Nhiều người có quan niệm rằng hiện tượng trào ngược dạ dày thường chỉ xuất hiện ở người trưởng thành do các vấn đề về sức khỏe dạ dày hoặc thói quen ăn uống không tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không ít trẻ 2 tháng tuổi cũng mắc phải tình trạng này.
Vấn đề trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Để hiểu rõ hơn về tình trạng này của trẻ và có cách điều trị hiệu quả, bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin hữu ích cho các bậc cha mẹ. Mời bạn đọc đón xem!
Trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi
Trào ngược dạ dày là gì?
Trào ngược dạ dày là hiện tượng mà axit dạ dày bất ngờ trào ngược lên thực quản, ống tiêu hóa nối miệng với dạ dày. Kết quả của việc này là gây ra cảm giác ợ nóng, trào ngược, đầy bụng, gây khó chịu cho cơ thể. Tình trạng trào ngược dạ dày thường xảy ra sau bữa ăn hoặc khi thực quản bị tổn thương, diễn ra ở mọi độ tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến người lớn. Ở trẻ em, hiện tượng này có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, viêm thực quản và các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp.
Nguyên nhân gây trào ngược dạ dày ở trẻ
Các nguyên nhân chính gây ra tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh có thể xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau như:
Hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện: Trẻ 2 tháng tuổi thường dễ mắc phải tình trạng trào ngược dạ dày vì hệ tiêu hóa vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Dạ dày của trẻ nằm ngang và nối liền với thực quản, dẫn đến khả năng thức ăn và dịch dạ dày bị đẩy lên cổ họng. Khi bé bú, hành động nuốt hơi có thể gây nôn trớ thức ăn.
Hoạt động vòng cơ thực quản - dạ dày: Cơ thắt thực quản dưới là một cơ quan quan trọng giữ thức ăn ở trong dạ dày. Ở trẻ 2 tháng tuổi, cơ này chưa hoàn thiện, dẫn đến khả năng trào ngược dạ dày thực quản. Điều này thường xảy ra trong giai đoạn 1 - 3 tháng tuổi khi cơ thắt thực quản chưa hoạt động đúng chức năng.
Hẹp môn vị: Môn vị là cửa nối giữa dạ dày và ruột non. Khi môn vị bị hẹp, thức ăn từ dạ dày gặp khó khăn khi đi vào ruột non. Điều này dẫn đến ứ đọng thức ăn và dịch dạ dày trong dạ dày, có thể gây ra trạng thái trào ngược thực quản khi chất dịch từ dạ dày trào ngược lên thực quản.
Chứng không dung nạp thực phẩm: Trẻ sơ sinh thường gặp phải vấn đề không dung nạp thực phẩm đối với một số loại protein có trong sữa bò. Khi uống sữa bò, trẻ thường có thể nôn trớ hoặc trào ngược thức ăn từ dạ dày lên thực quản.
Viêm thực quản do dị ứng: Viêm thực quản do dị ứng là một vấn đề hiếm gặp, nhưng cũng có thể gây ra trào ngược dạ dày ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân của vấn đề này liên quan đến tế bào bạch cầu tích tụ gây tổn thương niêm mạc thực quản, gây sưng và kích thích việc trào ngược thực quản.
Khi trẻ sơ sinh gặp vấn đề trào ngược dạ dày, đặc biệt là do các bệnh lý như trên, phụ huynh cần lưu ý rằng tình trạng này có thể xảy ra thường xuyên và kéo dài, gây ra các triệu chứng khác nhau. Trong trường hợp này, việc đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và tìm nguyên nhân bệnh lý là rất quan trọng. Việc xác định nguyên nhân giúp quyết định phương pháp điều trị thích hợp nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Làm sao để nhận biết trẻ 2 tháng tuổi bị trào ngược dạ dày?
Sự phân biệt giữa tình trạng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi và triệu chứng nôn trớ thông thường có những đặc điểm khác biệt sau đây:
Trẻ bị tình trạng trào ngược dạ dày thường có khuynh hướng ói và ọc sữa thường xuyên sau khi ăn. Trong một số trường hợp, sữa có thể gây trào ngược qua miệng hoặc mũi của bé.
Sợ bú, thường quấy khóc một cách không rõ ràng và thường hay thức dậy ban đêm. Những hành vi này thường được gắn liền với tình trạng trào ngược.
Các triệu chứng khò khè, viêm phổi lặp lại và thậm chí gây khó thở, tím tái có thể xuất hiện ở trẻ bị trào ngược dạ dày, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của bé.
Nguy hiểm hiểm, một số trẻ có triệu chứng ngừng thở, đe dọa tính mạng của bé mà nguyên nhân có thể đến từ tình trạng trào ngược dạ dày.
Những dấu hiệu này giúp phụ huynh phân biệt giữa tình trạng trào ngược dạ dày do bệnh lý gây ra và trào ngược do sinh lý. Trong trường hợp trào ngược sinh lý, triệu chứng thường là những cơn nôn trớ tạm thời, không xảy ra thường xuyên và không ảnh hưởng đáng kể đến sức khỏe của bé.
Cách chăm sóc trẻ 2 tháng tuổi bị trào ngược dạ dày
Để giảm thiểu tình trạng trào ngược dạ dày, bố mẹ cần hiểu rõ và áp dụng các biện pháp chăm sóc phù hợp tùy theo mức độ của bệnh. Phương pháp chăm sóc được chia thành hai loại tùy thuộc vào trào ngược dạ dày do sinh lý và trào ngược dạ dày do bệnh lý.
Chăm sóc cho trẻ bị trào ngược dạ dày do sinh lý
Bố mẹ cần lưu ý một số thao tác như sau khi chăm sóc cho trẻ bị trào ngược do sinh lý:
Khi cho trẻ bú trực tiếp, mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng sang bên phải hạn chế trào ngược. Đảm bảo cho trẻ bú đúng nguyên tắc trái trước - phải sau để tăng quá trình tiêu hóa. Khi đã cho trẻ bú đủ thì mẹ có thể đặt trẻ nằm nghiêng sang trái.
Khi cho trẻ bú bình, ba mẹ nên đặt bình ở vị trí thích hợp để đầu núm vú chứa đầy sữa. Tránh cho trẻ bú khi trẻ đang khóc vì điều này có thể làm tăng áp lực trong dạ dày.
Khi vỗ ợ hơi cho trẻ thì hãy đặt trẻ áp sát vào ngực của mẹ và vỗ nhẹ lưng để giúp trẻ loại bỏ không khí trong dạ dày.
Chia nhỏ các bữa ăn trong ngày và duy trì tư thế đầu cao hơn thân để giúp tiêu hóa dễ dàng hơn.
Không cho trẻ mặc quần áo quá chật, tránh tạo áp lực trong khoang bụng để giải quyết tình trạng táo bón cho trẻ, hạn chế các yếu tố gây căng thẳng như ho.
Chăm sóc cho trẻ bị trào ngược dạ dày do bệnh lý
Tuy nhiên, nếu trẻ mắc trào ngược dạ dày do bệnh lý thì ba mẹ cần lưu ý như sau:
Nếu trẻ có triệu chứng như nôn trớ sau khi ăn, thường xuyên quấy khóc và chán ăn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện để được khám và điều trị.
Trào ngược dạ dày do bệnh lý có nguyên nhân đa dạng và yếu tố cơ địa của trẻ nên cần kê đơn thuốc phù hợp. Ở trẻ 2 tháng tuổi, có thể sử dụng nhóm thuốc giảm tiết axit dạ dày như ranitidine. Ba mẹ không nên tự ý mua thuốc khi chưa có chỉ định từ bác sĩ.
Khi trẻ có những triệu chứng nghiêm trọng như suy dinh dưỡng, khó thở, không tăng cân, ba mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện để các bác sĩ thực hiện các xét nghiệm như siêu âm, xét nghiệm máu, phân tích nước tiểu và đo độ pH thực quản.
Tóm lại, để cải thiện triệu chứng trào ngược dạ dày ở trẻ 2 tháng tuổi, bố mẹ cần phân biệt và áp dụng các biện pháp thích hợp tùy theo loại trào ngược, mức độ của bệnh. Trong trường hợp trẻ có triệu chứng nghiêm trọng, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
Có thể bạn quan tâm
Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm
Tốt nghiệp loại giỏi trường Đại học Y Dược Huế. Từng tham gia nghiên cứu khoa học đề tài về Dược liệu. Nhiều năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực Dược phẩm. Hiện đang là giảng viên cho Dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu.