Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hiểu rõ về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả

Ngày 06/08/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh chàm sinh dục là một dạng bệnh chàm da xuất hiện ở vùng kín, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Căn bệnh này phát triển ở vùng nhạy cảm, dẫn đến việc nhiều bệnh nhân ngại ngần không đến cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tuy nhiên, việc trì hoãn điều trị có thể làm tình trạng bệnh nặng hơn và trở thành mãn tính. Để hiểu rõ hơn về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả, cùng theo dõi bài viết dưới đây để có thêm nhiều thông tin hữu ích về vấn đề trên. 

Tìm hiểu về chàm sinh dục

Chàm sinh dục là gì?

Chàm sinh dục là một loại bệnh viêm da do cơ địa, thường xuất hiện tại vùng nhạy cảm gây ra những triệu chứng như da đỏ ngứa, nổi mẩn li ti, lan rộng ngày càng nhiều. Bệnh này có thể xảy ra ở cả nam và nữ, nhưng thống kê cho thấy nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, đặc biệt là ở vùng bìu.

Giai đoạn mãn tính của chàm sinh dục dễ gây ra tình trạng dày da, tróc vảy nhiều hơn. Bệnh có xu hướng tái phát nhiều lần, gây ngứa mạnh và khiến người bệnh thường cảm thấy khó chịu. Việc gãi da có thể dẫn đến viêm nhiễm và nổi mụn mủ.

Vì chàm sinh dục xuất hiện ở vùng nhạy cảm, nhiều người cảm thấy xấu hổ và không muốn đi đến phòng khám, điều này khiến bệnh diễn tiến nhanh chóng và gặp khó khăn trong việc điều trị. Nhiều trường hợp người bệnh đã phải đối mặt với những tình huống nguy hiểm khi không chữa bệnh kịp thời hoặc điều trị sai cách.

Hiểu rõ về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả 1
Chàm sinh dục là gì?

Nguyên nhân gây ra bệnh chàm sinh dục

Bệnh chàm sinh dục hiện tại vẫn chưa rõ nguyên nhân chính gây bệnh. Tuy nhiên, dưới đây là một số yếu tố thường gặp có thể kích hoạt sự xuất hiện của bệnh:

  • Vệ sinh không đúng cách: Không duy trì vệ sinh vùng kín sạch sẽ và khô thoáng có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh phát triển.
  • Tiếp xúc với hóa chất độc hại: Sử dụng các sản phẩm hóa chất như chất tẩy rửa, nước hoa, thuốc nhuộm có thể gây kích ứng và làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Quần áo không phù hợp: Mặc quần áo chật, đặc biệt là quần lót, có thể tạo sự bí bách và cọ xát vào vùng kín, gây tổn thương da.
  • Khí hậu nóng bức: Khí hậu quá nóng bức cũng có thể gây kích hoạt bệnh do vùng kín dễ bị đổ mồ hôi và ẩm ướt.
  • Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc điều trị khác có thể tác động lên hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ bị bệnh chàm sinh dục.

Ngoài các nguyên nhân trên, còn có một số yếu tố khác cũng có thể đẩy nguy cơ mắc bệnh tăng lên như do di truyền, cơ địa mẫn cảm, rối loạn chức năng miễn dịch, tình trạng căng thẳng, mệt mỏi…

Tuy nguyên nhân và yếu tố gây bệnh chàm sinh dục chưa được xác định rõ ràng nhưng việc giữ vệ sinh và chăm sóc da đúng cách, cùng với việc tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh.

Hiểu rõ về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả 2
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chàm sinh dục

Triệu chứng và diễn tiến phát triển của chàm sinh dục

Bệnh chàm sinh dục có diễn biến kéo dài và thường tái phát nhiều đợt, phân thành 4 giai đoạn chính như sau:

  • Giai đoạn đỏ da: Giai đoạn đầu tiên của bệnh, vùng da sinh dục xuất hiện các vết đỏ, hơi nề, cộm, gây ngứa. Trên da đỏ, có những mụn nước nhỏ lấm tấm, tạo cảm giác như hạt kê. Những mụn này thực chất là những mụn nước từ dưới đòn lên trên.
  • Giai đoạn mụn nước: Trong giai đoạn này, mụn nước xuất hiện nhiều và lan rộng khắp bề mặt tổn thương. Các mụn nước nhỏ, kích thước khoảng 1-2 mm, xuất hiện từ lớp này đến lớp khác. Nếu gãi nhẹ, các mụn này sẽ chảy dịch kéo dài, tạo ra vết trợt nhỏ giống kim châm, màu đỏ và rỉ dịch. Nếu bị nhiễm khuẩn thứ phát, các mụn sẽ có mủ và bám vào các vảy da tiết.
  • Giai đoạn mọc da non: Tổn thương giảm viêm, xung huyết, và chảy dịch. Vết trợt khô, đóng vẩy thành một lớp da nhẵn bóng như vỏ hành, hơi nhiễm cộm và sẫm màu so với vùng da bên cạnh.
  • Giai đoạn liken hóa, hằn cổ trâu: Đây là giai đoạn mạn tính. Bệnh tiến triển lâu ngày, da ngày càng sẫm màu, tăng nhiễm cộm, trở nên xù xì, thô ráp và cứng cộm, nổi lên các vết hằn da, giữa các hằn da là các sần dẹt. Đây là quá trình liken hóa.

Bệnh nhân mắc chàm sinh dục thường trải qua triệu chứng ngứa kéo dài và dai dẳng. Tổn thương ban đầu có thể xuất hiện ở một vùng da nhất định trên bộ phận sinh dục, nhưng nếu gặp tác động liên tục, tổn thương có thể lan rộng ra toàn bộ da vùng kín. Tác động này có thể khiến tổn thương lan rộng ra các vùng da lân cận như bẹn, đùi, lưng, mông... Tùy thuộc vào thể thức của bệnh, vùng da sinh dục có thể trở nên phù nề, lở trợt, nứt, chảy dịch (ở thể ướt) hoặc thô ráp, cứng, sẫm màu, giảm sắc tố hơn so với bình thường hoặc có thể da bị teo nhẹ (ở thể khô).

Hiểu rõ về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả 3
Tiến triển của bệnh chàm sinh dục

Điều trị chàm sinh dục như thế nào?

Điều trị bệnh chàm sinh dục cần phải bắt đầu từ việc sớm phát hiện các triệu chứng và được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa. Điều này sẽ giúp việc chữa trị trở nên đơn giản hơn, tránh phát sinh những vấn đề không mong muốn.

Phương pháp điều trị thông dụng nhất cho bệnh chàm sinh dục là sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ xem xét mức độ tổn thương trên da để kê toa các loại thuốc phù hợp. Điển hình các nhóm thuốc thường được kê đơn như:

  • Thuốc điều trị tại chỗ: Đây là nhóm thuốc thông dụng nhất trong điều trị bệnh chàm sinh dục. Tùy vào triệu chứng và từng cá thể mà bác sĩ có thể kê các loại thuốc sau: Thuốc ức chế calcineurin (Pimecrolimus, Tacrolimus) hay nhóm thuốc chứa steroid (Eumovate, Sylana, Fucicort, Elomest).
  • Thuốc kháng Histamine: Nhóm thuốc này giúp giảm triệu chứng ngứa ngáy và khó chịu của bệnh, đặc biệt khi có yếu tố gây dị ứng gây nên. Một số thuốc kháng Histamine thông dụng: Loratadine, Terfenadine, Acrivastine, Fexofenadine, Astemizole, Cetirizine…
  • Thuốc ức chế miễn dịch và kháng sinh: Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể chỉ định các thuốc ức chế miễn dịch để giảm triệu chứng của bệnh chàm sinh dục. Đồng thời, nếu có nhiễm trùng hoặc dịch mủ, sẽ cần sử dụng các loại kháng sinh. Một số loại thuốc thông dụng: Cyclosporine, Prednisone, Methotrexate, Mycophenolate mofetil, Azathioprine, Chlorpheniramine…
  • Thuốc tiêm: Loại thuốc này sẽ được chỉ định trong các trường hợp cụ thể như cơ thể không đáp ứng với các thuốc uống hoặc triệu chứng phức tạp nặng nề. Dupixent là một trong số các loại thuốc tiêm được sử dụng, nhưng cần được bác sĩ cân nhắc kỹ lưỡng trước khi chỉ định, vì dễ phát sinh các tác dụng không mong muốn.
Hiểu rõ về bệnh chàm sinh dục và cách điều trị hiệu quả 4
Thận trọng khi bôi thuốc trị chàm sinh dục

Vùng da sinh dục rất nhạy cảm nên bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc bôi. Tránh bôi quá dày hoặc thoa thuốc với lực tay quá mạnh. Đối với bệnh chàm sinh dục trong quá trình điều trị, luôn cần tuân thủ đúng kế hoạch và hướng dẫn từ bác sĩ. Tránh tự ý dùng thuốc hay sử dụng không đúng cách, vì có thể gây ra những vấn đề nguy hiểm không mong muốn.

Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm