị thu hẹp và họ không thể hít thở một cách bình thường. Tình trạng thở khó nhọc có thể xảy ra cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi hoặc gắng sức. Ngoài ra, họ cũng gặp triệu chứng thở khò khè, nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp cũng là nguyên nhân gây khó thở. Tình trạng thở khó nhọc sẽ chấm dứt khi nhiễm trùng được kiểm soát.
Thở hổn hển là gì? Thở hổn hển dấu hiệu bệnh gì nguy hiểm 2
Thở khó nhọc kéo dài và tái phát thường xuyên làm suy giảm sức khỏe người bệnh

Khi thở hổn hển nên làm gì?

Khi thở hổn hển, khó thở nên làm gì là điều mà những người gặp tình trạng này luôn muốn biết. Một số mẹo bạn có thể áp dụng để cảm thấy dễ chịu hơn như:

Hít thở sâu bằng bụng có thể giúp kiểm soát triệu chứng thở khó nhọc. Với cách thở bụng, người bị khó thở cần hít sâu bằng mũi, bụng phình lên để chứa đầy không khí. Khi đó, họ cần nín thở, giữ không khí trong bụng vài giây rồi từ từ thở ra, thở chậm đến khi bụng và phổi xẹp hoàn toàn. Khi lặp lại động tác hít thở sâu này trong khoảng 5 - 10 phút, triệu chứng thở khó nhọc sẽ giảm dần. Tốt nhất, người bệnh nên lặp lại bài tập này hàng ngày và thực hiện vài lần mỗi ngày.

Khi bị khó thở, hầu hết mọi người sẽ phản ứng bằng cách há miệng ra để thở. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng họ nên thở theo cách ngược lại, đó là thở mím môi. Động tác mím môi sẽ giúp mở rộng đường thở hơn nên hít vào được nhiều khí hơn. Nhất là khi vận động nhiều, mang vác vật nặng, leo cầu thang, người bệnh càng nên thở mím môi.

Khi xuất hiện cơn thở hổn hển khó nhọc, người bệnh nên tìm cho mình một tư thế thoải mái như nằm hơi ngả trên ghế, nằm nghiêng, ngồi hơi cúi đầu về trước, ngồi tựa lưng vào tường… Tùy từng trường hợp cụ thể, người bệnh sẽ có tư thế nghỉ ngơi thích hợp cho riêng mình.

Thở hổn hển là gì? Thở hổn hển dấu hiệu bệnh gì nguy hiểm 3
Tập hít thở sâu bằng bụng rất hữu ích với người bị khó thở

Khi nào thở hổn hển là bình thường và khi nào cần cấp cứu y tế?

Trong cuộc sống cũng nhiều lúc chúng ta thở hổn hển như khi vừa hoạt động thể chất quá sức, vừa lao động nặng hay vừa tập thể dục, thể thao xong. Đây là những nguyên nhân không phải bệnh lý và không đáng ngại. Chỉ cần nghỉ ngơi ít phút là bạn có thể trở lại nhịp thở bình thường. 

Nhiều phụ nữ mang thai cũng hay thở hổn hển vì thai nhi lớn chèn ép các cơ quan bên trong bụng và trong lồng ngực khiến phổi không giãn nở hết sức mỗi khi hít thở. Ngoài ra, sự thay đổi về hormone bên trong cơ thể bà bầu cũng thúc đẩy việc tim phải làm việc nhanh hơn khiến họ thở gấp hơn.

Tuy nhiên, khi gặp các triệu chứng dưới đây, cách trị khó thở tại nhà không có tác dụng mà người bệnh cần được cấp cứu y tế:

  • Người bệnh khó thở nghiêm trọng, không thể nói chuyện hoặc nói bị ngắt quãng.
  • Khó thở kèm triệu chứng dị ứng như phát ban, mẩn ngứa, tức ngực, đổ mồ hôi nhiều.
  • Chóng mặt, sốt cao, mạch yếu, nhịp tim nhanh, thở gấp gáp.
  • Người bệnh bị choáng, ngất sau khi cơn khó thở, thở hổn hển ập đến. 
  • Thở hổn hển cả ngày lẫn đêm khiến sức khỏe bị suy giảm nghiêm trọng.

Nếu bạn hay người thân thở khó nhọc kèm những triệu chứng trên đây, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức. Khi được thăm khám và tìm ra nguyên nhân sớm, bệnh nhân có thể được điều trị kịp thời, hạn chế biến chứng nguy hiểm về sức khỏe. Triệu chứng thở khó nhọc kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh và việc điều trị cũng khó khăn, phức tạp hơn. 

Thở hổn hển là gì? Thở hổn hển dấu hiệu bệnh gì nguy hiểm 4
Nên đi khám để tìm ra bệnh lý gây thở hổn hển

Tóm lại, thở hổn hển khó nhọc không hề dễ chịu và trạng thái này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh về lâu dài. Khi cảm thấy khó thở, thở mệt nhọc mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đi khám sớm để được bác sĩ tư vấn cách khắc phục hiệu quả nhất. Việc đi khám sớm cũng giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh lý về hô hấp hay tim mạch nếu có. 

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm